Ông Nguyễn Duy Linh nhận hối lộ hàng tỷ đồng từ Phan Văn Anh Vũ nhưng không thành khẩn

© AFP 2023 / Vietnam News AgencyPhan Văn Anh Vũ
Phan Văn Anh Vũ - Sputnik Việt Nam, 1920, 25.06.2021
Đăng ký
Ông Nguyễn Duy Linh, cựu sĩ quan tình báo cao cấp của Việt Nam, cựu Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an (Tổng Cục V) được xác định nhận hàng tỷ đồng từ Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm), bị đề nghị truy tố khung hình phạt cao nhất tội “Nhận hối lộ”.

Cơ quan điều tra Bộ Công an cho biết, từ khi bị bắt tạm giam, ông Nguyễn Duy Linh vẫn chưa khai báo thành khẩn nên đề nghị cần phải xử lý bằng bản án nghiêm khắc mới có tác dụng răn đe giáo dục và phòng ngừa chung.

Công an kết luận gì về Phan Văn Anh Vũ, Hồ Hữu Hòa và Nguyễn Duy Linh?

Ông Nguyễn Duy Linh, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Tình báo (Tổng Cục V) Bộ Công an bị đề nghị truy tố ở khung hình phạt cao nhất tội nhận hối lộ vì bị cơ quan điều tra cáo buộc nhận hàng tỷ đồng từ cựu sĩ quan tình báo Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm).

Đại tá Vũ Quốc Thắng, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra trả lời câu hỏi của các phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.06.2021
Bộ Công an nói gì về vụ ông Nguyễn Duy Linh nhận hối lộ từ Phan Văn Anh Vũ?

Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) truy tố Phan Văn Anh Vũ (sinh 1975, ở Đà Nẵng, cựu Thượng tá Tình báo, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Bắc Nam 79) về tội danh “Đưa hối lộ”.

Bị can Hồ Hữu Hòa (“cậu Hòa”, sinh năm 1984, Nghệ An, thầy phong thủy) bị đề nghị truy tố tội “Môi giới hối lộ”.

Bị can Nguyễn Duy Linh, cựu Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an (Tổng Cục V) bị cơ quan CSĐT đề nghị VKSND Tối cao truy tố về tội danh “Nhận hối lộ”.

Vụ án đưa và nhận hối lộ giữa các bị can Phan Văn Anh Vũ (người đưa hối lộ) – Hồ Hữu Hòa (trung gian môi giới) – Nguyễn Duy Linh (người được cho là nhận hối lộ từ Vũ nhôm) hiện đang được các cơ quan chức năng của Việt Nam mở rộng điều tra, làm rõ, đồng thời, thu hút sự chú ý rất lớn từ dư luận.

Theo cơ quan điều tra, bản thân Phan Văn Anh Vũ vốn là cựu cán bộ Công an (cựu sĩ quan tình báo mang quân hàm Thượng tá – PV), lại là chủ doanh nghiệp, có hiểu biết rõ ràng về pháp luật nhưng lại không chịu tu dưỡng, rèn luyện (một thời, Vũ nhôm còn được mệnh danh là ‘trùm mafia Đà Nẵng, làm rất nhiều cựu lãnh đạo, quan chức Đà Nẵng ‘ngã ngựa).

Theo kết luận điều tra, Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng nhiệm vụ công tác được giao để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của lực lượng Công an (cụ thể là ngành tình báo - PV) và gây bất bình trong xã hội, dư luận Việt Nam.

Kết quả điều tra của cơ quan chức năng chỉ rõ, thời điểm gữa năm 2017, Phan Văn Anh Vũ bị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an điều tra về những sai phạm trong vụ án “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” và nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến sai phạm “đất vàng” ở Đà Nẵng (việc mua bán, chuyển nhượng nhà, đất công sản tại Đà Nẵng cùng một số địa phương).

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ nghe tòa tuyên án. - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.08.2018
Phan Văn Anh Vũ bị khởi tố thêm tội danh mới

Biết được cơ quan Công an đang “nhắm đến mình”, lo sợ bị pháp luật xử lý, Phan Văn Anh Vũ đã nhờ Hồ Hữu Hòa, thầy phong thủy, tâm linh, có mối quan hệ rộng, tiếp cận với nhiều giai tầng lãnh đạo, kết nối với một lãnh đạo Cục nghiệp vụ Bộ Công an (ông Nguyễn Duy Linh) để nhờ giúp đỡ, tìm hiểu thông tin.

