Ngày 22/5, tại địa phận xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, Bộ GTVT, UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh Nghệ An cùng liên danh nhà đầu tư tổ chức Lễ khởi công Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (nối Nghệ An – Hà Tĩnh) là dự án đầu tiên được khởi công trong số 3 đoạn cao tốc Bắc – Nam đầu tư theo hình thức PPP. Bộ GTVT và nhà đầu tư Dự án đã ký hợp đồng BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao) ngày 13/5 vừa qua.
Theo Bộ GTVT, đoạn cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt đóng vai trò là tuyến huyết mạch, trục xương sống kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng của đất nước. Dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt có tổng mức đầu tư khoảng 11.157 tỷ đồng, gồm: Vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng và vốn Nhà nước tham gia thực hiện khoảng 6.067,73 tỷ đồng.
Dự án có chiều dài 49,3 km (đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An dài 44,4 km, qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh dài 4,9 km), được thiết kế với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Điểm đầu (Km430+000), phía sau nút giao với quốc lộ 7 (điểm cuối Dự án thành phần đầu tư đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu), thuộc địa phận xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; điểm cuối (Km479+300), phía sau nút giao với quốc lộ 8A, thuộc địa phận xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Cũng tại buổi lễ khởi công dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đề nghị nhà đầu tư với vai trò là chủ đầu tư dự án tập trung, huy động tối đa mọi nguồn lực triển khai thi công đảm bảo chất lượng tiến độ để hoàn thành dự án vào năm 2023. Cùng với đó, Ban Quản lý dự án và hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh theo dõi sát sao, tăng cường công tác kiểm tra giám sát và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Về vấn đề giải phóng mặt bằng, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị hai địa phương Hà Tĩnh và Nghệ An tiếp tục chỉ đạo quyết liệt trong viêc đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư bởi hiện tại vẫn còn 8% khối lượng giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành cùng với 5 khu tái định cư đang triển khai.
“Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cần tập trung tối đa nguồn lực vầ tài chính, nhân sự, máy móc thiết bị để triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ để phấn đấu đến quý I/2023 hoàn thành. Đây là dự án trọng điểm quốc gia nên cần phải hết sức quyết liệt và tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông”, ông Nguyễn Nhật nói.
Cao tốc Nha Trang – Cam Lâm khởi công khi nào?
Bộ GTVT dự kiến, thời gian tới sẽ khởi công thêm 2 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo hình thức PPP nữa, đó là dự án thành phần đoạn Nha Trang – Cam Lâm và Cam Lâm – Vĩnh Hảo.
Trong đó, cao tốc Nha Trang – Cam Lâm dài 50 km đi qua địa phận tỉnh Khánh Hòa. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 5.524 tỷ đồng, gồm: Vốn nhà đầu tư huy động khoảng 2.556 tỷ đồng và nguồn vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 2.967 tỷ đồng. Dự kiến trong quý II/2021, cao tốc Nha Trang – Cam Lâm sẽ được khởi công xây dựng.
Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài 78,5 km, đi qua địa bàn 3 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 8.925,48 tỷ đồng, gồm: Vốn nhà đầu tư khoảng 3.786,2 tỷ đồng và vốn Nhà nước tham gia dự án khoảng 5.139,28 tỷ đồng.
Các dự án PPP cao tốc Bắc – Nam được triển khai với nhiều giải pháp khắc phục các tồn tại của các dự án triển khai trước đây như Nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng và một phần chi phí xây dựng để tăng tính khả thi. Dự án được xây dựng mới đảm bảo sự lựa chọn cho người sử dụng; mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ được xác định ngay từ ban đầu sẽ làm giảm rủi ro cho nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng.