Tại sao ý tưởng này ra đời ở quần đảo Philippines?
Philippines hiện đang chia rẽ, chính quyền và người dân bị giằng xé giữa hai gã khổng lồ đang tranh giành quyền bá chủ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tổng thống Duterte cố gắng duy trì mối quan hệ láng giềng tốt đẹp với Bắc Kinh và nhận được sự giúp đỡ từ nước này, còn Phó Tổng thống Leni Robredo hy vọng nhiều hơn vào Mỹ, nhà báo Rasti Delizo viết.
Bản thân ông gọi cả hai quốc gia là đế quốc, và do đó, liên minh với một trong hai nước, theo ý kiến của ông, sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền và độc lập của Philippines, cũng như tình trạng an sinh, phúc lợi của người dân bình thường.
Rasti Delizo đề xuất ý kiến để chính phủ đất nước "cố gắng dẫn đầu sáng kiến toàn châu Á mới, có định hướng tiến bộ, duy trì các nguyên tắc chung sống hòa bình toàn cầu, chống chủ nghĩa đế quốc, đoàn kết quốc tế, hữu nghị, hợp tác, tập trung vào lợi ích của người dân".
Tác giả nhắc lại những sự kiện trong lịch sử thế giới như Hội nghị Bandung năm 1955, đánh dấu sự khởi đầu của Phong trào không liên kết, và Hội nghị Ba lục địa ở Cuba năm 1966, nơi nảy sinh phong trào đoàn kết với các dân tộc châu Phi, Á và Mỹ Latinh (tôi xin nhắc lại tại Hội nghị ba lục địa, chính sách hiếu chiến của Hoa Kỳ đã bị lên án đặc biệt gay gắt, trong đó có đối với Việt Nam). Như vậy, rõ ràng có thể thấy nhà xã hội chủ nghĩa người Philippines đồng tình với ý tưởng nào.
Theo ý kiến ông, hơn 40 quốc gia Tây Á, Trung Á, Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á nên tham gia vào khối liên khu vực mới.
Không cần phải can thiệp theo kiểu “mang luật lệ của mình áp dụng vào tu viện xa lạ”
Lập trưởng của Rasti Delizo cũng như nhiều người khác ở Đông Nam Á là điều dễ hiểu. Một mặt, họ không thích việc Washington liên tục áp đặt các tiêu chuẩn dân chủ của mình, lên án (thường là vô căn cứ) về việc vi phạm nhân quyền. Nhưng các giá trị Nho giáo thấm nhuần văn hóa chính trị Trung Quốc cũng không phù hợp với họ. Người Philippines không muốn “người lạ đến tu viện của mình cùng với quy chế riêng của họ”.
Thế phải làm gì? Tất nhiên, cần phải tìm kiếm một "con đường thứ ba", và không đứng về phía nào trong số những cường quốc đang tranh giành vị trí lãnh đạo ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương - Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ. Trong những năm Chiến tranh Lạnh, nhiều quốc gia châu Á, Phi và Mỹ Latinh đã giữ được chủ quyền và độc lập dân tộc nhờ tham gia vào Phong trào không liên kết, nơi nguyên tắc chính là bình đẳng với các siêu cường hàng đầu khi đó - Mỹ và Liên Xô, không tham gia vào các khối quân sự. Chúng ta hãy lưu ý nhiều quốc gia trên thế giới, như Ấn Độ, Indonesia, Ai Cập, Cuba, đã giành được uy tín quốc tế của mình nhờ tham gia tích cực vào Phong trào không liên kết.
Phong trào không liên kết vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Nhưng hoạt động không còn được tiếng vang như trước đây. Có thể hợp lý hơn khi không cần thành lập một tổ chức liên khu vực mới, mà hãy thổi một luồng sinh khí mới vào Phong trào không liên kết?