Bộ trưởng Bộ Y tế nêu lý do vì sao dịch Covid-19 lây lan nhanh ở Việt Nam trong đợt tái bùng phát làn sóng coronavirus lần thứ 4 này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cần đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 ở các khu công nghiệp, tránh để tình trạng dịch bệnh lây lan làm ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Chuyên gia y tế thông tin về sốc phản vệ khi tiêm vaccine Covid-19 và khuyến cáo về hiện tượng dị ứng, phản ứng sau tiêm vaccine.
Việt Nam ghi nhận 82 ca mắc Covid-19 mới ngày 12/5
Theo bản tin lúc 18h của Bộ Y tế, chiều nay, cả nước có thêm 30 ca Covid-19 được phát hiện tại các khu vực đã thực hiện cách ly. Đáng chú ý, Đà Nẵng ghi nhận 20/30 ca mắc nCoV mới. Hà Nội 7 trường hợp, Bắc Giang 2 người, Phú Thọ một bệnh nhân.
Như vậy, riêng trong ngày 12/5, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam phát hiện tổng cộng 82 ca nhiễm coronavirus trong nước, có 18 người khỏi, nâng tổng số nhiễm lên 3.623 và số bình phục lên thành 2.636.
Việt Nam cũng không phát hiện ổ dịch mới. Số ca nhiễm SARS-CoV-2 được thống kê từ ngày 27/4 đến nay là 610 trường hợp ở 26 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo đó, đứng đầu là Hà Nội với 162 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 86 người, 13 bệnh nhân được phát hiện ở Bệnh viện K). Các tỉnh như Bắc Ninh 124 ca bệnh, Bắc Giang 81 người, Đà Nẵng 80 trường hợp, Vĩnh Phúc 73, Hưng Yên 20, Hà Nam 17, Thái Bình 9, Hải Dương 7, Lạng Sơn 6, Hòa Bình 5, Thừa Thiên Huế 4, Quảng Nam 3, Quảng Trị 3, Nam Định 3, Đắk Lắk 2, Điện Biên 2, Phú Thọ 2, Đồng Nai, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP. HCM, Yên Bái mỗi nơi một ca nhiễm.
Về các ca nhiễm mới được ghi nhận hôm nay, Bộ Y tế cho biết, Đà Nẵng là địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm mới nhất trong ngày. Theo đó, các ca 3599-3608, 3610-3619 là F1 liên quan tới ổ dịch cũ, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 11-12/5, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 hiện đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Hà Nội với 7 ca mới hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh. Cụ thể, theo Bộ Y tế, ca 3594, nữ, 8 tuổi, địa chỉ tại huyện Đông Anh, Hà Nội; Bệnh nhân 3595, nữ, 59 tuổi, địa chỉ tại thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; Ca mắc 3596, nam, 41 tuổi, địa chỉ tại huyện Thường Tín; Ca 3597, nam, 38 tuổi, địa chỉ tại thành phố Thái Nguyên; Bệnh nhân 3598, nữ, 20 tuổi, địa chỉ tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội; Trường hợp nhiễm số 3609, nữ, 66 tuổi, địa chỉ tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc; Bệnh nhân 3623, nữ, 68 tuổi, địa chỉ tại quận Đống Đa, Hà Nội…tất cả đều là các trường hợp F1 liên quan tới ổ dịch cũ và đều được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 11-12/5 cho thấy các bệnh nhân này dương tính với coronavirus.
Tại Bắc Giang: Ca 3620-3621 liên quan đến ổ dịch công ty SJ Tech, đã được cách ly tập trung. Kết quả xét nghiệm ngày 12/5 các bệnh nhân dương tính với nCoV, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Bắc Giang.
Trong khi đó, ở Phú Thọ, bệnh nhân số 3622, nữ, 59 tuổi, địa chỉ tại thành phố Việt Trì, là F1 của ca 3116, đã được cách ly, kết quả xét nghiệm ngày 12/5 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Dã chiến tỉnh Phú Thọ.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã xét nghiệm được 306.138 mẫu kể từ ngày 27/4 đến nay. Trong số các ca bệnh Covid-19 đang điều trị, có 19 người âm tính lần 1 với coronavirus, 18 người âm tính lần hai và 25 trường hợp đã ba lần âm tính với nCoV.
