Trung Quốc đã xâm lược, chiếm đảo của Việt Nam ở Biển Đông. Cuộc thảm sát Gạc Ma giúp Việt Nam hiểu rõ Trung Quốc, biết ai là bạn – thù – đối tác. Thế giới cần phải biết sự thật lịch sử về cuộc xâm lược chiếm Gạc Ma và ‘bộ mặt thật’ hung tàn của Bắc Kinh.
Theo nhiều chuyên gia, để cuộc thảm sát Gạc Ma không bao giờ lặp lại, Việt Nam cần tăng cường nội lực, giàu kinh tế, mạnh về quân sự, vững quốc phòng, đặc biệt là không để bị cô lập. Phải làm sao để không thế lực nào có thể “động vào” Việt Nam.
Sự thật lịch sử về “cuộc thảm sát” Gạc Ma 1988
Ngày 14/3/1988, Trung Quốc cho tàu hộ vệ tên lửa, đem quân tấn công, đổ bộ xâm chiếm cụm đá Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lính Trung Quốc đã bắn chìm hai tàu vận tải HQ 604 và HQ 605, thảm sát 64 chiến sĩ, chiếm bãi đá Gạc Ma của Việt Nam.
Hãy nhìn lại toàn cảnh lịch sử vụ thảm sát Gạc Ma, nơi máu của những người lính đã đổ để bảo vệ lá cờ thiêng liêng, từng mảnh đất, hạt cát, vùng biển của Tổ quốc.
Gạc Ma là sự thật lịch sử. Theo các nhà sử học, chuyên gia nghiên cứu lịch sử của Việt Nam, nhắc lại thảm sát Gạc Ma, hải chiến Trường Sa 1988 không phải để kích động hận thù, làm sứt mẻ mối quan hệ hữu nghị láng giềng với Trung Quốc.
Nói đến Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao là để cả thế giới biết rõ “bộ mặt thật” của Bắc Kinh, hiểu đầy đủ, chính xác những hành động hung tàn mà Hải quân Trung Quốc đã làm đối với những người lính Việt Nam. Bàn về Gạc Ma là để nhắc nhở thế hệ trẻ về công cuộc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, dùng máu xương và cả linh hồn để giữ lấy đất mẹ, biển trời Việt Nam.
Đầu tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc huy động lực lượng hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa.
Trước tình hình đó, Hải quân Việt Nam xác định Gạc Ma là đảo có vị trí đặc biệt quan trọng, nếu để Trung Quốc chiếm đóng sẽ khống chế tuyến đường qua lại tiếp tế của Việt Nam cho các hòn đảo khác của mình. Chính vì thế, phải quyết tâm đóng giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
Ngày 12/3/1988, tàu 605 (thuộc Lữ đoàn 125) do đồng chí Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng đã xuất phát từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao, cắm cờ Tổ quốc lên đảo (vào ngày 14/3/1988), qua đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam.
Đến 13/3/1988, tàu HQ 604 do đồng chí Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng và tàu HQ 505 do đồng chí Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng cũng xuất phát từ đảo Đá Lớn tiến về Gạc Ma và Cô Lin. Cùng phối hợp có hai phân đội công binh (70 người) thuộc Trung đoàn 83, 4 tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146, do đồng chí Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn đo đạc và biên vẽ bản đồ (Bộ Tổng Tham mưu).
Tàu Việt Nam vừa thả neo được 30 phút thì tàu hộ vệ Trung Quốc tiến đến Gạc Ma. Tàu Trung Quốc áp sát tàu 604, vừa khiêu khích vừa uy hiếp. Tuy vậy, thủy thủ hai tàu 604 và 605 vẫn quyết tâm kiên trì neo giữ quanh đảo.
Đến 21 giờ ngày 13/3, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân chỉ thị các đồng chí Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội quyết giữ vững các đảo Gạc Ma, Cô Lin, đồng thời thả xuồng máy, xuồng nhôm, chuyển vật liệu làm nhà lên đảo ngay trong đêm 13/3. Tàu 604 cùng chiến sĩ Trung đoàn 83 chuyển vật liệu lên đảo Gạc Ma. Sau đó, Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Tổ quốc và triển khai 4 tổ bảo vệ đảo.
Phía Trung Quốc sau đó điều thêm hai tàu hộ vệ mang theo pháo 100 ly đến khu vực đảo Gạc Ma. Lúc 6 giờ ngày 14/3, tàu Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo nhằm giật cờ Việt Nam. Thấy vậy, Thiếu úy Trần Văn Phương, Hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội đã dũng cảm giành lại cờ.
