Ngày 3/6, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 250 ca mắc Covid-19, trong đó 231 trường hợp lây nhiễm trong nước, nâng tổng số bệnh nhân mắc nCoV cả nước lên thành 8063 người.
Thêm 250 ca Covid-19 trong ngày 3/6
Chiều 3/6, Bộ Y tế công bố thông tin cho biết, Việt Nam vừa ghi nhận thêm 91 bệnh nhân Covid-19. Trong số đó, có 79 ca nhiễm trong nước, bao gồm 58 ca tại Bắc Giang, 10 ca tại Bắc Ninh và 11 ca tại TP. HCM.
Đối với các trường hợp tại Bắc Giang, tất cả bệnh nhân mắc mới đều được phát hiện trong khu cách ly và vùng phong tỏa. Các ca bệnh này liên quan đến số công nhân làm việc tại khu công nghiệp.
Trong khi đó, tại Bắc Ninh, có 7 ca mắc mới được ghi nhận tại khu công nghiệp Khắc Niệm, 3 ca ghi nhận tại khu công nghiệp Quế Võ. Những trường hợp này đã được đưa đi cách ly.
Riêng với 11 trường hợp ở TP.HCM, có 9 ca bệnh liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, 2 người còn lại đang được điều tra dịch tễ.
Trong số 2 ca nhiễm chưa xác định được nguồn lây này, một ca bệnh là người cư trú tại quận Bình Tân, làm việc ở Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn. Ca bệnh còn lại trú ở TP Thủ Đức, có đi khám bệnh tại Bệnh viện Đức Khang (quận 5). Kết quả xét nghiệm vào ngày 2-3/6 cho thấy 2 người dương tính với SARS-CoV-2.
Ngoài các ca nhiễm trong nước, còn có 12 bệnh nhân nhập cảnh được cách ly ngay tại tỉnh Kiên Giang. Các trường hợp này được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố Hà Tiên.
Như vậy, trong ngày 3/6, Việt Nam ghi nhận thêm 250 ca mắc mới Covid-19 gồm 19 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 231 ca lây nhiễm trong nước.
Các tỉnh thành có thêm ca nhiễm mới bao gồm: Bắc Giang (145 ca), Bắc Ninh (44 ca), TP.HCM (30 ca), Hà Nội (6 ca), Lạng Sơn (3 ca), Long An (2 ca) và Hải Dương (1 ca). Trong số đó, có 228 trường hợp lây nhiễm được phát hiện trong khu vực đã được cách ly hoặc phong tỏa.
Hiện Bộ Y tế Việt Nam đang nỗ lực hết sức có thể để tiếp cận, đặt mua vaccine nhằm thực hiện tiêm chủng cho người dân. Chính phủ và Bộ Y tế đặt mục tiêu có đủ 150 triệu liều vaccine trong năm 2021. Nếu thành công, số vaccine trên có thể được triển khai để tiêm cho 75% dân số, từ đó đạt miễn dịch cộng đồng.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang ngày càng trở nên phức tạp hơn ở cả trong nước lẫn trên thế giới, Bộ Y tế đã ban hành thang đánh giá mức độ nguy cơ bùng phát dịch tại các địa phương. Theo đó, thang được chia làm 4 cấp nguy cơ: Trạng thái bình thường mới (màu xanh), có nguy cơ (màu vàng), nguy cơ cao (màu cam) và nguy cơ rất cao (màu đỏ).
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, bản đồ Covid-19 sẽ giúp vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, không ngăn sông cấm chợ khi không cần thiết.
Phổi nam sinh 22 tuổi bị đông đặc như nam phi công người Anh
Sáng 3/6, Tiểu ban Điều trị và Hội đồng chuyên môn đã tiến hành hội chẩn đối với ca bệnh Covid-19 diễn biến nặng.
Tại buổi hội chẩn, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM – TS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu đã báo cáo về ca bệnh 7445 (22 tuổi, Long An). Đây là bệnh nhân được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An.
Theo bác sĩ Châu, tình hình bệnh nhân hiện rất nặng. Trong tối nay, bệnh nhân sẽ được cho chụp CT phổi để xem xét phương án thay huyết tương.
Các bác sĩ nhận định, bệnh nhân còn trẻ nhưng béo phì nên nguy cơ cao. Theo GS Nguyễn Gia Bình, nếu được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM muộn thêm một chút thì bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng chết não.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân được can thiệp ECMO tốt, hiện cần lưu ý tình trạng “phổi đông đặc”. Bệnh nhân này có bệnh cảnh khá tương đồng với ca bệnh số 91 (bệnh nhân phi công người Anh).
Về nguy cơ thiếu một loại thuốc điều trị cho bệnh nhân, các chuyên gia đã đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra nguồn thuốc lưu kho, điều chuyển hỗ trợ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM nếu còn.
