Những cố gắng lộ liễu của Trung Quốc để có tiếng nói chủ chốt trong các công việc về Bắc Cực đã vấp phải sự ngờ vực và thậm chí là cảnh giác bất an từ phía các nước trong khu vực. Hơn thế nữa, chỉ một vài sáng kiến đầu tư của Bắc Kinh trong lĩnh vực này mang lại kết quả nhất định, - chuyên gia Elizabeth Wishnick, Giáo sư Chính trị học tại ĐHTH Quốc gia Montclair (Montclair State University - MSU) của Hoa Kỳ đánh gia như vậy trong bài báo công bố trên tờ The Diplomat.
Cách đây chưa lâu, đối tác chiến lược của Bắc Kinh là Matxcơva đã tiếp quản cương vị lãnh đạo Hội đồng Bắc Cực trong nhiệm kỳ 2 năm. Tuy nhiên, với Trung Quốc, vốn là quan sát viên của tổ chức này từ năm 2013, quy chế mới của Matxcơva hứa hẹn không chỉ cơ hội mới mà còn hàm chứa cả rủi ro, - chuyên gia nhận xét.
Bắc Cực - câu lạc bộ đóng kín
Theo quan điểm của GS Wishnick, không giống như phần lớn các khu vực khác trên thế giới, Bắc Cực về cơ bản là dạng một Câu lạc bộ đóng kín. Do đó, để thúc đẩy lợi ích của mình, Trung Quốc phải trông cậy vào các đối tác khác, cụ thể là Nga.
Phần tham gia của Trung Quốc vào các dự án năng lượng của Nga đã bộc lộ quyết tâm của Bắc Kinh trong tham vọng hiện diện kinh tế tại Bắc Cực. Bởi nhiều khoản đầu tư của Trung Quốc vào những sáng kiến khác - từ có vẻ lặt vặt kỳ lạ (mở sân gôn ở phía bắc Iceland) cho đến tầm vóc chiến lược (khai thác mỏ đất hiếm ở Greenland), hiện thời còn chưa thành công, như tác giả bài báo cho biết.
Theo đánh giá của GS Wishnick, quan hệ Trung-Nga bắt đầu được củng cố sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và xu thế này gia tăng sau khi Hoa Kỳ và EU áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Matxcơva, làm giảm khả năng của Nga về tiếp cận đầu tư nước ngoài. Tình trạng đó tạo điều kiện cho các công ty Trung Quốc mua cổ phần trong các dự án LNG Yamal và làm việc cùng với Nga theo hàng loạt chương trình liên quan khác nhau.
Những năm gần đây, Matxcơva và Bắc Kinh đã mở rộng hợp tác ở Bắc Cực
Cả hai nước tiến hành những cuộc đối thoại thường xuyên giữa các Bộ Ngoại giao và ở cấp chuyên gia. Đã ký thỏa thuận hợp tác về Tuyến đường Biển phương Bắc (NSR) và cam kết cùng nhau làm việc trong khuôn khổ Con đường Tơ lụa vùng Cực, là một phần của sáng kiến «Vành đai và Con đường» (Nhất đới, nhất lộ). Vào năm 2019, các bên đã đồng ý thành lập Trung tâm nghiên cứu Bắc Cực Trung-Nga, được thiết kế nhắm tới xoá một khoảng trống trong sự hợp tác của hai nước ở khu vực phương Bắc, - GS Wishnick lưu ý.
Bất kể hoạt tính này, giữa hai đối tác chiến lược vẫn tồn tại «một số khác biệt căn bản» trong vấn đề Bắc Cực. Ngay từ ban đầu Nga đã phát biểu phản đối dành quy chế quan sát viên cho Trung Quốc và các nước khác trong Hội đồng Bắc Cực, chừng nào họ chưa đồng ý tôn trọng chủ quyền của các quốc gia Bắc Cực.
Quả thực, vấn đề chủ quyền vẫn còn là hòn đá tảng trở ngại. Nga khăng khăng định quyền về phát triển thềm lục địa Bắc Cực và điều tiết lưu thông dọc theo Tuyến đường biển phương Bắc. Lập trường như vậy có xu hướng hạn chế hoạt động độc lập của Trung Quốc, vốn hô hào mở rộng tự do hàng hải trong khu vực này, - chuyên gia Wishnick nhấn mạnh.