Binh sĩ Trung Quốc sau đó nổ súng khiến Thiếu úy Trần Văn Phương hy sinh, Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị thương. Không khiếp sợ, bộ đội Việt Nam vẫn kiên cường đấu tranh bảo vệ đảo đến cùng.
Thấy không ép được quân nhân Việt Nam rút khỏi đảo, 7 giờ 30 phút ngày 14/3, hai tàu Trung Quốc bắn pháo 100 ly khiến tàu 604 hỏng nặng, sau đó xua quân tấn công bộ đội Việt Nam. Đáp lại, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ bình tĩnh chỉ huy bộ đội trên tàu sử dụng các loại súng AK, RPĐ, B40, B41 đánh trả quyết liệt.
Đạn pháo ác liệt của Trung Quốc làm tàu Việt Nam bị thủng và chìm xuống biển. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, đồng chí Trần Đức Thông và một số cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã anh dũng hy sinh cùng tàu HQ 604 ở khu vực đảo Gạc Ma. Đến nay, Trung Quốc vẫn chiếm đóng và xây dựng trái phép tại Gạc Ma.
Trong khi đó, ngày 14/3, tàu HQ 505 đã cắm hai lá cờ lên đảo Cô Lin. Biết tàu 604 đã chìm, thuyền trưởng tàu 505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo ủi bãi. Ngay sau đó, hai tàu của Trung Quốc liền tấn công tàu 505. Tuy nhiên, tàu 505 vẫn chạy hết tốc độ, trườn lên được 2/3 thân tàu rồi bốc cháy.
Các chiến sĩ trên tàu 505 vừa dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo, vừa đưa xuồng cứu vớt cán bộ, chiến sỹ của tàu 604 vừa chìm. Thủy thủ đoàn tàu HQ 505 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin từ đó đến nay.
Về đảo Len Đao, 8 giờ 20 phút ngày 14/3, tàu Trung Quốc bắn chìm tàu HQ 605. Quân nhân tàu HQ 605 phải dìu nhau bơi về đảo Sinh Tồn. Trước sự đấu tranh quyết liệt của các chiến sĩ Việt Nam, phía Trung Quốc đã phải lui quân.
Với chiến công oanh liệt, tàu HQ 505 được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Các đồng chí Vũ Phi Trừ, Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Nguyễn Văn Lanh, Trần Văn Phương được truy tặng và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hàng chục tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các loại.
Vì sao Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma vào năm 1988?
Vì sao Trung Quốc đem quân đánh chiếm Gạc Ma của Việt Nam? Tại sao Bắc Kinh phải đợi đến năm 1988 mới thực hiện âm mưu thâm độc chiếm cụm đảo Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao?
Bàn về vấn đề này, đó là cả một bài học lịch sử mà Việt Nam phải trả bằng máu trước Trung Quốc – khi thế và lực của Hà Nội suy kiệt, Bắc Kinh sẽ ngay lập tức chớp lấy thời cơ – vậy nên không thể lơ là, mất cảnh giác dù chỉ một giây.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an, phải khẳng định rằng, việc đánh chiếm 6 hòn đảo (Gạc Ma, Tư Nghĩa, Ga Ven, Chữ Thập, Subi (hoặc Xubi), Châu Viên) của Việt Nam, trong đó có đảo Gạc Ma là một hành động nằm trong chiến lược độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
“Sở dĩ, họ chọn thời điểm này để đánh chiếm 6 đảo đá của Việt Nam vì lúc đó nước ta đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, tình cảnh chưa bao giờ khó khăn đến vậy”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.
Theo tướng Cương, Việt Nam khi đó bị cô lập. Liên Xô – đối tác quan trọng nhất thời điểm đó cũng đang gặp vô vàn khó khăn, nên khó mà dành sự quan tâm, giúp đỡ triệt để được cho Việt Nam.
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với báo chí thời gian trước rằng, 6 đảo đá của Việt Nam mà Trung Quốc đánh chiếm có vị trí chiến lược quan trọng, tạo thành một thế phòng thủ chiến lược chốt chặn toàn bộ khu vực Trường Sa từ cực Bắc đến cực Nam, từ cực Đông đến cực Tây.
