Quyết định “hy sinh” mảng điện thoại di động, TV để tập trung cho VinFast, phát triển các tính năng thông minh trên phương tiện giao thông, nhà ở là bước đi chiến lược của tập đoàn Vingroup với kỳ vọng đưa thương hiệu xe hơi quốc dân của Việt Nam “cạnh tranh được” trên thị trường ô tô thế giới.
Vì sao Vingroup buộc phải để VinSmart dừng sản xuất tivi, điện thoại?
Như Sputnik Việt Nam đã đưa tin, ngày 9/5, tập đoàn Vingroup công bố VinSmart sẽ dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi (TV) và điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử, các tính năng về infotainment (thông tin, giải trí, dịch vụ) cho ô tô VinFast và nhà ở thông minh.
Theo Vingroup, đây là “bước đi chiến lược” nhằm đưa VinFast tiến đến mục tiêu trở thành một trong những hãng xe điện thông minh, tiện ích, chất lượng cao nhất, hàng đầu thế giới.
Có thể thấy, sau khi VinSmart ra thông báo tuyên bố dừng nghiên cứu, sản xuất điện thoại thông minh (smartphones), TV, cho thấy một “thực tế khá phũ phàng” đó là hiện tại, không có thương hiệu điện thoại nội địa “made in Vietnam” nào trên thị trường Việt có thể cạnh tranh với các đối thủ đến từ nước ngoài, kể cả trước các hãng từ Trung Quốc.
Theo thông tin chính thức từ tập đoàn Vingroup, với gần 150 tính năng Infotainment sắp được trang bị, ôtô VinFast sẽ mang đến những tiện ích khác biệt, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường ô tô toàn cầu.
Cùng với đó, Vingroup cũng khẳng định việc dừng phát triển TV, smartphones là để tập trung vào việc nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các linh kiện điện tử, các tế bào pin điện, các hệ thống pin điện hoàn chỉnh và động cơ điện các loại, nhằm tăng tỉ lệ nội địa hóa và đảm bảo nguồn cung chất lượng cao cho VinFast.
Doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng nêu rõ, bên cạnh việc tập trung cao độ cho VinFast, VinSmart cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các mảng nghiên cứu hiện nay về Thành phố thông minh - Nhà thông minh và các thiết bị IoT liên quan để mang đến trải nghiệm sống vượt trội hơn cho người dùng.
“Để dồn toàn lực cho hướng đi mới, các nhà máy của VinSmart sẽ tiếp tục sản xuất các điện thoại và Tivi hiện có cho đến hết vòng đời của sản phẩm để cung cấp cho thị trường. Sau đó một phần của nhà máy sẽ được sử dụng để gia công cho các đối tác, phần còn lại được mở rộng điều chỉnh để sản xuất các sản phẩm mới”, thông cáo báo chí của tập đoàn nêu rõ.
Theo ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết, nguyên nhân VinSmart phải tạm dừng mảng smartphone là do việc sản xuất điện thoại và tivi thông minh đã “không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng”.
“Trong khi đó, việc phát triển các dòng ô tô đặc biệt thông minh, các ngôi nhà thông minh, thậm chí kiến tạo các thành phố thông minh sẽ mang đến rất nhiều lợi ích và những trải nghiệm vượt trội cho nhân loại. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm dồn mọi nguồn lực cho mũi nhọn này”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang nhấn mạnh.
Theo thông cáo báo chí của tập đoàn, ngày 6/5/2021, Vingroup công bố sẽ tập hợp lực lượng phát triển xe từ các viện nghiên cứu VinFast ở nước ngoài về trụ sở chính ở Việt Nam để đảm bảo tiến độ nghiên cứu phát triển và đẳng cấp cho các dòng xe mới.
Trước đó, doanh nghiệp của người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam – tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã lần lượt rút khỏi mảng bán lẻ, nông nghiệp và hàng không để tập trung cho ưu tiên cốt lõi là ô tô, phát triển VinFast mạnh hơn nữa.
Trước VinSmart, các hãng sản xuất điện thoại nào của Việt Nam cũng phải dừng cuộc chơi?