Cơ quan điều tra xác định bị can Phan Văn Anh Vũ đã nhờ lái xe của mình chuyển 5 tỷ đồng cho Hòa cùng 4 lần đưa quà cho Hoàng Nam Trung (giúp việc của ông Linh) để chuyển cho bị can Linh.

Cùng với đó, Phan Văn Anh Vũ còn thừa nhận còn trực tiếp đưa 500.000 USD để Hòa chuyển cho ông Linh, tuy nhiên “cậu Hòa” phủ nhận việc này.

Kết luận của cơ quan chức năng cho thấy, quá trình điều tra hành vi này, Phan Văn Anh Vũ thay đổi lời khai, cho rằng không đưa tiền mà chỉ là thuốc lá xì – gà (cigar), nấm linh chi Hàn Quốc, rượu ngoại…

Vũ nhôm cũng khẳng định trước đó khai đưa tiền là do điều tra viên hướng dẫn, vì bị phạm nhân đánh đập, không cho ăn, không cho ngủ, ép nghe theo điều tra viên.

Tuy nhiên, cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an cho rằng việc vu khống lãnh đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, điều tra viên hướng dẫn và sử dụng phạm nhân đánh đập… là hoàn toàn không có căn cứ. Cơ quan điều tra cũng xác định hành vi của bị can đủ yếu tố cấu thành tội "Đưa hối lộ”.

Như Sputnik đã thông tin trước đó, Phan Văn Anh Vũ có 6 bản tự khai về việc đưa 2,5 triệu USD và 5 tỷ đồng cho một Phó Tổng Cục trưởng của Bộ Công an nhưng sau đó lại phủ nhận.

Cụ thể, từ tháng 4 đến tháng 7/2018, khi bị giam giữ ở trại giam T16 Bộ Công an, Phan Văn Anh Vũ có viết tổng cộng 6 bản tự khai với 6 lời khai về việc Hồ Hữu Hòa kết nối đưa tiền cho ông Linh. Trong đó, 4 lần thông qua trung gian (cậu Hòa) để chuyển tiền. Kết luận điều tra cho thấy, lần đầu tiên là 500.000 USD, lần 2 là 5 tỷ đồng, lần ba và bốn mỗi lần là một triệu USD.

Cơ quan điều tra xác định Phan Văn Anh Vũ có hành vi đưa hối lộ được “căn cứ lời khai tự nguyện ban đầu về việc tiếp cận, đưa tiền”. Cơ quan chức năng khẳng định, lời khai ban đầu này được cho là phù hợp với lời khai của những người liên quan và kết quả thu thập dữ liệu điện tử. Cùng với đó, dù phủ nhận việc ‘đưa tiền’ sang thành thuốc lá xì gà, nấm linh chi, nhưng hành vi của Vũ nhôm, theo cơ quan CSĐT Bộ Công an là đủ yếu tố cấu thành tội “Đưa hối lộ”.

“Tao đã đọc hồ sơ của mày”

Đáng chú ý, theo kết luận của cơ quan chức năng, bị can Nguyễn Duy Linh vốn là cán bộ cấp cao trong ngành Công an (sĩ quan tình báo – nguyên là Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Tình báo (Tổng Cục V -PV), được đào tạo hết sức bài bản và có trình độ hiểu biết pháp luật cao.

Còng tay - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.06.2021
Vụ Phan Văn Anh Vũ hối lộ, Việt Nam khởi tố cựu lãnh đạo Tổng Cục Tình báo Bộ Công an

Bị can Nguyễn Duy Linh nắm bắt được tình thế Phan Văn Anh Vũ đang bị Cơ quan An ninh điều tra triệu tập làm việc, các phương tiện truyền thông liên tục đăng tin về sai phạm liên quan đến Vũ nhôm, đồng thời, cũng được tham dự cuộc họp của lãnh đạo Tổng cục Tình báo cho ý kiến xử lý ban đầu đối với những sai phạm của Phan Văn Anh Vũ, vốn là cựu cán bộ ngành Công an.