Theo vị chuyên gia, điều này có nghĩa là, xét về lâu về dài có khả năng khống chế toàn bộ mọi phương tiện qua lại trên Biển Đông khi cần thiết. Đúng như Tướng Cương nhận xét, không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc chọn thời điểm đầu năm 1988 để tấn công đảo Gạc Ma.
Việt Nam ở thế vô cùng khó khăn. Vừa mới chiến thắng hai kẻ thù là Thực dân Pháp và Đế Quốc Mỹ, vừa mới giành được độc lập, thống nhất trọn vẹn đất nước, chưa kịp phục hồi kinh tế, cơm ăn còn chưa đủ no thì biên giới Tây Nam quân Khmer Đỏ, PolPot tấn công, Trung Quốc cũng nhân cơ hội này muốn “dạy cho Việt Nam một bài học” và đem quân uy hiếp chính quyền Hà Nội, tiến đánh ở khu vực biên giới phía Bắc, nổ ra chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979.
Khi Việt Nam bị Mỹ cấm vận, các quốc gia ASEAN thờ ơ, Liên Xô không thể giúp đỡ - rơi vào thế cô lập, yếu thế thì đây chính là thời cơ không thể tốt hơn đối với Trung Quốc.
Bài học lịch sử không được phép quên đối với sự kiện Gạc Ma, đó là, khi thế và lực của Việt Nam yếu, hoặc suy kiệt, thì đây sẽ là thời cơ của Trung Quốc. Họ đủ tàn nhẫn, thâm độc để thẳng tay tấn công, xâm lược, chiếm lấy đảo, lãnh thổ của Việt Nam.
Trong khi đó, theo Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải Quân Việt Nam, chiếm Gạc Ma, Trung Quốc nung nấu ý đồ tạo ra một tuyến dài hơn 300 km cắt ngang biển Đông, cài răng lược với các đá, đảo hải quân Việt Nam đang bảo vệ. Ngay sau khi chiếm được các đá ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc lập tức đóng quân, xây dựng nhà cửa.
“Khi Trung Quốc phát triển kinh tế vũ bão, họ chuyển sức mạnh kinh tế thành sức mạnh quân sự, đầu tiên là tới hải quân và không quân. Với hải quân, họ tập trung phát triển Hạm đội Nam Hải để tác chiến ở biển Đông với tham vọng độc chiếm biển Đông. Càng ngày Trung Quốc sẽ càng quyết liệt theo đuổi mục tiêu nguy hiểm này”, chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm nhấn mạnh.
Bản chất trận Gạc Ma, hải chiến Trường Sa: Trung Quốc xâm lược Việt Nam?
Nói về trận Gạc Ma, theo TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, người am hiểu rất rõ và nghiên cứu sâu về Biển Đông, phải coi sự kiện Gạc Ma là một cuộc chiến tranh xâm lược chứ không đơn thuần là “hải chiến” mà người ta thường quen gọi Hải chiến Trường Sa 1988.
Theo lý giải của vị chuyên gia, rõ ràng, đội hình, lực lượng và kế hoạch tác chiến của Trung Quốc hoàn toàn là một chiến dịch tấn công quân sự có chủ đích, tính toán, nghiên cứu và chuẩn bị rất kỹ càng về thời gian, địa điểm nhằm mục đích chiếm một số bãi cạn ở Trường Sa.
“Đây là những cấu trúc địa lý án ngữ tại các vị trí trọng yếu, vừa cài răng lược với các vị trí đóng quân của Việt Nam, vừa nằm ngay yết hầu tuyến hàng hải huyết mạch qua Biển Đông, Trung Quốc cưỡng chiếm có chủ đích để phục vụ âm mưu lâu dài”, TS. Trần Công Trục nhấn mạnh.
Theo nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, trước tình hình ngàn cân treo sợi tóc, các chiến sĩ công binh Hải quân Nhân Việt Nam đã kiên cường chống trả, vừa để tự vệ, vừa để bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc trong một tình thế cực kỳ khó khăn, không cân sức và họ đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh thiêng liêng của mình.
Những người lính đã ngã xuống ở Gạc Ma đã để lại tấm gương hy sinh cao cả vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng có đồng quan điểm. Binh lính Việt Nam đã thể hiện tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tương quan lực lượng, Hải quân Trung Quốc đông gấp 10 lần Hải quân Nhân dân Việt Nam nhưng các chiến sĩ đã quyết dùng máu xương giữ đảo đến tận cùng.
