Tuy nhiên, theo Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Hải Trung, thẩm quyền điều tra Đại tá Phùng Anh Lê thuộc Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Giám đốc Công an Hà Nội lên tiếng vụ tạm đình chỉ Đại tá Phùng Anh Lê
Công an Hà Nội thông tin cho biết, ngày 21/6, trả lời báo chí, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết có dấu hiệu cho thấy Đại tá Phùng Anh Lê có hành vi phạm vào tội “không khởi tố người có tội”.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, chiều 21/6, Bộ Công an đã có buổi họp báo thông tin về tình hình, kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm 2021, trả lời nhiều vấn đề nóng được dư luận quan tâm như vụ hacker tấn công báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam VOV, vụ phát tán clip nóng 8 phút của nữ diễn viên phim ‘Về nhà đi con’ Vũ Thị Anh Thư, việc đề nghị truy tố cựu lãnh đạo Tổng Cục Tình báo Bộ Công an – ông Nguyễn Duy Linh về tội “Nhận hối lộ” từ Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm)…
Trước câu hỏi của phóng viên về việc một số cán bộ Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) bị đình chỉ để làm rõ trách nhiệm liên quan quá trình tố tụng xung quanh vụ án "Cướp tài sản" hồi năm 2016 và một vụ án khác, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung cho biết, các vi phạm của Đại tá Phùng Anh Lê, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội) xảy ra vào năm 2016.
Khi đó, ông Lê là Trưởng Công an quận Tây Hồ, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ.
“Ông Lê có dấu hiệu ban đầu phạm tội không khởi tố người có tội. Tuy nhiên, tội danh điều tra với ông Lê thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao”, Giám đốc Công an Hà Nội trả lời về vụ việc của Đại tá Phùng Anh Lê.
“Động cơ, mục đích thế nào, có phải “chạy án” hay không thì phụ thuộc vào kết luận điều tra của VKSND Tối cao”, Trung tướng Trung phát biểu tại buổi họp báo nêu rõ.
Vì sao Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Hà Nội bị tạm đình chỉ?
Trước đó, như Sputnik đưa tin, Đại tá Phùng Anh Lê, Thượng tá Phạm Quý Hải - Phó trưởng Công an quận và Trung tá Nguyễn Đức Châu - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Tây Hồ đã bị đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm liên quan quá trình tố tụng đối với vụ án "Cướp tài sản" xảy ra vào năm 2016 và một vụ án khác.
Vụ án này vừa được TAND Hà Nội đưa ra xét xử ngày 29/4 vừa qua. Hồ sơ cho thấy, có nhiều nội dung báo cáo của cán bộ Công an quận Tây Hồ thể hiện, Đại tá Phùng Anh Lê khi đó đã có “chỉ đạo miệng” không tạm giữ hình sự đối với đối tượng Nguyễn Hữu Tài (sinh năm 1993, ở quận Ba Đình, Hà Nội).
Trong vụ án này, bên cạnh nguyên Trưởng Công an quận Tây Hồ, hiện là Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Phùng Anh Lê, Thượng tá Phạm Quý Hải, Phó Trưởng Công an quận Tây Hồ, Trung tá Nguyễn Đức Châu, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận Tây Hồ cũng bị đình chỉ.
Theo hồ sơ vụ án, đối tượng Nguyễn Hữu Tài có mở của hàng cho vay theo hình thức “bốc bát họ” trả góp theo ngày. Sau đó, một người tên Thành, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội có vay của Tài số tiền 10 triệu đồng với lãi suất 146%/năm.
Điều đáng nói là tuy vay của Tài 10 triệu đồng, nhưng anh Thành lại bị cắt đi 2 triệu, chỉ được nhận 8 triệu đồng. Theo thỏa thuận, mỗi ngày anh Thành sẽ trả Tài số 200 nghìn đồng (gồm cả gốc và lãi) trong thời hạn 50 ngày. Tuy nhiên, anh Thành chỉ đóng 30 ngày ứng với 6 triệu đồng rồi dừng lại, còn nợ của Tài 4 triệu đồng. Sau đó, anh Thành không có khả năng trả tiền nên Tài rủ thêm 4 đàn em đi tìm gặp con nợ.