123 bệnh nhân Covid-19 tiên lượng nặng, 7 ca nguy kịch
Tại buổi hội chẩn toàn quốc sáng nay, các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành đã đưa ra nhận định, nếu trước đây các ca bệnh nặng chủ yếu là người lớn tuổi, người có bệnh nền thì hiện trong đợt dịch này, virus còn tấn công cả người trẻ. Có thể thấy, cả những bệnh nhân mới 22, 25 tuổi đã chuyển sang nguy kịch sau khi nhiễm bệnh vài ngày.
Thông tin ghi nhận được, hiện trong số các bệnh nhân đang điều trị, có 123 bệnh nhân tiên lượng nặng, 100 bệnh nhân nặng thở oxy; 29 bệnh nhân nặng, thở máy không xâm nhập; 29 ca nguy kịch phải thở máy xâm nhập; 7 ca nguy kịch phải can thiệp ECMO.
Trong số đó, có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi, không có bệnh nền nhưng lại nhanh chóng diễn biến nặng, thậm chí nguy kịch.
Lấy ví dụ như bệnh nhân số 7117, 23 tuổi, ở Thuận Thành, Bắc Ninh. Ngày 25/5, bệnh nhân có triệu chứng sốt 40 độ C, khó thở. Bệnh nhân tự mua thuốc uống không đỡ, tình trạng khó thở tăng dần. Ảnh siêu âm cho thấy phổi người bệnh mờ lan tỏa ở cả 2 bên phổi, viêm phổi nặng.
Sau 7 ngày xuất hiện triệu chứng, bệnh nhân được ghi nhận dương tính với SARS-COV-2. Đến ngày 3/6, tình trạng bệnh nhân trở nặng, phải lọc máu, tiếp tục an thần giãn cơ, thở máy. Siêu âm phổi ngày 3/6 cho thấy 2 thuỳ dưới phổi bệnh nhân đông đặc.
Bệnh nhân sau đó được xem xét hỗ trợ ECMO, tiếp tục cho thở máy, lọc máu, chống đông, cân bằng điện giải, dinh dưỡng.
Hay như bệnh nhân số 7445, 22 tuổi, quê Long An là một ví dụ khác về việc người trẻ tuổi cũng diễn tiến nặng một cách nhanh chóng trong đợt dịch này.
Theo TS. Đỗ Ngọc Sơn (Trung tâm cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, hiện đang hỗ trợ tại Bắc Giang), hiện tượng trên chủ yếu là do chủng virus lần này có động lực rất cao, dễ gây tổn thương toàn bộ phổi bệnh nhân một cách nhanh chóng. Ngoài ra, virus còn gây tổn thương các cơ quan khác, khiến bệnh nhân dễ nguy kịch và tử vong.
TS. Sơn cũng dự báo, có thể sang tuần tới sẽ còn xuất hiện nhiều ca chuyển biến nặng.
Quân y Việt Nam tăng hợp tác với Nhật Bản chống Covid-19
Ngày 3/6, Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo bàn về hợp tác song phương, tình hình khu vực, quốc tế cùng quan tâm, trong đó, đáng chú ý có vấn đề hợp tác giữa Quân y hai nước trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Tại cuộc Hội đàm, hai Bộ trưởng đánh giá cao việc chuyên gia Quân y của hai nước tổ chức hội nghị trực tuyến trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với đại dịch Covid-19 và thống nhất thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quân y trong phòng, chống dịch Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Phan Văn Giang và người đồng cấp Nhật Bản thống nhất sớm triển khai các nội dung hợp tác quốc phòng song phương và đa phương ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế.
Trong đó, Việt Nam và Nhật Bản ưu tiên các lĩnh vực, như: giao lưu, tiếp xúc các cấp, gìn giữ hòa bình LHQ.
Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí duy trì hiệu quả các cơ chế đối thoại, tham vấn sĩ quan tham mưu của hải quân, lục quân và không quân, tổ chức giao lưu các lực lượng Hải quân, Không quân, Cảnh sát biển, triển khai các chương trình hỗ trợ.
Về phần mình, Bộ trưởng Phan Văn Giang cảm ơn Bộ trưởng Kishi Nobuo đã có những đánh giá tích cực, tốt đẹp về quan hệ hai nước, hai Quân đội. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam cảm ơn phía Nhật Bản đã hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Bộ trưởng cho rằng, hai bên cần phối hợp làm tốt nhiệm vụ đồng chủ trì Nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong khuôn khổ ADMM+, chu kỳ 4, giai đoạn 2021 – 2023.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng mong muốn, trên cương vị của mình, Bộ trưởng Kishi Nobuo tiếp tục quan tâm, thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước phát triển và đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất, phù hợp với lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, phát triển chung ở khu vực và thế giới.
Điểm quan trọng trong hội đàm giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Việt – Nhật chính là việc hai bên nhất trí cần sớm ký kết thỏa thuận chuyển giao trang bị và công nghệ nâng cao năng lực quốc phòng giữa hai Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.