Có thể nói, là hãng điện thoại từng đứng trong top 3 thị phần smartphone Việt Nam và được vinh danh là thương hiệu điện thoại Việt xuất sắc nhất Tech Awards 2020, việc VinSmart rút lui khỏi mảng này sau 3 năm là một điều đáng tiếc không chỉ với ngành sản xuất smartphones trong nước, người tiêu dùng Việt Nam mà với cả một bộ phận không nhỏ những người tin tưởng và yêu mến thương hiệu Việt này ở khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, trên thực tế, đã từng có nhiều hãng trước VinSmart cũng từng có tham vọng để rồi buộc phải rời bỏ cuộc chơi vì không thể cạnh tranh ngay trên chính sân nhà và tạo được sự khác biệt, sức hút đối với chính người tiêu dùng Việt Nam.
Ví dụ có thể kể đến là Mobiistar - thương hiệu điện thoại di động của Mobile Star Corp, ra mắt người dùng Việt Nam tháng 6/2009 và từng rất được người dùng Việt ưa chuộng. Vào thời điểm ra đời, sản phẩm của thương hiệu này chủ yếu tập trung vào phân khúc smartphone giá rẻ và tầm trung và hướng đến đối tượng khách hàng trẻ.
Thế nhưng, hiện Mobiistar đã rời khỏi thị trường Việt Nam mà “không một lời tạm biệt” dù đang có chỗ đứng trên thị trường. Điển hình như thậm chí, hồi đầu năm 2016, Mobiistar lọt top 10 thương hiệu smartphone hàng đầu Việt Nam.
Lần cuối Mobiistar ra mắt smartphone là tháng 8/2018 với chiếc điện thoại Mobiistar X. Hãng này có tuyên bố thành lập trụ sở ở Ấn Độ nhằm tiếp cận thị trường tỷ dân nhưng rồi lại tuyên bố rút khỏi thị trường Nam Á này ngay trong năm 2019.
Ngoài Mobiistar, còn có nhiều thương hiệu khác như Q-Mobile (từng đạt giải thưởng “Thương Hiệu Điện Thoại Việt Được Ưa Chuộng Nhất”, “Thương Hiệu Mạnh Việt Nam” năm 2009 và “Top 100 Sao Vàng Đất Việt”, “ Thương Hiệu Việt Tốt Nhất” năm 2010”), F-mobile (thương hiệu điện thoại di động riêng của Tập đoàn FPT), Masstel (Công ty cổ phần Masscom Việt Nam - Masscom Corp ra mắt hồi năm 2011), Hkphone (thuộc tập đoàn Linh Trung Tín Group), Bavapen (Thành Công Mobile), Hi-mobile của HIPT hay Bluefone của CMC cũng đều dần phải từ bỏ cuộc chơi khi phải đối đầu với xu hướng cạnh tranh khốc liệt của thị trường điện thoại di động.
Có thể nói, trên đây đều là những thương hiệu từng nổi danh, từng tạo được vị thế nhất định tại thị trường điện thoại di động cảu Việt Nam, được người tiêu dùng kỳ vọng trong giai đoạn chuyển giao từ điện thoại phổ thông sang các dòng smartphones như hiện nay. Tuy nhiên, đến nay, thương hiệu smartphone Việt trên thị trường gần như chỉ còn duy nhất Bphone của Bkav gắn với CEO Nguyễn Tử Quảng.
Hiện tại, có một số doanh nghiệp nội khác của Việt Nam cũng làm smartphone như Viettel, VNPT Technology nhưng chưa thực sự gây được tầm ảnh hưởng và sự chú ý lớn trên thị trường Việt.
Vì Covid-19, do Trung Quốc hay tại thị trường Việt Nam bão hòa?
Sau tuyên bố ngưng nghiên cứu sản xuất smartphones của Vingroup, xuất hiện khá nhiều ý kiến thảo luận về “sức sống còn”, xu hướng, triển vọng của điện thoại “made in Vietnam” ngay trên chính sân nhà trong thời gian tới.
Thực tế, có đông đảo người dùng và cả những chuyên gia trong ngành sản xuất thiết bị di động tỏ ra lấy làm tiếc cho sự rút lui bất ngờ của VinSmart, một thương hiệu Việt đang phát triển nhanh, mạnh và nhận được sự kỳ vọng rất lớn của người dùng cũng như giới chuyên môn.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, sự rút lui của VinSmart cũng bộc lộ mặt trái khắc nghiệt của thị trường smartphone ở thời điểm hiện tại.
Các nhà quan sát nhận định, cũng như những lĩnh vực khác của nền kinh tế nói chung, thị trường smartphone đang trở nên khốc liệt hơn dưới tác động của đại dịch Covid-19. Dịch bệnh do coronavirus gây ra hoành hành trên toàn cầu đã khiến nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất linh kiện điện tử trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết.
Cụ thể, nguyên liệu khan hiếm khiến tốc độ sản xuất vi xử lý (chip) trở nên chậm chạp. Từ đó, giữa các hãng công nghệ, điện tử trên toàn cầu diễn ra cuộc cạnh tranh “gom hàng” – xem ai gom nhanh, nhiều và dự trữ được nguồn nguyên liệu dồi dào nhất.
Những gã khổng lồ trong ngành sản xuất smartphones như Apple, Samsung có thể dễ dàng gom những đơn hàng lớn do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là nhờ vị thế và khả năng tài chính. Trong khi đó, các hãng Trung Quốc lại áp dụng chiến thuật liên kết lại để gom đơn hàng, thâu tóm nguồn cung linh kiện trên thị trường toàn cầu trong bối cảnh hầu như “cả thế giới” đang phải dựa dẫm vào Bắc Kinh.
Chính điểm chí cốt này – trong chuỗi cung ứng toàn cầu- được cho là đã “giáng đòn chí mạng” vào các thương hiệu lớn nhưng đơn lẻ cũng như các thương hiệu nhỏ, vốn phụ thuộc hoàn toàn vào các đối tác bên ngoài.
Ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc Công ty công nghệ di động Mai Nguyên, phân tích cho thấy, hệ quả của vấn đề này là nhiều doanh nghiệp dù có rất nhiều tiền nhưng vẫn không thể có được nguồn hàng như mong muốn hoặc phải chờ rất lâu, đến 2-3 năm sau, làm ảnh hưởng nặng nề đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, một lãnh đạo của một hãng điện thoại tại Việt Nam cũng xác nhận với Tuổi Trẻ rằng, các thương hiệu smartphone Việt trước nay hầu hết đều phụ thuộc linh kiện từ nước ngoài, mà chủ yếu là Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, trong thời gian qua, dù một số doanh nghiệp đã đầu tư mạnh hơn vào nhiều khâu nhưng việc phụ thuộc vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Điều đó làm cho quy trình sản xuất điện thoại trở nên thiếu tự chủ và phải chấp nhận lệ thuộc.
Có ý kiến nhận định rằng, hiện nay, thị trường smartphone Việt Nam đã bão hòa. Các hãng phải cạnh tranh với nhau bằng công nghệ mới cũng như tốc độ ra mắt sản phẩm, bên cạnh các yếu tố truyền thống là tiếp thị và giá bán. Cùng với đó, sự lệ thuộc đã khiến sản phẩm thương hiệu Việt luôn chậm hơn các đối thủ ngoại rất nhiều về công nghệ khi ra mắt. Điều đó khiến lợi thế sân nhà hay thương hiệu Việt không còn ý nghĩa nhiều.
Điện thoại Việt không thể cạnh tranh giá với hàng Trung Quốc?
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định, do là thị trường mở nên việc cạnh tranh về giá ở Việt Nam là vô cùng khốc liệt với các hãng làm smartphones.
Ngoài giá thành của nhà sản xuất, giá bán một chiếc smartphone tại Việt Nam còn phải cộng thêm phí cho nhà phân phối (có thể đến 30%). Ngoài ra, còn có chi phí cho tiếp thị, quảng cáo... nên giá sẽ bị đội lên khá cao.
Ngược lại, các thương hiệu từ Trung Quốc với quy mô sản xuất và thị trường rộng lớn có lợi thế hơn rất nhiều về giá. Nhiều hãng nước ngoài còn tổ chức hẳn thương hiệu "con" để tiện cho việc luân phiên sản phẩm cũng như linh hoạt giá theo từng thời điểm, cho từng thị trường cụ thể.
Trong khi đó, thương hiệu Việt chủ yếu chỉ tập trung thị trường trong nước nên phải bán giá cao hoặc chấp nhận bù lỗ để bán được hàng.
Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối Viễn thông và Di động, hệ thống bán lẻ FPT Shop cho hay cạnh tranh trong ngành điện thoại là rất cao và khốc liệt ở Việt Nam, đặc biệt là phân khúc giá thấp dưới 4 triệu đồng. Phân khúc giá này có sự góp mặt đa số là các hãng Trung Quốc.
“Họ có lợi thế quy mô sản xuất lớn nên giá tốt, các hãng điện thoại Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn cạnh tranh giành thị phần”, ông Kha nhấn mạnh.
Vingroup đã đúng khi ‘hy sinh’ VinSmart để dồn lực cho VinFast?
VinSmart ra đời vào tháng 6/2018, và giới thiệu những smartphone đầu tiên sau đó 6 tháng. Sau gần 3 năm phát triển, Vsmart đã ra mắt thị trường 19 mẫu điện thoại và 5 mẫu TV. Vào tháng 6/2020, VinSmart thông báo đã bán ra 1,2 triệu chiếc điện thoại.
Giám đốc khối Viễn thông và Di động, hệ thống bán lẻ FPT Shop Nguyễn Thế Kha cũng cho biết, smartphone của VinSmart là hãng Việt đủ năng lực để cạnh tranh với các thương hiệu khác.
Theo ông Kha, FPT Shop và người tiêu dùng sẽ rất tiếc khi các thương hiệu Việt dần rút khỏi thị trường smartphone. Đây là lĩnh vực đòi hỏi sự cập nhật liên tục và rất nhanh. Tuy nhiên, thị trường điện thoại luôn có mức độ cạnh tranh rất cao.
Các sản phẩm smartphones của VinSmart được thiết kế đẹp, cấu hình tốt và giá hợp lý.
“Vsmart cạnh tranh mạnh mẽ với các thương hiệu đến từ Trung Quốc. Trong phân khúc giá dưới 4 triệu đồng, Vsmart luôn có các dòng sản phẩm như Live, Star hay Joy cạnh tranh tốt và hơn hết là được bảo hành đến 18 tháng”, theo lời ông Kha bình luận với Zing.
Theo đó, năng lực cạnh tranh của VinSmart được thể hiện qua những con số chứ không phải những lời nói suông. Cụ thể, căn cứ vào số liệu thống kê của hãng nghiên cứu thị trường GfK, vào tháng 3 thị phần smartphone thương hiệu Vsmart tại Việt Nam là 8,2%, xếp thứ 6 ở thị trường Việt Nam.
VinSmart của tỷ phú Vượng cũng đạt thị phần 12,1%, lọt nhóm 4 hãng smartphone bán chạy nhất Việt Nam vào tháng 12/2020. Trước đó, vào tháng 10/2020 hãng đứng vị trí thứ 3 với 10,5% thị phần.
Chủ chuỗi bán lẻ di động Mai Nguyên – Mai Triều Nguyên bày tỏ khá bất ngờ khi VinSmart quyết định ngưng mảng di động và TV. Vị chuyên gia chia sẻ rằng, cá nhân ông rất tiếc nuối khi mất đi một thương hiệu smartphone Việt nhưng hoàn toàn ủng hộ quyết định này. Ông Nguyên đánh giá đây là quyết định đúng đắn trong bối cảnh mới, cụ thể là dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, ngoài việc dồn vốn cho VinFast, Vingroup hiện còn phải chống chọi với sự khan hiếm chip xử lý toàn ngành. Ông Nguyên đánh giá, không giống như HTC hay LG, Vingroup tỏ ra quyết đoán hơn, mảng nào không có tương lai thì mạnh dạn cắt bỏ. Mua và đóng Viễn Thông A hay đóng VinMart là một trong số những quyết định kịp thời của Vingroup.
“Tôi thật sự nể phục những bộ não điều hành bởi đây là quyết định đúng đắn của VinSmart trong bối cảnh mới, cụ thể là dịch bệnh”, ông Mai Triều Nguyên bày tỏ.
Theo vị chuyên gia, thị trường ô tô điện hiện đang được đánh giá là giàu tiềm năng và cả Huawei, Sony, Xiaomi, Oppo đều có những dự định chuyển hướng.
“Việc Vingroup đóng mảng điện thoại để nghiêm túc đầu tư xe hơi điện là điều rất dễ hiểu. Nhưng về mặt cảm xúc, tôi vẫn tiếc nuối khi mất đi một thương hiệu Việt trong thị trường smartphones”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Đặc biệt, một phần bộ phận thiết kế phần mềm điện thoại vẫn tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp, cập nhật cho các điện thoại Vsmart đã bán ra thị trường hiện nay.
Đáng chú ý, theo ghi nhận thực tế, ngay sau tuyên bố “ngưng cuộc chơi” của VinSmart, người dùng tại Việt Nam đã nhanh chóng tìm cách lùng mua điện thoại Vsmart, đặc biệt là các mẫu cũ như Joy 1+, Active 1+ Live 4, Joy 4, Star 5…để làm kỷ niệm. Nhu cầu mua Aris/Aris Pro cũng tăng lên đáng kể tại các hệ thống bản lẻ di động trên cả nước.