‘Mắt thần’ ở Biển Đông: Việt Nam chuẩn bị thử nghiệm vệ tinh NanoDragon

© Depositphotos.com / RottenmanVệ tinh trên hành tinh trái đất.
Vệ tinh  trên hành tinh trái đất. - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.03.2021
Đăng ký
NanoDragon là vệ tinh lớp nano ‘Made in Vietnam’ do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) phát triển, chuẩn bị được thử nghiệm và dự kiến sẽ phóng lên vũ trụ vào tháng 9/2021 tới đây.

Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam sẽ là ‘mắt thần’ ở Biển Đông, được sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển khi tích hợp bộ thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy.

Việt Nam chuẩn bị thử nghiệm vệ tinh NanoDragon

NanoDragon, vệ tinh siêu nhỏ lớp nano, do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) phát triển chuẩn bị được thử nghiệm và phóng lên vũ trụ vào thời gian tới với sự hỗ trợ của Cơ quan Nghiên cứu Hàng không – Vũ trụ Nhật Bản (JAXA).

Trao đổi với báo chí, PGS, TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cung cấp nhiều thông tin đáng chú ý liên quan đến quá trình phát triển, thử nghiệm và chuẩn bị đưa vệ tinh NanoDragon của Việt Nam lên quỹ đạo.

© Ảnh : Nguyễn Thắng - TTXVNThứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.
‘Mắt thần’ ở Biển Đông: Việt Nam chuẩn bị thử nghiệm vệ tinh NanoDragon - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.03.2021
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn thông tin vui cho biết, sáng nay, ngày 3/3, vệ tinh “made in Việt Nam” NanoDragon (NDG) đã được đóng gói để gửi sang Học viện Công nghệ Kyushu, Nhật Bản.

Theo đó, vệ tinh NanoDragon của Việt Nam sẽ trải qua quy trình kiểm tra kỹ lưỡng trước khi phóng lên quỹ đạo vào tháng 9/2021. Đáng chú ý, đợt phóng vệ tinh nano siêu nhỏ này cũng đúng vào dịp 10 năm thành lập Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC).

Theo thông tin từ Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, tại Học viện Công nghệ Kyushu, Nhật Bản, vệ tinh NanoDragon sẽ được các chuyên gia thử nghiệm rung động, sốc và nhiệt chân không. PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho biết, đây cũng là bước cuối cùng trong việc phát triển phần cứng vệ tinh.

Với việc chuẩn bị thử nghiệm vệ tinh NanoDragon, VNSC đã chứng minh cho thành tựu khoa học, tài năng, khối óc và tinh thần nghiên cứu góp phần tạo bước phát triển mới trong tiến trình làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh siêu nhỏ, khám phá vũ trụ của Việt Nam.

Việt Nam muốn làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát Trái Đất

TS. Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết, vệ tinh NanoDragon nặng khoảng 4 kg, dạng siêu nhỏ (cubesat).

  Lễ ký kết gói thầu “Vệ tinh LOTUSat-1, thiết bị và đào tạo nhân lực”.  - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.10.2019
Việt Nam lần đầu tiên chế tạo vệ tinh radar
NanoDragon được chính các chuyên gia, kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) phát triển. TS. Lê Xuân Huy cho hay, việc phát triển vệ tinh siêu nhỏ NanoDragon chính là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” của Việt Nam.

Được biết, đề tài mà TS. Lê Xuân Huy nhắc đến thuộc “Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020” mà các cơ quan chức năng của Việt Nam hướng tới.

“Việc phát triển vệ tinh NanoDragon tại Việt Nam là để hướng tới mục tiêu làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất”, TS Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nêu rõ.

Lãnh đạo VNSC cũng khẳng định, quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam, do chính các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thực hiện.

“Toàn bộ cấu trúc cơ khí và mạch phân phối nguồn của vệ tinh cũng được tự chế tạo tại Việt Nam”, TS. Lê Xuân Huy nhấn mạnh.

Đại diện VNSC cho hay, vệ tinh NanoDragon đã được được hoàn thiện xong, được tích hợp, thử nghiệm chức năng ở mức hệ thống. Nghĩa là các thành phần của vệ tinh NanoDragon đã được kết nối hoàn chỉnh, chuyển sang bước thử nghiệm tổng thể tại Nhật Bản.

© Ảnh : Vietnam National Space Center Vệ tinh NanoDragon.
‘Mắt thần’ ở Biển Đông: Việt Nam chuẩn bị thử nghiệm vệ tinh NanoDragon - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.03.2021
Vệ tinh NanoDragon.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn và TS. Lê Xuân Huy cũng thông tin thêm về việc vệ tinh NanoDragon của Việt Nam sẽ được gửi sang Học viện Công nghệ Kyushu, Nhật Bản ngày 3/3 để thử nghiệm môi trường (giả lập môi trường phóng và môi trường vũ trụ).

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các cán bộ, sỹ quan chỉ huy của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.  - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.07.2019
Thủ tướng Việt Nam nói chuyện với Cảnh sát biển qua vệ tinh

Theo đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên quá trình thử nghiệm được thực hiện bởi một cán bộ VNSC hiện đang làm nghiên cứu sinh tại Học viện Công nghệ Kyushu phối hợp với các cán bộ trong nước thông qua hình thức trực tuyến.

Các lãnh đạo của VNSC cho biết, thử nghiệm rung động, sốc và nhiệt chân không tại Nhật Bản là bước cuối cùng trong việc phát triển phần cứng vệ tinh.

