AmCham công bố kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp Mỹ sẵn sàng trả thêm tiền để tiếp cận nguồn vaccine chất lượng cao, đồng thời, mong chính phủ Việt Nam đẩy nhanh quá trình tiêm chủng, cho phép doanh nghiệp, tổ chức tư nhân mua vaccine Covid-19 về tiêm cho nhân viên của mình.
Phòng Thương mại Mỹ kêu gọi Việt Nam rút ngắn thời gian cách ly
Đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội kêu gọi Việt Nam rút ngắn thời gian cách ly, nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh và cho phép doanh nghiệp, tổ chức tư nhân tiếp cận vaccine Covid-19, đồng thời tăng tỷ lệ tiêm chủng.
Trước đó, hôm 21/5 vừa qua, một khảo sát do AmCham tiến hành cho thấy, 81% hội viên của tổ chức này khẳng định sẽ đưa thêm người đến Việt Nam nếu thời gian cách ly bắt buộc giảm từ 21 ngày như hiện tại xuống còn 7 ngày.
Các doanh nghiệp Mỹ đánh giá, sức khoẻ và sự an toàn của người dân là sự ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, nhưng việc đưa chuyên gia, các doanh nhân nước ngoài sang cũng có tầm quan trọng nhất định (đối với nền kinh tế, hoạt động xã hội tại Việt Nam).
Việt Nam đã áp dụng lệnh hạn chế nhập cảnh với khách du lịch nước ngoài (chính xác là tạm dừng cấp thị thực cho khách nước ngoài) kể từ tháng 3 năm 2020 khi dịch bệnh mới bùng phát.
Theo đó, chỉ cho phép công dân hoặc chuyên gia nước ngoài nhập cảnh với điều kiện bắt buộc phải trải qua 3 tuần cách ly tại khách sạn hoặc ở các cơ sở cách ly tập trung do Quân đội điều hành, quản lý ngay cả khi người nhập cảnh đã được tiêm phòng vaccine Covid-19 đầy đủ.
“AmCham khuyến khích các cơ quan chức năng Việt Nam nới lỏng các thủ tục nhập cảnh đối với các doanh nhân, chuyên gia nước ngoài và thậm chí có thể là khách du lịch nếu đã được tiêm phòng đầy đủ”, Giám đốc Điều hành AmCham tại Hà Nội Adam Sitkoff nêu rõ trong tuyên bố.
Ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Việt Nam đối với doanh nghiệp Mỹ
Công bằng mà nói, Chính phủ Việt Nam đã nhận “mưa lời khen” từ cộng đồng quốc tế khi kiểm soát thành công dịch bệnh, đạt “kỳ tích” trong công tác chống dịch Covid-19, nhờ các quyết sách kịp thời, hợp lý, quyết liệt như khẩn trương truy vết, xét nghiệm quy mô lớn với những người có nguy cơ, kết hợp cùng cơ chế khoanh vùng, dập dịch cùng hệ thống cách ly y tế tập trung cao độ.
Cho đến nay, số ca mắc được ghi nhận ở Việt Nam vẫn ở mức thấp so với nhiều quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực với chỉ 5561 bệnh và 44 ca tử vong nhân (tính đến trưa 25/5).
Như đã thông tin ở trên, hôm 21/5, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội tiến hành cuộc khảo sát đối với các thành viên về tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam lên tình hình kinh doanh.
Trên thực tế, cuộc khảo sát của AmCham tập trung vào các vấn đề hoạt động kinh doanh, việc hạn chế các hoạt động và di chuyển, thủ tục đối với những người nhập cảnh, và tình trạng sẵn sàng cung ứng vaccine tại Việt Nam.
Căn cứ vào kết quả khảo sát, Giám đốc AmCham Adam Sitkoff cho hay, có hơn 70% người được hỏi cho biết công ty đang hạn chế các chuyến công tác tại Việt Nam.
Ngoài ra, có khoảng 90% hội viên của AmCham đã hủy bỏ lịch trình công tác hay du lịch cá nhân vì nhiều ca lây nhiễm đã được ghi nhận tại hơn 30 tỉnh và thành phố trong đợt bùng phát lần này (kể từ ngày 27/4).
Hơn 90% thành viên AmCham phản hồi rằng làn sóng Covid-19 thứ tư ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ ở Việt Nam.
“Những thách thức lớn nhất nằm ở việc thiếu vaccine cũng như những yêu cầu về điều kiện và thủ tục giấy tờ gây khó khăn trong việc đưa những nhân sự quan trọng sang Việt Nam”, khảo sát của AmCham nêu rõ.
Theo Phòng Thương mại Mỹ, dịch bệnh Covid-19 sẽ còn tiếp tục gây ra gián đoạn và việc buộc mọi người ở trong nhà vài tuần có thể là một ý tưởng tốt cho tình huống hiện tại, nhưng các nhà hoạch định chính sách cũng cần cân nhắc một hệ thống hồ sơ nhằm tạo điều kiện cho khách quốc tế đến Việt Nam, trong khi vaccine đã được chứng minh an toàn và hiệu quả trên thế giới.
Cũng căn cứ theo kết quả khảo sát, các doanh nghiệp Mỹ, thành viên của AmCham đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc ngày càng có nhiều người được tiêm vaccine.
Doanh nghiệp Mỹ sẵn sàng trả thêm tiền để mua vaccine chất lượng cao
Đợt bùng phát mới đây từ cuối tháng 4 đã thúc đẩy chính phủ Việt Nam kêu gọi đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine.
