Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Vương Nghị ca ngợi quan hệ láng giềng tốt đẹp với Việt Nam. Bắc Kinh ủng hộ Hà Nội theo đuổi con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện quốc gia. Trung Quốc sẵn sàng giúp Việt Nam chống Covid-19 cũng như cung cấp, nghiên cứu và sản xuất vaccine.
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong - Lan Thương, Việt Nam đề xuất 4 nhóm biện pháp hợp tác để giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam vừa nói gì với ông Vương Nghị về Biển Đông?
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 8/6, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã có cuộc hội đàm với Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Như thường lệ, bên cạnh các nội dung tăng cường thúc đẩy quan Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện song phương giữa Hà Nội – Bắc Kinh, cùng thảo luận các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, Biển Đông luôn là chủ đề ‘nóng, nhạy cảm’, nhưng không thể bỏ qua trong những cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam – Trung Quốc.
Cuộc hội đàm đáng chú ý giữa Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị diễn ra tại Trùng Khánh, Trung Quốc.
Cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao Bộ Ngoại giao hai nước được tổ chức bên lề Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong - Lan Thương.
Đáng chú ý, trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và ông Vương Nghị, bàn về tình hình Biển Đông, phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc tìm kiếm ‘giải pháp hòa bình’ giải quyết các vấn đề tranh chấp biển đảo, tránh gây phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trong khu vực. Tất nhiên, điều kiện tiên quyết - các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tránh những hành động đơn phương như trong thời gian qua.
Cụ thể, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhận thức chung cấp cao. Đặc biệt, người đứng đầu Bộ Ngoại giao đề nghị “tuân thủ luật pháp quốc tế”, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), phát huy vai trò của các cơ chế đàm phán.
Cùng với đó, Bộ trưởng Sơn cũng đề nghị Ngoại trưởng Vương Nghị và chính quyền Bắc Kinh cùng ‘tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài’ cho vấn đề Biển Đông.
“Hai bộ trưởng nhất trí duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cùng các nước ASEAN sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Nhìn lại những ngày qua, tình hình và giải pháp hành xử lâu dài ở Biển Đông là một trong những chủ đề ‘nóng nhất’, được quan tâm và thảo luận nhiều nhất trong khuôn khổ Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, trong Hội nghị lần thứ 19 Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM DOC) hôm 7/6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng phát biểu thẳng thắn cho rằng, dù duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở Biển Đông là lợi ích chung của ASEAN và Trung Quốc, tuy nhiên “các hành động đơn phương vẫn xảy ra, vi phạm quyền hợp pháp của các nước ven Biển Đông”.
Theo đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, những hành động đơn phương ấy chỉ làm gia tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin giữa các bên và hoàn toàn đi ngược lại các nỗ lực chung của ASEAN - Trung Quốc.
Khẳng định tại Hội nghị lần thứ 19 Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM DOC), Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng lên tiếng kêu gọi các bên thực hiện nghiêm túc, thiện chí Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các cam kết đã có.
Việt Nam nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 để tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán, xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và được ủng hộ rộng rãi.
Việt Nam mong Trung Quốc sớm hoàn thành nốt những dự án còn dang dở
Trong cuộc hội đàm cấp cao giữa lãnh đạo hai Bộ Ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc hôm qua 8/6, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và người đồng cấp Vương Nghị đồng thời bàn thảo và đạt được sự đồng thuận về các biện pháp thúc đẩy quan hệ Việt – Trung.
Trong đó, ưu tiên việc tăng cường giao lưu các cấp, giao lưu nhân dân, triển khai hợp tác phòng chống Covid-19, duy trì trao đổi, hợp tác tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên Hợp Quốc và trong khuôn khổ ASEAN.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chúc mừng Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập (1/7/1921 - 1/7/2021) và những thành tựu Trung Quốc đạt được thời gian qua trong phát triển kinh tế-xã hội và phòng chống dịch bệnh.
Theo Bộ Ngoại giao, cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và ông Vương Nghị diễn ra trong không khí “hữu nghị, chân thành”. Hai Bộ trưởng Ngoại giao đã trao đổi sâu rộng về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao hai nước cũng khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của mỗi nước, hai Bộ trưởng vui mừng trước đà phát triển tốt đẹp của quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua.
Như Sputnik đã thông tin, thời gian qua, quan hệ Việt – Trung luôn được duy trì và phát triển ở mọi góc độ, phương diện, đặc biệt là tăng cường trao đổi, đối thoại cấp cao. Theo đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc điện đàm quan trọng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường, đạt nhiều nhận thức chung trong việc tăng cường quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.
Theo Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã đề nghị Bắc Kinh tạo thuận lợi cho nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất sang Trung Quốc, nhất là hoa quả trong mùa thu hoạch, sớm hoàn thiện thủ tục mở mới, nâng cấp một số cửa khẩu đường bộ giữa hai nước.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh việc triển khai hiệu quả các khoản viện trợ Trung Quốc dành cho Việt Nam. Đặc biệt, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam còn đề nghị Trung Quốc ‘sớm hoàn thành’ những dự án hợp tác còn vướng mắc (điển hình như dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông).
Ngoại trưởng Vương Nghị ca ngợi quan hệ tốt đẹp với Việt Nam
Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Bùi Thanh Sơn, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định Trung Quốc mong muốn cùng Việt Nam tăng cường trao đổi chiến lược và tin cậy chính trị, làm sâu sắc hợp tác cùng có lợi.
Bắc Kinh bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ song phương với Hà Nội tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định trong thời gian tới.
Theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc, ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Vương Nghị đã “ca ngợi sự phát triển ổn định và vững chắc của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam” trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn.
