Tuy nhiên, Nga đã tiến xa hơn tất cả các quốc gia khác trong việc xây dựng các quy định về AI, ông Andrei Neznamov, Giám đốc điều hành Trung tâm AI của Ngân hàng Sberbank, Chủ tịch Nhóm tham vấn liên chính phủ của Ủy ban đặc biệt về AI của Hội đồng châu Âu cho biết trong cuộc phỏng vấn của Sputnik. Theo ông, hiện nay mọi người đều thừa nhận rằng, cần phải xây dựng các quy định đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Chuyên gia lưu ý rằng, các quốc gia dựa theo những nguyên tắc giống nhau trong hầu hết các quy định mới.
“Mọi người đều công nhận rằng, các công nghệ AI và sản phẩm dựa trên những công nghệ này cần phải dựa trên các tiêu chuẩn bảo mật và minh bạch. Tuy nhiên, nếu nói về những chi tiết, các quốc gia có cách tiếp cận khác nhau đối với các quy định đó”, - ông Neznamov lưu ý.
Mỹ có ưu thế vượt trôi trong lĩnh vực nào?
Hoa Kỳ duy trì ưu thế vượt trội trong ba lĩnh vực AI quan trọng nhất: linh kiện vi điện tử, phần mềm, các nhà khoa học sáng giá nhất. Vì vậy, cả thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, phụ thuộc vào chip do các công ty Mỹ cung cấp hoặc được sản xuất theo công nghệ của Mỹ. Hầu hết các phần mềm với mã nguồn được các chuyên gia và nhà phát triển trên khắp thế giới sử dụng đều do Mỹ sản xuất. Ví dụ, TensorFlow và Pytorch là 2 nền tảng trí tuệ nhân tạo "Mã nguồn mở" được phát triển bởi Google và Facebook. Phần lớn thành công của nước Mỹ là nhờ các chuyên gia có tay nghề cao. Chiến lược mà Mỹ áp dụng là thu hút nhân tài trên phạm vi toàn cầu, bao gồm cả Trung Quốc. Theo thống kê, hơn một nửa số kỹ sư giỏi nhất của Trung Quốc từng học đại học tại Mỹ ở lại tại đó hơn 5 năm sau khi tốt nhiệp. Theo đó, những quy định của Hoa Kỳ chủ yếu dựa vào việc hình thành các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật.
Lợi thế của Trung Quốc trong lĩnh vực AI
Lợi thế của Trung Quốc về AI là thị trường khổng lồ cho dữ liệu lớn cần thiết cho việc học máy. Ông Lý Khai Phúc (Kai-Fu Lee), CEO của Sinovation Ventures, cựu giám đốc Google tại Trung Quốc nói, dữ liệu là dầu mỏ của thế kỷ 21. Và bất kỳ ai có nhiều dữ liệu hơn cuối cùng sẽ trở thành nhà lãnh đạo trong lĩnh vực AI. Hiện tại, Trung Quốc đi trước Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực mà dữ liệu là rất quan trọng. Ví dụ, WuDao 2.0 là "siêu AI" với khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên vượt trội hơn các sản phẩm hiện có của Google hoặc OpenAi về số lượng thông số học.
My very old talk on AI and speech technologies in 1993!https://t.co/vwmbimB02R
— Kai-Fu Lee (@kaifulee) April 30, 2021
Trung Quốc nhận ra tầm quan trọng của lợi thế cạnh tranh duy nhất của mình, vì thế họ phát triển luật bảo vệ dữ liệu. Ví dụ, gần đây Trung Quốc đã thông qua luật bảo vệ thông tin cá nhân coi chúng như một báu vật quốc gia. Theo các chuyên gia, sự mơ hồ nhất định về từ ngữ trong luật sẽ cho phép trong tương lai áp dụng rộng rãi các biện pháp hạn chế xuất khẩu dữ liệu ra nước ngoài, nhờ đó mang lại cho Trung Quốc lợi thế trong việc sử dụng dữ liệu, bao gồm cả việc phát triển AI.
Tất nhiên, về cả dữ liệu và phần cứng, Nga không thể cạnh tranh với Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực xây dựng các quy định, Nga là nước đầu tiên thực hiện một bước tiến quan trọng, ông Neznamov cho biết.
