HĐXX đánh giá, ông Đinh La Thăng có vai trò, trách nhiệm chính và bị buộc bồi thường 200 tỷ đồng. Trong khi đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, dù than “không biết lấy tiền đâu nữa mà đền” cũng bị buộc bồi thường dân sự 143 tỷ đồng.
Vụ Ethanol Phú Thọ: Các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh chịu mức án nào?
Ngày 15/3, tại Hà Nội, sau một tuần đưa vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ ra xử sơ thẩm, TAND TP. Hà Nội đã tiến hành tuyên án các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm.
Trong vụ án này, cơ quan công tố cho rằng, bị cáo Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN là người giữ vai trò chính nên phải nhận mức án cao nhất trong số các bị cáo cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo đó, ông Đinh La Thăng bị tuyên phạt mức án cao nhất trong nhóm tội danh này – 11 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp các bản án trước đây, Tòa Việt Nam tuyên bị cáo Đinh La Thăng phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù.
Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội cũng xác định, hình phạt tù của ông Đinh La Thăng tính từ ngày cựu Chủ tịch PVN bị bắt (tức ngày 8/12/2017 như Sputnik Việt Nam đã thông tin).
Đối với các bị cáo khác cùng bị truy tố về tội danh này, ông Vũ Thanh Hà, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí – PVB bị tuyên 6 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Trần Thị Bình, cựu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN lĩnh 36 tháng tù nhưng được TAND Hà Nội tuyên hưởng án treo.
Các bị cáo khác ở nhóm tội danh “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, TAND Hà Nội tuyên Nguyễn Xuân Thủy (cựu phó Phòng đầu tư dự án PVB), Khương Anh Tuấn (cựu Phó Phòng thương mại PVB), Hoàng Đình Tâm (cựu Kế toán trưởng PVB) mỗi người 30 tháng tù.
Ông Lê Thanh Thái (cựu Trưởng Phòng kinh doanh PVB) 24 tháng, Phạm Xuân Diệu (cựu Tổng giám đốc PVC) 3 năm 6 tháng, Nguyễn Ngọc Dũng (cựu phó tổng giám đốc PVC) 3 năm, Đỗ Văn Quang (cựu Trưởng Ban kinh tế kế hoạch PVC) 28 tháng.
Đối với ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí PVC, người từng trốn sang Cộng hòa LB Đức và sau đó về Việt Nam đầu thú, Tòa Hà Nội tuyên phạt bị cáo này 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. HĐXX tuyên ông Thanh thêm 8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Đồng thời, tổng hợp 2 tội danh này, ông Trịnh Xuân Thanh lãnh 18 năm tù. Cùng với các bản án trước, tổng hình phạt cần chấp hành là Chung thân. Trong vụ án Ethanol Phú Thọ, ông Trịnh Xuân Thanh cũng là người duy nhất bị truy tố cả hai tội danh và là bị cáo bị tuyên mức án cao nhất.
Bị cáo Đỗ Văn Hồng, HĐXX quyết định tuyên án cựu Chủ tịch HĐQT PVC Kinh Bắc 4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Khoản 3 Điều 356 Bộ Luật Hình sự. Tổng hợp mức phạt của các bản án trước, Tòa Hà Nội tuyên ông Hồng chấp hành mức án phạt chung là 17 năm tù.
Ông Đinh La Thăng vẫn giữ “vai trò chính” vụ án Ethanol Phú Thọ
Dù đã có những lời lẽ tranh luận gay gắt và thẳng thắn về vai trò, trách nhiệm trong vụ án Ethanol Phú Thọ trong những ngày xét xử trước, đến phiên tuyên án, ông Đinh La Thăng vẫn được xác định có vai trò chính, xuyên suốt trong quá trình triển khai dự án tai tiếng này.
Theo HĐXX, ông Thăng đã đề ra chủ trương, chỉ đạo việc chỉ định thầu dự án Ethanol Phú Thọ cho liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T do Trịnh Xuân Thanh đứng đầu điều hành với vai trò Chủ tịch HĐQT.
Tòa Hà Nội cho rằng, trong quá trình xét xử, ông Đinh La Thăng không khai nhận hành vi chỉ định thầu như cáo trạng phía Viện Kiểm sát truy tố.
Luận điểm mà ông Thăng nêu ra là ban chỉ đạo triển khai dự án không làm thay việc của chủ đầu tư, bị cáo không có bất kỳ văn bản nào chỉ định thầu và Công ty cổ phần Hóa dầu nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) có toàn quyền lựa chọn nhà thầu, chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tuy nhiên, HĐXX khẳng định rằng, Tập đoàn Dầu khí PVN có nghĩa vụ bảo toàn vốn nhà nước và vốn huy động, thực hiện quyền sở hữu nhà nước tại tập đoàn và phần góp vốn tại các đơn vị thành viên của mình.
Bị cáo Đinh La Thăng với vai trò chủ tịch HĐQT, sau này là Chủ tịch Hội đồng thanh viên PVN, đã ban hành nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy Ethanol Phú Thọ với phương thức công ty cổ phần làm chủ đầu tư dự án trái với chủ trương của Thủ tướng (thời điểm đó là nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng), Chính phủ.
Cũng như quan điểm của VKS đã nêu trong các ngày làm việc trước, TAND Hà Nội nhận định bị cáo Thăng biết liên danh nhà thầu không đủ năng lực nhưng vẫn dùng ảnh hưởng của mình định hướng và chỉ định cho liên danh PVC thực hiện dự án.
Theo đó, ông Đinh La Thăng và một số bị cáo có vai trò chính dù biết rõ liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T của Trịnh Xuân Thanh không đáp ứng năng lực nhưng vẫn cố ý chỉ đạo chuyển từ đấu thầu rộng rãi sang chỉ định thầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Trịnh Xuân Thanh thực hiện dự án.
“Hành vi của các bị cáo tác động, can thiệp vào việc đấu thầu, yêu cầu PVB thực hiện chỉ định thầu cho PVC khi đơn vị này không đáp ứng năng lực là trái quy định pháp luật”, Tòa xác định.
“Dù theo quy chế làm việc ban chỉ đạo không làm thay chủ đầu tư, nhưng ngay từ đầu bị cáo Thăng đã có chủ trương thống nhất cho PVC thực hiện dự án và có các hành vi hoàn thiện về mặt pháp lý gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng về tài sản”, bản cáo trạng viết.
Với những phân tích, lập luận này, HĐXX kết luận bị cáo Thăng có vai trò chính trong việc thực hiện hành vi tội phạm, là người đưa ra chủ trương, chỉ đạo cho PVC thực hiện dự án khi không đủ năng lực trái quy định pháp luật Việt Nam.
Trong khi đó, bà Trần Thị Bình là cấp dưới, người tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của ông Thăng và chỉ đạo nhân viên triển khai việc chỉ đinh thầu cho liên danh PVC thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ.
Tòa nhận định, hành vi sai phạm của các bị cáo khiến dự án Ethanol Phú Thọ đã triển khai nhưng phải dừng hoạt động, đến nay chưa có hạng mục nào hoàn thành, dẫn đến thiệt hại gây ra cho PVB là 543 tỷ đồng.
“Các bị cáo là những người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp có vốn nhà nước đã thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa được khắc phục”, TAND Hà Nội nhấn mạnh.
Ông Đinh La Thăng phải bồi thường 200 tỷ, Trịnh Xuân Thanh 143 tỷ
HĐXX nhận định, việc ông Trịnh Xuân Thanh và một vài bị cáo khác nêu vấn đề nguyên nhân phải dừng dự án Ethanol Phú Thọ là vì “thiếu tiền” chứ không phải vấn đề năng lực thầu, thực hiện dự án của PVC, Tòa bác quan điểm này.
