Chuẩn bị kỹ lưỡng và «bóng ma Helsinki»
Lần đầu tiên gặp gỡ trực tiếp, theo ghi nhận của CNN, các nhân vật chính tham gia cuộc hội đàm này đã trao đổi «cái bắt tay khá ý nghĩa», nhưng đồng thời, như quan sát của Politico, hai nhà lãnh đạo vẫn giữ «mặt lạnh» không biểu lộ cảm xúc.
Báo điện tử Politico cũng lưu ý tới chi tiết Tổng thống Nga tuy là người xưa nay thường trễ giờ khiến các nhà lãnh đạo thế giới phải chờ đợi thì lần này đã tới cuộc gặp sớm hơn người đồng cấp Mỹ đến 15 phút. «Nghiêm túc đúng giờ», - tờ báo Tây Ban Nha El País bình luận.
«Nhìn bề ngoài, cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bắt đầu có vẻ lạnh lùng và xa cách... Biden đến chậm hơn Putin 15 phút và với đoàn xe hộ tống dài hơn nhiều. Trong đoàn công xa của Putin gồm 17 chiếc, thấy rõ là không có xe y tế, ngầm nói lên rằng võ sĩ judo và vận động viên khúc côn cầu ở Điện Kremlin đang giữ phong độ tốt. Đoàn tháp tùng của Biden gồm tới 38 xe, kể cả xe y tế», - phóng viên Torsten Krauel từ báo Die Welt mô tả trong bài viết.
Các nhà lãnh đạo đã trao đổi quà tặng, và thậm chí ở cử chỉ giao tế này các nhà báo và chuyên gia cũng đã «soi» thấy tính biểu tượng qua những tặng vật. Chẳng hạn, ông Biden tặng ông Putin chiếc kính phi công đặt làm riêng, là phụ kiện hàng hiệu sản xuất dành cho các nhà quân sự Mỹ và đồng minh trong NATO. Cặp kính mang tính biểu tượng, bởi trước đó, người đứng đầu Nhà Trắng vừa tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên minh ở Brussels, nơi Biden tái khẳng định sự trung thành của Washington với khối này và kêu gọi các thành viên đoàn kết để chống lại Nga và Trung Quốc, - như CNN giải thích. Món quà thứ hai của Tổng thống Biden là tác phẩm điêu khắc bằng pha lê với hình con bò rừng Mỹ, chính thức được coi là loài động vật quốc gia của Hoa Kỳ mà theo lời đại diện Nhà Trắng, là hình tượng thể hiện «sức mạnh, sự thống nhất và tính bền vững».
Mô tả cuộc gặp, báo Le Parisien viết: «Dấu hiệu bộc lộ sự căng thẳng là tất cả các chi tiết thực tế đã được tính toán kỹ lưỡng: đồ gỗ, đoạn giải lao uống cà phê, tai nghe… - tất cả được soát đi soát lại cho đến tận phút cuối cùng», - một quan chức giao tế của thành phố chủ nhà thừa nhận trong cuộc phỏng vấn của đài phát thanh quốc gia».
Trong đó, mặc dù quá trình được thu xếp kỹ càng, thế mà rồi vẫn không tránh được sự hỗn loạn. Các nhà báo muốn ghi lại khoảnh khắc lịch sử đã phải chen lấn nhau và nhân viên an ninh để lọt được vào căn phòng nhỏ dành cho các nhà lãnh đạo.
Cecilia Vega, nữ phóng viên của ABC World nói với Daily Express: «Mọi người đều xô đẩy và la hét, không phải tất cả các nhà báo Mỹ đều có thể chen chân vào bên trong».
Theo thông tin của NBC News, từ trước đó Biden đã dành nhiều ngày để chuẩn bị cho cuộc gặp sắp tới.
«Không lâu trước khi rời Hoa Kỳ sang châu Âu, ông ấy đã tổ chức họp trong Phòng Roosevelt ở Nhà Trắng, mời nhóm các chuyên gia về Nga, kể cả các cựu quan chức của chính quyền Obama và Trump, để thảo luận hàng loạt câu hỏi về cách xử sự với Putin».
Nhiều hãng truyền thông so sánh hội nghị thượng đỉnh Geneva với cuộc gặp đầu tiên trước đó của Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
«Đối với Biden, cuộc gặp này cần phải đối lập với cuộc gặp Helsinki, là cơ hội để chứng tỏ rằng ông ấy sẽ không cho phép Putin lợi dụng mình như tình huống của Donald Trump ở Phần Lan năm 2018. Cuộc gặp hồi đó diễn ra tồi tệ đến mức cựu cố vấn của Trump là Fiona Hill phải thú thật là cô ấy từng nghĩ đến việc giả vờ lên cơn đau tim hoặc bật báo động cứu hoả để nhanh chóng kết thúc họp báo», - tờ The Guardian của Anh thuật lại. Biden phải «xua tan bóng ma Helsinki, chuẩn bị mặt đối mặt với Putin, và cho thấy rằng ông ấy đã khôi phục sự cân bằng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ».
«Kết quả rõ ràng và đơn giản trong việc thực thi»
Khi nói về diễn biến chung của cuộc hội đàm, các Tổng thống Joe Biden và Vladimir Putin đều mô tả đó là cuộc gặp thân thiện và mang tính xây dựng.
«Tuy nhiên, cuộc đàm phán này không thể hiện bất kỳ dấu hiệu tiến bộ cụ thể nào trong quan hệ Nga-Mỹ và cho thấy rõ rằng giữa hai nước có rất ít sự tin tưởng», - báo Politico nhận xét.
Còn tờ The Guardian phản ánh rằng «cuộc gặp đã giúp đạt một số kết quả cụ thể»: «Trước thềm hội đàm hôm thứ Tư là những trông đợi không lớn lao, tính đến thực trạng quan hệ song phương chẳng mấy tốt đẹp. Nhưng cuối cùng đã đạt kết quả rõ ràng và đơn giản dễ thực hiện». Chẳng hạn, như thông báo của The Daily Telegraph, «Vladimir Putin đã phát tín hiệu về hòa giải cho cuộc cãi vã ngoại giao với Hoa Kỳ, khi ông ấy thông báo rằng các đại sứ của cả hai nước sẽ sớm trở lại vị trí công tác».
«Không hề có cử chỉ đoàn kết hay hữu hảo nào mà trong bầu không khí nghi thức và chủ nghĩa thực dụng cả hai nhà lãnh đạo đều cam kết khởi động các cuộc thương lượng chuyên ngành về giải trừ quân bị, ngăn chặn xung đột hạt nhân và an ninh mạng», - El Periodico ghi nhận. Tờ báo này gọi việc bắt đầu các cuộc đàm phán về kiểm soát và cắt giảm vũ khí là «thành tựu hữu hình chính của hội nghị thượng đỉnh Geneva».
«Show diễn của Putin»
Theo cái nhìn của nữ phóng viên Clarissa Ward của CNN, cuối cùng, Putin «không nhượng bộ dù một chút» về bất kỳ vấn đề bức xúc nào, kể cả vấn đề Ukraina.
«Tôi rất ngạc nhiên trước giọng điệu lạc quan nói chung của Putin khi ông ấy bước ra tham dự cuộc họp báo mà không cần bản tuyên bố chuẩn bị sẵn. Dáng vẻ của Putin như thể nói rằng: «Tôi sao cũng được, tôi sẽ trả lời mọi câu hỏi của các vị». Và được nghe ông ấy thông báo rằng việc nói chung ngôn ngữ với Biden là có tính xây dựng, tôi thấy thật thú vị. Putin cho biết cuộc gặp diễn ra hiệu quả và ông ấy hy vọng rằng có thể đây sẽ là khởi đầu cho những bước đi kế tiếp theo hướng đúng với mục đích đưa quan hệ trở lại quỹ đạo bình thường», - nhà báo Mỹ chia sẻ.
«Trong thời gian họp báo, Vladimir Putin có vẻ hài lòng. Một mặt, ông ấy hoan nghênh chủ nghĩa thực dụng và «kinh nghiệm phong phú» của Joe Biden, cho rằng hai ông nói «cùng một ngôn ngữ» và hoan nghênh «phẩm chất đạo đức» của Tổng thống Mỹ. Mặt khác, Putin đập tan tất cả những lời chỉ trích nhắm vào đất nước ông. Tấn công mạng hả? Theo khẳng định của Putin, nguồn gốc tấn công mạng trước hết xuất phát từ Hoa Kỳ. Alexei Navalny ấy à? «Người này» trốn tránh các nghĩa vụ pháp lý của mình sau bản án và «đã muốn» những gì chờ đợi anh ta... Nói chung, bài tập luyện tu từ kinh điển là liên tục đưa ra những lời cáo buộc mà chế độ Nga ưa thích», - báo Le Monde kết luận.
Một số quan sát viên cảm thấy rằng bản thân việc tiến hành hội nghị thượng đỉnh đã tuỳ thuộc vào bàn tay điều khiển của Tổng thống Nga.
«Đó là «show diễn của Putin»... Tầm nhìn của Putin ngụ ý việc mở ra các kênh liên lạc. Putin rõ ràng rất hài lòng vì hội nghị thượng đỉnh đã được tổ chức. Ông ấy đang trong giai đoạn cảm hóa chính quyền mới của Mỹ và cố gắng xoa dịu tâm thế bài Nga», - TVP Info dẫn bình luận của chuyên gia Ba Lan về các vấn đề quốc tế Yaroslav Guza.
Theo phản ánh của một số nhà phân tích, trông ông chủ Nhà Trắng tại cuộc gặp có vẻ không đủ sức thuyết phục.
