Sự leo thang căng thẳng tình hình, thể hiện ở phản ứng trước sự tập trung tàu thuyền Trung Quốc tại Whitson Reef (Đá Ba Đầu), sẽ chỉ có lợi cho những ai muốn kích động xung đột, theo tác giả Marc Valencia viết trong bài báo của mình trên tờ SCMP.
Tình hình Biển Đông căng thẳng và nguy hiểm. Dường như Mỹ và Trung Quốc đang sa đà vào một cuộc đấu tay đôi do không tin tưởng lẫn nhau và không bên nào muốn xoa dịu tình hình.
Tình huống này đòi hỏi sự bình tĩnh và điềm đạm từ tất cả các quốc gia, và đặc biệt là từ các nhà phân tích chính trị.
Nhưng thay vào đó, chúng ta nhận thấy sự cường điệu và ồn ào. Thậm chí vấn đề không phải ở chỗ ai là người có lỗi. Tất cả các phía đều đã có những hành động trái với Tuyên bố Trung Quốc - ASEAN năm 2002 về ứng xử trên Biển Đông.
Hơn nữa, tất cả các bên có yêu sách ở Biển Đông đều không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (Unclos).
Vấn đề còn phức tạp hơn do thực tế Hoa Kỳ chưa phê chuẩn Công ước Unclos, nhưng đang áp đặt quan điểm của mình theo hướng ngoại giao vũ lực. Việc tìm kiếm bên có lỗi, đặc biệt là về phía các nhà phân tích, là sự vô ích.
Ví dụ về sự cường điệu xung quanh các tàu thuyền Trung Quốc xung quanh Đá Ba Đầu
Một ví dụ gần đây về sự cường điệu như vậy là phản ứng trước sự tập trung tàu thuyền Trung Quốc ở khu vực Đá Ba Đầu.
Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Dolphin Lorenzana kêu gọi Trung Quốc “dừng ngay cuộc xâm lược, rút những tàu thuyền vi phạm chủ quyền trên biển và xâm phạm lãnh thổ chúng tôi”, các nhà phân tích hàng đầu đã đáp lại bằng một điệp khúc quốc tế những lời kêu gọi hành động một cách lo lắng và dai dẳng. Ngay cả Liên minh châu Âu cũng can thiệp.
Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, một nhà phân tích nổi tiếng cho rằng các tàu Trung Quốc không đánh cá mà đang "xâm phạm lãnh thổ". Người khác kêu gọi quốc tế cần thiết lập ngay ranh giới. Người thứ ba cảnh báo sự tập trung tàu thuyền Trung Quốc là mối đe dọa với mục đích chiếm hữu các vùng lãnh thổ mới.
Nói một cách chính xác, trong trường hợp này, xung đột là giữa Trung Quốc và Philippines. Nhưng vấn đề thực sự là Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines: liệu hành động của Trung Quốc có buộc Philippines phải viện dẫn nó ra hay không, và nếu vậy, Mỹ có đáp trả bằng quân sự hay không.
Hoa Kỳ đang chịu một số áp lực từ các nước trong khu vực để Trung Quốc không chiếm thêm lãnh thổ - như trường hợp của Đá Vành Khăn và Scarborough. Ngày 31 tháng Ba, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói với người đồng cấp Philippines rằng "Hoa Kỳ, cùng với đồng minh Philippines sẽ duy trì trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ."
Trong bối cảnh này, đặc biệt vô ích khi xuất hiện các bài báo với tiêu đề "Duterte sẽ cử tàu chiến đến Biển Đông để đòi tài nguyên" và "nó sẽ đẫm máu."
Trên thực tế, ông Duterte tuyên bố nếu Trung Quốc bắt đầu khoan dầu ở khu vực tranh chấp, thì họ cũng sẽ làm như vậy. Và điều này còn lâu mới là sự chuẩn bị cho xung đột quân sự.
Đừng vội kết luận
Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc là có thật và mang tính đe dọa. Hơn nữa, Trung Quốc chắc chắn đang gây hấn với các yêu sách của mình trên Biển Đông. Nhưng mọi thứ đã bị thổi phồng lên quá mức.
Có vẻ như một số nhà phân tích và chính trị gia cố gắng thúc đẩy Hoa Kỳ tham gia vào một hoạt động quân sự ở Biển Đông. Khách quan, công bằng và cân đối - tức là tất cả những gì đáng lẽ vốn có của các nhà phân tích độc lập - ngày càng khó tìm thấy trong khi phân tích các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Điều quan trọng là không nên đi đến kết luận. Những người ra quyết định và những người cung cấp thông tin không nên tin vào tất cả những gì họ đọc thấy - ngay cả từ những nhà phân tích được cho là khách quan. Sự cường điệu là nguy hiểm và không có ích lợi gì.