Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đến Trung Quốc trong chuyến công du hai ngày, gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây. Hai Ngoại trưởng thảo luận về nhiều vấn đề, liên quan đến hợp tác chiến lược giữa hai nước. Đặc biệt, Nga và Trung Quốc đã cùng đồng ý gia hạn Hiệp ước về Láng giềng tốt, Hữu nghị, Hợp tác, và bổ sung thêm nội dung mới. Hai bên cũng đồng ý hợp tác trên một loạt lĩnh vực, trong đó có chống đại dịch Covid-19. Hai ông Sergei Lavrov và Vương Nghị cũng thảo luận về việc tổ chức các tiếp xúc ở cấp cao nhất giữa Liên bang Nga và CHND Trung Hoa.
Chuyến thăm Trung Quốc của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Liên bang Nga diễn ra ngay sau các cuộc đàm phán Hoa Kỳ - Trung Quốc ở định dạng 2 + 2. Đàm phán giữa Hoa Kỳ và CHND Trung Hoa, theo thừa nhận của hai bên, diễn ra rất cứng rắn và căng thẳng. Mặc dù chuyến công du tới Trung Quốc của ông Lavrov, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, không “liên quan” đến cuộc đàm phán Mỹ - Trung, nhưng một cách tự nhiên, tại cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng Nga và Trung Quốc, vấn đề trừng phạt của phương Tây, đặc biệt là từ Mỹ, cũng đã được đưa ra.
Mặc dù Washington, cũng như Brussels, đều lo ngại việc Nga và Trung Quốc xích lại gần trong bối cảnh cùng chống lại chính sách của phương Tây, nhưng EU và Hoa Kỳ làm tất cả để đẩy Nga và Trung Quốc tới các hành động phối hợp để đáp trả trước mối đe dọa từ phương Tây. Hai nước đang cố gắng phát triển các phương pháp tiếp cận chung để giải quyết vấn đề này. Như ông Lavrov lưu ý, Nga và Trung Quốc, trong hơn một năm qua đã cố gắng chuyển phần lớn thánh toán thương mại bằng tiền tệ quốc gia. Theo lời Ngoại trưởng Nga, cần phải tránh việc sử dụng hệ thống thanh toán của phương Tây để bảo vệ sự hợp tác thương mại và kinh tế của hai nước trước áp lực bên ngoài.
Đàm phán Nga-Trung hiện tại không chỉ nhấn mạnh vào khía cạnh tài chính của sự hợp tác
Mỹ dựa vào các biện pháp trừng phạt tài chính và sử dụng vị thế chi phối của đồng đô la trong hệ thống tài chính toàn cầu làm công cụ chủ đạo gây áp lực chính trị lên các quốc gia khác, theo Xu Boling - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Nga, Đông Âu và Trung Á, thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói với Sputnik.
«Vì cuộc đối đầu bằng sức mạnh và hành động quân sự công khai giữa các cường quốc hạt nhân là một quá trình không thể kiểm soát và quá nguy hiểm, có nhiều trở ngại cho Hoa Kỳ và các đồng minh của họ trong việc kiềm chế hiệu quả Liên bang Nga và Trung Quốc. Do đó, vũ khí duy nhất dễ tiếp cận với Hoa Kỳ trong thời điểm hiện nay - cái gọi là quyền tài phán của «cánh tay dài» và các biện pháp trừng phạt kinh tế. Đồng thời, cơ sở của tất cả các biện pháp trừng phạt là sức mạnh bá chủ của đồng đô la trong hệ thống tài chính toàn cầu. Trong những điều kiện như vậy, Trung Quốc và Liên bang Nga phải tìm đến các hình thức tự vệ, thúc đẩy các sáng kiến của riêng mình ở cấp độ quốc tế. Ví dụ, Trung Quốc và Nga đã trình lên Liên Hợp Quốc một tài liệu quy định cấm các biện pháp trừng phạt đơn phương. Điểm thứ hai là hợp tác tài chính nhằm bỏ qua hệ thống thanh toán SWIFT và thoát khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ càng sớm càng tốt. Tôi nghĩ đây là phương cách nhanh và hiệu quả nhất, bởi vì thanh toán bằng tiền tệ quốc gia, hệ thống thanh toán riêng, sẽ không phụ thuộc vào SWIFT".
Về mặt hình thức, SWIFT là Tổ chức đa phương với trụ sở đặt tại Bỉ
SWIFT là một tổ chức hợp tác làm việc theo luật pháp Bỉ và thuộc sở hữu của các thành viên trong đó. Tuy nhiên, thực tế lại khác, Hoa Kỳ ngày càng thể hiện quyền tài phán đối với SWIFT và sử dụng nó như một công cụ để thực hiện chính sách trừng phạt của mình. Do đó, thực sự SWIFT nằm dưới ảnh hưởng mạnh nhất của Hoa Kỳ. Ví dụ, khi Washington yêu cầu, Bắc Triều Tiên và Iran bị loại khỏi hệ thống SWIFT. Như vậy, các quốc gia này thực sự bị cắt đứt khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Trong mọi trường hợp, đối với thanh toán quốc tế, cơ chế duy nhất cho các nước này là trao đổi hàng hóa (barter) – hoàn toàn không hoàn hảo và không tiện lợi trong nghĩa đen của từ này.
