Hôm thứ Sáu ngày 9/4, tại cuộc họp báo quý I/2021 của Bộ quốc phòng Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y cho biết, dự kiến tháng 8-2021, Việt Nam sẽ có vắc xin ngừa Covid-19 do chính Việt Nam sản xuất để tiêm chủng.
Thông tin này được đánh giá rất tích cực. Nhưng dựa trên cơ sở nào Việt Nam có thể tuyên bố như vậy? Vì sao có thể rút ngắn thời gian thử nghiệm? Quan điểm của Việt Nam về “tấm khiên vaccine” như thế nào? Phóng viên Sputnik đã tìm hiểu vấn đề, phỏng vấn ông Hồng Long – chuyên gia về các chính sách đối nội của Việt Nam.
Nano Covax của Việt Nam hiệu quả hơn AstraZeneca
Sputnik: Như vậy, theo lời Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, dự kiến tháng 8 này, Việt Nam sẽ có vắc xin ngừa Covid-19 do chính Việt Nam sản xuất để tiêm chủng trong nước. Kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 và tính hiệu quả như thế nào, để có tuyên bố như vậy, thưa ông?
Chuyên gia Hồng Long: Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh về kết quả của việc tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 đối với vaccine Nano Covax. Kết quả cho thấy, vaccine này có hiệu quả sinh miễn dịch hơn hẳn so với vaccine AstraZeneca (đạt đến trên 85%). Vấn đề còn lại là thời gian bảo tồn của tác dụng miễn dịch để xác định thời hạn tiêm mũi thứ hai sau mũi thứ nhất. Các nhà khoa học Việt Nam cũng đang nghiên cứu hướng cải tiến vaccine sao cho chỉ cần tiêm một mũi cùng đạt hiệu quả sinh miễn dịch lâu dài và hạn chế tối đa các tác dụng phụ không mong muốn.
Thời gian nghiên cứu thử nghiệm được rút ngắn đáng kể
Sputnik: Như vậy, hoàn toàn có cơ sở khoa học để tuyên bố rằng chỉ 4 tháng nữa thôi Việt Nam đã có vaccine tự sản xuất để tiêm cho người dân? Việt Nam có đốt cháy giai đoạn không?
Chuyên gia Hồng Long: Tuyên bố của người đứng đầu ngành Quân y Việt Nam là có cơ sở khoa học vững chắc. Hiện nay, Việt Nam tiếp tục việc thử nghiệm trên người ở mức số lượng lớn giai đoạn 3 đối với vaccine Nano Covax và các loại vaccine khác. Tuy nhiên, kế hoạch thử nghiệm trên người ở nước ngoài được hủy bỏ do khó khăn về đi lại, vận chuyển nên đối tượng được tiêm thử nghiệm giai đoạn 3 là người Việt Nam ở trong nước. Vì vậy, tiến trình thử nghiệm được rút ngắn một thời gian nhất định.
Thông thường, việc kiểm nghiệm kết quả tiêm thử sẽ phải trả qua các bước phân tích, đánh giá rất phức tạp nếu như vaccine được thử nghiệm đơn lẻ, chưa có vaccine khác để so sánh. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đã có vaccine AstraZeneca nhập khẩu nên việc kiểm nghiệm, đánh giá tính sinh miễn dịch, thời gian tồn tại của miễn dịch, tỷ lệ có hiệu quả và các phản ứng phụ sẽ dễ dàng hơn nhờ so sánh trực tiếp giữa vaccine tiêm thử với vaccine đang lưu hành. Vì vậy mà thời gian nghiên cứu thử nghiệm được rút ngắn rất đáng kể, chỉ còn khoảng 2/3 so với dự kiến ban đầu.
Việt Nam mở chiến dịch “tìm diệt COVID-19”, “tấm khiên vaccine” chỉ là một biện pháp
Sputnik: Tại cuộc họp báo trên, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên đã nói rất cụ thể: “Sau đợt tiêm thử nghiệm giai đoạn 3 vào khoảng tháng 5/2021 tới đây, đến tháng 8/2021 sẽ có vắc xin phòng Covid-19 do Việt Nam sản xuất. Như vậy, Việt Nam sẽ có thêm "vũ khí" để chống Covid-19”.
Song song với vaccine, Việt Nam còn chú trọng tới những "vũ khí" nào nữa trong cuộc chiến với COVID-19?
Chuyên gia Hồng Long: Quan điểm trước sau như một của chuyên ngành Y tế dự phòng Việt Nam là “tấm khiên vaccine” cho dù có tác dụng rất hữu hiệu nhưng cũng vẫn chỉ là một trong những biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19. Việt Nam luôn có các biện pháp đối phó khác đi kèm để tăng cường hiệu quả phòng chống dịch.
Trước hết vì hầu hết các ca nhiễm biến thể SARS-COV-2 mới đều không có triệu chứng. Đến khi xuất hiện các triệu chứng thì bệnh đã trở nặng. Ngoài nguyên nhân về bệnh lý nền thì 35 ca tử vong trong giai đoạn dịch thứ hai (mùa hè năm 2020) và một số ca nặng trong giai đoạn dịch vừa qua đều thuộc trường hợp này. Vì vậy, Việt Nam đã tăng cường sản xuất các bộ kit xét nghiệm, trang bị thêm nhiều máy xét nghiệm hiện đại, phần lớn là các thiết bị PCA Realtime có khả năng xét nghiệm ADN và ARN với độ chính xác gần như tuyệt đối.
Trên cơ sở đó, ngành Y tế Việt Nam mở chiến dịch “tìm diệt COVID-19” chứ không còn thụ động ngồi chờ có dịch rồi mới dập. Điều đó có nghĩa là mở những chiến dịch xét nghiệm diện rộng một cách ngẫu nhiên nhằm vào các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao để “tìm diệt” mầm bệnh trong cộng đồng ngay cả khi chưa có ca bệnh F0 hiện hữu để “điều trị ngăn chặn”. Nói cách khác là một chiến dịch kiểu “ra tay chặn trước”. Sau đó, diện xét nghiệm sẽ được mở rộng đại trà và định kỳ để kiểm soát chặt chẽ hơn những nguồn bệnh còn chưa được phát hiện trong xã hội. Đó là vũ khí chống dịch hữu hiệu thứ hai của Việt Nam.
Bên cạnh đó, vũ khí chống dịch thứ ba của Việt Nam hiện nay vẫn là khẩu trang, khử khuẩn và khai báo y tế. Trong đó, việc sử dụng phần mềm cảnh báo dịch “BLUE ZONE” vẫn là biện pháp hữu hiệu, giúp ích rất đắc lực cho việc “tìm diệt” nguồn bệnh. Một khi đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cần thiết, các biện pháp giữ khoảng cách và không tụ tập đông người có thể được nới lỏng hơn nữa.
Cuối cùng, Việt Nam đang nghiên cứu nhằm hình thành một cơ chế sử dụng “Vaccine Passport” để có thể mở lại các tuyến giao thông hàng không quốc tế và khôi phục ngành du lịch. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế Việt Nam vẫn khuyến cáo rằng cần hết sức thận trọng đối với “Vaccine Passport” vì ba nguyên nhân sau đây:
Một là, hiện chưa có một loại vaccine COVID-19 nào đang lưu hành trên thế giới có thể đạt được hiệu quả tới 100%. Nghĩa là vẫn có một tỷ lệ nhất định những người đã tiêm vaccines đủ liều nhưng vẫn không sinh miễn dịch. Đây là điều nguy hiểm cho cộng đồng.
