Cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là được coi là nhà ngoại giao tài ba thời đại Hồ Chí Minh, với 11 năm giữ chức vụ Bộ trưởng (1921-1998), ông đã để lại nhiều di sản quý về ngoại giao. Kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch (15/05/1921 – 2021), cùng nhìn lại các di sản về tư tưởng và chủ trương, kinh nghiệm về công tác xây dựng ngành nói chung và công tác nghiên cứu, đào tạo cán bộ nói riêng của ông.
Chuyến đi sứ đầu tiên đến Ấn Độ
Ông Nguyễn Cơ Thạch tên khai sinh là Phạm Văn Cương, sinh ngày 15 tháng 5 năm 1921. Quê của ông ở xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Xuất thân là một chiến sỹ cách mạng kiên trung, ông Nguyễn Cơ Thạch từng tham gia Tổ chức Thanh niên Dân chủ rồi Thanh niên Phản đế tại Nam Định (1937–1939), bị thực dân Pháp bỏ tù tại Nam Định, Hòa Bình, Sơn La (1940-1945).
- Năm 1943, trong nhà tù Sơn La, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
- Tháng 8/1945, ông lãnh đạo cướp chính quyền tại Nam Định (tháng 8 năm 1945).
- Tháng 9/1945 về công tác tại Bộ Quốc phòng, làm Bí thư cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
- Từ 1947–1949, ông giữ chức vụ Chánh Văn phòng Quân uỷ Trung ương, Bí thư đảng uỷ các cơ quan Bộ Quốc phòng và Tổng tư lệnh.
- Từ tháng 5/1949 – 05/1951, ông chuyển sang công tác chính quyền và Đảng vụ, làm Phó Bí thư rồi Quyền Bí thư tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Hà Đông; Uỷ viên Đảng Đoàn và Uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến hành chính Liên khu 3, Bí thư Đảng ủy các cơ quan của Liên khu (1949–1954).
Ông Nguyễn Cơ Thạch vốn không được đào tạo để trở thành nhà ngoại giao và được coi là “kẻ ngoại đạo” trong ngành ngoại giao thời kì đầu. Năm 1956, lần được cử đi làm Tổng lãnh sự ở Ấn Độ là chuyến đi đầu tiên ông buộc phải trở thành một nhà ngoại giao thực sự. Chính nhờ chuyến đi này, sự nghiệp ngoại giao của ông Nguyễn Cơ Thạch đã có thêm bước tiến mới chỉ từ một lời khuyên rất “vô tình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trước chuyến đi sứ đến Ấn Độ, ông đã đến tìm gặp Bác Hồ để xin Người lời khuyên:
"Thưa Bác, tôi không có kiến thức gì về ngoại giao. Đến cách dùng dao, dĩa để ăn đồ Tây tôi cũng chưa hiểu. Bác đã từng đi nhiều nơi, bôn ba nhiều nước, Bác hãy chỉ giúp tôi xem tôi phải làm gì?".
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ trả Nguyễn Cơ Thạch một câu đơn giản:
"Chú thấy người ta làm gì thì mình học theo".
'Tiếng Anh của tôi đầy mùi của món cà ri Ấn Độ'
Bài học ngoại giao đầu tiên của Nguyễn Cơ Thạch là cũng là trong một bữa tiệc chiêu đãi của ĐSQ Pháp ở Ấn Độ, ông buộc phải từ chối món ăn đầu tiên trong bữa tiệc, quan sát người khác để học cách cầm dao dĩa cho đúng kiểu. Sau này Nguyễn Cơ Thạch vẫn hay bông đùa với báo giới:
"Tiếng Anh của tôi đầy mùi của món cà ri Ấn Độ".
Thế nhưng “bài học ngoại giao đầu tiên” này đã mang cho ông Nguyễn Cơ Thạch động lực to lớn để thay đổi chính mình. Ông Thạch cũng hiểu được tầm quan trọng của chuyến đi trong đối ngoại với Ấn Độ - đất nước mà khi đó đang là Chủ tịch Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát việc thi hành Hiệp định Geneve về Đông Dương.
Nếu như chuyến đi sứ đầu tiên, Nguyễn Cơ Thạch chưa thể nói một từ Tiếng Anh nào và mọi giao tiếp của ông đều phải thông qua phiên dịch nhưng chỉ một vài năm sau ông đã nói thông viết thạo Tiếng Anh và Tiếng Pháp…Đến năm 1973, Nguyễn Cơ Thạch đã nổi tiếng trong giới ngoại giao quốc tế, khi ông thể hiện bản lĩnh tuyệt vời trong vai trò người thương thuyết của ông Lê Đức Thọ suốt các vòng đàm phán ở Hiệp định Paris.
Bà Phan Thị Phúc - phu nhân cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói rằng bà không thể nào quên những ngày đầu theo chồng sang Ấn Độ. Bà Phan Thị Phúc nhớ lại:
“Tôi luôn khâm phục sự ham học của chồng mình. Khi sang Ấn Độ, ông Thạch không hề biết một từ tiếng Anh, mọi giao tiếp đều phải nhờ phiên dịch. Nhưng sau này, ông ấy đã đọc thông viết thạo 4 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Trung, Nga và từng không ít lần "đấu tay đôi" với các nhà báo quốc tế mà không cần đến phiên dịch. Ông sẵn sàng "bẻ" lại các nhà báo trước những câu hỏi móc máy của họ. Là người thẳng thắn, bộc trực, quyết liệt nhưng ứng xử rất nhanh nhạy trước báo giới, nhiều nhà báo quốc tế rất yêu quý ông ấy. Họ thậm chí đã nói: "Ông Thạch là con cáo hai đầu" một cách đầy thích thú”.
