Mục đích thăm Hà Nội của Bộ trưởng thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Dominic Raab là gì?
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Anh đến Việt Nam và một số nước Đông Nam Á lần này được kỳ vọng thúc đẩy chính sách khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo – Pacific), đẩy nhanh tiến trình gia nhập CPTPP cũng như gửi thông điệp mạnh mẽ về vấn đề tự do hàng hải, biến đổi khí hậu và ứng phó với đại dịch Covid-19 toàn cầu.
Ngoại trưởng Anh công du đến Việt Nam làm gì?
Tối ngày 21/6, theo giờ Hà Nội, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã đến Việt Nam, bắt đầu chuyến thăm chính thức tới khu vực Đông Nam Á nhằm thảo luận về các chính sách ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo - Pacific) của Anh.
Thông tin về chuyến công du Việt Nam và các nước Đông Nam Á được Bộ trưởng thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Dominic Raab cập nhật trên Twitter cá nhân tối 21/6.
Just landed in #Vietnam at the start of a visit to South-East Asia visit to discuss the UK’s 🇬🇧 Indo-Pacific tilt.
— Dominic Raab (@DominicRaab) June 21, 2021
Looking forward to discussing trade, security and tackling challenges such as climate change, COVID-19 & serious organised crime. pic.twitter.com/aXhyIJAY2I
Mục đích ‘làm khách’ của Ngoại trưởng Anh ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á là gì?
Theo chia sẻ của Bộ trưởng thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Dominic Raab, chuyến thăm lần này là cơ hội tốt để Anh tái khẳng định những định hướng và ưu tiên trong chính sách ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương của mình.
“Mong đợi được trao đổi về các vấn đề thương mại, an ninh, cùng tìm giải pháp cho những thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, Covid-19 và vấn đề tội phạm có tổ chức đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng”, Ngoại trưởng Anh thông tin sơ bộ về mục đích chuyến công du đến Việt Nam và các nước Đông Nam Á lần này trên Twitter.
Trong các cuộc trao đổi cấp cao trước đó, Ngoại trưởng Dominic Raab nhấn mạnh, Anh coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình tại châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Cùng với đó, Vương quốc Anh cũng luôn mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt-Anh trên tất cả các lĩnh vực, tăng cường các thỏa thuận song phương nhằm duy trì đà quan hệ hai bên khi Anh rời EU nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Hôm nay, 22/6, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Dominic Raab có cuộc gặp với người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam – Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cùng các cuộc gặp lãnh đạo cấp cao khác của đất nước.
Theo thông cáo phát đi của Bộ Ngoại giao và Phát triển Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, ngoài Việt Nam, ông Dominic Raab sẽ đến Campuchia và Singapore trong chuyến công du châu Á lần này nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ Vương quốc Anh – ASEAN cũng như khẳng định tầm ảnh hưởng ở khu vực Indo- Pacific trong chính sách của mình hậu Brexit.
Cũng trong chuyến thăm lần này, ông Dominic Raab sẽ tham dự hội nghị Đối thoại chính sách cao cấp ASEM với chủ đề “25 năm thành lập ASEM - Tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác Á - Âu trong một thế giới đang thay đổi”.
Ngoại trưởng Anh thăm Việt Nam: Thúc đẩy việc gia nhập CPTPP
Đáng chú ý, Chính phủ Anh gần đây công bố bản đánh giá về chính sách ngoại giao, quốc phòng nêu đề xuất rằng, Anh cần có sự điều chỉnh trọng tâm về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm tìm cách kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc trên chính trường quốc tế.
Nhà ngoại giao này nêu rõ, chính sách Indo- Pacific sẽ không chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế thương mại mà còn nhấn mạnh đến các vấn đề như an ninh hàng hải và biến đổi khí hậu, cùng hợp tác kiểm soát đại dịch Covid-19.
Đồng thời, cũng trong khuôn khổ chính sách mới của mình, Vương quốc Anh trước đó từng triển khai nhóm tác chiến do tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dẫn đầu đến châu Á trong suốt 28 tuần liên tục.
Cùng với đó, Vương quốc Anh cũng đang đẩy nhanh quá trình gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Chuyến thăm của ông Dominic Raab đến Việt Nam hôm nay diễn ra sau khoảng một tuần khi Anh thông báo bản phác thảo thỏa thuận thương mại tự do với Australia.
Cần nhấn mạnh, Australia cũng là chính phủ đầu tiên đàm phán lại từ đầu với London sau khi Anh rời EU, hoàn tất quá trình Brexit.
Đầu tháng 6 này, Hội đồng CPTPP cũng đã thông qua Quyết định khởi động quá trình đàm phán để gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh cũng như Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng của 11 nước thành viên CPTPP về vấn đề này.
Theo đó, hôm 2/6, Phiên họp Hội đồng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) lần thứ 4 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phục hồi Kinh tế Nhật Bản Nishimura Yasutoshi cùng với sự tham gia của Bộ trưởng và Quan chức cấp cao của các nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam để xem xét yêu cầu gia nhập chính thức Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh.
Các quốc gia thành viên CPTPP đều đánh giá cao quyết định của Vương quốc Anh và hoan nghênh yêu cầu gia nhập được gửi từ 1/2/2021.
Lãnh đạo các nước CPTPP cũng nhấn mạnh việc khởi động tiến trình đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP đối với Vương quốc Anh nhằm phát đi thông điệp quan trọng về cam kết của các nước CPTPP trong việc ủng hộ xây dựng hệ thống thương mại quốc tế công bằng, bình đẳng, hiệu quả, toàn diện và dựa trên luật lệ quốc tế.
Khối CPTPP nhấn mạnh rằng, điều này sẽ tạo ra cơ hội thúc đẩy các quy tắc tiêu chuẩn cao của Hiệp định CPTPP cho thế kỷ 21, đồng thời, giúp khôi phục và phát triển hoạt động thương mại tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị và dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Các nước CPTPP sẽ phối hợp với Vương quốc Anh nhằm đảm bảo duy trì tiêu chuẩn cao của Hiệp định cũng như vị thế đi đầu của CPTPP trong các mối liên kết khu vực và toàn cầu thời gian tới đây.
Quan hệ Việt – Anh ngày càng tốt đẹp
Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Dominic Raab vào ngày 30/9/2020, Việt Nam và Anh đã đưa ra Tuyên bố chung mới về Đối tác chiến lược với 7 lĩnh vực hợp tác ưu tiên. Hai phía nhất trí hướng tới nâng quan hệ lên mức cao hơn trong 10 năm tới.
Trong thời gian Việt Nam là thành viên không thường trực HĐBA LHQ khóa 2008-2009 và khóa 2020-2021, cả hai nước đã có sự hợp tác rất chặt chẽ và hiệu quả. Cả hai cùng là thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.
Anh cũng đã có nhiều động thái thúc đẩy hợp tác và tranh thủ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam nhằm mở rộng quan hệ với các nước trong khối ASEAN.
Trong khi đó, Việt Nam cũng hết sức ủng hộ đề nghị Anh trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN. Hiện Anh đã đề nghị gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hy vọng nhận được sự ủng hộ từ Việt Nam.
Quan hệ thương mại hai chiều giữa hai nước đạt khoảng 5,6 tỉ USD năm 2020, giảm gần 15% so với 2019. Việt Nam xuất khẩu đạt 4,9 tỉ USD và nhập khẩu đạt 700 triệu USD. Việt Nam và Anh cũng đã chính thức ký kết FTA song phương vào tháng 12 năm 2020 để thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư hậu Brexit.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng, đạt 2,69 tỉ USD, tăng 26,98% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh đạt 2,4 tỉ USD, tăng 28,7%, trong khi nhập khẩu đạt 325 triệu USD, tăng 15,72%.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh là điện thoại- linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu. Việt Nam nhập khẩu từ Anh máy móc, thiết bị, dược phẩm, sắt thép, hóa chất.
Ngày 29/12/2020, Việt Nam và Anh đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do (UKVFTA) tại London trên nguyên tắc kế thừa EVFTA với những điều chỉnh nhằm đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh. Hiệp định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Hiệp định được kỳ vọng sẽ tạo ra khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại toàn diện, lâu dài, ổn định giữa hai quốc gia.
Cho đến cuối năm 2020, Anh có 411 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký đạt 3,84 tỷ USD, đứng thứ 15/139 trong số các nước và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Các công ty lớn của Anh đã góp mặt tại Việt Nam có thể kể đến như: Công ty dầu khí BP, nhôm BHP Billiton, động cơ máy bay Rolls-Royce, viễn thông Vodafone, vận tải P&O, hoá chất dược GlaxoSmithKline, các ngân hàng HSBC, Standard Chartered, bảo hiểm Prudential. Trong số đó, ngân hàng Standard Chartered Bank và ngân hàng HSBC là hai ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Anh có các tổ chức như Cơ quan phát triển văn hoá - giáo dục (Hội đồng Anh) tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Hệ thống các trường hàng đầu của Anh cũng đã tích cực tham gia liên kết đào tạo cũng như hợp tác xây dựng, phát triển các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam.
Sau buổi hội đàm, hai Bộ trưởng đã gặp gỡ các cán bộ ngoại giao Việt Nam nhận học bổng Chevening năm 2020-2021. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn Chính phủ Anh đã cung cấp học bổng hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hơn 30 năm qua, trong đó có việc đào tạo các cán bộ ngoại giao Việt Nam.
Hiện tại, Anh cũng đang là nước đóng góp nhiều cho COVAX với nguồn vaccine được phát triển bởi hãng dược phẩm AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford. Trước đó, trong cuộc điện đàm ngày 19/5/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Raab đã ghi nhận đề nghị của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về việc tạo điều kiện hơn nữa trong vấn đề cung cấp vaccine và xem xét chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.