Có chú ý đến việc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII đã xác định mục tiêu đầy tham vọng: trong 10 năm tới Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và sau 15 năm nữa Việt Nam vào nhóm các nước có thu nhập cao, thì ban lãnh đạo Quốc hội vừa được bầu ra phải đối mặt với những nhiệm vụ hết sức quan trọng.
"Tứ trụ" lãnh đạo
Tại phiên họp này các đại biểu đã thông qua Danh sách bầu các bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan quan trọng nhất của Nhà nước. Tuy nhiên, các nhân vật lãnh đạo hàng đầu là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội. Ba người này cùng với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Việt Nam tạo thành “tứ trụ” quyết định đường lối đối ngoại và đối nội của Việt Nam. Tại Đại hội Đảng vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mặc dù tuổi đã cao. Đây là nhiệm kỳ Tổng Bí thư thứ 3 của ông.
“Quyết định này của Đại hội thể hiện quyết tâm tiếp tục thực hiện các chương trình đã được vạch ra trước đây và được đánh giá cao. Trước hết, đây là mục tiêu đảm bảo ổn định chính trị, tiếp tục phát triển kinh tế, chống lại coronavirus một cách hiệu quả, cũng như kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, - Giáo sư Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg cho biết.
Và những người được bầu tại kỳ họp của Quốc hội cho ba chức vụ cao nhất khác sẽ hỗ trợ Tổng Bí thư trong mọi nỗ lực của ông.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được bầu làm Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Ông Phúc đã có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế và trở thành người chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, ông sẽ tiếp tục đưa đất nước vươn lên trên trường quốc tế. Ông có kinh nghiệm phong phú trong việc phát triển hợp tác quốc tế, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, cũng như trong thời gian Việt Nam thực hiện trách nhiệm của Chủ tịch ASEAN vào năm 2020.
Ông Phạm Minh Chính trở thành tân thủ tướng. Ông có nhiều kinh nghiệm làm việc trong bộ máy đảng lẫn trong ngành an ninh cũng như trong hoạt động kinh doanh. Trên cương vị Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, ông Phạm Minh Chính đã đấu tranh chống "các thế lực thù địch", khi giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng ông bảo đảm sự trong sạch của hàng ngũ đảng. Ở cương vị Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh, ông đã góp phần giúp Quảng Ninh thay đổi diện mạo nhanh chóng, đặc biệt đã làm giảm mạnh tình trạng ô nhiễm môi trường do khai thác than. Theo chuyên gia phương Tây hàng đầu về Việt Nam, Giáo sư người Úc Carl Thayer, những ưu tiên trước mắt của ông Chính đã được quyết định: đó là việc chống dịch bệnh COVID-19 và khởi động quá trình hồi phục của nền kinh tế Việt Nam. Việc thực hiện các hiệp định đa phương và song phương về thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Trong số đó, nhà khoa học Australia nhấn mạnh đến các hiệp định CPTPP, RCEP, EVFTA, các FTA với EAEU và Vương quốc Anh. Trong bài phát biểu của mình, tân Thủ tướng khẳng định lại việc tuân thủ chính sách chỉnh Đảng với hình tượng "đốt lò lửa chống tham nhũng" mà Nguyễn Phú Trọng nêu ra. Ông hứa sẽ "kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng thể chế, cơ chế, giải pháp mạnh mẽ, chặt chẽ, hiệu quả".
Ông cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam sẽ "tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả" và "kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ". Theo các chuyên gia, trong quan hệ quốc tế, ông Phạm Minh Chính sẽ có cách tiếp cận thực tế và thực dụng, khuyến khích quan hệ chặt chẽ hơn với Washington, đồng thời tránh xa lánh Trung Quốc quá mức trong bối cảnh xung đột giữa Hà Nội và Bắc Kinh ở Biển Đông.
Những kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực quản lý kinh tế sẽ giúp tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hướng dẫn các hoạt động lập pháp của Quốc hội, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình này.
Tăng cường vai trò của đảng
Grigory Lokshin, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, IFES RAS, cho biết:
"Đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam là minh chứng cho việc Đảng Cộng sản Việt Nam duy trì và tăng cường vai trò của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bản thân Đảng cũng đặc biệt coi trọng giữ gìn tư cách, phẩm chất đạo đức của các đảng viên, những người lãnh đạo. Họ phải là những người có phẩm chất đạo đức và kinh doanh xuất sắc. Những hành động khéo léo của họ dẫn đến những kết quả, thành công của đất nước và giúp làm tăng niềm tin của nhân dân đối với đảng, nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Sự ổn định chính trị được tạo ra bởi sự lãnh đạo của đảng là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế hiệu quả và dòng vốn đầu tư nước ngoài. Điều này đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh bất ổn ngày càng tăng trên thế giới và trong khu vực".
Việt Nam đang bước vào chu kỳ phát triển mới kéo dài 5 năm với ban lãnh đạo mới. Cuộc sống luôn xảy ra những điều bất ngờ. Song, như lịch sử đã chứng minh, những người cầm quyền ở Việt Nam luôn biết biến thách thức thành cơ hội, tận dụng những lợi thế sẵn có để vượt qua khó khăn, đạt được những thành công to lớn trong sự nghiệp phát triển đất nước để Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng.