Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam là thị trường đầu tư rất được lòng giới doanh nhân Nhật, Hà Nội chỉ đứng sau Bắc Kinh và khoảng cách chênh lệch về thu hút đầu tư nước ngoài giữa hai nước giảm đi đáng kể.
Báo cáo PCI 2020 cũng cho thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh các tập đoàn quốc tế lớn dần tìm cách giảm lệ thuộc vào Trung Quốc do lo ngại thương chiến Mỹ - Trung.
JETRO: Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai sau Trung Quốc
Việt Nam là thị trường đứng thứ hai, chỉ sau Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản ưa thích, lựa chọn khi chuyển dịch sản xuất, mở rộng kinh doanh ra nước ngoài.
Việt Nam không chỉ là “thỏi nam châm” thu hút lượng lớn FDI từ khắp nơi trên thế giới mà còn tạo được lòng tin vững chắc đối với các tập đoàn, công ty xử sở hoa anh đào.
Những thông tin này được đích thân ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định trong khuôn khổ cuộc họp giới thiệu sự kiện “Japan Vietnam Festival” được tổ chức hôm 15/4 vừa qua.
“Japan Vietnam Festival” là cơ hội để JETRO mang những thương hiệu hàng hóa chính hãng của Nhật đến Việt Nam, được người tiêu dùng Việt Nam trải nghiệm, đánh giá cao, thị trường 97 triệu dân của Việt Nam cũng rất được các doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng.
Chia sẻ tại sự kiện này, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM Shinji cho biết, kể từ năm 2002, JETRO đã tiến hành “Bảng câu hỏi khảo sát về việc phát triển kinh doanh ở nước ngoài” hàng năm với các công ty Nhật Bản có quan tâm đến hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.
Theo ông Hirai Shinji, trong năm tài chính 2020, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản đã nhận được phản hồi từ tổng số 2.722 công ty và trong cuộc khảo sát này, mong muốn mở rộng ra nước ngoài vẫn không hề giảm sút.
Bảng khảo sát mà JETRO thu thập được cũng cho thấy, trong khi Trung Quốc đang là thị trường mục tiêu lớn nhất thì xu hướng đa dạng hóa dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm sang Việt Nam, Hoa Kỳ, Đài Loan, khu vực ASEAN... cũng tăng lên.
Đáng lưu ý, theo ông Shinji, trong số các quốc gia/khu vực mà doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến được yêu thích.
“Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai sau Trung Quốc”, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho hay,
Đồng thời, trong một cuộc khảo sát cách đây 10 năm, giữa Trung Quốc và Việt Nam có một khoảng cách khoảng chênh lệnh tới 48% thì tỷ lệ này đã thu hẹp dần theo từng năm, và chỉ còn khoảng 7%. Việt Nam đang “theo rất sát nút” Trung Quốc và thay đổi vị thế đáng kể thu hút lượng lớn các nhà đầu tư.
Cũng theo ông Hirai Shinji, tỷ lệ về các vấn đề gặp phải trong kinh doanh ở Việt Nam nhìn chung đang giảm xuống, được thể hiện qua động lực mở rộng kinh doanh ngày càng tăng.
“Phải nói đến việc các vấn đề về cơ sở hạ tầng đã được cải thiện đáng kể”, Trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM nêu rõ.
Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất hàng hóa
Lãnh đạo JETRO nêu rõ quan điểm rằng, nếu trước đây, Việt Nam chủ yếu được các doanh nghiệp Nhật Bản để mắt đến ở góc độ lựa chọn làm cứ điểm sản xuất hàng hóa thì nay, quốc gia này đã trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm đáng chú ý đối với các công ty đất nước mặt trời mọc.
Theo số liệu mà tổ chức này có được, Việt Nam đứng thứ 5 trong Top 10 thị trường nhập khẩu nông – lâm – thủy sản Nhật Bản với doanh thu trên 53,5 tỷ yên năm 2020.
Ông Shinji cũng cho biết, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn tăng cường việc đưa hàng vào Việt Nam thông qua các kênh trực tiếp lẫn gián tiếp (thông qua các nhà bán lẻ, nền tảng thương mại điện tử…).
Người đứng đầu tổ chức này cũng nêu rõ, JETRO đã vận hành nền tảng trực tuyến Japan Street từ đầu năm nay, cho phép hỗ trợ việc phân phối sản phẩm Nhật Bản trong suốt cả năm. Theo đó, dự án Japan Mall và nền tảng trực tuyến BtoB “Japan Street” được Jetro tập trung đẩy mạnh phát triển nhằm đưa các mặt hàng điển hình của Nhật như công nghệ điện tử, hàng gia dụng, nhu yếu phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm đến tay người tiêu dùng Viẹt Nam.
Theo chia sẻ của lãnh đạo JETRO, tại Việt Nam, tiền thân dự án đã bắt đầu hoạt động vào năm 2016 và đến năm 2020 đã có 7 đơn vị gồm các trang thương mại điện tử EC và nhà bán lẻ tham gia, bao gồm cả FamilyMart, Hachi Hachi, Kamereo cung cấp.
Ngoài ra, còn có hơn 500 nhà cung cấp đã đăng ký trên website, dự kiến sẽ tăng số lượng đăng ký trong tương lai. Các đơn vị mua hàng từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam, đã được JETRO mời và đăng ký tham gia.
Chia sẻ với báo giới, ông Hirai Shinji cho biết, JETRO đã thành lập nhóm doanh nghiệp xúc tiến chuyển đổi số để kết nối các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam. Trong đó có một số doanh nghiệp Việt Nam công nghệ còn cao hơn Nhật Bản và JETRO đã đầu tư vào những doanh nghiệp này để mua lại công nghệ của họ.
Vị lãnh đạo dẫn chứng ra điển hình như trong năm 2020 Tập đoàn Sojitz (Sojitz) đã mua lại cổ phần của Công ty Cổ phần RYNAN, một công ty khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp tại Việt Nam thông qua phương thức phân phối chứng khoán cho bên thứ ba.
Cùng với việc đầu tư vào RYNAN, Sojitz sẽ khai thác thế mạnh mạng lưới kinh doanh của mình tại Việt Nam và quốc tế để phổ biến nền tảng ứng dụng nông nghiệp này.
“Điều này cũng là để theo đuổi mục tiêu cách mạng công nghiệp 4.0, đóng góp vào tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam về ứng dụng công nghệ thông minh vào các lĩnh vực kinh tế then chốt của quốc gia”, Trưởng đại diện tổ chức JETRO nhấn mạnh.
Ông Hirai Shinji cho rằng, việc thông qua đa dạng các nền tảng, Japan Mall sẽ tăng cường mở rộng và phân phối thương mại các sản phẩm của Nhật Bản vào Việt Nam.
Cùng với các nền tảng trên, JETRO cũng cho ra mắt kênh YouTube “Vietnam-Japan DX” giới thiệu các công ty khởi nghiệp của Việt Nam vào tháng 1/2021, và đã đăng tải nhiều video, thông tin, hỗ trợ kết nối giữa các công ty Nhật Bản quan tâm đến Việt Nam.
Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn
Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 cho thấy, các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với lợi thế nền chính trị theo mô hình xã hội chủ nghĩa ổn định, thủ tục hành chính công dần thuận tiện, thông thoáng, công tác thanh, kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt cùng nhiều điểm sáng tích cực, động lực từ nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ.
“Trong giông bão của dịch bệnh, Việt Nam không chỉ phòng chống dịch hiệu quả mà còn duy trì được tăng trưởng kinh tế, là một trong số ít quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng dương khá cao trong năm 2020 vừa qua. Điều tra hơn 1.500 doanh nghiệp FDI đang làm ăn tại Việt Nam cho thấy Việt Nam tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài dù đã trải qua một năm đầy khó khăn”, báo cáo PCI 2020 nhấn mạnh.
Nhận định về vấn đề này, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Daniel J. Kritenbrink đánh giá, chỉ số PCI 16 năm qua có vai trò quan trọng thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong công tác điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, qua đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Chuyên gia khẳng định, việc Việt Nam đạt được những thành tích tích cực nhờ cải thiện về thủ tục hành chính công, hải quan, chính sách.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam kiểm soát dịch Covid-19 thành công tạo dựng được niềm tin rất lớn đối với các nhà đầu tư trong giai đoạn tăng cường phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Ông Kritenbrink nhấn mạnh, những năm qua, các loại phí không chính thức tiếp tục giảm và đây là thành quả chứng minh kết quả công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực trong bộ máy chính quyền Việt Nam.
“Đây là kết quả to lớn đạt được từ cuộc chiến chống tham nhũng. PCI chương cuối định hướng ra con đường phát triển Việt Nam trong thời gian tới”, Đại sứ Daniel Kritenbrink nhấn mạnh.
Với cơ sở này, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang áp dụng những công nghệ có quy trình hiện đại để xây dựng một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững hơn.
Kết quả điều tra PCI 2020 cũng chứng minh những thành công trong chiến lược của Việt Nam trong việc phát triển kinh tế trên cơ sở thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển khu vực tư nhân tạo nên tiềm lực nội tại của nền kinh tế.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá, PCI là chỉ số hành động, thúc đẩy những hành động thực chất của chính quyền các tỉnh, thành phố nhằm cải thiện chất lượng điều hành và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Theo đó, các tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất năm theo PCI 2020 là Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội, Bắc Ninh.
Trong khi đó, Quyền Giám đốc USAID Việt Nam Brad Bessire khẳng định, PCI giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố trong 16 năm qua.
Báo cáo cũng chỉ ra còn một số điểm phải cải thiện như kiểm soát tham nhũng, hệ thống thủ tục, quy định, cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ công. Theo kết quả PCI 2020, có 27% doanh nghiệp FDI đánh giá mức độ tham nhũng ở Việt Nam ít phổ biến hơn ở Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Indonesia, nhưng có 32% doanh nghiệp cho rằng hệ thống thủ tục quy định và cơ sở hạ tầng của Việt Nam tốt hơn các quốc gia trên.
Có khoảng 42% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam tốt hơn. Cũng như phía Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, kết quả điều tra PCI cũng đồng thời phù hợp với nhận định của Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) với đề xuất cần cải thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng và cải thiện thủ tục hành chính quy định để thu hút vốn FDI mạnh mẽ hơn.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam tăng cường hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, cải thiện chất lượng tài chính công, hoàn thiện thủ tục pháp lý, nâng cao cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm làm ăn ở đất nước nổi tiếng là yêu chuộng hòa bình này.