Thủ tướng Pháp đánh giá cao vị thế Việt Nam trong khu vực và quốc tế
Chiều 14/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex.
Trong khuôn khổ điện đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những bước phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Pháp thời gian qua, khẳng định Pháp là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác truyền thống, tin cậy và chiến lược giữa hai nước.
Thủ tướng Pháp cũng đánh giá cao quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam. Theo ông Jean Castex, Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu trong chính sách của Pháp hướng tới khu vực.
“Trong bầu không khí hữu nghị, thân thiện, hai nhà lãnh đạo đã có những trao đổi thực chất, chân tình, nhất trí cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ cung cấp vắc xin và phối hợp các biện pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch”, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin.
Tạo điều kiện cho xuất khẩu thuỷ sản, nông sản Việt Nam vào Pháp
Về hợp tác kinh tế song phương, hai Thủ tường Việt Nam và Pháp đã trao đổi nhiều biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ hai nước; nhất trí phối hợp chặt chẽ để triển khai, tận dụng hiệu quả Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) và sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Đồng thời, tạo điều kiện cho xuất khẩu thuỷ sản, nông sản Việt Nam vào thị trường Pháp, nhất là những trái cây đang vào vụ mùa của Việt Nam hiện nay; thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” liên quan đến hàng thủy sản Việt Nam, phục vụ phát triển nghề cá bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Jean Castex giao cho các cơ quan chức năng hai bên nghiên cứu thúc đẩy hợp tác một cách hiệu quả trong các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, năng lượng, an ninh quốc phòng, xây dựng thành phố bền vững và phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như các dự án hợp tác văn hoá giữa Việt Nam và Pháp.
Cũng tại cuộc điện đàm, ông Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Pháp tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Pháp làm ăn, học tập và sinh sống, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch hiện nay. Hai nhà lãnh đạo nghênh sự phối hợp hiệu quả giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương thời gian qua, đặc biệt là tại Liên hợp quốc, trong ASEM, Pháp ngữ, ASEAN – Pháp, và nhất trí cùng nhau tăng cường, phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và toàn cầu trong thời gian tới.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên trao đổi và khẳng định về tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, an ninh và hòa bình tại Biển Đông. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Jean Castex nhấn mạnh vai trò của Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS 1982) là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương.
Vải thiều Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp
Ngày 12/6, lô vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc “itrace247” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát triển đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Lô hàng gần 1 tấn này đã tận dụng được ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt hơn một năm qua và đang diễn tiến phức tạp tại Việt Nam, đơn hàng vải thiều tới từ một đối tác uy tín tại Pháp đã xóa bỏ những nghi ngờ về năng lực cung cấp của Việt Nam, khẳng định thương hiệu và chất lượng quả vải Việt Nam nói riêng và hàng Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.
Với tem truy xuất nguồn gốc “itrace247” của Cục Xúc tiến thương mại, người tiêu dùng tại Pháp không những có thể ngay lập tức tiếp cận với thông tin sơ bộ về nhà xuất khẩu, quy trình chế biến hay các chứng nhận chất lượng của nhà xuất khẩu, mà toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình nuôi trồng, chăm sóc thu hoạch hay đóng gói đều được hiển thị rõ ràng theo trình tự thời gian.
Dự kiến, trong tháng 6-7/2021, mỗi tuần đều sẽ có đơn hàng tương tự được nhập khẩu vào Pháp để thăm dò thị trường và hướng tới kế hoạch nhập khẩu hơn 10 tấn vải thiều qua đường hàng không và đường biển trong năm 2022.
Theo ông Vũ Anh Sơn, hiện nay, tổng dung lượng thị trường châu Âu đối với trái vải nhập khẩu được ước tính vào khoảng 20.000 đến 25.000 tấn mỗi năm. Madagascar là nhà cung cấp vải lớn nhất cho châu Âu, với nguồn cung các loại trái cây ngoại lai (chủ yếu là vải) là hơn 15.000 tấn, phần lớn dành cho thị trường Pháp.
Trước năm 2017, phần lớn trái vải được nhập khẩu qua cảng biển của Bỉ. Tuy nhiên, sau khi Pháp có đường vận chuyển trực tiếp, lượng nhập khẩu vải qua Bỉ đã giảm từ 14.000 tấn (2016) xuống còn 7.000 tấn (2017). Hiện Pháp là thị trường nhập khẩu vải lớn thứ 2 sau Hà Lan và là thị trường đầu vào cho châu Âu. Một phần không nhỏ vải nhập khẩu vào Pháp thông qua đường hàng không.