Lầu Năm Góc sẽ nhận được phần lớn nhất - 715 tỷ USD. Nói chung, Joe Biden tiếp tục đường lối củng cố quân đội của Trump. Các khoản tiền này sẽ được sử dụng vào những mục đích gì? Chi tiết - trong tài liệu của Sputnik.
Nhiệm vụ chính là kiềm chế Bắc Kinh
Đề xuất chi tiêu quốc phòng trước hết nhằm chống lại đối thủ địa chính trị chính của Hoa Kỳ là Trung Quốc. Tài liệu lưu ý đến sự cần thiết phải tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ gần biên giới của CHND Trung Hoa. Vào tháng 3, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ (INDOPACOM), đô đốc Philip Davidson vạch kế hoạch quân sự 27,3 tỷ USD đối phó Trung Quốc, bao gồm các hệ thống phòng không, trung tâm trinh sát, triển khai tên lửa và radar, tổ chức những cuộc tập trận chung với các đồng minh.
Rõ ràng, Mỹ sẽ cấp thêm tiền để quân sự hóa khu vực Tây Thái Bình Dương. Lầu Năm Góc nhiều lần bày tỏ ý định triển khai vũ khí tầm xa trên chuỗi đảo thứ nhất (Philippines - Hàn Quốc - Nhật Bản). Rốt cuộc, căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam cách biên giới Trung Quốc 2.000 km, mà đây là quá xa. Tuy nhiên, các đồng minh trong khu vực chưa hài lòng trước việc Mỹ có kế hoạch triển khai các hệ thống tấn công. Nhưng, nếu không có sự trợ giúp của các quốc gia thân hữu, Hoa Kỳ không thể kiềm chế Bắc Kinh một cách hiệu quả.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh:
“Không có nghi ngờ gì rằng, chúng ta cần tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trung Quốc là thách thức chính. Bắc Kinh tìm cách thay đổi trật tự thế giới, hành động hung hăng hơn và nỗ lực rất nhiều để hạn chế chúng ta tiếp cận biên giới của họ. Chúng tôi đang xem xét nguồn lực hiện có ở Thái Bình Dương, đánh giá quân số, vũ khí, khả năng của các đơn vị, lực lượng hậu cần, cơ sở hạ tầng, quan hệ với các đồng minh. Sau đó, chúng tôi sẽ thông qua các quyết định cần thiết về việc xây dựng quân đội trong khu vực”.
Phát triển Hải quân
Một phương hướng ưu tiên trong phân bổ vốn ngân sách là việc đóng tàu. Mỹ sẽ cấp tài trợ cho các chương trình phát triển tàu ngầm và tàu không người lái đầy hứa hẹn, mà Hải quân Hoa Kỳ sẽ sử dụng trong các cuộc tấn công theo kiểu "bầy đàn". Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby, ngành công nghiệp đóng tàu đang được kiểm soát đặc biệt, bởi vì hạm đội hùng mạnh là cơ sở để chiếu quyền lực trong hiện tại và tương lai.
Hải quân Mỹ đã sẵn sàng từ bỏ dần các tàu tuần dương lớp Ticonderoga. 22 tàu vẫn đang hoạt động và đạt tuổi nghỉ hưu 35 năm. Trên thực tế, tiềm năng hiện đại hóa chúng đã cạn kiệt. Chúng sẽ dần được thay thế bởi các tàu khu trục lớp Arleigh Burke, phiên bản Flight III. Con tàu Flight III đầu tiên, USS Jack H. Lucas dự kiến đưa vào biên chế trong năm 2023.
Tàu lớp Arlie Burke kém hơn Ticonderoga về sức mạnh của tên lửa salvo, nhưng, việc bảo dưỡng nó lại rẻ hơn nhiều. Ngoài ra, các sở chỉ huy lực lượng phòng không và không quân hiện đang được bố trí trên các tàu tuần dương có thể được đặt trên các tàu khu trục phiên bản Flight III.
Cách tiếp cận mới
Ngân sách dành nhiều tiền tài trợ các chương trình UAV, tên lửa hành trình tầm xa. Hoa Kỳ cần có các pháo tầm xa và hệ thống pháo phản lực phóng loạt hiện đại.
Lầu Năm Góc đặc biệt quan tâm đến việc phát triển các loại vũ khí siêu vượt âm - hypersonic, vì họ nhận thấy rằng Mỹ đang tụt hậu không chỉ so với Nga mà còn so với Trung Quốc trong lĩnh vực này. Chính bởi vậy họ đang phát triển một số loại tên lửa siêu vượt âm: tên lửa đất đối đất siêu thanh Operational Fires cho lực lượng mặt đất, tên lửa LRHW cho Hải quân, HAVWC và ALRW cho Không quân. Tên lửa ALRW được lên kế hoạch đưa vào sản xuất vào năm 2022, nhưng, sau các cuộc thử nghiệm không thành công Mỹ có thể trì hoãn quyết định này. Cho đến nay, Washington chưa có loại tên lửa bội siêu thanh nào được sản xuất hàng loạt.
Các khoản tiền lớn sẽ được cấp cho các "chiến dịch đa kênh" và "chiến trường kỹ thuật số". Ví dụ, Mỹ có kế hoạch thiết lập sự trao đổi thông tin nhanh chóng giữa tất cả các loại hình và chi nhánh của quân đội trong thời gian thực mà không có liên kết trung gian. Các hoạt động chung của lực lượng mặt đất, không quân và hải quân sẽ được bổ sung thêm các chiến dịch trong không gian vũ trụ và không gian mạng, mà đến nay không gian vũ trụ và không gian mạng chưa được coi là chiến trường.
Trong khi tích cực đầu tư vào các công nghệ tiên tiến, người Mỹ không quên các phương tiện răn đe hạt nhân truyền thống. Nguồn vốn cho chương trình ICBM - Vũ khí chiến lược trên mặt đất (GBSD) sẽ giúp thay thế các cựu chiến binh Minuteman III. Năm 2020, tập đoàn Northrop Grumman đã nhận được hơn 13 tỷ USD cho chương trình này. Rõ ràng, Washington đang vội vàng đáp trả các ICBM Yars và Sarmat của Nga cũng như DF-41 của Trung Quốc.