Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, từ 6h sáng ngày 24/6 đến 6h ngày 25/6, thành phố ghi nhận 667 trường hợp dương tính trong vòng 24h. Lần đầu tiên thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục kể từ khi làn sóng Covid-19 thứ tư bắt đầu.
Do dịch Covid-19 diễn biến khó lường ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á, nhiều khả năng, SEA Games 31 có thể bị lùi đến tháng 4, tháng 5 năm 2022.
Phát hiện 305 ca Covid-19
Theo bản tin chiều tối ngày 25/6 của Bộ Y tế, với thêm 102 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 mới của cả ngày lên thành 305 người, riêng TP.HCM chiếm nhiều nhất với 161 trường hợp.
Cả nước hiện đã có 14.537 ca mắc Covid-19. Về 102 ca mắc mới chiều tối nay, Bộ Y tế cho biết, có 8 ca nhập cảnh (TP.HCM 4, Quảng Nam 3, Tây Ninh 1).
94 trường hợp dương tính với coronavirus ghi nhận trong nước gồm TP. Hồ Chí Minh (54), Bình Dương (8 ), Tiền Giang (8 ), Nghệ An (6), Đà Nẵng (5), Bắc Ninh (4), Bắc Giang (3), Hải Phòng (2), Đồng Tháp (2), Lạng Sơn (1), Thái Bình (1), trong đó 85 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Trong số 305 trường hợp dương tính mới, Bộ Y tế cho biết, có 282 ca ghi nhận trong nước gồm TP.HCM (161), Bình Dương (30), Bắc Giang (22), Long An (22), Tiền Giang (8 ), Bắc Ninh (6), Nghệ An (6), Bình Thuận (5), Đà Nẵng (5), Hải Phòng (3), Hưng Yên (3), Gia Lai (2), Quảng Ninh (2), Phú Yên (2), Đồng Tháp (2), Khánh Hòa (1), Lạng Sơn (1), Thái Bình (1), trong đó 251 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
23 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh (13), TP.HCM (4), Quảng Nam (3), Kiên Giang, Quảng Ninh, An Giang mỗi nơi 1 người.
Bộ Y tế cũng thông báo về việc chiều 25/6, Sở Y tế TP.HCM công bố ghi nhận thêm 667 trường hợp nghi nhiễm tại TP. HCM.
“Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh đang rà soát, đối chiếu và tiếp tục cập nhật thông tin ca bệnh lên Hệ thống quản lý ca bệnh Covid-19 quốc gia. Do đó số ca bệnh còn lại của TP. Hồ Chí Minh sẽ được công bố trong bản tin sau”, Bộ Y tế lưu ý.
Số ca mắc mới của Việt Nam ghi nhận từ 27/4 là 11.218 ca. Cả nước đã có 5.949 trường hợp khỏi bệnh. 74 bệnh nhân tử vong.
Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 2.799.871 xét nghiệm cho 6.516.009 lượt người.
TP.HCM ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 kỷ lục
Có thể khẳng định, kể từ đợt bùng phát dịch Covi-19 thứ 4 đến nay, đây là lần đầu tiên TP.HCM ghi nhận số ca mắc kỷ lục như vậy: 667 ca bệnh vỏn vẹn trong vòng 24 giờ. Điều này đang gây lo ngại rất lớn đối với chính quyền địa phương và cả nước.
Chiều 25/6, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã tổ chức buổi họp giao ban định kỳ. Cùng tham dự có Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, cho đến 6 giờ ngày 25/6, đã có 2549 ca nhiễm tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố.
Trong đó, có 2.302 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 90,31%), 243 trường hợp nhập cảnh (chiếm tỷ lệ 9,53%), 4 trường hợp lây trong khu cách ly Vietnam Airlines (0,16%). Các bác sĩ đã điều trị khỏi cho 445 trường hợp, có 4 ca tử vong. Hiện 2.100 bệnh nhân dương tính mới vẫn đang được điều trị, chăm sóc,
Trong khoảng thời gian từ 6 giờ ngày 24/6 đến 6 giờ ngày 25/6, TP.HCM ghi nhận 667 trường hợp nghi nhiễm Covid-19.
Trong đó, có 99 trường hợp phát hiện trong khu phong tỏa, 538 trường hợp trong khu cách ly, 14 trường hợp tầm soát, sàng lọc khi khám tại bệnh viện (bao gồm: 1 trường hợp khám tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch; 1 ca tại Bệnh viện Q.12; 1 ca tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh; 2 ca tại Bệnh viện Đại học Y Dược; 2 ca tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; 2 ca tại Bệnh viện Thống Nhất; 1 ca tại Bệnh viện Quốc Ánh; 1 ca tại Bệnh viện Q.Bình Tân; 1 ca tại Bệnh viện Ung bướu; 1 ca tại Trung tâm Y tế Thủ Đức và 1 tại Bệnh viện Vạn Hạnh).
Thêm vào đó, thành phố phát hiện 1 trường hợp bị phơi nhiễm nghề nghiệp, là hộ lý đang công tác tại Trung tâm Y tế Bình Thạnh thông qua xét nghiệm tầm soát; 1 trường hợp khi thực hiện mở rộng xét nghiệm; 2 trường hợp giám sát sau cách ly tập trung và 10 trường hợp đang điều tra.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị, có 31 bệnh nhân nặng. Trong đó, có 12 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, 3 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 7 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, 4 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện điều trị Covid-19 H.Củ Chi và 5 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương.
“Có thể phải tính phương án sống chung với lũ”
Chia sẻ tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Trí Dũng cho biết, số ca nhiễm có triệu chứng và triệu chứng nặng đang thấp hơn giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch lần thứ 4.
Theo đó, số liệu thống kê cho thấy, hiện có 68% bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 đang điều trị không có triệu chứng. Chỉ 1,3% bệnh nhân có triệu chứng nặng (với 31 trường hợp). Điều này trái ngược với tình trạng lúc vừa phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, khi có đến 68% ca bệnh có triệu chứng.
“Qua những con số trên, tôi nhận định những ca chỉ điểm hiện nay hầu như không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất mơ hồ. Các ca chỉ điểm hầu hết mắc bệnh ở mức độ nhẹ, nếu không đi khám, họ sẽ bị bỏ qua và chúng ta chậm hơn dịch bệnh là điều tất yếu”, ông Nguyễn Trí Dũng phân tích.
Lãnh đạo HCDC cho biết, có 2 trạng thái có thể xảy ra sau khi virus SARS-CoV-2 lây truyền qua nhiều thế hệ. Trạng thái thứ nhất là độc lực gia tăng, còn trạng thái thứ hai là độc lực sẽ giảm. Khi độc lực virus giảm, dù dịch bệnh vẫn lây lan nhưng người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ.
“Có thể chúng ta cần tính tới phương án "sống chung với lũ". Nghĩa là chúng ta chỉ truy tìm rắn độc thay vì đi tìm những con rắn nước”, Giám đốc HCDC nhận định.
Ông Dũng cũng lưu ý, sắp tới TP.HCM cần bảo vệ những nhóm đối tượng có nguy cơ cao, có bệnh nền. Đây là những người cần được ưu tiên vaccine và có biện pháp phòng ngừa mạnh hơn. Những trường hợp khác có thể coi là mắc cúm.
Theo ông Dũng, đây chỉ là giải pháp TP.HCM có thể tính tới trong giai đoạn tiếp theo. Còn ở thời điểm này, nhiệm vụ của ngành y tế vẫn là phải tập trung, nỗ lực truy vết, xử lý dịch bệnh với tốc độ khẩn trương nhất có thể.
TP.HCM có cấm chợ?
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các bộ ngành, quận, huyện có phương án tính toán, nghiên cứu mô hình quận 8 đang áp dụng là bố trí tiểu thương tại chợ truyền thống thực hiện buôn bán luân phiên theo ngày. Riêng các chợ đầu mối phải có phương án hoạt động cụ thể.
Trước đó, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng cần tính toán cấm các chợ truyền thống để phòng chống dịch Covid-19.
Phó thủ tướng đánh giá, dù công tác phòng chống dịch của TP.HCM thời gian qua có một số kết quả nhất định nhưng tình hình vẫn rất phức tạp. Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM cũng tương tự với chỉ thị 16 của Thủ tướng, chỉ là chưa cấm chợ.
“Bây giờ các chợ có cấm hay không? Tôi thấy cần kiên quyết hơn nữa, cấm luôn. Phải cắn răng mà chịu, cần triệt để các biện pháp”, Phó Thủ tướng đề xuất.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, TP.HCM tuyệt đối được không chủ quan, và mặc dù Chỉ thị số 10 của UBND TP có tác dụng nhất định nhưng dịch bệnh rất phức tạp. Do đó, cần có biện pháp mạnh hơn nữa.
Kinh nghiệm rút ra từ Trung Quốc cho thấy, chợ hải sản là nguồn lây lan dịch bệnh lớn. Vì vậy, Phó thủ tướng Chính phủ tán thành việc cấm chợ truyền thống để không xảy ra tình trạng mất kiểm soát, vì lúc này đã xuất hiện nhiều ca nhiễm từ các khu chợ có mật độ giao thương lớn.
Dù vậy, Phó Thủ tướng đề nghị thực hiện các biện pháp quyết liệt nhưng phải đảm bảo các chuỗi cung ứng hàng hóa
Sáng 25/6, Bộ Y tế thông báo ghi nhận thêm 57 ca nhiễm mới tại TP.HCM, trong đó có 19 ca liên quan chợ đầu mối Bình Điền và 6 ca liên quan chợ Sơn Kỳ.
