"Tùy từng tình huống" mà Trưởng khoa tiến hành trao đổi
Theo đó, đối với kiến nghị, việc bổ nhiệm Trưởng khoa chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, theo kết luận của Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã thực hiện theo sự phân cấp của ĐH Quốc gia TP.HCM về thẩm quyền bổ nhiệm các vị trí quản lý của đơn vị.
Trường đã ban hành các quy định về quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với vị trí quản lý và triển khai việc bổ nhiệm các vị trí quản lý một cách công khai, dân chủ từ Đảng ủy cơ sở đến Chi ủy của khoa, Ban chủ nhiệm khoa và tập thể giảng viên khoa Hàn Quốc học. Cụ thể:
Đối với trường hợp bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phương Mai làm Trưởng khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã thực hiện theo đúng quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và của đơn vị.
Đối với kiến nghị về việc Trưởng khoa thiếu dân chủ trong quản lý điều hành đơn vị, yếu về năng lực quản lý, lãnh đạo dẫn đến việc điều hành khoa Hàn Quốc học một cách độc đoán, chuyển quyền, tùy tiện, duy ý chí, hành xử thiếu tôn trọng đồng nghiệp, cư xử mang tính tư thù đối với những giảng viên có chính kiến.
ĐH Quốc gia TP.HCM nhận thấy, 11 giảng viên ký tên trong đơn kiến nghị và trưởng khoa Hàn Quốc học đều là những giảng viên có tâm huyết với trường, với khoa, luôn mong muốn xây dựng một khoa Hàn Quốc học vững mạnh và ngày càng có uy tín.
Trong quá trình điều hành, quản lý, Trưởng khoa có lập kế hoạch; trao đổi với người đồng cấp theo công việc phụ trách; tham vấn ý kiến từ quản lý cấp trên và các chuyên gia có kinh nghiệm. Và theo tính chất công việc, tùy từng tình huống, Trưởng khoa tiến hành trao đổi với các giảng viên trong khoa hoặc đưa vấn đề ra thảo luận trong toàn khoa.
Trưởng khoa Hàn Quốc học, bà Nguyễn Thị Phương Mai thể hiện là một người tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định, quy trình của trường, lấy tôn chỉ “hoàn thành công việc” làm mục tiêu hàng đầu. Trước đó, Trưởng khoa Hàn Quốc học cũng cho biết, việc mời giảng khó khăn khi số lượng sinh viên đầu vào tăng khá nhiều. Giảng viên của khoa không chịu dạy vượt quá 270 tiết.
Do đó, trong tình huống cấp bách, khoa mời các giảng viên nhưng không làm sai các quy định của nhà trường về lý lịch, tiêu chuẩn, hồ sơ phải gửi cho phòng đào tạo để ký hợp đồng. Bà Mai cho hay:
“Việc này tôi và phó trưởng khoa phụ trách đào tạo đều nắm rõ, một số trường hợp do trưởng bộ môn đề xuất. Về vấn đề này, tôi nhận thấy hiện nay quy trình của khoa đang khá phức tạp, rườm rà hơn cả quy trình của trường, do đó khoa đang tiến hành chỉnh sửa lại. Cũng có thể tôi làm không đúng quy trình của khoa, cụ thể là không thông qua Hội đồng khoa học đào tạo khoa và hiệu trưởng nhưng tôi không làm sai quy trình của trường”.
Chưa có cơ sở kết luận Trưởng khoa "thiếu dân chủ"
Tuy nhiên, chính những yếu tố “tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định của trường, lấy tôn chỉ “hoàn thành công việc” làm mục tiêu hàng đầu” đã khiến Trưởng khoa đôi khi bị cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong xử lý một số tình huống, đặc biệt trong một số giao tiếp, làm việc với các nhân sự. Cụ thể, đã có quan tâm đến việc lắng nghe nhưng cách thể hiện lại chưa đủ tinh tế, chưa tạo được một không gian phù hợp để các bên thoải mái chia sẻ, và đôi khi chưa thể kiểm soát được những cảm xúc bộc phát không phù hợp.
ĐH Quốc gia TP.HCM nhận thấy chưa có đủ cơ sở để kết luận Trưởng khoa thiếu dân chủ trong quản lý điều hành đơn vị, yếu về năng lực quản lý, lãnh đạo nhưng cần rút kinh nghiệm một cách sâu sắc từ sự việc này để có những cải tiến tốt hơn trong quản lý và điều hành công việc của khoa.
Đối với kiến nghị về việc: Trưởng khoa có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi, không minh bạch trong việc quản lý tài chính của khoa Hàn Quốc học, ĐH Quốc gia TP.HCM xét thấy không đủ cơ sở để kết luận Trưởng khoa có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi, không minh bạch trong việc quản lý tài chính của khoa Hàn Quốc học.
Tuy nhiên, với vai trò là Trưởng khoa, bà Nguyễn Thị Phương Mai cần xem xét, nghiên cứu kĩ các quy định hiện hành để ban hành các văn bản cụ thể hóa cách thức điều hành, quản lý và công khai tài chính tại đơn vị.
Đối với việc giải quyết kiến nghị lần 1 của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, theo kết luận của ĐH Quốc gia TP.HCM, trong quá trình giải quyết đơn kiến nghị của tập thể giảng viên khoa Hàn Quốc học, trường đã có sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời từ ban giám hiệu trong việc giải quyết các kiến nghị, phản ánh.
Việc triển khai giải quyết kiến nghị, phản ánh được thực hiện theo quy trình và trường đã có kết luận giải quyết kiến nghị thông báo đến tất cả các bên có liên quan.
ĐH Quốc gia TP.HCM đề nghị Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tăng cường công tác nắm bắt tâm tư nguyện vọng của viên chức, người lao động tại đơn vị, có giải pháp thông tin để không xảy ra việc kiến nghị, phản ánh vượt cấp; đồng thời, giám sát, đôn đốc trưởng khoa Hàn Quốc học trong việc thực hiện kết luận của ĐH Quốc gia TP.HCM.