“Sau khi thử nghiệm xong, vệ tinh sẽ được đưa trở lại Việt Nam để chờ phóng, trong lúc đó sẽ không được tháo lắp hay thay đổi gì về phần cứng nữa mà sẽ chỉ có tối ưu và hoàn thiện phần mềm bay cho vệ tinh”, đại diện Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thông tin.

Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, dự kiến vệ tinh NanoDragon sẽ được phóng bởi tên lửa Epsilon của Nhật Bản theo chương trình “Innovative satellite technology demonstration (ISTD) ” vào tháng 9 tới hoàn toàn miễn phí.

Trước đó, Cơ quan Nghiên cứu Hàng không – Vũ trụ Nhật Bản đã thông báo lựa chọn NanoDragon của Việt Nam là một trong 15 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo vào năm 2021. Hoạt động này nằm trong chương trình chùm vệ tinh thử nghiệm công nghệ lần thứ hai của Nhật Bản.

Vệ tinh NanoDragon là ‘mắt thần’ trên biển của Việt Nam?

Theo thông tin từ lãnh đạo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, vệ tinh NanoDragon của Việt Nam dự kiến sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO) ở độ cao khoảng 520 km.

Vệ tinh NanoDragon “made in Vietnam” sẽ có hai nhiệm vụ chính. Theo VNSC, thứ nhất là tích hợp một bộ thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển. Như vậy, có thể đánh giá, NanoDragon hoạt động giống như “mắt thần” quan sát ở Biển Đông.

Vụ phóng vệ tinh - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.06.2019
Việt Nam sẽ phóng thêm 3 vệ tinh lên không gian đến năm 2022

Trên thực tế, ở một quốc gia như Việt Nam, việc làm chủ công nghệ vệ tinh có ý nghĩa thực tiễn hết sức quan trọng. Với vị trí địa lý đặc thù, Việt Nam được nhận định là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh từ quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu.

Chưa nói đến việc “thăm dò, giám sát” tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, từ vùng biển này, hàng năm, Việt Nam cũng phải hứng chịu hàng loạt cơn bão, đối mặt với nhiều nguy cơ thiên tai bão lũ nghiêm trọng.

Ngoài ra, quốc gia Đông Nam Á này cũng thường xuyên phải trải qua nhiều trận lũ quét, sạt lở đất, sự cố môi trường, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nhiều thống kê cho thấy, thiên tai, thảm họa có thể gây thiệt hại khoảng 1,5% GDP, tương đương 3,2 tỷ USD mỗi năm.

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ NASA từng có thống kê cho thấy, việc sử dụng dữ liệu vệ tinh có thể giúp các quốc gia giảm từ 5-10% tổng thiệt hại do thiên tai gây ra (tức vào mức 0,05% GDP). Do đó, việc Việt Nam làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, vận hành vệ tinh sẽ giúp chủ động hơn trong việc khai thác nguồn ảnh, không phụ thuộc vào cơ quan nước ngoài, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp.

Về nhiệm vụ thứ hai của NanoDragon, theo đại diện VNSC chính là sử dụng một thiết bị chụp ảnh quang học để xác thực chất lượng bộ điều khiển tư thế vệ tinh khi hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất.

Cùng với quá trình phát triển vệ tinh, việc thiết kế, xây dựng và lắp đặt trạm vận hành vệ sinh sau khi phóng cũng đang được các chuyên gia Việt Nam thực hiện. Được biết, trạm mặt đất này đang chuẩn bị hoàn thành phần lắp đặt tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và chuẩn bị chuyển sang vận hành thử nghiệm.

Hàng loạt dự án công nghệ hàng không – vũ trụ đáng chú ý của Việt Nam

Thực tế, NanoDragon chỉ là bước tiếp theo trong tiến trình làm chủ công nghệ vệ tinh của Việt Nam. Trước đó, Việt Nam đã chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ như PicoDragon (1kg).

Được biết, các cán bộ, chuyên gia của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam VNSC, dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của các đồng nghiệp, giới nghiên cứu Nhật Bản đã chế tạo thành công vệ tinh Micro Dragon (50kg).

Vệ tinh MicroDragon của Việt Nam được phóng lên từ tên lửa Epsilon số 4 của Nhật Bản và đã tách thành công khỏi tên lửa - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.02.2019
Phút ‘nín thở’ khi vệ tinh của Việt Nam bay vào quỹ đạo

Ngày 18/1/2019, vệ tinh MicroDragon của Việt Nam cũng đã được phía Nhật Bản phóng miễn phí lên vũ trụ và hoạt động thành công trên quỹ đạo sau khi tách thành công khỏi tên lửa Epsilon số 4.

Với việc phóng thành công MicroDragon, Việt Nam đã bước đầu làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ 50kg.

Trước đó, Việt Nam cũng đã tiến hành đã ký kết gói thầu “Vệ tinh LOTUSat-1, thiết bị và đào tạo nhân lực” với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản).

Vệ tinh LOTUSat-1(hay còn được biết đến là JV-LOTUSat), có khối lượng khoảng 570kg, sử dụng công nghệ radar và có khả năng chụp ảnh Trái Đất với độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày lẫn đêm.

Các dự án như LOTUSat-1 cũng được đánh giá là có ý nghĩa trong công tác đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao về công nghệ hàng không – vũ trụ, giúp Việt Nam từng bước tiếp cận và làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh có các khối lượng khác nhau, từ lớn đến siêu nhỏ.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала