Quyết định dừng bắn pháo hoa của lãnh đạo hai thành phố lớn nhất Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp tại Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan, Lào và trên thế giới.
Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, việc bắn pháo hoa khó kiểm soát, trong khi biến thể virus corona mới lây rất nhanh, ‘lỡ xảy ra chuyện gì, ân hận không kịp’.
TP.HCM dừng bắn pháo hoa dịp 30/4
Sáng nay 26/4, lãnh đạo TP.HCM chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19.
Cuộc họp của người đứng đầu UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong với lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận huyện của thành phố được tổ chức trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến vô cùng phức tạp trên thế giới, trong khu vực và nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, tái bùng phát tại Việt Nam.
Điểm đáng chú ý trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 26/4 chính là quyết định hủy bắn pháo hoa mừng ngày đất nước thống nhất 30/4 và dịp nghỉ lễ 1/5.
Theo đó, tuyên bố về việc bắn pháo hoa, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định “không tổ chức bắn pháo hoa”.
Quyết định của chính quyền TP.HCM được đánh giá cao với tinh thần đảm bảo an toàn, sức khỏe tính mạng của người dân trên hết trong bối cảnh tình hình dịch Covd-19 hết sức căng thẳng ở Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan, Lào…Nguy cơ nguồn bệnh xâm nhập vào Việt Nam, vào TP.HCM vẫn hiện hữu.
“Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, việc bắn pháo hoa sẽ không thực hiện, các hoạt động văn hóa nghệ thuật để chào mừng 30/4 – 1/5 cũng phải tuân thủ đúng quy định phòng chống dịch”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nêu rõ.
Đây đã là lần thứ hai TP.HCM phải dừng bắn pháo hoa để đảm bảo vấn đề an toàn chống dịch Covid-19. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa qua thành phố cũng đã hủy việc bắn pháo hoa ở 8 điểm do dịch bệnh tái bùng phát.
Trước đó, TP.HCM đã lên kế hoạch thực hiện bắn pháo hoa lúc 21h ngày 30/4 tại 5 điểm. Theo đó, hai điểm bắn tầm cao là ở khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (TP.Thủ Đức) và tòa nhà Landmark 81 (thuộc khu đô thị Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh).
Ba điểm bắn tầm thấp theo thông báo của Sở Văn hóa, Thể thao thành phố dự kiến trước đó ở Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11), xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ nhân dịp huyện Cần Giờ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và tại công viên Ánh Sáng thuộc dự án Vinhomes Grand Park, phường Long Bình, TP. Thủ Đức.
Ngoài ra, theo kế hoạch dự kiến, TP.HCM cũng sẽ tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật với chủ đề kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, non sông liền một dải (30/4/1975 -30/4/2021) và 135 năm Ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 – 1/5/2021).
Theo đó, ngày 26/4 triển lãm “Tự hào một dải biên cương” được tổ chức ở công viên Lam Sơn (Quận 1). Ngày 28/4, TP.HCM sẽ tổ chức gặp gỡ các nhân chứng lịch sử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng thời tổ chức phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến.
Bên cạnh đó, còn có lễ công bố quyết định của Thủ tướng về công nhận huyện Cần Giờ đạt chuẩn nông thôn mới và công nhận xã Thạnh An là xã đảo.
Tối 29/4, tại Trung tâm Ca nhạc nhẹ sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1).
Tối 30/4, Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động sẽ tổ chức chương trình biểu diễn nghi thức kèn đồng.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: “Lỡ có chuyện gì, ân hận không kịp”
Theo ông Phong, bây giờ chủng virus corona mới biến thể gây ra dịch Covid-19 phát triển rất nhanh, do đó, cần phải dừng việc bắn pháo hoa.
“Đọc các thông tin hiện nay trên báo, tình hình Ấn Độ rất kinh khủng. Tôi cũng muốn không khí rộn ràng nhưng những hoạt này phức tạp, tập trung rất đông ngưỡi, lỡ xảy ra chuyện gì ân hận không kịp”, người đứng đầu UBND TP.HCM khẳng định.
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu từ ngày mai 27/4, các cơ quan chức năng phải xử phạt nghiêm việc không đeo khẩu trang nơi công cộng, đông người, khu vui chơi giải trí, vận tải công cộng.
Người đứng đầu UBND TP.HCM nhấn mạnh, mặc dù thành phố không có ca nhiễm Covid-19 mới, nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập luôn thường trực. Nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân, đồng thời giữ được thành quả chống nCoV, ngoài các công điện khẩn của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng (Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh), ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu cần thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Lãnh đạo thành phố nhấn mạnh, trước hết, các cơ quan đơn vị nhà nước cần chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang. Đồng thời, trong các phòng họp, khu vui chơi phải bố trí dung dịch rửa tay.
“Chúng ta phải kiểm tra gắt gao việc này để giữ an toàn cho cộng đồng vì tình hình dịch đang rất phức tạp”, ông Nguyễn Thành Phong nói và lưu ý không loại trừ trường hợp có bệnh nhân “lọt” kiểm soát của cơ quan chức năng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép tại địa bàn dân cư, cơ sở lưu trú.
“Xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, tiếp tay cho nhập cảnh trái phép hoặc không thực hiện khai báo”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM nói về lá thư xúc động của Đại sứ Phạm Sanh Châu
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM sáng nay, ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ, ông “lặng người” khi đọc thư của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu.
Ông Phong nêu về trường hợp của một kỹ sư người Việt Nam tên Nhân, sang Ấn Độ giúp xây trụ sở Đại sứ quán nhưng vừa nhiễm Covid-19. Chủ tịch UBND TP.HCM thấy xúc động và in ra ngay.
“Thủ tướng đã yêu cầu dừng các sự kiện tập trung đông người không cần thiết. Tôi đọc bức thư của anh Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ mà lặng người”, người đứng đầu UBND TP.HCM cho biết.
Ông Phong nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn về phòng chống dịch Covid-19 ở các Bộ, ngành, địa phương. Nên TP.HCM cũng tổ chức cuộc họp khẩn để có những ứng phó kịp thời.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong bổ sung thêm rằng, hiện tại, ở Campuchia số ca mắc Covid-19 tăng nhanh lên gần 10.000 người. Lãnh đạo thành phố hiểu rằng, việc kiểm soát dịch bệnh ở khu vực biên giới đang được tăng cường và TP.HCM cũng đã có sự phối hợp với các địa phương tuy nhiên việc kiểm soát toàn bộ tình hình dịch Covid-19 là rất khó khăn.
Do đó, với việc đã có hơn 70 ngày kiểm soát tốt dịch Covid-19 và kinh nghiệm của các đợt dịch trước, người đứng đầu UBND TP.HCM yêu cầu cần có những biện pháp quyết liệt, ngăn chặn không để có ca nhiễm xảy ra trong cộng đồng.
Trước đó, lá thư với thông điệp “Nhân ơi, xin em đừng chết!” của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu được báo chí đăng tải rộng rãi, gây xúc động và nhận được sự chia sẻ của dư luận trong nước.
Theo miêu tả của Đại sứ Phạm Sanh Châu, một tuần qua thật khủng khiếp, mọi việc diễn biến nhanh không ngờ. Sau khi kỹ sư Nhân (người được cử qua Ấn Độ hỗ trợ xây dựng trụ sở Đại sứ quán) bị sốt, nhiều cán bộ nhân viên khác cũng lần lượt sốt.
Ông Phạm Sanh Châu cho biết, “cuộc chiến lần này nguy hiểm và cam go hơn rất nhiều” – từ việc không tìm được nơi xét nghiệm (ở đâu cũng quá tải), chờ đợi kết quả lâu, rồi đến việc không tìm thấy kết quả xét nghiệm của một số cán bộ nhân viên vì “tất cả đều trở nên hỗn loạn do quá tải”.
Bệnh viện quá tải, việc tìm giường cho các bệnh nhân Covid-19 là đặc biệt khó khăn. Không có giường điều trị, cũng không có máy thở, các cơ sở y tế từ chối cho nhập viện, mỗi bác sĩ lại gửi cho Đại sứ một danh sách thuốc với phác đồ điều trị khác nhau.
“Nhân yêu quý! Trong 24 giờ qua khi em nằm bất tỉnh, bao mạng người đã phải nằm xuống vì Covid-19. Số ca nhiễm tại Ấn Độ đã vượt 345.147 ca với 2.621 người chết. Trong 24 giờ qua cứ 32 giây lại một người chết vì Covid-19” trích thư của Đại sứ Phạm Sanh Châu để thấy tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ nghiêm trọng ra sao.
Đại sứ Phạm Sanh Châu đặc biệt gây xúc động khi nhấn mạnh: “Nhân ơi, xin em đừng chết vì em còn rất trẻ và vợ con em đã gửi gắm em cho Đại sứ”, “Không được phép chết để đỡ phí một cái giường” mà nhờ nó biết bao tính mạng đã có thể được cứu sống, để không phải nghe tiếng khóc của bao người đang hàng giờ chầu chực ở bệnh viện chỉ vì người thân qua đời khi không có giường và hỗ trợ máy thở.
Hà Nội sẽ không bắn pháo hoa dịp 30/4 – 1/5
Không chỉ có TP.HCM, Hà Nội cũng sẽ dừng bắn pháo hoa dịp lễ 30/4 -1/5 này.
Trước đó, trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, thành phố sẽ không tổ chức bắn pháo hoa dịp 30/4 năm nay (2021).
“Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội không có chủ trương bắn pháo hoa dịp lễ 30/4”, ông Cương khẳng định.
Trước đó, Quảng Ninh, Nghệ An cũng đã có thông tin về kế hoạch bắn pháo hoa.
Trong đó, ba điểm bắn pháo hoa ở tỉnh Quảng Ninh là Khu đồn cao phường Đông Triều (thị xã Đông Triều) diễn ra từ 21h, Khu du lịch quốc tế Tuần Châu (TP. Hạ Long) từ 21h20 ngày 30/4 và Khu vực biểu tượng hòn Trống Mái, phường Cẩm Thành (TP. Cẩm Phả), từ 21h30 ngày 30/4.
Riêng ở Nghệ An, kế hoạch bắn pháo hoa dự kiến được chính quyền tỉnh thực hiện vừa để kỷ niệm dịp 30/4 vừa để mở màn Tuần lễ Văn hóa, du lịch Cửa Lò năm 2021.
Hiện ở Việt Nam, việc bắn pháo hoa được thực hiện theo Nghị định 36/2009. Theo đó, dịp Giao thừa Tết Nguyên đán các năm, tại nhiều thành phố lớn trực thuộc Trung ương và Thừa Thiên – Huế được bắn pháo hoa tầm thấp và tầm cao. Các tỉnh khác chỉ được bắn tầm thấp và không vượt quá 15 phút.
Ngày lễ Quốc khánh 2/9, các thành phố trực thuộc Trung ương và Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa tầm cao, tầm thấp.
Ngày 30/4, Hà Nội và TP HCM được bắn pháo hoa tầm cao, tầm thấp. Thời điểm bắn lúc 21h và không quá 15 phút.
Đồng thời, các dịp bắn pháo hoa khác như thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hay các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế, Tết Dương lịch của Việt Nam sẽ do Thủ tướng quyết định cho phép.