Theo đó, trong quá trình triển khai dự án PVB đã có nhiều báo cáo đề cập, xác định công tác thiết kế của PVC “chậm”, việc mua sắm của các gói thầu chưa hoàn thành, các hạng mục công trình đều bị trễ so với kế hoạch đưa ra ban đầu.
Bên cạnh đó, phía PVC cũng đã có văn bản về việc dừng dự án do “không đủ năng lực thực hiện gói thầu”.
HĐXX cho biết, trong trình thực hiện dự án PVB đã thanh toán cho PVC theo đúng tiến độ công việc. Do đó, hoàn toàn có đủ cơ sở xác định việc đơn phương dừng thi công dự án, trách nhiệm chính nằm ở PVC. Do doanh nghiệp của Trịnh Xuân Thanh thiếu năng lực, chứ không phải do thiếu vốn như lập luận của các bị cáo.
Tòa nhấn mạnh, hậu quả của việc cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng thiếu trách nhiệm, chỉ định nhà thầu không đủ năng lực cho liên danh PVC của Trịnh Xuân Thanh chính là “nguyên nhân chính” dẫn đến dừng thi công dự án, gây ra thiệt hại hơn 543 tỷ đồng cho PVB.
Tuy nhiên, trên thực tế thiệt hại vụ án còn lớn hơn rất nhiều. Mặc dù vậy, HĐXX đã tính theo hướng có lợi nhất cho các bị cáo xét trên nhiều yếu tố.
“Chốt lại”, Tòa xác định, các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Thanh Hà, Trần Thị Bình phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại hơn 543 tỷ đồng cho PVB.
Một số cựu lãnh đạo PVN khác không bị xem xét trách nhiệm hình sự nhưng cũng có trách nhiệm liên đới bồi thường dân sự.
Tòa Hà Nội tuyên ông Đinh La Thăng với vai trò chính phải chịu trách nhiệm bồi thường 200 tỷ đồng.
Về phần mình, Trịnh Xuân Thanh cũng bị buộc bồi thường 143 tỷ đồng, ông Vũ Thanh Hà 100 tỷ.
Các đồng phạm khác dù không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do mắc bệnh hiểm nghèo nhưng cũng phải có trách nhiệm bồi thường 10 tỷ.
Ngoài ra, Tòa buộc PVC Kinh Bắc hoàn trả cho PVC hơn 1 tỷ đồng, giao lại quyền sử dụng khu đất hơn 3.400 mét vuông ở Tam Đảo cho phía PVC. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng buộc phải truy nộp hơn 3 tỷ đồng.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin trước đó, ông Đinh La Thăng tại các phiên xử đều phủ nhận cáo buộc luận tội của Viện Kiểm sát và cáo trạng. Ông Thăng khẳng định mình không hề liên quan đến “nhóm lợi ích” nào, không chỉ định thầu cho liên danh của Trịnh Xuân Thanh và tất cả những gì cựu ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam và tập đoàn PVN làm đều bị lợi ích quốc gia, dân tộc chứ không hề tư lợi.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng, việc dự án Ethanol phải “đắp chiếu” là vì “thiếu tiền” chứ không liên quan gì đến năng lực nhà thầu (PVC).
Có thể thấy, với bản án sơ thẩm đã tuyên, TAND Hà Nội đều tuyên mức án thấp hơn mức so với mức mà Viện Kiểm sát đề nghị, đặc biệt là với hai bị cáo giữ vai trò chủ chốt trong vụ án này là Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.
Trước đó, đại diện VKS công bố cáo trạng và đề nghị tuyên phạt ông Đinh La Thăng từ 12 – 13 năm tù, ông Trịnh Xuân Thanh từ 21 – 23 năm tù.
Mức án tuyên hôm nay 15/3 được khẳng định đã “đúng người đúng tội”, đồng thời cũng thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật Việt Nam đối với các bị cáo, nhất là những trường hợp bị mắc bệnh hiểm nghèo.