Hơn thế nữa, theo nhãn quan của GS Wishnick, trong triển vọng dài hạn, bất kỳ sự cải thiện nào trong quan hệ của Matxcơva với các nước phương Tây cũng sẽ đều phương hại cho Bắc Kinh. Bởi các chuyên gia Trung Quốc quá hiểu rằng công nghệ và hợp tác với đất nước họ ở Bắc Cực không hề là lựa chọn và ưu tiên ban đầu của Nga.
Các đối tác khác của Nga
Mặc dù hiện hữu nhiều vấn đề tiếp tục cản trở sự hợp tác Mỹ-Nga ở Bắc Cực, ngoài Trung Quốc ra Matxcơva vẫn có những đối tác khác. Về phần mình Bắc Kinh cũng giữ quan hệ kinh doanh với các nước quan sát viên khác trong Hội đồng Bắc Cực châu Á, gồm Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong hội nghị bàn tròn gần đây ở Quỹ Gorchakov, chuyên gia Saint-Peterburg về Bắc Cực là ông Alexandr Sergunin lưu ý rằng nhiều dự án có sự tham gia của Trung Quốc vẫn bỏ đó chưa hề được thực hiện. Chẳng hạn như đề xuất của tập đoàn Trung Quốc Poly Group đầu tư 5,5 tỷ USD vào phát triển cảng Arkhangelsk. Trong khi đó các sáng kiến với Hàn Quốc và Nhật Bản lại đang được triển khai tốt, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây.
Chuyên gia Đan Bối Tây (Deng Basi), đại diện Viện Nghiên cứu Địa cực của Trung Quốc cho biết rằng dù có những tiến bộ trong hợp tác với Nga theo dự án LNG Yamal, điều khiến các công ty Trung Quốc lo ngại là mức tốn phí cao và tình trạng thiếu đầu tư vào vùng Bắc Cực của Nga. Vì thế họ dành quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển Con đường Tơ lụa vùng Cực như là một lối ra biển tới Bắc Âu.
Dù rằng có một số cơ hội mới để đối thoại từ vị thế Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực và cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến giữa các ông Joe Biden và Vladimir Putin, bản danh sách liệt kê những mâu thuẫn giữa Nga và các nước phương Tây vẫn còn khá dài. Một số người lo ngại rằng điều đó đang góp phần đẩy tăng tham vọng của Trung Quốc trong khu vực. Tuy hiện thời không có dấu hiệu nào về hợp tác quân sự Trung-Nga công khai ở Bắc Cực, các nhà phân tích chỉ ra việc ứng dụng nghiên cứu khoa học tiềm năng phục vụ cho quân sự, kể cả lập bản đồ và cảm biến ngầm dưới nước.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã bắt tay làm việc với Phần Lan, chứ không phải là với Nga trong công trình đóng con tàu phá băng đầu tiên Rồng Tuyết 2 (Xue Long 2) của họ. Ngoài ra, hiện vẫn chưa rõ liệu Matxcơva sẵn sàng giúp đỡ Bắc Kinh mở rộng khả năng lưu thông ở Bắc Cực đến chừng nào, - tác giả bài báo lưu ý.
Thêm nữa, Trung Quốc chưa hề đầu tư vào bất kỳ hải cảng nào của Nga ở Bắc Cực, và hai nước cũng không tiến hành cuộc tập trận hải quân chung trong khu vực này. Nga vẫn là trung gian đối với CHND Trung Hoa cho đến khi phần trung tâm của Bắc Băng Dương trở thành đường giao thông biển và tàu bè không cần phải đi qua Tuyến đường biển phương Bắc do Matxcơva điều phối quản lý.
«Cách Nga xử sự với tham vọng Bắc Cực của Trung Quốc sẽ bộc lộ nhiều điều về thực chất quan hệ đối tác Trung-Nga và những ưu tiên của Nga ở Bắc Cực. Cho đến nay, Nga đã chọn lựa các đối tác của mình trong khu vực và sử dụng lợi thế từ vai trò Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực để thúc đẩy lợi ích nội bộ của mình, nhưng đó là đường lối mà về tiềm năng có thể vấp phải cố gắng của Trung Quốc nhằm thực thi chương trình nghị sự đầy tham vọng bởi Bắc Kinh muốn xâm nhập địa bàn rộng lớn hơn», - GS Elizabeth Wishnick kết luận.