“Trong lĩnh vực phát triển các quy định, Nga có cơ hội duy nhất. Trên thực tế, tất cả các quốc gia đều tụt hậu trong việc sản xuất vi mạch, nhưng, trong lĩnh vực điều tiết, do tính độc đáo của lĩnh vực này, Nga có rất nhiều cơ hội để đuổi kịp và vượt các quốc gia khác. Và tôi rất vui vì Nga đang ở vị trí dẫn đầu tại đây. Điều này được xác nhận như thế nào? Ví dụ, Nga là nước đầu tiên trên thế giới chính thức phê duyệt Khái niệm Quy chế AI ở cấp Chính phủ. Trong khi đó Liên minh châu Âu cũng cố gắng thực hiện bước đi này, Ủy ban châu Âu đã công bố dự thảo khái niệm quy định của mình. Quá trình tương tự cũng đang xảy ra ở Hoa Kỳ.
Chúng tôi có những sáng kiến thú vị trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực đạo đức. Trên thực tế trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế Nga đang xuất hiện những quy định đầu tiên tính đến các chi tiết cụ thể của AI. Nga đang thực hiện rất nhiều công việc theo hướng này.
Chỉ có một lĩnh vực duy nhất đang bị đình trệ, nhưng năm nay chúng tôi đang có một bước nhảy vọt trong lĩnh vực này: quy định về việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong ngành công nghệ ô tô. Giờ đây, ban lãnh đạo đất nước cùng với các công ty trên thị trường đang nỗ lực rất nhiều để giảm bớt sự tụt hậu về mặt quy định. Rất khó để thực hiện nhiệm vụ này nếu không có các số liệu cụ thể. Do đó, chúng tôi quyết định tạo ra chỉ số điều tiết AI đầu tiên trên thế giới. Chúng tôi đã thực hiện nhiều công việc, hoàn thành 80% dự án. Chúng tôi sẽ sớm gửi nó để các chuyên gia thảo luận".
Khái niệm điều chỉnh trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật robot cho đến năm 2024 đã được Chính phủ Nga phê duyệt vào năm ngoái. Khái niệm này là tài liệu đồ sộ đầu tiên đặt nền tảng cho việc điều chỉnh AI và kỹ thuật robot. Đại diện các doanh nghiệp, bao gồm cả Sberbank, đã tích cực tham gia vào việc phát triển khái niệm này, ông Neznamov cho biết.
“Sberbank đã ký kết thỏa thuận với Chính phủ về việc phát triển các công nghệ AI ở Nga. Dựa trên cơ sở đó, vào năm 2020, Sberbank đã được cấp các quyền và nghĩa vụ của Trung tâm Năng lực cho dự án AI liên bang theo chương trình quốc gia Kinh tế Kỹ thuật số. Nhờ thỏa thuận này, chúng tôi hỗ trợ phát triển và thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi ở Nga. Chính vì lý do đó mà đại diện Sberbank thường được mời vào thành phần các đoàn đại biểu chính thức của Nga trên đấu trường quốc tế. Ngoài ra, gần đây, một Trung tâm Quy định AI đã được thành lập tại Sberbank, nó giúp thực hiện một số dự án trong lĩnh vực điều chỉnh quy chế nội bộ Sberbank. Ví dụ, một trong những sáng kiến của chúng tôi là phát triển và áp dụng các quy tắc đạo đức trong việc sử dụng AI tại Sberbank”, - chuyên gia Neznamov lưu ý.
Theo ông Neznamov, trong vài năm qua, Nga đã thực hiện một bước quan trọng trong việc xây dựng các tiêu chuẩn sử dụng các hệ thống AI. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hợp tác chặt chẽ với các đối tác nước ngoài để tạo ra các tiêu chuẩn hài hòa toàn cầu. Dù rất khó để các đối tác đạt được sự đồng thuận, nhưng, việc này phải được thực hiện, và hiện có cơ sở cho điều này. Giờ đây, tất cả các nền tảng quốc tế - UNESCO, Hội đồng Châu Âu, OECD, G20 và các tổ chức khác – đều rất chú ý đến sự phát triển của AI. Có những điều kiện tiên quyết để trí tuệ nhân tạo không trở thành điểm đối đầu, mà ngược lại, trở thành một lĩnh vực hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia khác nhau.