Chương trình tiêm chủng quốc gia của Việt Nam cho biết, ngày 11/5 đã có thêm 20.732 người tiêm vaccine Covid-19. Tính đến nay, trên cả nước tổng cộng đã thực hiện tiêm đợt 1 và 2 được 887.705 người, một nhân viên y tế đã tử vong sau khi tiêm AstraZeneca.
Bộ Y tế nêu lý do vì sao dịch Covid-19 lan nhanh ở Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhận định, đợt dịch (thứ 4 – PV) đang diễn ra ở Việt Nam phức tạp hơn hẳn các đợt Covid-19 trước đó vì chủng virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chưa từng có.
Theo người đứng đầu ngành Y tế, điểm chú ý của làn sóng dịch Covid-19 tái bùng phát lần này ở Việt Nam là diễn biến phức tạp hơn hẳn.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, có ba lý do chính khiến dịch Covid-19 lây nhanh tại Việt Nam gồm có: Thứ nhất, xuất hiện cùng lúc nhiều ổ dịch tại Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Bắc Ninh và nhiều địa phương khác. Thứ hai, có nhiều nguồn lây nhiễm, từ chuyên gia nhập cảnh do cách ly chưa nghiêm và trong chính cộng đồng có ca nhiễm, sau đó lây vào bệnh viện rồi từ bệnh viện lây ngược lại cộng đồng. Thứ ba, chủng virus lây nhiễm lần này khác các làn sóng trước. Các ổ dịch lớn hiện tại hầu hết đều nhiễm biến chủng Ấn Độ với đột biến kép, tăng khả năng lây nhiễm nhanh gấp nhiều lần.
Dẫn chứng, ông Long cho biết, nếu trước đây chủng của Anh lây nhanh gấp 1,7 lần so với chủng cũ thì chủng Ấn Độ hiện giờ còn lây nhiễm mạnh hơn chủng Anh, đòi hỏi công tác phòng chống dịch phải rất khẩn trương.
Theo Tư lệnh ngành Y tế, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chuyển trạng thái từ chủ động phòng ngự sang chủ động tấn công.
“Trước đây chúng ta tập trung vào truy vết các trường hợp tiếp xúc gần, có khả năng lây nhiễm, lần này chúng ta triển khai trên diện rộng bằng tầm soát xét nghiệm, đặc biệt nhóm nguy cơ cao”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lý giải.
Cùng với đó, Việt Nam hiện đang chủ động xây dựng các kịch bản, thậm chí là chuẩn bị cho cả tình huống xấu nhất với hàng chục ngàn ca nhiễm, lên phương án điều trị, rà soát cơ sở vật chất, con người để đảm bảo không rơi vào thế bị động trong mọi tình huống.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hạn chế Covid-19 lây lan ở các khu công nghiệp
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 yêu cầu không để dịch bệnh xảy ra ở những nơi xung yếu nhất như bệnh viện, sau đó là nhà máy, khu công nghiệp, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo hôm nay, Chủ tịch Đà Nẵng Lê Trung Chinh thông tin, thành phố phát hiện ca mắc ở Công ty Trường Sinh, khu công nghiệp An Đồn (quận Sơn Trà). Ngành y tế sau đó nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm trong đêm và phát hiện 33 ca dương tính với coronavirus. Ông Chinh nói Đà Nẵng đã huy động mọi nguồn lực xử lý dịch bệnh tại khu công nghiệp An Đồn và những nơi 33 ca bệnh lưu trú. Theo ông Lê Trung Chinh, hiện Đà Nẵng đang áp dụng “phong tỏa mềm”, “phong tỏa cứng” một số khu vực.
