Nhiều nhà đầu tư bức xúc trước tình trạng nghẽn lệnh, chậm phản hồi lệnh, không được hủy, sửa lệnh ở sàn HoSE gây nguy cơ rủi ro cao, nhưng lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM không hề có một lời xin lỗi.
Thậm chí năng lực của người đứng đầu HoSE cũng bị nghi ngờ, có ý kiến còn kêu gọi vị lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM nên từ chức.
Bộ Tài chính thanh tra sàn HoSE
Quyết định thanh tra hành chính Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) được công bố trong thông báo tối ngày 10/6 của Bộ Tài chính.
Động thái này được đưa ra nhằm can thiệp kịp thời giải quyết tình trạng nghẽn lệnh trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) thời gian qua nhưng chưa được xử lý triệt để.
Nhiều nhà đầu tư đánh giá quyết định thanh tra được Bộ Tài chính thực hiện là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hệ thống giao dịch chứng khoán trong nửa năm thường xuyên diễn ra trong tình trạng bất ổn, liên tục gặp sự cố nghẽn lệnh, chậm phản hồi lệnh khiến hoạt động đầu tư tại sàn HoSE gặp nhiều rủi ro.
“Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra đối với Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh”, thông cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.
Theo Bộ Tài chính, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đã ký quyết định số 81 ngày 10/6/2021 về việc thanh tra hành chính tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Theo đó, căn cứ tình hình dịch bệnh Covid-19, đoàn thanh tra sẽ có kế hoạch làm việc cụ thể, phù hợp với các quy định về phòng chống dịch hiện nay.
Thực tế, trước khi Bộ Tài chính chính thức vào cuộc thanh tra hành chính Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, tình trạng nghẽn lệnh, chậm phản hồi lệnh, đơ bảng giá không chỉ mới diễn ra gần đây mà đã kéo dài suốt từ tháng 12/2020. Trong những phiên gần đây, tình trạng nghẽn dường như ngày càng thường xuyên. lượng lệnh và thanh khoản của thị trường tăng rất mạnh. Chỉ trong tháng 5, tính bình quân phiên, giá trị giao dịch trên HoSE đã đạt mức khoảng 22.100 tỷ đồng/phiên, gây ra tình trạng tắc, nghẽn.
Thậm chí, sự cố phát sinh như chiều 1/6 vừa qua, khi HoSE đã buộc phải ra thông báo ngừng giao dịch phiên chiều do tại phiên giao dịch buổi sáng, giá trị giao dịch vượt mức 21.700 tỷ đồng dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống.
Nghi ngờ năng lực lãnh đạo của người đứng đầu sàn HoSE
Điển hình, trước sự cố như chiều 1/6, nhằm giải quyết tình trạng đơ, nghẽn lệnh cho hệ thống giao dịch, HoSE còn đưa ra một số quyết định điều hành như kiểm soát huỷ, sửa lệnh. Phương thức này dù phần nào giảm áp lực cho HoSE nhưng lại gây thiệt hại lớn cho phía nhà đầu tư và nhận phản ứng trái chiều.
Theo đó, khi lượng lệnh lớn ồ ạt đổ vào thị trường và đẩy thanh khoản lên trên 21.700 tỷ đồng trong buổi sáng, HoSE phải ra quyết định tạm dừng giao dịch buổi chiều để ngăn chặn sự cố.
Cùng với đó, HoSE nhiều lần đề xuất giải pháp nâng lô giao dịch từ 10 lên 100, sau đó từ 100 lên 1.000 (nhưng lại không thực hiện), chuyển niêm yết một số doanh nghiệp ra sàn Hà Nội và tạm dừng tính năng huỷ, sửa lệnh. HoSE đã có văn bản gửi tất cả các công ty chứng khoán thành viên về việc kiểm soát lỗi 2G (các lỗi kỹ thuật vi phạm quy định giao dịch) và quản lý việc sửa, hủy lệnh trong quá trình giao dịch.
Theo văn bản của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, được sự chấp thuận của Ủy Ban chứng khoán Nhà nước, để đảm bảo an toàn cho hệ thống giao dịch, HoSE lưu ý các công ty chứng khoán thành viên hai vấn đề. Theo đó, thứ nhất, các công ty chứng khoán kiểm soát lỗi 2G, tránh gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống chung của hệ thống giao dịch của Hose.
Thứ hai, các công ty chứng khoán quản lý việc sửa, hủy lệnh giao dịch trong các khung giờ sau để tránh gây áp lực quá tải xử lý đối với hệ thống giao dịch: Từ 9h15-9h25, từ 11h15-13h10 và từ 14h20- 14h30 các ngày giao dịch.
Tuy nhiên, thực tế, lại có một số công ty chứng khoán không cho khách hàng của mình hủy hay sửa lệnh. Các nhà đầu tư cho rằng điều này vi phạm Luật Chứng khoán (vốn cho phép sửa, hủy lệnh trong các phiên khớp lệnh liên tục).
Mới vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM HoSE cho biết sẽ kết nối, thử nghiệm tính năng của hệ thống KRX của Hàn Quốc từ 14/6-6/8, dự kiến trong năm nay có thể vận hành chính thức. Nhà đầu tư cũng đang đón chờ những giải pháp mới thực sự hiệu quả giúp giải cứu tình trạng nghẽn lệnh, ảnh hưởng giao dịch.
Trước tình trạng nghẽn nghiêm trọng cùng với những điều chỉnh gây ra yếu tố rủi ro, nhiều nhà đầu tư tỏ ra bức xúc, có người còn nghi ngờ năng lực quản lý của HoSE, đề nghị lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM từ chức.
Tuy vậy, đến nay, người đứng đầu sàn HoSE chưa có động thái xin lỗi chính thức khiến hàng loạt nhà đầu tư phản ứng mạnh, tỏ ý không phục năng lực lãnh đạo của người có trách nhiệm cao nhất và đề nghị từ chức nếu không đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế.
Đáng chú ý, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) từng gửi văn bản lên Bộ Tài chính đề xuất thay lãnh đạo HoSE, cam kết giúp Bộ tìm nhân sự nước ngoài có kinh nghiệm thay các vị trí lãnh đạo HoSE khi việc nghẽn lệnh kéo dài.
Nhiều nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán đánh giá, quyết định thanh tra gấp của Bộ Tài chính đối với HoSE có ý nghĩa rất quan trọng, cả về tính minh bạch lẫn công tác điều hành. Cơ quan chức năng cần vào cuộc thanh tra bởi thời gian qua khi thị trường liên tục lập đỉnh nhưng nhà đầu tư lại gặp rất nhiều khó khăn trong giao dịch.
Cùng với đó, hai phiên thị trường giảm mạnh hôm 1 – 2/6, có phiên giảm gần 40 điểm nhưng nhà đầu tư lại không được sửa, hủy lệnh, có khi phải khớp bán cổ phiếu giá sàn, gây thiệt hại nặng. Nhiều ý kiến cho rằng, quyết định thanh tra lúc này phần nào xoa dịu sự phẫn nộ của nhà đầu tư.
Chuyên gia nói về quyết định thanh tra sàn HoSE của Bộ Tài chính
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, trong suốt 2 tháng qua, thị trường trục trặc nghiêm trọng nhưng không thấy Uỷ ban chứng khoán Nhà nước lên tiếng hoặc thông tin về giải pháp, hướng xử lý cụ thể.
Đến thời điểm hiện tại, với quyết định thanh tra của Bộ Tài chính cũng cần Uỷ ban chứng khoán nhà nước làm rõ về phần mềm quản lý đầu tư, giao dịch tại HOSE như thế nào? Việc giám sát, quản lý của cơ quan này thời gian qua ra sao và hướng khắc phục cụ thể trong thời gian tới?
“Những trục trặc, nghẽn, đơ lệnh liên quan nhiều đến chuyên môn mà Uỷ ban chứng khoán nhà nước là đơn vị quản lý trực tiếp”, TS. Đinh Thế Hiển lưu ý.
Trong khi đó, TS Lê Đạt Chí, chuyên gia kinh tế trao đổi với NLĐ cũng cho rằng một hệ thống khi được đưa vào vận hành cần được kiểm tra về khả năng chịu đựng, khả năng vận hành…nhất là khi chiến lược phát triển của nền kinh tế đòi hỏi quy mô vốn hóa phải bao nhiêu phần trăm của GDP.
“Điều này đòi hỏi HoSE phải tính bài toán này để tiên liệu cho hệ thống vận hành. Khi xảy ra trục trặc phải chăng do cơ quan quản lý chưa dự báo đúng, đủ nhu cầu của thị trường?”, ông Chí nêu ý kiến.
“Và lý do cơ quan quản lý nói nguyên nhân do hệ thống bị lỗi sẽ dẫn đến việc “đổ thêm dầu vào lửa” gây bức xúc với nhà đầu tư. Do đó, việc thanh tra của Bộ Tài chính lúc này là cần thiết nhưng nhà đầu tư họ cần nhiều hơn là sau quyết định thanh tra thì giải pháp cụ thể để xử lý dứt điểm là gì?” TS. Lê Đạt Chí nêu câu hỏi.
Ông Chí cho rằng, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn của doanh nghiệp và nơi thu hút cả dòng vốn gián tiếp từ nhà đầu tư nước ngoài. Nếu không xử lý dứt điểm việc đơ, nghẽn lệnh trên sàn HoSE sẽ mất điểm trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lên tiếng về nghẽn lệnh ở sàn HoSE
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ về vấn đề này cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ, đi sau, hạ tầng kỹ thuật vẫn không hiện đại, còn nhiều bất cập, nên số giao dịch tăng cao dễ bị quá tải, nghẽn lệnh như trường hợp của HoSE, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.
“Việc này cần khắc phục bằng giải pháp dài hạn, không chỉ tình thế”, ông Hiếu nhận xét.
Vị chuyên gia lưu ý, để bảo đảm công bằng hơn, cần có cơ chế giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư, ví dụ có thể nhà đầu tư được bổ sung huỷ lệnh kịp thời. Trong cuộc trao đổi với cổng thông tin Chính phủ, ông Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ thực tế này không phải là một vài lần, mà tình trạng này đã kéo dài.
“Trong trường hợp nhà đầu tư bị thiệt hại, có bằng chứng do nghẽn lệnh, phải có cơ chế san sẻ thiệt hại giữa các bên, phải có người chịu trách nhiệm”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.
“Nguyên nhân chính là do thanh khoản của thị trường tăng trưởng quá nhanh ngoài dự báo. Số lượng lệnh giao dịch trung bình hàng ngày trong tháng 12/2020 tăng khoảng 4 lần so với năm 2019, và tiếp tục tăng rất mạnh trong năm 2021”, ông Sơn cho hay.
Ông Phạm Hồng Sơn khẳng định, nhiều giải pháp cấp bách đã được Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo HoSE triển khai, như tăng lô từ 10 lên 100, chuyển giao dịch tự nguyện, dừng giao dịch cổ phiếu niêm yết mới trên HoSE và nhất là cải tiến kỹ thuật…
“Những biện pháp này đã giúp hệ thống giao dịch hoạt động tương đối ổn định trong thời gian qua”, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói.
Tuy nhiên, thực tế, từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 này, khi thanh khoản và lượng lệnh vào thị trường tiếp tục tăng đột biến, đã khiến hiện tượng nghẽn lệnh tái diễn, thậm chí xuất hiện rủi ro lớn đối với hệ thống giao dịch, buộc sàn Chứng khoán TP.HCM phải chủ động ngừng giao dịch phiên chiều 1/6 để đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống.
“Đến nay hệ thống đã trở lại hoạt động bình thường và có tiến triển tốt khi HoSE và các thành viên công ty chứng khoán cũng nỗ lực đưa ra giải pháp mới”, vị lãnh đạo cho biết.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, cùng với công việc đối với hệ thống hiện tại, HoSE và các đơn vị liên quan cũng đã tích cực triển khai đồng thời hệ thống giao dịch phối hợp với Tập đoàn FPT và hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường do phía Hàn Quốc xây dựng (KRX).
“Tất cả công tác vẫn tiến hành khẩn trương, bảo đảm đúng tiến độ, lộ trình. Theo báo cáo của HoSE, đến cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới, sự cố nghẽn lệnh sẽ được xử lý tương đối triệt để”, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết.
Tổng Giám đốc HoSE Lê Hải Trà thông tin về vấn đề này cho biết, chỉ trong tháng 5, tính bình quân phiên, giá trị giao dịch trên HoSE đã đạt mức khoảng 22,4 nghìn tỷ đồng/phiên.
“Đây là con số rất lớn trên HoSE kể từ ngày thành lập và mang tính đột biến khi so sánh với thời gian gần đây”, ông Lê Hải Trà thừa nhận.
Theo người đứng đầu sàn HoSE, tháng 12/2020 giá trị giao dịch bình quân phiên là 12,7 nghìn tỷ đồng/phiên, trong khi đó, từ tháng 1-4/2021 con số này là 16,6 nghìn tỷ đồng/phiên.
“Riêng phiên sáng 1/6, giá trị giao dịch trên HOSE đã vượt mức 21,7 nghìn tỷ đồng, dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống. Đây là con số kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay”, ông Trà nhấn mạnh.
Các văn bản kiểm soát lỗi 2G và quản lý việc sửa, hủy lệnh theo cơ quan chức năng là biện pháp giúp cải thiện tình hình giao dịch với việc một số phiên gần đây các công ty chứng khoán áp dụng biện pháp tạm ngừng hủy, sửa lệnh trong toàn phiên. Động thái này cũng đã nhận được sự đồng thuận cao của 20 công ty chứng khoán có thị phần cao nhất trong cuộc họp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong giai đoạn này phải ưu tiên giữ thị trường hoạt động liên tục hết phiên không bị dừng hoạt động.
“Các công ty chứng khoán cần phối hợp với cơ quan quản lý và HOSE để cùng giữ an toàn chung của hệ thống, nhưng tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư giao dịch”, ông Phạm Hồng Sơn lưu ý.
Ông Sơn cũng nhắc lại, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt và cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ để giải quyết dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh tại HoSE như vừa qua.