Đáng chú ý, căn nhà 4 tầng hầm của nguyên lãnh đạo Ngân hàng Quân đội (MB Bank) được coi là công trình lạ chưa từng có tiền lệ và cũng không phù hợp với luật pháp về xây dựng hiện hành của Việt Nam.
Bộ Xây dựng phải báo cáo Thủ tướng vụ ‘nhà độc lạ 4 tầng hầm’ trước 1/6
Liên quan căng nhà phố 5 tầng với 4 tầng hầm ‘độc lạ’ của nguyên lãnh đạo Ngân hàng Quân đội (MB Bank) Lê Công, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoa Bình đã yêu cầu Bộ Xây dựng vào cuộc giải quyết và có báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính trước ngày 1/6.
Ngày 11/5, nhiều cơ quan báo chí của Việt Nam đồng loạt đưa tin về việc vụ ngôi nhà mặt phố ở Hà Nội “độc nhất vô nhị” với hẳn 4 tầng hầm, 5 tầng nổi ở khu ngõ 15 phố Sơn Tây, phường Điện Biên, quận Ba Đình của nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại Cổ phần Quân đội (MB) Lê Công và bà Vương Thị Lan Anh.
Văn phòng Chính phủ ngày 29/4 vừa qua đã có văn bản 2846 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao trách nhiệm Bộ Xây dựng giải quyết vụ việc liên quan đến phản ánh, kiến nghị của các hộ gia đình khu nhà ở ngõ 15 phố Sơn Tây, sát công trình xây dựng ở lô B3, phố Sơn Tây, phường Điện Biên, quận Ba Đình.
Theo chỉ đạo này của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, căn cứ vào báo cáo của Thanh tra Chính phủ, báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với đại diện UBND TP.Hà Nội có trách nhiệm kiểm tra, giải quyết phản ánh kiến nghị của nhiều hộ dân gần công trình xây dựng nhà ở riêng được UBND Quận Ba Đình cấp phép xây dựng 4 tầng hầm và 5 tầng nổi ở khu ngõ 15 phố Sơn Tây này.
“Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng kết quả giải quyết trước 1/6”, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Hiện tại, các hộ dân ở đường Trần Phú cũng như ngõ 15 phố Sơn Tây khẳng định vẫn chưa nhận được trả lời từ UBND TP. Hà Nội theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu tại văn bản 7996 ngày 23/9/2020 cũng như văn bản số 2846 ngày 29/4/2021 của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị gì với Bộ Xây dựng về căn nhà 4 tầng hầm?
Trước đó, ngày 13/4/2021, Thanh tra Chính phủ (TTCP) có văn bản 577 báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về kết quả kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh, kiến nghị về thẩm quyền giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ ở quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Theo văn bản của Thanh tra Chính phủ, trước đó, có một số công dân thường trú tại ngõ 15, phố Sơn Tây, phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP Hà Nội, có đơn tố cáo với nội dung chỉ ra việc UBND quận Ba Đình đã cấp giấy phép xây dựng nhà ở cho ông Lê Công không đúng thẩm quyền tại địa chỉ lô đất B3, phía Nam số 13 phố Sơn Tây, phường Điện Biên.
Được biết, công trình này, quận Ba Đình cấp phép cho ông Lê Công (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB Bank) và bà Vương Thị Lan Anh.
Cụ thể, trong văn bản của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, ngày 24/9/2019, UBND quận Ba Đình cấp Giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ số 477 cho hộ gia đình ông Lê Công và bà Vương Thị Lan Anh, tại địa chỉ lô đất B3, phía Nam số 13 phố Sơn Tây, phường Điện Biên với quy mô “5 tầng nổi và một tầng hầm”.
Ngày 18/12/2019, UBND quận Ba Đình cấp Giấy phép xây dựng số 617 điều chỉnh Giấy phép xây dựng (GPXD) số 477 với quy mô 5 tầng nổi và 4 tầng hầm (tăng 3 tầng hầm).
Trong văn bản gửi Phó Thủ tướng Trương Hoa Bình, cơ quan Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, qua nghiên cứu hồ sơ và các văn bản quy phạm pháp luật về cấp giấy phép xây dựng, TTCP nhận thấy một số vấn đề.
Thứ nhất, đối tượng “công trình xây dựng” theo quy định tại Điều 91 và đối tượng “nhà ở riêng lẻ” theo quy định tại Điều 93 Luật Xây dựng năm 2014 là hai đối tượng riêng biệt, được cơ quan quản lý chuyên ngành (Bộ Xây dựng) quy định thực hiện bởi các văn bản hướng dẫn chi tiết khác nhau (như Thông tư số 03/2016/TT-BXD hướng dẫn phân loại, phân cấp đối với công trình xây dựng, Thông tư số 05/2015/TT-BXD hướng dẫn quản lý chất lượng xây dựng và bảo trì nhà ở riêng lẻ).
Tiếp đó, quy định về xác định thẩm quyền trong công tác cấp giấy phép xây dựng tại Thông tư số 15/2016/TT-BXD thể hiện rõ: Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với “công trình xây dựng” cấp I, cấp II, UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với “công trình xây dựng” còn lại và “nhà ở riêng lẻ” là phù hợp và thống nhất với quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 103 Luật Xây dựng năm 2014.
“Các quy định của pháp luật về cấp giấy phép xây dựng hiện nay chưa có hướng dẫn, điều chỉnh hành vi (cho phép/cấm) về số tầng hầm hoặc chiều sâu ngầm đối với đối tượng “nhà ở riêng lẻ”, Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Cũng theo văn bản này, sau khi đối chiếu quy định của pháp luật về xây dựng và cấp phép xây dựng công trình, Thanh tra Chính phủ nhận thấy còn một số khái niệm chuyên ngành chưa được quy định chi tiết.
Điều này, theo Thanh tra Chính phủ, dẫn tới tình trạng hiểu và áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau trong quá trình thực thi công vụ của các cơ quan chuyên môn, cũng như gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình xem xét, giải quyết, kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra.
Trước các lập luận nêu trên, để có cơ sở kết luận vụ việc một cách khách quan, chính xác, phù hợp với quy định của pháp luật, ngày 24/2/2021, Thanh tra Chính phủ đã có Văn bản số 272 gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến hướng dẫn và làm rõ một số khái niệm, thuật ngữ, quy định tại Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Đến ngày 12/4/2021, Bộ Xây dựng có Văn bản số 1196 phúc đáp, trong đó nêu rõ hiện nay, pháp luật chưa quy định rõ giới hạn về quy mô nhà ở riêng lẻ có liên quan đến thẩm quyền cấp phép xây dựng. Do vậy, việc xác định thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng trong một số trường hợp cần được quy định cụ thể hơn nữa ở các địa phương.
“Việc xem xét cấp giấy phép xây dựng phải tuân thủ các quy định pháp luật về xây dựng, quy hoạch xây dựng được phê duyệt, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan”, Bộ Xây dựng kết luận.
Căn cứ theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, vụ việc hiện thuộc thẩm quyền, trách nhiệm xem xét, giải quyết của UBND TP Hà Nội. Nội dung vướng mắc chính để giải quyết vụ việc liên quan đến việc xác định thẩm quyền của cơ quan cấp giấy phép xây dựng, thuộc chuyên ngành quản lý của Bộ Xây dựng, cần phải được giải quyết thông qua một cuộc thanh tra chuyên ngành.
Vì vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội thanh tra theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Nhiều kiến nghị chỉ đạo yêu cầu kiểm tra làm rõ vụ nhà ông Lê Công
Giấy phép số 477 trước đó được ông Tạ Nam Chiến, nguyên Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình (hiện là Chủ tịch UBND quận Ba Đình) ký cho phép xây dựng công trình “nhà ở riêng lẻ” tại thửa đất lô B3 (diện tích 311,7m2) cho ông Lê Công và bà Lương Thị Lan Anh cao 5 tầng + 1 tầng hầm, với chiều cao công trình tính từ cốt hè phố Trần Phú đến mái công trình là 19,35m (tổng diện tích sàn xây dựng là 1.420 m).
