Bây giờ, cả hai bên bờ đại dương đều đang phán đoán liệu có diễn ra cuộc đối thoại công khai của các nguyên thủ quốc gia, cuộc tranh luận trực tiếp của hai Tổng thống là có thể hay không.
Bài viết của Sputnik đi sâu phân tích những gì chờ đợi trong quan hệ song phương Nga-Mỹ.
Đại sứ về nhà
Ông Anatoly Antonov, đại diện của LB Nga tại Washington, đã bay về Matxcơva để tham vấn. Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng cần bao nhiêu thời gian thì những cuộc tham vấn đó sẽ kéo dài bấy nhiêu. Đại diện Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova thậm chí còn không nhớ lần gần đây nhất có chuyện Đại sứ Nga rời thủ đô Hoa Kỳ trước khi kết thúc nhiệm kỳ là khi nào nữa. Nói chung, ông Antonov sẽ trở lại Washington ngay sau khi đã thảo luận xong mọi vấn đề cần thiết tại quê nhà.
Có một câu hỏi cơ bản: làm thế nào phân định con đường khôi phục liên hệ Nga-Mỹ, vốn đang ở tình trạng khó khăn nặng nề do Washington đã đẩy vào ngõ cụt những năm gần đây?
“Phía trước còn rất nhiều việc, cần phải phân tích tình hình thực tại như chúng ta đang thấy. Phía Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chúng ta quan tâm đến việc phát triển quan hệ với các đồng nghiệp Mỹ ở mức ngang tầm với nhau. Bây giờ đơn giản là cần phân định”, - ông Antonov tuyên bố.
Trong khi Matxcơva tiến hành kiểm tra các tiếp xúc song phương, ông Biden bày tỏ nguyện vọng trò chuyện với người đồng cấp Nga “vào một thời điểm nào đó”, còn khi có thời gian thích hợp thì sẽ gặp mặt trực tiếp.
Trong khi đó, Nhà Trắng một lần nữa nhắc nhở: quan hệ của chính quyền mới với Nga sẽ hoàn toàn khác so với 4 năm trước.
“Ông Joe Biden không định che giấu sự lo ngại về những hành động mà chúng tôi coi là độc hại, cho dù đó là dữ liệu về sự can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020 hay là phần dính líu tham gia trong vụ đầu độc Alexei Navalny, thông tin về treo thưởng cho việc giết lính Mỹ (ở Afghanistan) hay là cuộc tấn công mạng SolarWind”, - Thư ký báo chí Jen Psaki tuyên bố. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết sẵn sàng hợp tác với Matxcơva trong các lĩnh vực đáp ứng cho lợi ích của nước Mỹ.
Theo tuyến an ninh
Không có nhiều lĩnh vực để hợp tác theo tuyến này. Nhiệm vụ cấp bách duy nhất của Biden là gia hạn Hiệp ước về Vũ khí tấn công chiến lược vốn đã chịu nhiều sứt mẻ. Cuộc đàm phán với ê-kip Trump gặp nhiều khó khăn, phía Mỹ khăng khăng đòi hỏi những điều kiện bổ sung và muốn kéo cả Trung Quốc tham gia, còn Bắc Kinh thì kiên quyết từ chối dự vào đối thoại Nga-Mỹ.
Như đã hứa, việc đầu tiên của Biden là ký sắc lệnh gia hạn START III trong 5 năm. Theo lời ông, đây sẽ là cơ sở cho những cuộc thương lượng tiếp theo.
Tất nhiên đây là tin tốt lành, nhưng dù sao vẫn sẽ có vấn đề, - ông Andrei Baklitsky, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh Euro-Đại Tây Dương thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế của MGIMO nhận xét. Thứ nhất, gia hạn chỉ 5 năm và số phận tiếp theo của Hiệp ước sẽ còn phải thảo luận. Thứ hai, START III không phải là thỏa thuận toàn diện. "Hiệp ước điều chỉnh các vũ khí tấn công chiến lược, nhưng không điều chỉnh các vũ khí phòng thủ, không điều chỉnh các hệ thống tầm trung và tầm ngắn và vũ trụ. Nhìn chung, rất nhiều điều còn ở phía sau”, - chuyên gia nhận xét.
Hy vọng bây giờ là các cuộc đàm phán sẽ được tiếp nối khi Hoa Kỳ bố trí xong đội ngũ làm việc. Cần quyết định cách thức kiểm soát vũ khí tiếp theo sẽ như thế nào.
“Phải xác định làm gì với lực lượng hạt nhân chiến lược, và tiếp tục là về danh sách”, - ông Baklitsky nói rõ thêm.
Matxcơva đề xuất xây dựng một phương trình an ninh mới, bao gồm tất cả các vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân, tấn công và phòng thủ. Trong đó cần tính đến sự phát triển của cả hai khía cạnh của an ninh là quân sự-kỹ thuật và quân sự-chính trị. Nói cách khác, cần xem xét vấn đề một cách tổng thể toàn diện, hiểu được rằng yếu tố nào ảnh hưởng đến cái gì và tính toán điều này khi sắp xếp cán cân.