Ngoại trưởng Mỹ Kissinger đã từng nói rằng, ở Paris, Nguyễn Cơ Thạch chính là người khiến ông e ngại nhất của phái đoàn Việt Nam, vì kĩ năng đàm phán xuất sắc.
Nhà ngoại giao chịu nhiều áp lực nhất
Được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sau Hội nghị Paris, có thể coi đây là thời kì mà ngành ngoại giao của Việt Nam đứng trước tình hình hết sức phức tạp, đặc biệt là vào cuối những năm 1970. Đó là khi các thế lực thù địch lợi dụng việc nước ta đưa quân vào Campuchia giúp nhân dân bạn đánh diệt bè lũ diệt chủng Pôn Pốt để tiến hành bao vây cấm vận nhằm cô lập Việt Nam trên trường quốc tế. Ngay lúc đó Bộ trưởng Thạch đã đưa ra sáng kiến làm dịu quan hệ và kêu gọi sự đồng thuận từ phía Mỹ.
Cụ thể, ông Nguyễn Cơ Thạch đã đề nghị với Bộ Chính Trị để giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Đồng thời nghiên cứu lại bức thư của Nixon gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng về việc Mỹ sẽ đóng góp để hàn gắn vết thương chiến tranh. Bởi, ông phát hiện ra câu mà Kissinger đã thêm vào ở cuối thư rằng: "Hai bên sẽ nghiêm chỉnh thực hiện cam kết này theo đúng luật pháp của mỗi nước". Điều này có nghĩa là nước ta không bao giờ ta có được sự bồi thường của Mỹ. Việc ta cứ tiếp tục đòi Nixon phải thực hiện điều Mỹ đã cam kết chỉ làm cho quan hệ hai nước càng khó được cải thiện.
Sáng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã thúc đẩy một bước việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Ngày 18/7/1990, Ngoại trưởng Mỹ James Baker tuyên bố Hoa Kỳ không ủng hộ ghế của Campuchia Dân chủ tại LHQ và sẽ đàm phán trực tiếp với Việt Nam để tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia. Tiếp đó, ngày 17/10/1990, Ngoại trưởng Mỹ đã chính thức mời Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch sang thăm Mỹ.
Ông Nguyễn Cơ Thạch cũng từng đưa ra ý kiến về Hội nghị Ngoại trưởng ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia đã họp 6 tháng một lần, với địa điểm luân phiên giữa ba nước. Sau mỗi lần họp, có một cuộc họp báo quốc tế để công bố những sáng kiến mới của ba nước về giải pháp cho vấn đề Campuchia. Có thể nói là những cuộc họp báo đầy áp lực bởi Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người khởi đầu cho sáng kiến. Tuy nhiên, hầu hết phóng viên các nước ASEAN và phương Tây tác nghiệp ở Thái Lan đã đến tham dự để nghe Bộ trưởng Thạch nói. Thậm chí, mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước ASEAN dần cải thiện đến mức Tổng thống Philippines Ferdinand Macos đã cho máy bay riêng của mình chở Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đi tham quan Viện lúa quốc tế IRRI.
Sau khi Việt Nam và Liên Xô ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ngày 3/11/1978, ông Nguyễn Cơ Thạch đã có những đóng góp to lớn vào việc thực hiện đường lối của Đảng, coi tình hữu nghị vĩ đại và sự hợp tác toàn diện với Liên Xô là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao, ông Nguyễn Cơ Thạch đã nhiều lần thăm chính thức Liên Xô. Ông cũng thường tham gia thành phần đoàn cấp cao của các đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh sang Liên Xô. Ngoài ra, mỗi lúc có dịp, ông đều tranh thủ kết hợp ghé thăm Moskva trên đường đi công tác tại các nước thứ ba.
Năm 1979, Nguyễn Cơ Thạch trở thành Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao (hàm Bộ trưởng). Năm 1980, ông chính thức là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng thời đảm nhiệm vai trò Trưởng đoàn Đại biểu Việt Nam dự Đại hội đồng LHQ (từ 1979 cho đến 1990 – khi ông chính thức nghỉ hưu). Nhưng bất kể lập trường quốc gia có thế nào đối với Việt Nam, ở phương diện cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch vẫn giành được nhiều thiện cảm của các nhà ngoại giao quốc tế.
Tháng 4/2021, Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc. Tuy Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch không có cơ hội để chứng kiện sự kiện này nhưng những dấu ấn mà ông để lại trong ở các cuộc họp LHQ vẫn luôn được lịch sử lưu lại.
Sau 30 năm kể từ ngày Việt Nam gia nhập LHQ, con trai của cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nối gót ông trở thành nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, hiện tại là Phó Thủ tướng của Việt Nam.