Sau đó Tài cùng đồng phạm đến gặp anh Thành ở một quán nước trên địa bàn quận Tây Hồ. Thấy nhóm của Tài trên đường Hồng Hà, anh Thành bỏ chạy và tri hô thì bị nhóm côn đồ đánh đập, cướp điện thoại iPhone.
Nguyễn Hữu Tài đuổi theo, đánh, ép nạn nhân lên xe để đưa đi siết nợ, anh Thành liên tục hô “cướp, cướp”. Khi đi qua trụ sở Công an phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, anh Thành chạy vào trình báo. Thấy vậy, một thành viên trong nhóm của Tài đã vứt điện thoại của anh Thành vào cổng trụ sở rồi bỏ về.
Sáng ngày 22/9/2016, Nguyễn Hữu Tài tới Công an quận Tây Hồ làm việc và khai báo hành vi vụ việc như trên nhưng lại được Công an Tây Hồ thả về. Những ngày sau, Công an quận Tây Hồ mời Tài và anh Thành tới trụ sở hòa giải, cho Tài bồi thường nạn nhân 15 triệu đồng.
Sau đó, đầu năm 2021, các đối tượng đã ra đầu thú. Đến ngày 29/4/2021 khi TAND TP.Hà Nội mở phiên xét xử và tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Hữu Tài (ở Ba Đình, Hà Nội) – 24 tháng tù giam về tội cướp tài sản. Bốn đồng phạm “anh em giang hồ” của Tài cũng phải nhận mức án từ 15 tháng tù treo – 20 tháng tù giam tùy theo hành vi phạm tội.
Trong đó có Nguyễn Khắc Đức (sinh năm 1992), Trần Văn Lộc lĩnh 20 tháng tù, Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1994) 18 tháng tù còn Nguyễn Quang Chính (sinh năm 1998) 15 tháng tù treo.
Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hà Nội nhận định trong vụ án này có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp. Điều đáng nói, một số cán bộ Công an quận Tây Hồ đã không xử lý hình sự các đối tượng phạm tội mà lại cho “hòa giải”.
Cơ quan điều tra và hội đồng xét xử nhận thấy trong quá trình xác minh, điều tra vụ án, một số cán bộ Công an quận Tây Hồ đã không xử lý hình sự đối tượng Tài và đồng phạm về tội “Cướp tài sản” vào năm 2016.
Ngoài ra, tại tòa ngày 29/4, vợ của bị cáo Nguyễn Hữu Tài, người được triệu tập với tư cách người liên quan và khai đã đưa 100 triệu đồng cho một cán bộ Công an quận Tây Hồ để nhờ “chạy án” cho chồng vào năm 2016 nên mới có vụ hòa giải, không bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, Đại tá Phùng Anh Lê bác bỏ thông tin này và khẳng định, không có chuyện ông “chỉ đạo miệng” không bắt giữ đối tượng Nguyễn Hữu Tài.
“Tôi chưa biết người ta báo cáo cái gì, cũng chưa bao giờ làm việc với ai và chưa có một ai, một đơn vị nào làm việc với tôi. Tôi khẳng định một điều là không bao giờ chỉ đạo miệng”, Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Hà Nội nhấn mạnh.
Đại tá Phùng Anh Lê cho biết những thông tin về việc ‘chỉ đạo miệng’ ảnh hưởng rất kớn đến cá nhân, uy tín của bản thân.
“Tôi khẳng định một điều là không bao giờ chỉ đạo miệng. Trong tố tụng không có chỉ đạo miệng, mọi thứ đều làm rất chặt chẽ theo quy trình, quy định của pháp luật”, ông Lê nhấn mạnh.