“Ví dụ, nếu chúng ta cắt giảm lực lượng chiến lược, thì không thể đến mức đặt lực lượng đó trước nguy cơ và mở mang hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Chỉ khi đó chúng ta mới đạt được sự hiểu biết chung, việc thảo luận về các chủ đề cụ thể mới có ý nghĩa. Hiện thời vẫn chưa rõ sẽ là thế nào. Có thể đó sẽ là hàng loạt thỏa thuận riêng biệt, về phòng thủ tên lửa, về tên lửa tầm trung và tầm ngắn, về không gian vũ trụ. Và tất cả những điều này liên quan kết nối với nhau để có được tổ hợp hệ thống an ninh”, - chuyên gia nói tiếp.
Ngoài tầm vũ khí
Cũng có những lĩnh vực khác dành cho sự hợp tác: vũ trụ hòa bình, biến đổi khí hậu, hiệp lực ở Trung Đông, ở Bắc Cực, dịch bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, thực tế năm ngoái đã cho thấy đại dịch toàn cầu không thúc đẩy mở rộng tiếp xúc.
Cùng trong thời gian này, như dự kiến, chính sách trừng phạt của Washington trong quan hệ với Điện Kremlin đã siết chặt ráo riết hơn. Hơn thế nữa, người ta còn có cái cớ thuận tiện. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gay gắt chỉ trích phán quyết của Tòa án Nga đối với Alexei Navalny, coi đây là hành vi vi phạm quyền và “trấn áp bóp nghẹt đa nguyên chính trị”.
Không phải đợi lâu người ta mới áp đặt biện pháp hạn chế. Ngay đầu tháng 3, Hoa Kỳ đã liệt 14 tổ chức vào danh sách đen vì vụ Navalny. Theo khẳng định của Nhà Trắng, tất cả các tổ chức này đều tham gia vào "những khía cạnh khác nhau của quá trình sản xuất các nguyên tố vũ khí sinh học và hóa học”. 7 quan chức Nga cũng rơi vào diện bị trừng phạt.
Ông Andrei Kortunov, CEO Hội đồng Nga về công việc quốc tế nhận xét: Giả như Washington thực sự quan tâm đến phát triển quan hệ, thì cũng là rất chọn lọc. Ngay sau khi tân Tổng thống nhậm chức trong bối cảnh cuộc thảo luận về START III, vẫn còn đôi chút hy vọng về những cuộc tham vấn chuyên sâu và chuyển động về phía trước. Nhưng, theo quan điểm của chuyên gia, bây giờ đã rõ ràng: chính quyền mới của Hoa Kỳ không định xây đắp cây cầu liên hệ với Matxcơva. Vụ xì-căng-đan gắn với tuyên bố của Biden và việc Matxcơva triệu hồi Đại sứ chỉ là hệ quả của những vấn đề nghiêm trọng hơn.
“Tôi cho rằng tiên đề ở đây là chính quyền Mỹ không thấy cần phải giao lưu nghiêm túc với Matxcơva. Phía Mỹ đã gặp Trung Quốc (hôm 19 tháng 3 đã diễn ra cuộc gặp cấp cao ở Alaska), và cuộc thương lượng dù không thành công thì cũng đã diễn ra. Đây là minh chứng về nguyện vọng tương tác. Theo hướng quan hệ với Nga thì không có điều đó”, - ông Kortunov nói.
Đồng thời, một số người giả thiết rằng phát ngôn của Biden thật ra là hướng đến trường khán giả nội bộ. Có lẽ quả là như vậy, - chuyên gia lập luận. Ở Mỹ có ý kiến cho rằng Putin sửa soạn làm phép thử với Biden. Thì đó, ông ấy là nhân vật phi xung đột, thiên về xu hướng thỏa hiệp và lại còn là người cao tuổi, vì vậy Tổng thống Nga sẽ chơi theo lối leo thang và thử thách người đồng cấp Mỹ của mình.
“Nếu quả như vậy và nếu nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng nghĩ thế, thì khi đó phát ngôn cố ý gay gắt và thậm chí là lỗ mãng của Biden nhằm phô trương rằng kiểu tranh luận như Putin dự định sẽ không thể áp dụng với ông ấy”, - chuyên gia Kortunov giải thích.
Tóm lại, vấn đề cấp bách nhất là kiểm soát vũ khí đã bị gạt sang một bên trong khoảng thời gian nào đó. Sẽ phải trở lại bàn vấn đề này trong 5 năm tới, và Nhà Trắng có thời gian để cho Nga thấy cuộc đối thoại tiềm năng sẽ diễn ra theo cách nào. Vụ xì-căng-đan mới đây khó có thể kích động làm quan hệ xấu đi đột ngột. Nói đúng hơn, đó là hệ quả của thực trạng liên hệ song phương.