Sau 25 năm, Hồng Kông mất top đầu Chỉ số tự do kinh tế
Mới đây, Quỹ Di sản đã công bố bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 (Index of Economic Freedom 2021). Theo đó, tổng điểm của Việt Nam năm nay tăng 2,9 điểm, chủ yếu do sức khỏe tài chính được cải thiện. Đây cũng là năm đầu tiên kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình” (Moderately Free), tăng 15 bậc so với năm ngoái, từ nhóm được xem là hầu như không tự do kinh tế.
Nguyên nhân chỉ số này của nền kinh tế Việt Nam thăng hạng là do tình hình tài chính trong nước được cải thiện. Việt Nam đứng thứ 17 trong số 40 nền kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và điểm tổng thể của Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới. Quỹ Di sản nhận định, thứ bậc xếp hạng của Việt Nam có thể tăng hơn nữa nếu Chính phủ có hành động bổ sung để tự do hóa các quy tắc đầu tư và lĩnh vực tài chính.
Taiwan is ranked the 6th freest economy in the world and 4th in Asia in the 2021 Index of Economic Freedom published by @Heritage Foundation. https://t.co/1XHWtNEzdn pic.twitter.com/nPY3LdWEhJ
— Taiwan in Toronto (@TECO_Toronto) March 4, 2021
Trong bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế năm 2021, Singapore đang là nước dẫn đầu, 9 nước/vùng lãnh thổ liền sau đó là: New Zealand, Úc, Thụy Sĩ, Ireland, Đài Loan, Anh, Estonia, Canada, và Đan Mạch.
Đáng chú ý, Đài Loan (Trung Quốc) đạt được thứ hạng tốt nhất từ trước đến nay trong lịch sử 27 năm của Chỉ số tự do kinh tế, tăng 5 bậc lên vị trí thứ sáu trong tổng số 184 nền kinh tế. Với số điểm 78,6/100, tăng 1,5 điểm so với chỉ số năm 2020, Đài Loan được xếp vào loại “gần như tự do” cùng với 78 nền kinh tế khác, trước Nhật Bản ở vị trí thứ 23 và Hàn Quốc ở vị trí thứ 24. Trung Quốc đứng ở vị trí 107.
Theo Quỹ Di sản, Hồng Kông từng được liên tục xếp hạng là nền kinh tế tự do nhất thế giới kể từ năm 1995 cho tới khi Singapore đoạt ngôi này năm 2020 do những bất ổn tăng cao liên quan tới phong trào biểu tình phản đối dự luật an ninh mới của Bắc Kinh. Mặc dù thừa nhận Hồng Kông và Macau là các đặc khu hành chính và được hưởng những chính sách kinh tế đặc biệt, tự do hơn những nơi khác của Trung Quốc, song Quỹ Di sản cho rằng các diễn biến trong những năm qua cho thấy những chính sách kinh tế tại hai nơi này đã do Bắc Kinh kiểm soát ở mức cao nhất.
VEPR dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2021 đạt 5,6-5,8%
Theo Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý IV và cả năm 2020 do Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) công bố vào tháng 2/2021, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương trong quý IV/2020, đạt 4,48%. VEPR nhận định đây là “điểm sáng trong khu vực”, thuộc nhóm tốt nhất so với các nước trong khu vực và thế giới.
Những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng bao gồm: Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh từ giai đoạn sớm giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước, kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại.
Đồng thời, tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn; làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại nhằm phân tán rủi ro từ cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức chấp nhận được, tạo môi trường cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.
Tuy vậy, VEPR cũng chỉ ra những rủi ro và thách thức của Việt Nam trong một môi trường kinh tế thế giới bất trắc. Cụ thể, sự tái bùng phát của Covid-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa tiếp tục kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng trong năm 2021 khiến sức chịu đựng của doanh nghiệp ngày càng yếu hơn; xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ.
Bên cạnh đó, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, còn chậm cho hiệu quả quản lý thấp; sức khỏe hệ thống ngân hàng - tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương; sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI, thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu; chất lượng lao động thấp và chậm cải thiện.
Ngoài ra, hiệu quả đầu tư công thấp và tình trạng nhũng nhiễu của bộ máy công quyền còn nặng nề; tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước bị ngưng trệ, môi trường và thể chế kinh doanh dù từng bước được cải thiện nhưng về căn bản chưa giải phóng được sức mạnh của doanh nghiệp.
Với điều kiện dịch Covid-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ, VEPR dự báo “kịch bản cơ sở” kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 5,6-5,8%.