Đối với ca dương tính ở Công ty TNHH Canon Việt Nam, các lực lượng đã rà soát, truy vết được 40 trường hợp F1, 533 trường hợp F2, lấy 1.998 mẫu và phát hiện 2 ca dương tính ngay trong đêm qua. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh đề xuất tăng cường xét nghiệm sàng lọc bằng test nhanh tại các khu công nghiệp và đề nghị công nhân các khu công nghiệp khi về nhà, hạn chế tiếp xúc, giao lưu với công nhân nhà máy khác, hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Hương Giang phát biểu cho biết, với đặc thù 16 khu công nghiệp tập trung với trên 300.000 công nhân, nếu để ảnh hưởng dịch bệnh trong các khu công nghiệp sẽ rất khó khăn. Hiện, Bắc Ninh kiểm soát được dịch bệnh trong các khu công nghiệp. Theo bà Giang, một số địa phương thành lập chốt chặn buộc xe đưa đón công nhân của nhiều doanh nghiệp ở Bắc Ninh phải đi đường vòng, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến sản xuất, dù các xe chỉ sử dụng 50% số ghế ngồi, mỗi xe không quá 20 người, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh như đo thân nhiệt, khử khuẩn.
Cùng với đó, người đứng đầu UBND tỉnh bắc Ninh cũng đề xuất gửi danh sách các xe đi theo tuyến cho các tỉnh liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đưa đón công nhân, chuyên gia.
Ở Bắc Giang, lãnh đạo địa phương cho biết, sau khi phát hiện các ca Covid-19 ở Công ty Shin Young Việt Nam, khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên), tỉnh đã lấy được gần 24.000 mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2 liên quan 75 ca mắc nCoV.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các đỉnh đặc biệt chú ý đến các khu công nghiệp, vốn tập trung nhiều lao động, trong từng thời điểm vào ca, ăn trưa, tan ca.
“Tất cả các khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp phải ký cam kết phòng, chống dịch với Ban chỉ đạo địa phương, có bộ phận đầu mối theo dõi công tác phòng chống dịch. Những đơn vị không ký cam kết, không có đầu mối, không thực hiện thì phải dừng hoạt động cho đến khi bổ sung đầy đủ theo quy định”, ông Tuyên lưu ý.
Về vấn đề phòng dịch ở khu công nghiệp, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo phải giữ bảo đảm thông thoáng các nhà máy, cơ sở sản xuất, khi phát hiện ca nhiễm trong khu công nghiệp phải bình tĩnh xử lý, phân loại theo mức độ nguy cơ để cách ly, quản lý chặt tránh lây nhiễm chéo khi cách ly tập trung.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Bộ Công Thương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đến các địa phương thực hiện nghiêm túc việc tự đánh giá công tác phòng chống dịch lên Bản đồ chung sống an toàn vì nếu để dịch lây lan trong các khu công nghiệp có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
Ông Vũ Đức Đam đề nghị Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Nội đã có sự sáng tạo trong việc kết hợp giữa xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR với các công nghệ xét nghiệm mới, xét nghiệm nhanh để đảm bảo mục tiêu trong thời gian sớm nhất, xét nghiệm theo kịp tốc độ lấy mẫu.
Cùng với đó, Bộ Y tế cũng được đề nghị đẩy nhanh việc cấp phép các công nghệ xét nghiệm mới, nhanh hơn, rẻ hơn, sàng lọc được nhiều hơn, đồng thời có hướng dẫn cụ thể các địa phương trong việc sử dụng kết hợp các loại xét nghiệm ở tình huống dịch bệnh khác nhau, tại những khu vực có nguy cơ khác nhau.
Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, nhưng không được “ngăn sông, cấm chợ”, không thể để tình trạng xe đưa đón công nhân vào các khu công nghiệp bị ách tắc như báo cáo của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Bên cạnh dó, ông Đam cũng yêu cầu phải chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung, tránh tình trạng, một nhà máy có dịch, dồn tất cả công nhân vào khu cách ly chưa được chuẩn bị kỹ, dẫn đến lây nhiễm chéo.
“Tránh tình trạng cực đoan, cảm thấy nguy cơ có dịch cho tạm ngừng sản xuất để công nhân trở về địa phương, rất nguy hiểm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.