«Ở Geneva, trông Tổng thống Hoa Kỳ không được phong độ nhất. Tất nhiên, công luận không biết chính xác là cuộc đàm phán đã diễn ra như thế nào sau cánh cửa đóng kín. Nhưng có sự tương phản giữa cuộc họp báo của Putin, ngạo nghễ và nói dối trước mắt mọi người, nhưng rõ ràng nắm quyền chủ động kiểm soát tất cả, còn họp báo của Biden có chuẩn bị sẵn danh sách các phóng viên, rồi sau đó ông ấy cứ đơn giản rời đi và mọi thứ nhìn rất khiên cưỡng giả tạo, - sự tương phản như thế không thể tiết lộ gì nhiều hơn nữa», - giáo sư Ba Lan Zbigniew Lewicki tuyên bố với tờ Fakt.
Ngay cả thực tế cuộc đàm phán kéo dài 3 tiếng đồng hồ thay vì 4 hoặc 5 giờ như dự kiến, theo quan điểm của chuyên gia này, cũng nói lên tâm trạng «không nghiêm túc» của Biden.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc phỏng vấn độc quyền của Fox News đưa ra đánh giá không cao về người kế nhiệm: «Tôi nghĩ về tổng thể chúng ta chẳng đạt được gì. Chúng ta đã dành cho Nga một sân khấu lớn và không nhận lại được chút nào. Chúng ta đã từ bỏ một thứ cực kỳ quan trọng. Tôi đã dừng việc xây dựng đường ống dẫn khí «Dòng chảy phương Bắc». Nó đã phải dừng lại rồi sau đó tiếp nối. Và đổi lại chúng ta chẳng nhận được gì... Tôi nghĩ đối với nước Nga đó là một ngày tốt lành, nhưng tôi không biết chúng ta đạt được gì».
Tuy nhiên, một số nhà báo và chuyên gia dù sao vẫn mô tả công việc của Biden theo chiều hướng tích cực.
Tờ Le Parisien viết: «Lên nắm quyền cách đây gần 5 tháng, Joe Biden đã chơi lớn. Bất kể việc Nhà Trắng liên tục nhấn mạnh rằng không nên mong đợi bất kỳ bước đột phá ấn tượng nào từ cuộc gặp, vị Tổng thống 78 tuổi của nước Mỹ biết rằng tại Geneva ông sẽ có cơ hội đánh bóng hình ảnh của mình như một nhà đàm phán tinh tế».
Còn giáo sư Angela Stent từ Đại học Georgetown trong bài bình luận trên CNN đã cho Tổng thống Mỹ điểm «5-» (năm trừ) về hội nghị thượng đỉnh. Theo lời chuyên gia phân tích này, để nhận được «điểm 5» đầy đủ, lẽ ra phải có được thỏa thuận về «nhiều vấn đề tranh cãi hơn», thế nhưng «hẳn là không thể».
Vào cuối cuộc họp báo của Biden, chuyện bất ngờ với nhiều người là phản ứng khá gay gắt của Tổng thống trước câu hỏi của một nữ nhà báo Mỹ - Tại sao ông «tin chắc» là Putin sẽ thay đổi cách hành xử mà Mỹ coi là «thù địch»? - theo Fox News tường thuật.
«Tôi không chắc là ông ta sẽ thay đổi hành vi của mình. Chị đang làm cái quái gì vậy? Tôi nói tôi tin chắc khi nào? Được, tôi sẽ giải thích rõ. Tôi đã nói rằng hành vi của Putin sẽ thay đổi nếu phần còn lại của thế giới có phản ứng và giúp giảm bớt ảnh hưởng của ông ta. Tôi không chắc chắn về điều gì. Tôi chỉ đơn giản nêu thực tế», - người đứng đầu Nhà Trắng cắt ngang. Và trước sự phản đối của nữ phóng viên, ông đáp: «Nếu chị không hiểu điều đó, thì công việc này không dành cho chị».
Dẫn tổng kết cuộc gặp, quan sát viên Fareed Zakaria của CNN nhấn mạnh:
«Tôi nghĩ đây là hội nghị thượng đỉnh rất thành công, thành công đối với cả hai nhà lãnh đạo. Nhưng bởi rốt cuộc đây là điều bạn mong đợi từ những cuộc đàm phán như vậy của người lớn, từ chính sách đối ngoại của người lớn. Tôi những muốn nói rằng chủ đề cơ bản của cuộc gặp này là những người lớn đã trở lại. Chúng ta tiến hành thảo luận nghiêm túc với một đất nước mà chúng ta có vô số bất đồng. Đó là cuộc thảo luận chuyên nghiệp, lịch sự. Các bạn biết đấy, tất cả những tính ngữ mẫu này nghe thật nhàm chán, nhưng lại giúp duy trì sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng trên thế giới. Chính bằng cách như vậy chúng ta cố gắng xây dựng các mối quan hệ ổn định có thể tiên liệu được giữa các nước hùng mạnh nhất của thế giới».
Theo quan điểm của chuyên gia, đó không phải là cuộc gặp theo tinh thần Chiến tranh Lạnh, khi người ta ký kết các hiệp ước quan trọng về kiểm soát vũ khí và các thỏa thuận lớn khác, «mà đúng hơn là cuộc gặp song phương giữa hai nước hùng mạnh nhất thế giới, và cuộc gặp đó đã diễn ra thành công, các quan hệ tốt đã được xác lập».