Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía Nhật tạo điều kiện để các nhà đầu tư sang hợp tác, kinh doanh, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của các công ty, tập đoàn hàng đầu Nhật Bản.
Việt – Nhật cùng thảo luận việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP
Ngày 26/5/2021, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi điện đàm với ông Yasutoshi Nishimura – Bộ trưởng Phục hồi Kinh tế của Nhật Bản để thảo luận một số nội dung liên quan đến CPTPP.
Tại buổi điện đàm, Bộ trưởng Yasutoshi Nishimura chúc mừng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn việc bổ nhiệm là Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Về phần mình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảm ơn lời chúc mừng của Bộ trưởng Yasutoshi Nishimura, đồng thời bày tỏ tin tưởng mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ ngày càng được củng cố và nâng tầm hơn nữa trong thời gian tới.
Hai bộ trưởng đã thảo luận về việc một số nền kinh tế quan tâm đến việc gia nhập Hiệp định CPTPP, đặc biệt là Vương quốc Anh.
Bộ trưởng Yasutoshi Nishimura đề nghị Việt Nam ủng hộ việc tổ chức phiên họp Hội đồng cấp Bộ trưởng Hiệp định CPTPP lần thứ 4 dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6/2021 để xem xét khởi động tiến trình đàm phán gia nhập Hiệp định của Vương quốc Anh sau khi nước này chính thức nộp đơn xin gia nhập vào ngày 1/2/2021.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao nỗ lực và sự chuẩn bị chu đáo của Nhật Bản và cho biết Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với Nhật Bản và các thành viên CPTPP tổ chức thành công phiên họp Hội đồng CPTPP lần này.
Đưa Việt Nam thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật
Hai bộ trưởng cũng dành thời gian trao đổi về việc thực thi Hiệp định CPTPP song phương và đa phương.
Bộ trưởng Nishimura đề nghị Việt Nam ủng hộ các sáng kiến của Nhật Bản trong thời gian tới, đồng thời mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ để thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản trong quá trình thực thi Hiệp định CPTPP.
Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ trưởng Yasutoshi Nishimura hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu đến đầu tư tại Việt Nam.
Với cơ sở đó, sẽ giúp Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất ô tô, điện tử, thiết bị y tế, dệt may cũng như các lĩnh vực có lợi ích cho sự phát triển quan hệ kinh tế - thương mại song phương.
CPTPP là gì?
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP, là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, México, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP (gồm 30 chương và 9 phụ lục) nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP.
20 nhóm nghĩa vụ tạm hoãn này bao gồm 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 Chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng.
Tuy nhiên, toàn bộ các cam kết về mở cửa thị trường trong Hiệp định TPP vẫn được giữ nguyên trong Hiệp định CPTPP. Giá trị đóng góp vào GDP và thương mại toàn cầu của Hiệp định TPP tương ứng là 40% và 30% trong khi giá trị đóng góp của Hiệp định CPTPP tương ứng là 15% và 15%.
Ngày 12/11/2020, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với 100% số đại biểu có mặt bấm nút tán thành. Việt Nam là nước thứ bảy phê chuẩn Hiệp định này.
Việc tham gia CPTPP đã cho thấy quyết định đúng đắn của chính quyền Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Kể từ khi CPTPP chính thức được phê duyệt vào 30/12/2018, và bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam vào 14/1/2019, hiệp định này đã giúp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước thành viên.
Hiệp định CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% vào năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Ngoài ra, việc có quan hệ thương mại tự do với các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Thêm vào đó, việc tham gia Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
Với các FTA “truyền thống” trước đây, mức độ “mở cửa” của Việt Nam là khá thận trọng (trừ các cam kết với ASEAN). Tuy nhiên, với hai hiệp định thế hệ mới là FTA Việt Nam-EU và CPTPP, mức cam kết cắt giảm thuế lên gần như tối đa. Đặc biệt với CPTPP, mức cắt giảm lên tới gần 100%, tức gần như toàn bộ các dòng thuế đều sẽ về 0%.
Với CPTPP, 42,9% số dòng thuế đánh lên các mặt hàng dệt may Việt Nam nhập vào Canada sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Và đến năm thứ 4 thì 100% hàng dệt may Việt Nam bán cho Canada sẽ được miễn thuế hoàn toàn. Nhật Bản thì cam kết xóa ngay 99% dòng thuế…
Tương tự, ở mặt hàng giày dép, 67% dòng thuế nhập khẩu được Canada xóa bỏ ngay lập tức, 12% còn lại sẽ được xóa vào năm thứ 7, còn lại sẽ cắt giảm vào năm thứ 12. Cũng tại CPTPP, Nhật Bản đã cam kết sẽ xóa 80% dòng thuế với hàng giày dép vào năm thứ 10…
Với hàng thủy sản, phần lớn các dòng thuế đánh lên hàng Việt nhập vào Canada và Nhật Bản sẽ được xóa bỏ ngay. Đáng chú ý, CPTPP mang lại mức độ mở cửa sâu hơn, ưu đãi lớn hơn cho thủy sản Việt Nam vào thị trường Nhật so với Hiệp định song phương Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) hiện nay.