Như vậy, đến sáng 25/6, đã có 64 ca nhiễm liên quan đến chợ Sơn Kỳ tại quận Tân Phú. Chuỗi lây nhiễm này được phát hiện từ ca chỉ điểm là bệnh nhân 13432 và bệnh nhân 13435, có liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại chợ đầu mối Hóc Môn.
Đại diện HCDC cho biết, liên quan chuỗi lây nhiễm tại chợ Sơn Kỳ, cơ quan chức năng đã tổ chức lấy 30.000 mẫu xét nghiệm khẩn diện rộng tại 4 địa điểm cho người dân xung quanh khu vực này ngay trong ngày 23/6 với mục đích truy vết, chặt đứt nguồn lây.
Các lực lượng của thành phố cũng đã tổ chức phong tỏa mở rộng khu vực chợ Sơn Kỳ gồm 250 hộ và gần 1.000 nhân khẩu, đồng thời tổ chức phun khử khuẩn khu chợ Sơn Kỳ.
Ngành y tế thông báo, đề nghị những người buôn bán hoặc từng đến chợ Sơn Kỳ từ ngày 1/6 nhanh chóng khai báo y tế tại địa phương, nơi cư trú để được hướng dẫn các biện pháp phòng chống lây nhiễm.
Dịch Covid-19 phức tạp, SEA Games 31 có thể lùi đến khi nào?
Ngày 25/6, Văn phòng Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) tổ chức họp theo hình thức trực tuyến với đại diện các quốc gia thành viên khu vực ASEAN nhằm chốt thời gian tổ chức SEA Games 31.
Theo đó, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á và Ủy ban Olympic các quốc gia tổ chức họp nhằm bàn thảo vấn đề đăng cai SEA Games 31 thời gian tới.
Tại cuộc họp này, ông Trần Đức Phấn, đại diện Ban tổ chức SEA Games 31 của Việt Nam đã gửi lời cảm ơn Ủy ban Olympic các quốc gia thành viên Đông Nam Á và Văn phòng SEAGF cùng hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm về công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games.
Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên cũng chia sẻ với những khó khăn do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp tại các nước Đông Nam Á cũng như tại Việt Nam.
Do dịch bệnh còn chưa được kiểm soát hoàn toàn, Ban tổ chức SEA Games 31 đã tham mưu, lựa chọn phương án tối ưu và phù hợp nhất để đảm bảo an toàn cho các đối tượng tham dự Đại hội. Khi có quyết định chính thức, Ban tổ chức sẽ thông tin sớm nhất cho các quốc gia thành viên nắm được.
Trong trường hợp phải lùi lịch tổ chức SEA Games, các nước thống nhất đề nghị thời gian tổ chức sẽ rơi vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 5 năm sau.
Tuy nhiên, một số nước cũng bày tỏ mong muốn sớm nhận được thông tin để có phương án chuẩn bị, bởi lịch đăng cai, thi đấu SEA Games ảnh hưởng đến hoạt động của các đội tuyển, phân bổ nhân lực, ngân sách, ưu tiên cho giải đấu này cũng như các mục tiêu khác.
Các bên cho rằng, theo tính toán về thời điểm diễn ra các sự kiện thể thao quốc tế năm 2022, như Thế vận hội Olympic Mùa Đông, Bắc Kinh Trung Quốc (tháng 2/2022), Đại hội Thể thao Võ thuật Trong nhà Châu Á, Bangkok Thái Lan (tháng 3/2022), Đại hội Thể thao Khối Thịnh vượng Chung, Anh (tháng 7/2022), Đại hội Thể thao Châu Á, Hàng Châu Trung Quốc (tháng 9/2022), thì thời gian phù hợp nhất để tổ chức SEA Games 31 sẽ vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 năm 2022.
Các nước cũng cho rằng, đây là thời điểm thích hợp cho Campuchia có đủ thời gian chuẩn bị tổ chức SEA Games 32 sẽ diễn ra tại Phnôm Pênh từ ngày 5 đến ngày 17/5/2023.
Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn, đại diện Ban tổ chức SEA Games 31 cho biết ban tổ chức đã tham mưu cho Chính phủ về việc lựa chọn phương án tốt nhất có thể và phù hợp nhất để tổ chức thành công SEA Games 31.
Khoảng ngày 8/7 này, dự kiến Văn phòng SEAGF và Ban Chấp hành SEAGF sẽ có cuộc họp trực tuyến thứ ba để thống nhất các vấn đề quan trọng.
Bên cạnh việc thảo luận các phương án tổ chức SEA Games 31, cuộc họp của SEAGF cũng thông báo quốc gia chủ nhà của 2 kỳ SEA Games 33 và 34.
Theo đó, Ủy ban Olympic quốc gia Thái Lan và Ủy ban quốc gia Brunei có văn bản khẳng định sẽ đăng cai SEA Games 33 - 2025 và SEA Games 34 – 2027.