Nhấn mạnh rằng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc đã cán mốc 70 tỷ USD chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, cùng với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt trên 40%, Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng, điều này thể hiện đầy đủ tiềm năng hợp tác to lớn cũng như phản ánh mức độ tin cậy cao của quan hệ láng giềng tốt đẹp Việt – Trung.
“Chính quyền Trung Quốc kiên quyết đồng lòng ủng hộ những nỗ lực của Ban lãnh đạo mới Đảng Cộng sản Việt Nam (Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII – PV) trong công tác điều hành đất nước, đồng thời ủng hộ Việt Nam theo đuổi con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện quốc gia của mình”, Ngoại trưởng Vương Nghị nêu rõ.
Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có hợp tác về cung cấp, nghiên cứu và sản xuất vaccine.
Đại diện chính quyền Bắc Kinh cũng đồng thời bày tỏ sẵn sàng tăng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam phù hợp với nhu cầu của thị trường Trung Quốc.
Việt Nam đề xuất 4 nhóm biện pháp hợp tác Mekong - Lan Thương
Cũng trong ngày 8/6, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 6 diễn ra tại Trùng Khánh, Trung Quốc, đánh dấu 5 năm hình thành và phát triển hợp tác MLC.
Hội nghị ghi nhận sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, tại Hội nghị Mekong- Lan Thương lần này, các Bộ trưởng đánh giá cao kết quả mà hợp tác đạt được trong 5 năm qua, nổi bật là việc 6 nước đã xây dựng các kế hoạch hành động trong năm lĩnh vực ưu tiên, thành lập các trung tâm hợp tác chuyên ngành, triển khai hơn 500 dự án hợp tác về thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, quản lý nguồn nước, môi trường, y tế và văn hoá.
Đáng chú ý, các bên hoan nghênh những bước tiến đạt được trong hợp tác quản lý nguồn nước, nhất là việc tổ chức Bộ trưởng Ngoại giao (HNBT) Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ nhất, thỏa thuận giữa 6 nước về chia sẻ số liệu thủy văn cả năm của sông Mekong – Lan Thương, hợp tác giữa Trung tâm nguồn nước MLC và Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC).
Đối với khuôn khổ Mekong – Lan Thương, các Bộ trưởng nhất trí thúc đẩy hợp tác MLC theo hướng củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội của các nước thành viên, xây dựng Cộng đồng ASEAN, và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030.
Quan chức ngoại giao cấp cao các nước cũng nhất trí nguyên tắc hợp tác cơ bản gồm đồng thuận, bình đẳng, tham vấn lẫn nhau, chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiến chương ASEAN và luật pháp quốc tế, cũng như phù hợp với các quy định và luật pháp mỗi nước.
Hội nghị lần này đã thông qua ba văn kiện về tăng cường hợp tác phát triển bền vững, khuyến khích hợp tác giữa các địa phương và hợp tác y học cổ truyền, trong đó MLC sẽ chú trọng vào hợp tác nguồn nước và môi trường, ứng phó Covid-19, phục hồi kinh tế sau đại dịch và khuyến khích hợp tác giữa chính quyền địa phương 6 nước.
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong – Lan Thương lần này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định sự coi trọng và đóng góp hiệu quả của Việt Nam đối với hợp tác MLC.
Theo đồng chí Bùi Thanh Sơn, MLC hiện nay cần giải quyết ba yêu cầu cấp bách là ứng phó thành công với Covid-19, duy trì tăng trưởng kinh tế, và ngăn chặn suy thoái môi trường.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề xuất 4 nhóm biện pháp chính trong hợp tác MLC để giải quyết các yêu cầu cấp bách, trong đó có hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng chống Covid-19, chuyển giao công nghệ về sản xuất vaccine một cách thiết thực, hiệu quả.
Nhóm biện pháp thứ hai, theo đại diện Việt Nam là tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa qua biên giới, thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về các yêu cầu và tiêu chuẩn tiếp cận thị trường.
Tiếp đến là đẩy mạnh hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong thông qua tăng cường chia sẻ số liệu thủy văn, tham vấn xây dựng chính sách tài nguyên nước, thực hiện dự án chung về biến đổi khí hậu, thiên tai, xâm nhập mặn, tăng cường hợp tác giữa MLC và Uỷ hội sông Mekong (MRC).
Cuối cùng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề xuất thúc đẩy phối hợp giữa MLC với ASEAN, các cơ chế hợp tác khu vực và tiểu vùng khác, khuyến khích sự tham gia của địa phương vào các chương trình, hoạt động của MLC.
Tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng nhất trí vấn đề hợp tác về môi trường, đặc biệt là trong bảo tồn đa dạng sinh học, nước sạch và chất lượng không khí, cơ sở hạ tầng bền vững, xây dựng trung tâm tri thức MLC về hạ tầng xanh, phát thải thấp và bền vững, và quản lý tài nguyên rừng.
Cùng với đó, các bên cũng nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác ứng phó dịch Covid-19, đặc biệt là trong bảo đảm nguồn cung thiết bị và vật liệu y tế cần thiết, sản xuất và chuyển giao công nghệ vaccine cũng như thúc đẩy hợp tác y học cổ truyền trong công tác đẩy lùi dịch bệnh.
Vấn đề phục hồi kinh tế sau đại dịch thông qua thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa sáu nước, phát triển kinh tế số, hợp tác nông nghiệp, du lịch, giáo dục, tăng cường kết nối khu vực, phối hợp xây dựng Vành đai phát triển kinh tế Mekong-Lan Thương và gắn kết với các hành lang kinh tế đã có tại khu vực cũng được quan tâm.
Các lãnh đạo tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong – Lan Thương lần này cũng nhất trí khuyến khích hợp tác giữa chính quyền địa phương 6 nước để phát huy tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của các địa phương và nâng cao hiệu quả chung của hợp tác MLC.