Trả lời phỏng vấn của Sputnik, các chuyên gia nói lên ý kiến này khi bình luận về cuộc đàm phán Trung-Mỹ ở Anchorage.
Cuộc đàm phán bắt đầu bằng vụ bê bối
Thay vì các bài phát biểu ngắn theo nghi thức ngoại giao trước khi bắt đầu hội đàm, cuộc trao đổi với báo chí của phái đoàn Mỹ và Trung Quốc mất khá nhiều thời gian. Hai bên đã trao đổi các tuyên bố gay gắt về các vấn đề trong chương trình nghị sự.
Theo phía Trung Quốc, Hoa Kỳ đã thực hiện các cuộc tấn công phi lý nhằm vào Trung Quốc và kích động tranh chấp. Điều này cho thấy rằng, phía Mỹ không thể hiện lòng hiếu khách. Trong khi phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cáo buộc cách đối xử của Trung Quốc với người thiểu số theo đạo Hồi ở Tân Cương, việc Bắc Kinh tăng cường kiểm soát Hồng Kông, chính sách của Bắc Kinh với Đài Loan, cũng như việc Bắc Kinh gây sức ép kinh tế lên các đồng minh của Mỹ và đang đe dọa trật tự toàn cầu.
Về phần mình, trưởng phái đoàn Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố, Trung Quốc sẽ chống lại mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực nào của chính quyền ông Biden nhằm can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Bắc Kinh. Ông nói, Trung Quốc sẽ có hành động trả đũa dứt khoát. Theo ông Dương, Hoa Kỳ không có quyền đưa ra những đòi hỏi phi lý và trịch thượng với Trung Quốc hoặc sử dụng "quyền tài phán”. Ông cũng cáo buộc Hoa Kỳ vì họ đã lạm dụng nhận thức về an ninh quốc gia để cản trở thương mại bình thường giữa hai nước, kích động một số quốc gia tấn công Trung Quốc.
Trung Quốc sẵn sàng đáp trả cứng rắn về các cuộc tấn công của Hoa Kỳ
Thế giới không ngờ một cuộc đối đầu gay cấn như vậy ở Anchorage. Quan trọng hơn cả, thế giới không ngờ Trung Quốc lại có phản ứng cứng rắn như vậy. Giáo sư Alexey Maslov, Viện trưởng Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) nói như vậy trong cuộc phỏng vấn của Sputnik khi bình luận về bầu không khí bên lề cuộc đàm phán Trung-Mỹ:
“Nhiều người đã dự kiến rằng, Hoa Kỳ, như thường lệ, sẽ bày tỏ các yêu cầu của họ trong khuôn khổ giao thức chính thức. Còn Trung Quốc sẽ lịch sự giữ im lặng, bác bỏ mọi cáo buộc, và cuộc đàm phán sẽ tiếp tục. Rõ ràng, cả hai bên quyết tâm cao nhất. Chắc là, Trung Quốc chỉ đơn giản là mệt mỏi với những cáo buộc từ phía Mỹ. Thông thường, phương Tây không thể nhìn nhận đúng bản chất phép lịch sự của người Trung. Phép lịch sự của người Trung Quốc không có nghĩa là mềm mỏng hay dễ mềm lòng, mà có nghĩa là Trung Quốc chỉ cho phép người đối thoại phát biểu ý kiến, để sau đó chuyển sang cuộc thảo luận mang tính xây dựng. Nhưng, lần này Trung Quốc đã thấy rằng, không thể chờ đợi cuộc thảo luận mang tính xây dựng và cần phải nói rõ với Hoa Kỳ: Bắc Kinh đã sẵn sàng tiến hành cuộc đàm phán cứng rắn”.
Trong hơn sáu tháng qua, Hoa Kỳ không rút lại một luận điểm nào trong các cáo buộc chống lại Trung Quốc. Đó là những cáo buộc về nguồn gốc của virus, về các vụ vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, về sự xâm lược kinh tế của Trung Quốc ở các nước khác. Tức là, Hoa Kỳ chưa thực hiện một bước nào cho thấy rằng họ sẵn sàng thảo luận một cách xây dựng về bất kỳ vấn đề nào. Trong bối cảnh này, Trung Quốc đã đáp trả gay gắt. Nhìn chung, đây là sự khởi đầu của quá trình chuyển đổi chính sách đối ngoại của Trung Quốc sang một chất lượng mới. Trung Quốc sẵn sàng đáp trả các cuộc tấn công như vậy từ phía Hoa Kỳ và giải thích lập trường của mình với toàn thế giới.
Theo chuyên gia Alexei Maslov, cách đáp trả gay gắt thay vì thái độ kiềm chế là phản ứng của Trung Quốc trước hành động khiêu khích của Hoa Kỳ trước cuộc hội đàm ở Anchorage. Ông cho rằng, Mỹ cố ý công bố các lệnh trừng phạt mới chống lại các công ty Trung ngay trước cuộc gặp ở Alaska:
“Rõ ràng, đây là một hành động khiêu khích có chủ ý của Mỹ. Hơn nữa, đến giây phút cuối cùng Trung Quốc đã chờ đợi những tuyên bố lịch sự hoặc gợi ý từ phía Hoa Kỳ cho thấy rằng, họ sẵn sàng thảo luận, chẳng hạn, về việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ hoặc thương mại. Nhưng, ngược lại, Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, lại một lần nữa cáo buộc Bắc Kinh tiếp tay cho các tổ chức gián điệp mạng. Quan trọng nhất, Hoa Kỳ thậm chí không có ý định cải thiện môi trường thương mại”.