Hai là, trên thế giới hiện vẫn chưa thống nhất về cơ chế áp dụng “Vaccine Passport” và cũng chưa thống nhất trong việc đánh giá hiệu quả của các loại vaccine cũng như chấp nhận các loại vaccine của nhau. WHO và Mỹ vẫn phản đối cơ chế “Vaccine Passport”. Một số nước đã áp dụng nhưng cũng rất thận trọng như Thái Lan. Họ chỉ giảm thời gian cách ly xuống 7 ngày đối với đối tượng có giấy chứng nhận đã tiêm vaccine, giảm số lần xét nghiệm từ 3 lần xuống 2 lần và giới hạn phạm vi đi lại của du khách. Điều đó có nghĩa là “Vaccine Passport” chỉ làm giảm bớt một số “phiền toái” cho người sử dụng nó chứ không thể là “bùa hộ mệnh vạn năng” như nhiều người đã lầm tưởng.
Ba là, nguy cơ xuất hiện và lưu hành bất hợp pháp những “Vaccine Passport” giả mạo do các tổ chức tội phạm quốc tế và trong nước tung ra. Ngay hiện nay, khi “Vaccine Passport” còn chưa được sử dụng thì các tổ chức tội phạm trên mạng đã rao bán hàng loạt các “Vaccine Passport” giả mạo. Điều này có thể là nguy cơ rất lớn khiến cho “Vaccine Passport” thật bị giảm giá trị, thậm chí là bị vô hiệu hóa. Đây là mặt trái hết sức nguy hiểm của cơ chế “Vaccine Passport”.
Việt Nam tập trung nguồn lực để phát triển vaccine trong nước
Sputnik: Dư luận đặt câu hỏi về việc sao Việt Nam tuyên bố về hàng chục triệu vaccine mua của nước ngoài mà hiện tại chưa thấy đâu. Việt Nam gặp khó khăn gì liên quan tới nguồn cung? Ông có thể đưa lý giải về đều này?
Chuyên gia Hồng Long: Việt Nam hiện vẫn có hai nguồn vaccine nhập khẩu. Thứ nhất là nguồn mua vaccine từ các quốc gia sản xuất vaccine đã được Việt Nam phê chuẩn. Hai là nguồn cung từ chương trình COVAX của WHO. Tuy nhiên, cả hai nguồn cung này đều vấp phải những ách tắc nghiêm trọng.
Việc các nước EU kiểm soát việc xuất khẩu vaccine AstraZeneca bằng hạn ngạch đã làm cho phía Việt Nam không thể mua được loại vaccine này từ các nước EU mà phải mua từ các nhà máy của AstraZeneca sản xuất vaccine tại Hàn Quốc và Ấn Độ, trong khi tình hình dịch COVID-19 ở các nước này vẫn có những diễn biến hết sức phức tạp trong những tháng đầu năm 2021.
Việc các quốc gia giàu có đặt hàng sớm và trả giá cao đã khiến cho dòng vaccine “chảy” nhiều hơn về phía họ. Ngay cả Chương trình tài trợ vaccine COVAX của WHO cũng phải rất vất vả mới có thể gom góp được 38 triệu liều vaccines các loại trong tổng số 2 tỷ liều theo kế hoạch toàn bộ. Trong khi đó thì việc mua thêm vaccine có thể ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp vaccine miễn phí của COVAX cho Việt Nam với lý do Việt Nam có thể “tự xoay xở” được.
Trước tình hình đó cũng như việc kiểm soát đợt dịch thứ ba đầu năm 2021 đã thu được kết quả rất tốt, Việt Nam không đặt nặng vấn đề vaccine nhập khẩu mà tiếp tục tập trung nguồn lực để phát triển vaccine trong nước. Bộ Y tế Việt Nam và các cơ sở nghiên cứu y sinh của Việt Nam đặt chỉ tiêu đến Quý III năm 2021 sẽ sản xuất đại trà vaccine nội địa để cung cấp cho toàn dân. Theo các thông tin khả quan về các việc thử nghiệm các vaccine nội địa của Việt Nam thì đây là một mục tiêu có tính khả thi rất cao.
Sputnik: Chân thành cảm ơn chuyên gia Hồng Long. Chúc Việt Nam thành công trong cuộc chiến với COVID-19.
Đọc thêm: