Bình Dương cần siết chặt hơn những quy định theo Chỉ thị 16
Sáng 23/6, cả 2 Thứ trưởng Bộ Y tế là ông Nguyễn Trường Sơn và ông Trần Văn Thuấn dẫn đầu đoàn kiểm tra đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Bình Dương. Tham gia cùng đoàn có các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH, Cục An toàn lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Viện Y tế công cộng TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM vhttps://vn.sputniknews.com/vietnam/201911038204625-bo-thong-tin-dung-cap-giay-phep-cho-cac-trang-thong-tin-dien-tu-tong-hop/à Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Trường Sơn đánh giá, Bình Dương là tỉnh có rất đông công nhân, một số khu chợ còn để người dân buôn bán nhiều hàng hóa không thiết yếu, tập trung nhiều người. Đây cũng là những nơi rất dễ lây lan, khó kiểm soát. Ông Sơn nhấn mạnh:
“Bình Dương phải siết chặt hơn những quy định theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, không để người dân buôn bán tràn lan những mặt hàng không thiết yếu, nhằm ngăn nguy cơ lây lan dịch bệnh”
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá địa bàn Bình Dương, Đồng Nai và Long An là những địa phương có nhiều công nhân và giáp ranh với TP HCM nên có nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Ông Sơn khẳng định:
“Sắp tới Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng như TP.HCM để ngăn chặn dịch bệnh”.
Ngoài ra, còn có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Sở Y tế, lãnh đạo TP Thuận An và một số ban ngành tỉnh Bình Dương. Tại buổi kiểm tra, đoàn đã đi thị sát dọc các tuyến đường trong các khu công nghiệp ở Bình Dương. Tiếp đó, đoàn đến kiểm tra một khu nhà trọ tại phường Bình Hòa (TP Thuận An), tại đây đang có một số công nhân là F2 đang tự cách ly tại nơi ở. Sau đó, đoàn đã đến kiểm tra khu cách ly tập trung tại trường THPT Lý Thái Tổ (TP Thuận An).
Ổ dịch trong công nhân tại Bình Dương đang lan nhanh
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Bình Dương đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là trong công nhân. Riêng sáng 23/06, Bình Dương ghi nhận thêm 23 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm tại Bình Dương lên 164 trường hợp (tính từ đợt dịch thứ 4).
Trước đó riêng ngày 22-6, Bình Dương ghi nhận thêm 33 ca nhiễm. Riêng ổ dịch đa số là công nhân tại phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên) ghi nhận 118 ca nhiễm. Hiện tại, chính quyền địa phương đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với toàn thị xã Tân Uyên, TP Thuận An và một số phường của TP Thủ Dầu Một, TP Dĩ An.
Ngoài ra, tại những địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 thì các chợ tự phát buộc phải dừng hoạt động. Hoạt động vận tải hành khách ở các địa phương này cũng phải tạm dừng. Đến thời điểm này, Bình Dương đã nâng mức cảnh báo về dịch COVID-19 lên mức cao nhất.
Được biết, sau khi kiểm tra tại Bình Dương, ngày 24/6 đoàn sẽ tiếp tục kiểm tra tại Đồng Nai với nội dung tương tự.
Thí điểm ứng dụng quản lý công tác tiêm chủng tại TP HCM
TP HCM đang tiến hành chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Trong vòng 5 ngày kể từ 21/6, thành phố dự kiến tiêm xong 804.000 liều vắc xin phòng chống Covid-19, đảm bảo phủ 6% người dân. Để thực hiện chiến dịch, hàng chục ngàn người bao gồm nhân viên y tế và lực lượng tình nguyện viên đã được huy động. Bộ Y tế và Bộ TT&TT đều cử các Thứ trưởng đặc trách có mặt tại chỗ để hỗ trợ thành phố trong đợt tiêm chủng quy mô lớn này.
Một trong các nền tảng được đưa vào hỗ trợ đợt này là ứng dụng "Sổ sức khoẻ điện tử" được phát hành trên cả hai nền tảng Android và iOS. Thông thường, quy trình tiêm chủng hiện nay gồm 4 bước: đăng ký/kiểm tra, khám sàng lọc, tiêm, theo dõi sau tiêm.
Sau khi khai báo y tế, điền thông tin, ứng dụng sẽ cấp một mã QR Code. Người dân trong diện tiêm chủng sẽ phải khai báo y tế, điền thông tin và ký tên vào phiếu đồng ý tiêm chủng, sau đó được nhân viên y tế khám sàng lọc và ký xác nhận có đủ điều kiện tiêm hay không. Khi đến địa điểm tiêm, nhân viên sẽ quét mã QR này để xác nhận người dân có thuộc diện được tiêm chủng hay không.
Tuy trong quá trình thí điểm, vẫn còn hai văn bản giấy cần được người dân và cán bộ y tế ký tay, đó là: Cam kết của người dân đồng ý tiêm chủng, và giấy dành cho bác sĩ ký xác nhận một người đủ điều kiện tiêm. Tuy nhiên, hệ thống sẽ tự động in thay vì phải viết tay như quy trình thông thường. Nếu hành lang pháp lý được hoàn thiện, việc ký tên này cũng có thể được số hoá hoàn toàn.
Trên thực tế, thường thì khi tiêm xong, người dân được cấp một giấy xác nhận tiêm chủng. Nhưng nếu dùng ứng dụng, các thông tin đã có sẵn để in ra, người được tiêm sẽ không phải viết tay trên mẫu in sẵn, mất thời gian và thông tin có thể không chính xác.
Ứng dụng này cũng phục vụ tốt cho quá trình theo dõi và giúp người dân có thể phản hồi các triệu chứng gặp phải sau tiêm. Ngoài ra, ứng dụng có thể nhắc nhở người dân về lịch tiêm lần sau hoặc có thể phát triển hệ thống botnet để thăm hỏi sức khoẻ người được tiêm sau đó.
Ông Đỗ Công Anh, Phụ trách Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết, Bộ TT&TT và Bộ Y tế đang phối hợp để sửa quy trình cho người dân đăng ký tiêm vắc xin. Cụ thể, sẽ số hóa toàn bộ quy trình từ đăng ký cho đến khi người dân tiêm xong và theo dõi sức khỏe chứ không phải in ra giấy. Như vậy, toàn bộ quy trình tiêm vắc xin sẽ thuận tiện, nhanh chóng và chính xác giúp cho cả người dân, chính quyền và ngành y tế.