Mỹ muốn lôi kéo Trung Quốc vào ngoại giao Megaphone?
Các đại diện của Hoa Kỳ ngay từ đầu đưa ra những tuyên bố công kích Trung Quốc tại cuộc đàm phán ở Alaska và thực hiện các hành vi phi đạo đức đối với các đối tác của họ. Vì lý do này, rất khó dự đoán kết quả của cuộc hội đàm, ông Alexander Lomanov, phó giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế (IMEMO) nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik:
“Chúng tôi hy vọng rằng, phía Trung Quốc và những quan chức phụ trách chính sách đối ngoại trong chính quyền mới của Mỹ trong quá trình giao tiếp sẽ hiểu rõ hơn về những gì khiến phía bên kia lo lắng. Sẽ rất tốt nếu người Mỹ tính đến “lằn ranh đỏ” của phía Trung Quốc để không vượt qua nó, đặc biệt là không vượt qua nó trước báo chí".
Trong khi đó, Blinken đã vượt qua “lằn ranh đỏ” khi tiếp xúc với báo chí trước khi bắt đầu đàm phán, chuyên gia Alexander Lomanov lưu ý:
“Điều này rõ ràng là không nên làm, tôi thật ngạc nhiên tại sao Blinken nói với các phóng viên rằng, Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan không hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc, do đó Mỹ phải nêu ra những vấn đề này ngay hôm nay. Nếu Blinken nói điều này đằng sau cánh cửa đóng, thì đó chỉ là một phần của cuộc đối thoại rất phức tạp, nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ ngoại giao. Nói điều này trước mặt các nhà báo rõ ràng là ý muốn kích động vụ bê bối. Đây là một hành động khiêu khích được cân nhắc kỹ lưỡng, đã được lên kế hoạch có chủ ý để tạo ra vụ bê bối trước ống kính truyền hình".
Chuyên gia Alexander Lomanov thu hút sự chú ý đến phản ứng tuyệt vời của ông Dương Khiết Trì. Nhà ngoại giao Trung Quốc chỉ nói rằng, ông thất vọng với cách hành xử của Hoa Kỳ. Trên thực tế, có rất nhiều điều đằng sau đánh giá này:
“Toàn bộ sự nghiệp ngoại giao của ông Dương Khiết Trì gắn liền với Hoa Kỳ. Khi ông nói về sự thất vọng với chính sách của Hoa Kỳ, đó không chỉ là sự thất vọng về mặt ngoại giao, không chỉ là sự thất vọng của Trung Quốc với những gì người Mỹ đang làm. Tôi nghĩ rằng, đây là sự thất vọng của một nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm, người đã làm việc ở Hoa Kỳ trong một thời gian dài và hiểu rõ về nước Mỹ. Ông cảm thấy thất vọng về tình trạng hiện nay của nền ngoại giao Mỹ. Việc Washington chuyển sang “ngoại giao qua loa” và ý muốn của Mỹ lôi kéo Trung Quốc vào ngoại giao Megaphone gây thất vọng”.
Nhân tiện, các chuyên gia lưu ý đến một số điểm tương đồng giữa cuộc trò chuyện Trung-Mỹ ở Anchorage và những va chạm nảy sinh trong quan hệ Nga-Mỹ liên quan đến lời nhận xét gây sốc của Tổng thống Biden. Những tuyên bố trơ trẽn của người Mỹ về các đối tác của họ gây ra sự ngạc nhiên, vì chúng hoàn toàn trái ngược không chỉ với các chuẩn mực quan hệ quốc tế mà cả với đạo đức phổ quát. Trong vài ngày qua, người Mỹ đã có thể kích động các cuộc tranh luận nghiêm trọng trong quan hệ Nga-Mỹ và Trung-Mỹ. Có vẻ như đây chỉ là sự khởi đầu.
Bình luận về vụ bê bối ngoại giao tại cuộc đàm phán với Hoa Kỳ ở Anchorage, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói rằng, đó chỉ là "món ăn vặt" còn "món chính" vẫn chưa đến.
"Chúng tôi cho rằng, cuộc đối thoại này là một cơ hội tốt để tăng cường tiếp xúc giữa hai nước, giải quyết mâu thuẫn và phát triển hợp tác. Phía Trung Quốc có cách tiếp cận chân thành và mang tính xây dựng đối với cuộc đối thoại này. Phái đoàn Trung Quốc ở Alaska ghi nhận không chỉ khí hậu lạnh giá của vùng này mà còn cách đối xử với khách của chủ nhà Mỹ. Lời phát biểu khai mạc cuộc gặp chỉ là món ăn vặt, sau đó sẽ có món chính, đây sẽ là phần quan trọng nhất", - nhà ngoại giao Trung Quốc nói.