Nhưng đến ngày 19/12/2019, UBND quận Ba Đình có điều chỉnh giấy phép xây dựng bổ sung thêm ba tầng hầm, tổng diện tích sàn xây dựng cũng được điều chỉnh lên thành 2.223,1,2. Giấy phép lần này cũng là ông Chiến ký (617).
Thông số kỹ thuật nhà ở riêng lẻ này như sau: Chiều cao tầng hầm thứ nhất đã cấp 2,4m được điều chỉnh thành 3,3m, chiều cao ba tầng hầm bổ sung đều 3,3m. Tổng diện tích sàn tầng hầm lên đến 1.070,8m2. Đồng thời, theo các nội dung chính trong giấy phép xây dựng, công trình này được UBND quận Ba Đình cho phép xây dựng với mật độ 100%, nếu tính cả phần diện tích 50m2 phía trước nhà.
Mặc dù vậy, đối chiếu với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 01:2008 của Bộ Xây dựng, thì mật độ xây dựng sẽ vào khoảng từ 65 – 68%, không thể theo giấy phép được cấp là 100%. Điều này không đúng với quy chuẩn và quy hoạch xây dựng Việt Nam.
Bên cạnh đó, tại Phụ lục 2, Phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu (ban hành kèm Thông tư số 03/2016 của Bộ Xây dựng) quy định rằng, loại kết cấu nhà, thuộc cấp công trình cấp III (nhà ở riêng lẻ) chỉ được phép xây dựng 1 tầng hầm, số tầng cao từ 2-7 tầng.
Đồng thời, theo quy định này, đối với công trình nhà, kết cấu dạng nhà thuộc cấp II (không phải nhà ở riêng lẻ) mới được phép xây dựng từ 2-4 tầng hầm. Do đó, việc cấp phép cho công trình này không thuộc thẩm quyền của UBND cấp quận, huyện mà thuộc Sở Xây dựng tỉnh, thành phố (cụ thể ở đây phải là Sở Xây dựng Hà Nội).
Dư luận nêu vấn đề, việc UBND quận Ba Đình cấp phép cho công trình cấp III (nhà ở riêng lẻ) được phép xây dựng đến 4 tầng hầm, mỗi tầng rộng 267,7 m2, tổng diện tích sàn xây dựng nâng từ 1.420 m2 lên hơn 2.223 m2, chiều cao các tầng hầm là 3,3 m có vượt quá thẩm quyền của UBND cấp quận, huyện (Ba Đình) hay không.
Từ tháng 9/2020, người dân phố Sơn Tây đã có đơn gửi lên chính quyền, thậm chí là tới tai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó. Chính phủ sau đó đã yêu cầu UBND TP. Hà Nội kiểm tra, giải quyết phản ánh kiến nghị của các hộ dân theo đúng quy định của pháp luật, trả lời cho những người dân sống xung quanh và báo cáo Thủ tướng kết quả giải quyết vụ việc.
Tới ngày 2/10/2020, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, Sở Xây dựng kiểm tra, đôn đốc UBND quận Ba Đình trong việc giải quyết phản ánh, kiến nghị của các hộ gia đình khu nhà ở ngõ 15 phố Sơn Tây theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, đồng thời trả lời các hộ gia đình ngõ 15, phố Sơn Tây, phường Điện Biên, quận Ba Đình và dự thảo văn bản của UBND thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 20/10.
Tuy nhiên, mãi đến tháng 3/2021 (tức cả gần 6 tháng sau), UBND TP Hà Nội mới có văn bản số 86 (dài 4 trang) do ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch Hà Nội- ký báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, giải quyết phản ánh, kiến nghị của các hộ dân tại Khu nhà số 15 phố Sơn Tây, phường Điện Biên, quận Ba Đình.
Tuy nhiên, nội dung báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội chưa nêu rõ về vấn đề giấy phép xây dựng 4 tầng hầm như người dân đã phản ánh.
Đến ngày 13/4, Thanh tra Chính phủ có báo cáo về vấn đề này. Căn cứ vào kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ cũng như báo cáo ngày 29/3/2021 của UBND TP. Hà Nội, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội giải quyết đồng thời báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính trước ngày 1/6 tới đây.