Tính đến lúc này, đã có khoảng một triệu liều vaccine đã được tiêm ở Việt Nam, với khoảng 28.961 người được tiêm đủ 2 mũi.
Chính quyền Việt Nam đã đặt hàng thêm vaccine từ một số nhà cung cấp và nhận được khoảng 2,5 triệu liều thông qua chương trình chia sẻ vaccine COVAX Facilities. Theo dự kiến, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được nhiều vaccine hơn vào cuối năm nay, nhưng vẫn là chưa đủ để đạt miễn dịch cộng đồng.
Theo Giám đốc AmCham Sitkoff, nhiều thành viên của AmCham Hà Nội cho biết sẵn sàng trả phí để nhân viên của họ được tiêm chủng và Hiệp hội vẫn đang tiếp tục thảo luận với Chính phủ Việt Nam vấn đề này.
“Có 88% doanh nghiệp phản hồi cho biết sẽ sẵn sàng trả thêm tiền để được nhận vaccine chất lượng cao tại đây”, theo khảo sát.
Giám đốc Adam Sitkoff một lần nữa đề xuất tập trung các nguồn lực tài chính từ các công ty nếu Chính phủ có thể nhanh chóng đảm bảo tình trạng sẵn sàng của vaccine cho các công ty thành viên duy trì hoạt động ổn định trong bối cảnh dịch bệnh.
Bổ sung thêm, Giám đốc Sitkoff cũng cho biết việc có vaccine đang là vấn đề quan tâm hàng đầu với các hội viên của AmCham vì cho đến khi thêm nhiều người được tiêm, sẽ còn những đợt bùng phát và gián đoạn do virus corona gây ra.
Đáng chú ý, khảo sát của AmCham cũng cho thấy có đến 98% người tham gia phản hồi cho rằng chính phủ Hoa Kỳ nên cung cấp hoặc đảm bảo cung ứng vaccine cho tất cả công dân Mỹ sống ở Việt Nam.
Cần có quy trình vaccine chung cho vấn đề đi lại xuyên biên giới
Hồi đầu tháng 5, các chuyên gia kinh tế cao cấp của Vụ Nghiên cứu Kinh tế và Hợp tác Khu vực, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) - Matthias Helble và Won Hee Cho có báo cáo nhấn mạnh các nước Châu Á cần nỗ lực hơn về hợp tác song phương và khu vực nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại xuyên biên giới, cũng như tiến tới quy trình hộ chiếu vaccine trong khu vực.
Theo nhóm nghiên cứu của ADB, hiện nay vẫn còn thiếu những thỏa thuận ở cấp độ khu vực và quốc tế về hộ chiếu vaccine. Bong bóng du lịch hiện tại giữa những nơi có rủi ro Covid-19 thấp là rất hiếm và dễ vỡ.
“Trong tương lai, các quốc gia cần khẩn trương liên kết với nhau để thiết lập các quy trình hài hòa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại quốc tế. Lữ hành quốc tế không chỉ quan trọng đối với ngành du lịch mà còn đối với cả hoạt động kinh doanh và hợp tác quốc tế nói chung”, nhóm chuyên gia của ADB khẳng định.
Theo Matthias Helble và Won Hee Cho, một thẻ thông hành chung để đi lại giữa các quốc gia phải đảm bảm tính chất dễ sử dụng, chống gian lận và có sẵn dưới dạng kỹ thuật số. Đồng thời, ở thời điểm hiện tại, các thỏa thuận thương mại và hợp đồng kỹ thuật có thể giúp cung cấp một nền tảng để các quốc gia đàm phán.
Các nhà nghiên cứu của ADB đề xuất tiếp tục cho phép nhập cảnh đối với khách du lịch không có hộ chiếu vaccine, áp dụng quy trình kiểm dịch thống nhất trong toàn khu vực về kiểm tra trước chuyến đi cũng như trong thời gian cách ly.
Ngoài ra, các nước nên áp dụng công nghệ kỹ thuật số trong việc truy vết, hợp nhất bong bóng du lịch với hộ chiếu vaccine Covid-19.
Theo hai chuyên gia kinh tế cao cấp của ADB, khu vực châu Á và Thái Bình Dương nên đi đầu về vấn đề này.
“Việc hài hòa các tiêu chuẩn trên quy mô toàn cầu sẽ cần nhiều thời gian. Trong thời gian chờ đợi, các nhóm quốc gia ở châu Á và Thái Bình Dương nên hợp tác cùng nhau để phát triển các quy trình và thực tiễn tốt nhất trong khu vực”, báo cáo nêu rõ.
Theo các chuyên gia, việc thiết lập một lập trường thống nhất và những hướng dẫn nghiêm ngặt về phương thức triển khai hộ chiếu vaccine kỹ thuật số và các biện pháp phòng chống Covid-19 liên quan đến du lịch sẽ đóng góp đáng kể vào sự thành công của kế hoạch phục hồi du lịch. Nó cũng sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại kinh doanh quốc tế, giúp phục hồi hợp tác kinh tế quốc tế nhanh hơn.
Cùng với đó, việc triển khai tiêm vaccine sẽ là một quá trình tốn thời gian ở cả khu vực và trên toàn cầu, nhưng có những hành động có thể thực hiện ngay bây giờ sẽ làm cho chúng hiệu quả hơn trong việc mở cửa du lịch và đi lại.
“Điều này có thể làm tăng tốc độ phục hồi kinh tế, vượt qua khủng hoảng đại dịch mà khu vực đang rất cần”, các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á nhấn mạnh.