Ngày 17/3, ngành y tế TP.HCM thông tin về 6 trường hợp có triệu chứng nặng, như bị huyết áp kẹp, tiêu chảy độ trung bình và sốc phản vệ độ 2 sau khi được tiêm AstraZeneca.
Việt Nam phát hiện thêm 7 ca mắc Covid-19 mới
Chiều nay 17/3, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam phát hiện thêm 7 ca dương tính với SARS-CoV-2 mới, trong đó có hai người ở Hải Dương và 5 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh ở Khánh Hòa.
Thông tin về 7 ca mắc coronavirus mới, các bệnh nhân từ 2561 – 2567, Bộ Y tế cho biết, ca bệnh 2561, được phát hiện ở phường Hải Tân, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương là người đàn ông 39 tuổi.
Bệnh nhân 2561 này là F1 của bệnh nhân 2528, đã được cách ly trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 17/03/2021 khẳng định ông dương tính với nCoV.
Bệnh nhân 2567 là cô gái 21 tuổi, ở phường Hoàng Tân, thành phố Chí Linh. Đây là F1 của ca 2552, kết quả xét nghiệm ngày 17/3 dương tính với Covid-19.
Hiện cả hai bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2).
Liên quan đến 5 ca nhập cảnh, Bộ Y tế cho biết, các bệnh nhân từ số 2562 – 2566, gồm hai nữ và 4 nam, có địa chỉ cư trú ở Hưng Yên, Nam Định. Đây là các trường hợp về từ Liên Bang Nga và nhập cảnh ở sân bay Cam Ranh ngày 14/3, được cách ly ngay sau nhập cảnh.
Đến ngày 16/3, các bệnh nhân trên có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. Hiện tất cả đang được điều trị tại Trung tâm Y tế Cam Lâm.
Từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 2567 ca Covid-19. Với 40 ca bệnh được công bố hôm nay, Bộ Y tế cho hay, đã chữa khỏi cho 2198/2567 ca nCoV.
TP.HCM ghi nhận các trường hợp sốc phản vệ độ 2 khi tiêm AstraZeneca
Trong ngày 17/3, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin cho biết, tính đến ngày 16/3, thành phố đã có 824 nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới được tiêm vaccine Covid-19 do AstraZeneca/SKBio sản xuất.
Đáng chú ý, theo báo cáo nhanh của HCDC, Sở Y tế thành phố đã ghi nhận những trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm chủng, như sưng đau tại chỗ tiêm, đau cơ, đau đầu, sốt, đau khớp, bồn chồn, khó chịu, ớn lạnh, chóng mặt, tiêu chảy, đau họng.
Tuy nhiên, tỷ lệ xảy ra phản ứng thông thường xảy ra sau tiêm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới được báo cáo tương tự như thông báo của nhà sản xuất AstraZeneca, và những nghiên cứu lâm sàng trên thế giới ở thời điểm hiện tại.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM lưu ý, không riêng gì vaccine chống coronavirus của AstraZeneca, hầu hết các loại chế phẩm vaccine khác cũng đều có phản ứng sau tiêm với một tỷ lệ nhất định được dự báo và trong ngưỡng cho phép.
Tuy nhiên, bên cạnh những phản ứng thông thường, ngành Y tế TP.HCM còn ghi nhận thêm 6 trường hợp có triệu chứng khác nặng hơn.
Cụ thể, HCDC cho biết có một trường hợp bị huyết áp kẹp (hiện tượng khi hiệu số giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương dưới 20 mmHg), 2 ca tiêu chảy độ trung bình và 3 ca phản ứng phản vệ độ 2.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM nhấn mạnh, ngay khi ghi nhận những trường hợp phản ứng sau tiêm, cơ quan này đã tổ chức điều tra, đánh giá nguyên nhân “sự cố bất lợi” sau tiêm chủng vaccine AstraZeneca tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Cùng với đó, Sở Y tế TP.HCM đã họp hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân “sự cố bất lợi” sau tiêm chủng đối với 3 trường hợp phản ứng phản vệ độ 2.
Sở Y tế TP.HCM nhận định, ba trường hợp diễn tiến bất lợi sau khi tiêm ngừa Covid-19 bằng chế phẩm của AstraZeneca đã được xử trí kịp thời, diễn tiến ổn định, xuất viện sau 24 giờ kể từ thời điểm ghi nhận phản ứng sốc phản vệ.
Ngoài ra, quy trình bảo quản, vận chuyển vaccine, thực hành tiêm chủng an toàn và xử trí sau tiêm chủng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế.
Sở Y tế thành phố cũng nhấn mạnh rằng, thông qua kinh nghiệm phát hiện và xử trí 3 trường hợp phản ứng phản vệ độ 2 sau tiêm chủng AstraZeneca tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Sở đã chỉ đạo HCDC khẩn trương tổ chức tập huấn hướng dẫn triển khai tiêm chiến dịch vaccine Covid-19 cho các cơ sở tiêm chủng thời gian tới, đảm bảo việc tổ chức tiêm chủng an toàn.
Cụ thể, các nhân viên y tế, đối tượng sau khi được tiêm chủng phải được theo dõi đúng quy định nhằm phát hiện sớm, và xử trí kịp thời những phản ứng có thể xảy ra.
Đặc biệt, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở tiêm chủng phải lưu ý hướng dẫn những người được tiêm chủng theo dõi tại điểm tiêm ít nhất 30 phút, và hướng dẫn các đối tượng này tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà sau khi tiêm.
Mỗi cơ sở tiêm chủng cũng cần chủ động hoặc phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn tổ chức đội cấp cứu tại đơn vị trong buổi tiêm chủng, có quy trình xử trí cấp cứu rõ ràng để sẵn sàng xử trí ngay khi xảy ra sự cố bất lợi chẳng may xảy ra.
Việt Nam vẫn tiếp tục tiêm AstraZeneca
Như Sputnik đã thông tin, Việt Nam bắt đầu tiêm chủng vaccine Covid-19 của hãng Dược AstraZeneca từ ngày 8/3.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến cuối giờ chiều ngày 16/3, Việt Nam đã thực hiện tiêm cho hơn 20.695 cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên làm nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Theo ông Long, 4.078 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm. Số phản ứng nặng chỉ có 5 người ở độ 2 của phản vệ và 1 trường hợp phản vệ độ 3. Các trường hợp này được xử lý và đều đã ổn định sức khoẻ.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế tiêm vaccine Covid-19 phải vừa tiêm vừa theo dõi, đánh giá một cách cẩn trọng và an toàn.
Ông Long nhấn mạnh, trên báo cáo, có 16 trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm, tuy nhiên Hội đồng Tiêm chủng đã đánh giá lại và xác định chỉ có 5 trường hợp phản vệ độ 2 và 1 trường hợp phản vệ độ 3.
“Trường hợp độ 3 này là do công tác cấp cứu không thực hiện theo phác đồ của Bộ Y tế. Chúng tôi đã cử các chuyên gia tới chấn chỉnh cơ sở tiêm này để thực hiện tốt trong thời gian tới”, người đứng đầu Bộ Y tế nêu rõ.
Tuy nhiên, hãng dược này khẳng định đã rà soát lại số liệu và hồ sơ tiêm của hơn 17 triệu người được tiêm chủng ở châu Âu và Anh cho thấy không có bằng chứng liên quan đến việc đông máu.
Đối với thông tin về các trường hợp bị đông máu sau tiêm vaccine AstraZeneca này, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Bộ Y tế đã liên tục đánh giá, theo dõi.
“Đến thời điểm này, tại Việt Nam không có bất cứ trường hợp nào bị đông máu sau tiêm. Bộ Y tế vẫn yêu cầu tất cả các cơ sở y tế tiếp tục tập huấn cho các cán bộ y tế, đồng thời tổ chức các điểm tiêm, cơ sở tiêm phù hợp, an toàn. Tới đây, các cơ sở y tế tiếp tục tổ chức tiêm vaccine Covid-19”, Bộ trưởng khẳng định.
Cùng với đó, Việt Nam đang nỗ lực đàm phán với Pfizer, Bộ Y tế cũng làm việc để mua vaccine của Johnson & Johnson, Moderna, Quỹ đầu tư Nga (Sputnik-V) để có thêm nguồn cung vaccine Covid-19.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục thúc đẩy tiếp độ nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước (Nanocovax, Covivac..), dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2022, thậm chí hướng đến xuất khẩu.
Ngày 16/3, lô vaccine Sputnik V của Nga, vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên đăng ký trên thế giới đã được chuyển đến Việt Nam trong chuyến công tác của Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev đến Hà Nội.
Sau khi tới Nội Bài, vaccine đã nhanh chóng được đưa về bảo quản tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Lô 1.000 liều vaccine Covid-19 Sputnik V này là quà tặng của Chính phủ Nga đối với nhân dân Việt Nam.