Chuyên gia Việt Nam nói về sốc phản vệ, dị ứng khi tiêm vaccine Covid-19
Trao đổi về vấn đề dị ứng với vaccine Covid-19, PGS.TS. Hoàng Thị Lâm, Trưởng Bộ môn Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Dị ứng Miễn dịch Da liễu bệnh viện E, Chủ tịch chi hội Dị ứng Miễn dịch Y học giấc ngủ cung cấp nhiều thông tin đáng chú ý.
Theo chuyên gia, vaccine ngừa Covid-19 có vai trò tạo miễn dịch để giúp cơ thể phòng tránh bệnh. Khi tiêm vvaccine, phần lớn các trường hợp, sẽ tạo ra miễn dịch bảo vệ cơ thể phòng nhiễm Covid-19 mà không có tai biến nào.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp sẽ có những tác dụng không mong muốn khi đưa vaccine vào cơ thể. Những tác dụng không mong muốn này này đa phần đều thoáng qua và hết trong vòng 2-3 ngày sau khi tiêm. Các phản ứng tại chỗ tiêm có thể là sưng, nóng đỏ, đau. Các triệu chứng toàn thân tiếp theo có thể là mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, sốt, run, nôn hoặc buồn nôn.
Các triệu chứng này đều do tác dụng tạo miễn dịch bảo vệ của vaccine mà không phải do nguyên nhân dị ứng. Một số thuốc có thể làm giảm nhẹ triệu chứng khi tiêm như ibuprofen, paracetamol, aspirin, kháng histamine.
Mặc dù vậy, theo PGS.TS Hoàng Thị Lâm, nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc này trong quá trình tiêm vaccine Covid-19. Đặc biệt, một số biện pháp hỗ trợ như nghỉ ngơi đủ, uống nhiều nước, mặc quần áo thoải mái, vận động nhẹ nhàng và có thể chườm lạnh lên chỗ tiêm cũng góp phần làm giảm các triệu chứng (nếu có) sau khi tiêm vaccine chống coronavirus.
PGS.TS. Hoàng Thị Lâm bổ sung thêm, dị ứng vaccine là phản ứng bất thường của cơ thể khi tiếp xúc với vaccine. Các triệu chứng dị ứng có thể xuất hiện nhanh trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với nguyên nhân nghi ngờ, nhưng cũng có thể xuất hiện rất chậm từ vài giờ, vài ngày thậm chí vài tuần sau đó. Bệnh cảnh lâm sàng của dị ứng vaccine cũng rất đa dạng, từ mức độ nhẹ đến nặng.
Cụ thể, theo chuyên gia, dị ứng nhanh có thể nhẹ như là mày đay phù Quincke viêm da... nhưng cũng có thể nặng như xuất hiện phản vệ mà nặng hơn nữa là sốc phản vệ với các triệu chứng hoa mắt chóng mặt ngất xỉu, suy hô hấp, trụy tim mạch có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Dị ứng chậm cũng rất đa dạng như bệnh huyết thanh, viêm mạch, rối loạn tế bào máu, tổn thương da nặng như DRESS, Stevens Johnson, Lyell…
“Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dị ứng vaccine. Những người có cơ địa dị ứng, tức là những người mắc các bệnh dị ứng như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, dị ứng thuốc, dị ứng vaccine, sốc phản vệ, dị ứng thức ăn, dị ứng latex, dị ứng nọc côn trùng... là những người dễ dị ứng vaccine hơn so với những người khác”, PGS,TS Hoàng Thị Lâm lưu ý.
Mặc dù vậy, theo Trưởng Bộ môn Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Đại học Y Hà Nội phản ứng dị ứng với vaccine hiếm khi xảy ra ở những người không có cơ địa dị ứng.
“Tuân thủ chỉ định tiêm vaccine cũng như tuân theo phác đồ xử trí dị ứng của Bộ Y Tế là biện pháp an toàn, giúp phòng tránh dị ứng khi tiêm vaccine Covid-19”, PGS.TS Hoàng Thị Lâm kết luận.