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an khẳng định, vào thời điểm Trung Quốc đánh chiếm, Việt Nam đã sở hữu quần đảo Trường Sa từ giữa thế kỷ thứ XVIII mà không hề có tranh chấp.
“Các đảo ở Trường Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của nước ta, đúng với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc dùng lực lượng hải quân đánh chiếm 6 đảo nói trên là hành động xâm lược chủ quyền của Việt Nam”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.
Vị chuyên gia phân tích, Trung Quốc đã vi phạm Khoản 3. Điều 2, quy định các thành viên LHQ phải giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, Khoản 4, Điều 2 với việc cấm tuyệt đối việc đe dọa dùng vũ lực hoặc trực tiếp dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp theo Hiến chương LHQ.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng đã vi phạm Nghị quyết 2625 của Đại hội Đồng LHQ tháng 10/1970 trong đó quy định rõ, lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng cưỡng chiếm của bất kỳ quốc gia nào khác. Trung Quốc cũng đã đồng thời vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển UNCLOS 1982.
Theo Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, Hải quân Việt Nam chưa hề có kế hoạch đánh nhau với Hải quân Trung Quốc mà cũng không có kế hoạch tranh chấp ở Gạc Ma.
“Ta chỉ bảo vệ đảo, còn họ dùng các loại vũ khí có trên tàu cũng như quân lính lên bãi cạn Gạc Ma để tàn sát cán bộ chiến sĩ chúng ta”, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam nhấn mạnh.
Gạc Ma 1988: Sòng phẳng với lịch sử không có nghĩa là kích động hận thù
Theo TS. Trần Công Trục, sòng phẳng với lịch sử sẽ vừa góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực, đoàn kết dân tộc, củng cố quan hệ hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam — Trung Quốc.
“Khi hai nước xung đột đối đầu, việc nói xấu, lên án chỉ trích nhau cũng là điều có thể hiểu được. Nhưng khi bình thường hóa quan hệ, cả hai phía đều không chủ động cùng đánh giá lại bài học lịch sử để rút ra kinh nghiệm cho mình, tránh lặp lại chiến tranh, xung đột”, nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ bày tỏ.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, với chính quyền Trung Quốc, nhìn nhận khách quan các sự kiện lịch sử đó không có nghĩa là Việt Nam đang kích động hận thù, mà là hướng tới việc gìn giữ, củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị, hòa bình cùng phát triển. Đồng thời cũng phải cảnh giác không để dẫn đến chiến tranh, xung đột hoặc lại để bản thân rơi vào tình huống bị lợi dụng.
“Đã đến lúc chúng ta cần sòng phẳng với lịch sử, có những bước đi thích hợp đánh giá công khai các sự kiện này dưới ánh sáng Công pháp quốc tế, rút ra bài học cho mình để trả lại cho lịch sử sự chân thực vốn có của nó”, TS. Trần Công Trục nói.
Cùng quan điểm với TS. Trần Công Trục, Ths. Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy bộ môn Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, thành viên Hội đồng góp ý và phản biện Chương trình GDPT môn Lịch sử của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, lẽ ra phải dùng “xâm chiếm” và “thảm sát” thì mới phản ánh đầy đủ, chính xác nhất hành động tàn bạo của Hải quân Trung Quốc.
Theo Thầy Trần Trung Hiếu, Gạc Ma là một sự kiện lịch sử đã xảy ra, dù nguyên nhân, diễn biến và kết quả của sự kiện đó như thế nào thì chúng ta vẫn phải tôn trọng sự thật.
“Nhận thức lịch sử là một quá trình và 30 năm qua — một khoảng thời gian quá đủ để chúng ta bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan”, Ths. Trần Trung Hiếu nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cũng khẳng định, nhắc lại sự kiện Gạc Ma, để thế hệ trẻ cần phải biết tôn vinh, tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân đã ngã xuống vì Tổ quốc, để sống có trách nhiệm hơn và yêu Tổ quốc hơn.
“Nhắc nhở không để kích động hận thù mang tính cực đoan với nước láng giềng mà từ sự thật lịch sử đó để chúng ta có thể rút ra những bài học lịch sử quý giá trong cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo cả trong hiện tại và tương lai. Nhớ nỗi đau để trân trọng hòa bình”, Thầy Trần Trung Hiếu lưu ý.
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm cũng khẳng định, không nhắc đến Gạc Ma hay chiến tranh biên giới 1979 là một sai lầm.
“Tại sao những cuộc chiến khác chúng ta tuyên truyền và kỷ niệm, nhưng những cuộc chiến như Gạc Ma, chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 đó lại không?”, ông Lâm đặt vấn đề.
Bài học lịch sử từ sự kiện Gạc Ma: Không để thế lực nào có thể động vào Việt Nam
Theo lời Chuẩn Đô đốc, báo chí Trung Quốc thời điểm đó làm ầm ĩ lên rằng, hải chiến Gạc Ma, Trường Sa 1988 là chiến thắng của họ, nhưng đối với người Việt Nam, với riêng ông, đó là cuộc thảm sát hèn hạ, khiến người ta căm phẫn.
33 năm cuộc chiến bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Gạc Ma, đó là bài học lịch sử bằng máu…
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, có rất nhiều bài học mà chúng ta có thể rút ra từ sự kiện Gạc Ma. Thứ nhất, đó là cần phải nhận thức rõ bạn – thù, đối thủ - đối tác.
“Sau vụ xâm lược ở Gạc Ma và những hành động xâm lấn chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc đã cho Đảng ta nhận thức mới về đối tượng và đối tác”, Tướng Cương thẳng thắn và cho rằng, có những lĩnh vực, Bắc Kinh là đối tác của Việt Nam, nhưng có những vấn đề khác, Trung Quốc lại là đối tượng đấu tranh, đặc biệt là chuyện Biển Đông.
Bài học thứ hai – điều quan trọng nhất, theo quan điểm của nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an - đó là phải làm sao để Việt Nam không bị cô lập trên thế giới. Ông cho rằng, Việt Nam giờ đã khác, đã hội nhập, cởi mở, có quan hệ sâu rộng với các quốc gia trên thế giới để vừa gắn liền, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, vừa nâng cao sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại.
Tiếp đến, theo Tướng Cương, Việt Nam phải vươn lên mạnh mẽ, dân tộc đoàn kết, kinh tế phát triển, có sức mạnh quân sự, nền tảng an ninh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Để tạo nên sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam, theo tướng Cương, đó là ngày càng làm trong sạch bộ máy, xử lý cán bộ tham nhũng, tự diễn biến, tự chuyển hóa, hại nước hại dân bất kể người đó là ai. Để người dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, Chính phủ.
“Sau sự kiện Gạc Ma 1988, lịch sử cho thấy rằng, dân tộc Việt Nam trên dưới một lòng, hòa thuận là điều kiện quan trọng để giữ nước”, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an nói.
Bài học tiếp theo mà vị chuyên gia đề cập đến đó chính là cần phải đưa sự kiện Gạc Ma vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Theo Tướng Cương, cần đưa vào trong hệ thống sách giáo khoa trong nhà trường, cần nghiên cứu sâu hơn về sự kiện này. Báo chí cũng cần tuyên truyền mạnh mẽ.
“Kinh tế phát triển đến đâu thì Hải quân và Không quân ở trên biển phải được coi trọng và phát triển đến đấy. Như vậy mới bảo vệ được quyền lợi của chúng ta trên biển, bảo vệ được những lực lượng sản xuất vận tải của chúng ta trên biển”, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam nêu rõ.
Tiếp đến, phải làm cho nhân dân ven biển, nhất là ngư dân có lòng yêu biển đảo, quyết tâm giữ vững lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Vị chuyên gia cũng nhắc đến việc phải làm sao để Hải quân, Không quân và Cảnh sát Biển Việt Nam thực sự là lực lượng tinh nhuệ, thực sự chiến đấu khi có điều kiện.
“Khi phải sử dụng đến là sử dụng một cách có hiệu quả và giáng cho kẻ thù những đòn đích đáng, cái đó là cái quan trọng”, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm bày tỏ.
Nhấn mạnh yếu tố tự chủ, phát huy nội lực, để đảm bảo độc lập, chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trên bộ và trên biển, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm lưu ý, Việt Nam cũng cần phải tranh thủ, kết hợp ngoại lực, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Hà Nội hiện đang thực hiện hiệu quả chiến lược ngoại giao khôn khéo này.
“Bất kỳ thế lực nào đụng đến Việt Nam cũng sẽ bị cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ. Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ lớn. Chúng ta cần nhanh chóng đưa kinh tế phát triển, hội nhập với thế giới. Khi chúng ta mạnh lên về kinh tế, quân sự, ngoại giao, nội bộ đất nước đoàn kết thì không một thế lực nào có thể đánh phá chúng ta”, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm đúc kết.