CEO GAB Group Nguyễn Vũ Quốc Anh còn tiết lộ sở hữu 17 công ty, nhưng chỉ có 20 nhân sự, không hoàn toàn ở Việt Nam. Lực lượng ‘toàn siêu nhân, không phải người thường’, làm việc theo công nghệ 5.0.
Bị chê nổ, CEO Nguyễn Vũ Quốc Anh nói gì?
Ngày 15/6, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, sáng lập viên Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group), siêu doanh nghiệp vừa gây ‘cơn địa chấn’ đối với thị trường Việt Nam khi đăng ký vốn điều lệ ban đầu lên tới 500 ngàn tỷ đồng (tương đương khoảng 22 tỷ USD), có buổi ‘họp báo online’ trên kênh Youtube giải đáp thắc mắc của báo chí và dư luận.
Thực tế, nếu số vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng, xấp xỉ 22 tỷ USD của Auto Investment Group là đúng thì siêu doanh nghiệp này của Việt Nam vượt xa so với các Tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước thời điểm hiện tại như Ngân hàng TPCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), PVN, EVN, Viettel, hay tập đoàn tư nhân như Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng.
Theo những thông tin được công bố trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp, Auto Investment Group có ba cổ đông sáng lập, trong đó riêng ông Nguyễn Vũ Quốc Anh góp 499.998 tỷ đồng. Hai cá nhân khác mỗi người góp chỉ 1 tỷ đồng là Nguyễn Thị Diễm Hằng và Lưu Hữu Thiện.
Điều đáng nói, đồng sáng lập, chủ sở hữu của ‘siêu doanh nghiệp’ vốn hóa lớn nhất thị trường Việt này - Auto Investment Group - ông Nguyễn Vũ Quốc Anh sinh năm 1986.
Về ngành nghề kinh doanh, Auto Investment Group đăng ký hoạt động trong 15 lĩnh vực, chủ yếu là lập trình máy vi tính và các dịch vụ về máy tính.
Những thông tin chưa rõ ràng liên quan đến siêu doanh nghiệp này thu hút sự chú ý rất lớn từ dư luận. Nhiều người nghi ngờ về năng lực tài chính thực sự của vị CEO 8X.
Đến sáng nay, trong buổi livestream, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh chia sẻ về tham vọng “vĩ đại” của công ty với mong muốn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước cũng như hộ kin doanh gia đình, cá thể. Cùng với đó, CEO của GAB cũng có định hướng xây dựng một tập đoàn công nghệ đại diện cho Việt Nam đi ra thế giới để cạnh tranh với các tập đoàn lừng lẫy khác nhằm mang về nguồn ngoại tệ cũng như vị thế mới cho đất nước.
Đáp lại chỉ trích của cư dân mạng, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh cho hay, doanh thu năm nay dự kiến khoảng 10.000 tỷ từ tháng 7 đến tháng 12.
“Do chưa xúc tiến được thị trường của Ấn Độ, Mỹ và Trung Quốc, nên chưa mở được, cuối tháng 6 này tui sẽ mở các thị trường này để mang về doanh thu cho thị trường chúng tôi. Dĩ nhiên mọi người nghĩ con số là khủng nhưng đối với tôi con số này chả là gì”, vị doanh nhân tuyên bố.
Theo ông Quốc Anh, năm 2022, doanh nghiệp của mình sẽ phải mang về 1 tỷ USD và khẳng định vị thế mới.
“Đừng nói tập đoàn của chúng tôi là startup, tôi không là startup, nếu các bạn nghĩ tôi là startup là sai lầm. Tốc độ chúng tôi đi gấp 500 lần startup, doanh thu năm sau 1 tỷ USD với tôi là không lớn, chỉ xấp xỉ 25.000 tỷ đồng thôi”, CEO 8X khẳng định.
Người đứng đầu siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng cho biết, 2023 - 2025 Auto Investment Group sẽ cố gắng mang về 30 tỷ USD.
“Con số này mới đáng gờm. Chúng tôi sẽ phủ 250 quốc gia”, ông Anh tuyên bố.
Vị doanh nhân 8X cho hay, năm 2025-2027 doanh số là 50 tỷ USD, con số này thực sự không nhỏ nhưng cũng không lớn với tầm nhìn. Năm 2025 Auto Investment Group sẽ xây một trung tâm kinh doanh tài chính và nhân bản tự động tại Việt Nam, nếu thuận lợi sẽ xây 17 cái toà nhà đại diện cho 17 công ty.
“Vốn đầu tư khoảng 30 tỷ USD, tôi nói là tôi sẽ thực hiện cho bằng được”, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh khẳng định.
Đưa ra ‘kế hoạch khủng’ và đầy tham vọng, tuy nhiên, dường như chủ siêu doanh nghiệp không thuyết phục được người xem và dư luận.
Phát ngôn của chủ doanh còn ‘gây sốc’ với tuyên bố ‘ tiền hiện chưa có nhưng chất xám thì có thừa’.
“Tôi có thừa chất xám, tiền hiện không có nhưng có chất xám thì sẽ có được tất cả”, ông Nguyễn Quốc Anh nhấn mạnh.
Cam kết nộp đủ vốn siêu doanh nghiệp trên 500.000 tỷ đồng
Vị lãnh đạo doanh nghiệp nhiều lần khẳng định, giá trị của GAB Group là đại diện cho Việt Nam tại nước ngoài.
“Giá trị của chất xám mà tôi làm còn lớn hơn kìa, tôi thấy mình đã rất khiêm tốn rồi, giá trị khoản đầu tư này phải tới 1.000 tỷ USD. Cái gì hay, hay không hay thì 90 ngày nữa sẽ có câu trả lời”, CEO nói.
Vị doanh nhân 8X cam kết nộp đủ vốn theo thời hạn.
“Nếu tôi giờ cứ nói OK mà 90 ngày nữa trốn mất tăm thì mọi người hẵng nói. Trong 90 ngày nữa, mọi thứ tôi làm vào guồng thì mọi người sẽ đánh giá khác thôi. Câu trả lời là thời gian”, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh nêu rõ.
Như Sputnik đã thông tin, sau hôm 20/5 đăng ký thành lập Auto Investment Group với vốn điều lệ lên đến 500.000 tỷ đồng cho Công ty CP tập đoàn đầu tư công nghệ tự động toàn cầu (GAB GROUP).
Ngay trong ngày 20/5, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh cùng hai cổ đông khác cũng đăng ký thành lập thêm Công ty CP tập đoàn kinh doanh tự động toàn cầu với vốn 25.000 tỷ đồng và Công ty CP Tập đoàn công cụ tự động toàn cầu vốn 100 tỷ đồng.
Đến 28/5, vị doanh nhân 8X này lại tiếp tục đăng ký thành lập thêm Công ty CP tập đoàn quà tặng cao cấp toàn cầu, với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Trước đó, ngày 27/4, ông Quốc Anh thành lập Công ty TNHH E-Commerce Headhunter Việt Nam, có vốn điều lệ 1 tỷ đồng.
Ba cổ đông lớn nhất trong các doanh nghiệp của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, ngoài bản thân doanh nhân này, còn có Lưu Hữu Thiện (sinh 1993) và Nguyễn Thị Diễm Hằng (cùng sinh 1993). Trong đó, ông Anh nắm đến 99,99% cổ phần. Các cổ đông cam kết góp vốn tiền mặt trước 18/8 này.
Chia sẻ về việc thuê văn phòng ảo ở tầng 46, tòa nhà Bitexco Financial Tower, số 2 Hải Triều, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM với giá 1,2 triệu đồng/tháng, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh khẳng định “kinh doanh thật, làm thật”.
“Chúng tôi thuê 2 văn phòng ảo. Mô hình làm việc của tôi là đặc thù, không tốn nhiều chi phí nhưng mà lợi nhuận khủng. Tôi đang làm thật, tôi làm ăn với bạn nhưng tôi vẫn đóng thuế cho Nhà nước, trả tiền cho bạn, là thật chứ ảo gì ở đây. Các bạn phải hiểu, mô hình kinh doanh hiện tại là mô hình kinh doanh mới, tối ưu hóa nhưng mang lại hiểu quả cao”, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh nói.
Chia sẻ về bản thân, ông cho biết mình làm việc vì đam mê. CEO 8X nhấn mạnh, mình có rất nhiều việc. Mỗi ngày dậy từ 4-5h sáng để họp từ đối tác nước ngoài ở Anh, Ấn Độ, Mỹ.
“Một ngày tôi ngủ đâu 4-5 tiếng. Nhiều khi ba tôi bệnh, tôi chăm ba không ngủ được. 3 tháng nay tôi không có ngủ nhưng lúc nào tôi cũng cười tươi, tinh thần hăng hái, đam mê công việc. Các bạn nghĩ tôi nổ, tôi nổ làm cái gì. Tôi làm người thật, việc thật nên không phải ngại ai”, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh cho hay.
‘Siêu doanh nghiệp’ của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh có nhiều điểm bất thường
Việc vẻn vẹn chỉ trong vòng một tháng, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh đã đăng ký thành lập 5 công ty, với tổng số vốn điều lệ lên tới 525.151 tỷ đồng. Trong đó, riêng ông chủ 8X này dự kiến sẽ góp 523.102 tỷ (tương đương 22,7 tỷ USD) vào các doanh nghiệp đã đăng ký làm dấy lên rất nhiều nghi ngờ trong dư luận.
Nhiều kết quả tìm hiểu ban đầu cho thấy, dù tự khẳng định, GAB là công ty tập đoàn sở hữu 17 công ty công nghệ thành viên, tạo thành một hệ sinh thái từ sản xuất đến vận hành và kinh doanh một cách tự động càng khiến dư luận thêm phần “mông lung”.
Cùng với đó, tài khoản giao dịch được đăng tải trên website công ty mẹ là tài khoản cá nhân CEO Nguyễn Vũ Quốc Anh, không hề thấy một số tài khoản ngân hàng nào của doanh nghiệp.
Chuyện “copy” – “mượn free” ý tưởng logo nước ngoài trong các kho miễn phí của Frepik dùng cho một số công ty con trong hệ sinh thái GAB cũng làm nhiều người đặt nghi vấn.
Thêm điểm nữa, trong cơ cấu 17 công ty của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, có một doanh nghiệp có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, được giới thiệu chuyên cung cấp quà tặng đẳng cấp 5 sao, với các sản phẩm đều có giá “trên trời”, điển hình như áo khoác Celine 868 triệu đồng, áo khoác da cỏ ALKAL 311 triệu đồng, áo Hermes 251 triệu đồng...
Tuy nhiên, tất cả sản phẩm đều không có phần cho khách hàng chọn lựa size. Chưa hết, trên website còn cho khách hàng mua kim cương lên đến hằng trăm tỷ đồng nhưng chỉ cần ship COD (trả tiền khi nhận hàng). Vậy độ tin cậy của các sản phẩm và dịch vụ công ty cung cấp là như thế nào?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2014, chính quyền Việt Nam nghiêm cấm việc kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký, cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP cũng nêu rõ về việc "phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký". Đồng thời phải buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 28.