Hiện tại, hầu hết các giao dịch song phương giữa Liên bang Nga và CHND Trung Hoa vẫn được tính qua đô la Mỹ, và quan trọng nhất là giao dịch thông qua hệ thống SWIFT. Điều này có nghĩa Hoa Kỳ có thể chặn bất kỳ giao dịch nào và thậm chí chặn hoàn toàn quyền truy cập vào nghiệp vụ thanh toán quốc tế. Đó là lý do tại sao cả Nga và Trung Quốc, để tự bảo vệ mình, đã bắt đầu tạo ra các hệ thống quốc gia của riêng mình để truyền tải các thông tin tài chính. Hệ thống nhắn tin tài chính (FMS) của Ngân hàng Nga và CIPS của Trung Quốc đã hoạt động thành công tại thị trường nội địa của hai nước trong vài năm qua. Hiện giờ nhiệm vụ là sử dụng các hệ thống này cho các thanh toán quốc tế. Không nghi ngờ gì nữa, công việc này sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, có những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện, do vậy có thể mất nhiều thời gian hơn so với kế hoạch ban đầu, theo Alexander Gabuev — giám đốc chương trình «nước Nga trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương» tại Trung tâm Carnegie Moskva, nói với Sputnik.
“Đây không phải là những hệ thống toàn cầu. Trước hết, đây là những hệ thống giúp cải thiện thanh toán giữa Nga và Trung Quốc. Nhưng tính đến việc có ít đại diện của các ngân hàng Trung Quốc ở Liên bang Nga, hoạt động của họ không đa dạng và mức độ thận trọng trước các đối tác Nga, việc "tuân thủ quá mức", vì họ không có đủ thông tin về việc ai nằm trong danh sách bị trừng phạt ở Liên bang Nga., và ai không, lĩnh vực nào bị hạn chế, v.v. Vẫn còn những vấn đề trong việc này. Do đó, ở đây, ngoài yếu tố kỹ thuật hay ý chí chính trị, cần có những thay đổi trong công việc của các ngân hàng Trung Quốc tại Liên bang Nga. Cần đến các khoản đầu tư nhất định vào việc mở rộng năng lực của hệ thống ngân hàng Trung Quốc, làm cho hệ thống này tương thích hơn với nhu cầu kinh doanh của Nga. Tôi không nói điều này không thể thực hiện. Rất có thể, sẽ có tiến triển, nhưng chậm hơn một chút so với kế hoạch".
Quá trình này cũng diễn ra chậm chạp còn vì Trung Quốc nhận thấy những rủi ro nhất định trong quá trình chuyển đổi thanh toán bằng đồng tiền quốc gia. Nếu nói về đồng rúp Nga, trước hết, đây là sự biến động trồi sụt của tỷ giá hối đoái, vốn phụ thuộc vào giá năng lượng, chuyên gia Trung Quốc Xu Bolin giải thích.
“Đồng rúp, giống như nhân dân tệ, có những hạn chế nhất định khi chúng ta nói về vai trò của chúng với tư cách tiền tệ quốc tế. Ví dụ, tỷ giá hối đoái của đồng rúp phụ thuộc vào giá năng lượng. Tuy nhiên, giá năng lượng có thể biến động mạnh trên thị trường thế giới, theo đó, gây ra sự biến động đồng rúp. Ngoài rủi ro về tỷ giá, đồng rúp cũng tiềm ẩn rủi ro tín dụng. Mặc dù thời điểm hiện tại rủi ro này không lớn, nhưng về lâu dài, hệ thống tài chính Nga và dự trữ quốc tế phải chịu những rủi ro an ninh nhất định".
Tại sao việc chuyển đổi sang thanh toán bằng đồng nhân dân tệ lại rủi ro?
Việc chuyển đổi sang thanh toán bằng đồng nhân dân tệ cũng có nhiều rủi ro, chủ yếu là do tính chuyển đổi không hoàn chỉnh của đồng tiền Trung Quốc và tài khoản vốn tiếp tục bị đóng. Mặc dù đã có các thỏa thuận về hoán đổi tiền tệ giữa Liên bang Nga và CHND Trung Hoa, nhưng đối với các công ty Nga, doanh thu bằng đồng nhân dân tệ không phải là một tài sản có tính thanh khoản cao, theo Gabuev chỉ ra.
“Đúng vậy, có những sơ đồ, trong đó một công ty dầu mỏ của Nga, chẳng hạn, bán dầu cho Trung Quốc và mua thiết bị khoan Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ. Đúng vậy, họ không phải chi trả cho việc chuyển đổi, tránh được rủi ro tỷ giá. Ngoài ra, giá niêm yết bằng đồng Nhân dân tệ của một giàn khoan thường thấp hơn giá niêm yết bằng đồng EUR hoặc USD. Nhưng rõ ràng là các thiết bị không được mua bằng tất cả các khoản thu nhập ngoại hối từ việc bán dầu. Có thể là mức tối đa là 10-20%. Phần còn lại, tất nhiên, các công ty muốn nhận bằng đồng tiền tự do chuyển đổi trong các khu vực pháp lý thuận tiện. Và đây là nơi nảy sinh các vấn đề. Đối với điều này, hạn ngạch đặc biệt vẫn cần thiết. Và thử nghiệm của các công ty Nga cho thấy công cụ này vẫn chưa phổ biến lắm. Có nghĩa là để các khoản thanh toán bằng tiền tệ quốc gia trở thành hiện thực, cũng cần có những tiến bộ trong cải cách tài chính ở Trung Quốc".
Nhìn chung, Nga và Trung Quốc vẫn còn rất nhiều việc phải làm để thích ứng quan hệ song phương của họ với sự thay đổi của môi trường bên ngoài. Các Ngoại trưởng Liên bang Nga và CHND Trung Hoa trong cuộc họp hiện tại đã mở rộng thỏa thuận về Hiệp ước Láng giềng tốt, Hữu nghị và Hợp tác.
Trong một tuyên bố chung, ngoại trưởng hai nước nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng quyền hợp pháp của các quốc gia có chủ quyền trong việc xác định độc lập con đường phát triển của mình, và lưu ý bên ngoài không được phép can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền với lý do "thúc đẩy dân chủ".