Thông tin ông Đoàn Ngọc Hải có một số triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 như bị sốt cao 38,5 độ, đau nhức cơ thể, được lãnh đạo Điện Biên nhanh chóng hỗ trợ xét nghiệm SARS-CoV-2 gây chú ý.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Việt Nam nâng cao năng lực xét nghiệm Covid-19 , đủ năng lực xét nghiệm cho kịch bản 30.000 ca nhiễm SARS-CoV-2.
Ngày 13/5: Việt Nam phát hiện thêm 87 ca Covid-19 mới
Chiều 13/5, bản tin lúc 18h của Bộ Y tế thông báo cho biết, Việt Nam ghi nhận thêm 31 ca Covid-19 mới, trong đó có 19 trường hợp lây nhiễm cộng đồng (nhưng ở các khu vực đã được cách ly) và 12 ca bệnh xâm nhập (được cách ly ngay sau nhập cảnh).
Như vậy, tính chung cả ngày 13/5, Việt Nam phát hiện tổng cộng 87 ca nhiễm nCoV. Theo số liệu cập nhật của Bộ Y tế, hiện cả nước có tất cả 3710 trường hợp mắc coronavirus, số bình phục là 2.636.
Việt Nam chỉ có 35 bệnh nhân Covid-19 đã tử vong và một trường hợp không qua khỏi do sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm) sau khi tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 684 người, phân bố ở 26 tỉnh thành.
Cụ thể, Hà Nội vẫn đứng đầu cả nước với số ca mắc cao nhất - 170 người (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 87 ca, 13 ca ở Bệnh viện K).
Tiếp đó là Bắc Ninh 131, Đà Nẵng 112, Bắc Giang 91, Vĩnh Phúc 78, Hưng Yên 24, Hà Nam 18, Thái Bình 13, Hải Dương 7, Lạng Sơn 6, Hòa Bình 6, Thừa Thiên Huế 5, Quảng Nam 3, Quảng Trị 3, Nam Định 3, Đăk Lăk 2, Điện Biên 2, Phú Thọ 2, Đồng Nai, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP HCM, Yên Bái mỗi nơi một trường hợp dương tính với coronavirus.
Liên quan đến 19 ca bệnh trong nước hôm nay, Bộ Y tế cho biết, Đà Nẵng có 10 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, Bắc Ninh 4, Vĩnh Phúc 3, Hà Nội 1 và Bắc Giang 1.
Đáng chú ý, các bệnh nhân ở Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc đều là F1 của ca mắc đã công bố.
Riêng bệnh nhân ở Bắc Giang (3688) được phát hiện dương tính trong khu vực cách ly thuộc ổ dịch Công ty SJ Tech, khu công nghiệp Vân Trung, xã Vân Trung, huyện Việt Yên.
12 ca bệnh nhập cảnh trở về từ Philippines, Hungary, Malaysia và Hàn Quốc. Hiện tại, các bệnh nhân này đang được điều trị tại Sóc Trăng 9, Đồng Nai 1, Vĩnh Long 1, Bình Dương 1.
Số lượng xét nghiệm từ ngày 27/4 tính đến nay đạt trên 306.138 mẫu. Theo chương trình tiêm chủng quốc gia, trong ngày hôm qua 12/5, có thêm 26.182 người được tiêm vaccine Covid-19. Hiện Việt Nam đã tiêm vaccine cho 942.030 người tổng cộng tiêm đợt 1 và 2.
Ông Đoàn Ngọc Hải sốt cao nghi nhiễm Covid-19: Điện Biên thông tin
Thông tin về việc ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TPHCM, nghi bản thân nhiễm Covid-19 với một số dấu hiệu triệu chứng như sốt, đau nhức mỏi người khiến dư luận chú ý.
Theo đó, khoảng trưa ngày 13/5, ông Đoàn Ngọc Hải đăng tải trên trang Facebook cá nhân nội dung cho biết ông đang trên đường đến thị xã Mường Lay (Điện Biên) thì xuất hiện các triệu chứng sốt, đau nhức, nghi ngờ nhiễm Covid-19.
“Tôi đang trên đường đến địa phần huyện Mường Lay, tỉnh Điện Biên, tôi chở 4 ngàn hộp sữa cho các cháu mầm non huyện Nậm Pồ. Từ sáng đến giờ tôi bị sốt và đau nhức các khớp kinh khủng, khả năng tôi đã bị nhiễm Covid-19. Tôi đã uống 2 lần Panadol mà vẫn có dấu hiệu không giảm”, ông Đoàn Ngọc Hải đăng tải trên Facebook và mong nhận được sự hỗ trợ y tế.
Sau khi ông Đoàn Ngọc Hải đăng tải nội dung về tình trạng sức khỏe của mình trên trang cá nhân, đã có nhiều người dân động viên ông giữ sức khỏe, đồng thời cho rằng có thể do di chuyển nhiều trong điều kiện thời tiết vùng cao nên ông Hải bị ảnh hường. Người dân cũng hy vọng ông không mắc Covid-19.
Một lãnh đạo tỉnh Điện Biên thông tin cho hay, thời điểm ông Hải đăng lên mạng xã hội, ông ấy đang đến tại vị trí giáp ranh giữa tỉnh Lai Châu và Điện Biên.
“Chúng tôi hướng dẫn ông Hải đi qua trạm CSGT để Trung tâm Y tế thị xã Mường Lay đưa đi khám sàng lọc”, vị này cho biết.
Ông Vũ Xuân Linh, Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên thông tin, cùng ngày, ông Đoàn Ngọc Hải có lái xe qua địa phương thì có nhiều dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Ông Linh cho hay, ông Hải bị sốt 38,5 độ C, cán bộ bác sĩ đã lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 của ông Hải gửi về tỉnh.
“Trước hết, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo đưa ông Hải về trung tâm tỉnh để bố trí cách ly phòng, chống dịch bệnh”, Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay nhấn mạnh.
Theo một lãnh đạo tỉnh Điện Biên xác nhận, việc tiếp nhận ông Hải là người dân có triệu chứng Covid-19 được thực hiện đúng theo quy định.
“Ngoài ra, ông Hải là người làm từ thiện, có đóng góp với địa phương nên chúng tôi phải có trách nhiệm, xử lý kịp thời”, vị này cho biết thêm.
Được biết, nhiều ngày qua, ông Hải có chuyến hành trình dài đi qua nhiều tỉnh miền núi Tây Bắc. Trong các hình ảnh được chia sẻ, ông Đoàn Ngọc Hải đều đeo khẩu trang trong suốt thời gian tham gia các hoạt động thiện nguyên của mình.
Đến chiều nay, ông Vũ Xuân Linh, Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên cung cấp thông tin về tình hình sức khỏe ông Đoàn Ngọc Hải cho biết, cơ quan y tế bước đầu xác định ông Hải có dấu hiệu suy nhược cơ thể, không nhiễm Covid-19.
Cụ thể, kết quả test nhanh cho thấy ông Hải âm tính với virus SARS-CoV2. Khoảng 16h chiều cùng ngày (13/5), ông Hải đã được đưa về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên để kiểm tra lại.
Việt Nam tăng cường năng lực xét nghiệm Covid-19
Bộ Y tế vừa tổ chức họp trực tuyến với các đơn vị xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam.
Tại cuộc họp này, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định hiện Việt Nam có đầy đủ các kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gồm: Realtime RT-PCR để xét nghiệm khẳng định Covid-19, sử dụng sinh phẩm test nhanh kháng nguyên và test nhanh kháng thể.
Thông tin thêm về năng lực xét nghiệm và công suất xét nghiệm của Việt Nam hiện nay, ông Thuấn khẳng định đã “cải thiện rất nhiều”, gấp từ 2-3 lần so với các đợt dịch trước đây.
Theo đại diện Bộ Y tế, hiện các phòng xét nghiệm có thể thực hiện tới 100.000 mẫu đơn/ngày.
“Công suất tăng mạnh gấp 5,10 lần nếu thực hiện bằng phương pháp gộp mẫu (gộp 5, gộp 10...)”, Thứ trưởng Thuấn nói.
Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đã ban hành đầy đủ hướng dẫn cho các loại hình xét nghiệm, cho các tình huống trong đó có tình huống toàn quốc có 30.000 ca mắc Covid-19.
Việt Nam có bao nhiêu cơ sở xét nghiệm được Covid-19?
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chia sẻ, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp tại nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước có chung đường biên giới với Việt Nam.
Ngoài ra, sự xuất hiện của các biến chủng virus SARS-CoV-2 mới được ghi nhận tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới trong thời gian gần đây có khả năng lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, điển hình như chủng biến thể coronavirus được ghi nhận tại Anh và Ấn Độ.
Cũng trong khuôn khổ cuộc họp này, GS.TS Trần Văn Thuấn có chỉ đạo Cục Y tế dự phòng, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo thường xuyên tổ chức Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức về xét nghiệm cho các đơn vị khác và các cơ sở y tế ở địa phương.
Đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định sẽ tăng cường công tác truyền thông để người dân rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của xét nghiệm Covid-19.
Báo cáo tại cuộc họp cụ thể về năng lực xét nghiệm hiện nay của Việt Nam, bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thông tin cho biết, test nhanh kháng nguyên nhằm hỗ trợ giám sát, dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ cho kết quả của RT-PCR, hiện nay Việt Nam mới có và bắt đầu sử dụng. Còn test nhanh kháng thể mang tính chất sàng lọc, nghiên cứu, đánh giá dịch tễ.
Theo bà Hằng, các kỹ thuật này đều có hướng dẫn đầy đủ, hỗ trợ các tỉnh nâng cao năng lực xét nghiệm.
Vị lãnh đạo thông tin cho biết, hiện toàn quốc có 175 phòng xét nghiệm có khả năng thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Trong đó, có 125 phòng đủ năng lực khẳng định mắc Covid-19.
“So với các đợt dịch trước, trong đợt dịch thứ 4 này công suất xét nghiệm tăng rất nhanh. Tính từ 27/4/2021 đến nay, Việt Nam thực hiện gần 310.000 mẫu xét nghiệm”, bà Hằng nói.
Ngoài ra, đáng chú ý, Việt Nam còn sử dụng sinh phẩm do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (US CDC) khuyến cáo.
Cùng với đó, theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Việt Nam hiện có 100 bệnh viện có phòng xét nghiệm (gồm cả phòng xét nghiệm khẳng định và phòng xét nghiệm sàng lọc).
Tại cuộc họp sáng nay, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết mới đây, Bộ Y tế đã có Công văn yêu cầu tất cả các bệnh viện có 300 giường bệnh trở lên phải có phòng xét nghiệm khẳng định. Trong bối cảnh này, Bộ giao Cục Y tế dự phòng tiếp tục có Công văn gửi các cơ sở về tăng cường năng lực xét nghiệm coronavirus trong thời gian tới.