Cơ quan điều tra cũng tìm thấy nhiều bằng chứng, cơ sở xác định, từ sự kết nối trung gian của bị can Hồ Hữu Hòa, cựu Tổng Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an Nguyễn Duy Linh đã nhiều lần nói chuyện điện thoại (qua Viber) với Vũ nhôm.

Ông Linh khuyên Vũ ‘đi càng xa càng tốt’, ‘du lịch qua màn ảnh nhỏ một thời gian, đặc biệt là cố gắng qua châu Âu’. Cùng với đó, khi nói chuyện điện thoại với Vũ nhôm, bị can Linh khẳng định đã nắm được sự việc và tình hình của Vũ.

“Tao đã đọc hồ sơ của mày rồi, lúc nào ra Hà Nội gặp nhau tao sẽ nói chuyện sau”, bản kết luận trích lời ông Nguyễn Duy Linh nói với Vũ nhôm.

Cũng sau những cuộc trò chuyện với Phan Văn Anh Vũ, ông Linh có nói với Hồ Hữu Hòa rằng, “Vũ nó có ý định ủng hộ tôi về tài chính để lo công việc”, “cậu về nói với nó sớm”…

Kết luận điều tra của cơ quan Công an xác định, ngày 16/8/2017, bị can Phan Văn Anh Vũ giao 5 tỷ đồng cho lái xe để đưa cho Hồ Hữu Hòa. Tiếp đó Hòa đưa tiền cho một người khác rồi giao cho Hoàng Nam Trung để vào phòng làm việc của ông Nguyễn Duy Linh đưa khoản tiền.

Sang ngày 28 và 29/8/2017, bị can Linh tiếp tục nhắn tin nhờ bị can Hồ Hữu Hòa đôn đốc Phan Văn Anh Vũ gửi đồ vật, tài sản để lo công việc của cá nhân bị can Linh hoặc cho Vũ. Kết luận điều tra cũng nêu, sau đó bị can Phan Văn Anh Vũ đã 4 lần chuyển các túi quà, hộp quà và thông qua Hoàng Nam Trung gửi đến cho ông Linh.

Ông Nguyễn Duy Linh không thành khẩn

Làm việc với cơ quan điều tra, trước ngày 14/10/2020, bị can Nguyễn Duy Linh một mực phủ nhận chuyện dính dáng đến Phan Văn Anh Vũ.

Cựu lãnh đạo Tổng cục Tình báo không thừa nhận quen biết, liên lạc hay nhận quà, tiền từ Vũ cả.

Tuy nhiên, sau khi Cơ quan Cảnh sát Điều tra sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, chứng cứ thu thập được để chứng minh thì bị can Linh mới thừa nhận thông qua Hồ Hữu Hòa nói chuyện điện thoại với Vũ nhưng chỉ là để “chia sẻ, động viên Vũ” chứ không nhằm mục đích nào khác.

Vũ 'nhôm' - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.01.2018
Bộ Công an Việt Nam: Phan Văn Anh Vũ từ tấm hộ chiếu giả đến giây phút bị bắt

Ông Nguyễn Duy Linh cũng thừa nhận đã chỉ đạo Hoàng Nam Trung đi nhận quà của Phan Văn Anh Vũ là rượu, thuốc lá xì gà nhưng không biết giá trị và nhãn hiệu gì. Cơ quan điều tra cho hay, từ khi bị bắt tạm giam, bị can Nguyễn Duy Linh vẫn chưa thành khẩn khai báo về những hành vi vi phạm pháp luật của mình cũng như đồng phạm.

“Quá trình điều tra bị can Linh luôn có hành vi che giấu những hành vi của mình cũng như đồng phạm, khai báo quanh co thiếu trung thực”, kết luận của Bộ Công an cho hay.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng cho rằng nhiều vấn đề đã rõ mà bị can Nguyễn Duy Linh còn không thành khẩn khai báo “bị can không thể dám nhận hành vi nhận 5 tỷ đồng và những túi quà, hộp quà, thùng xốp quà khác là tiền của bị can Phan Văn Anh Vũ đưa”.

Tuy nhiên, với những chứng cứ đã thu thập được, cơ quan điều tra kết luận hành vi của ông Nguyễn Duy Linh đủ yếu tố cấu thành tội “Nhận hối lộ” được quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015, với khung hình phạt bị 20 năm tù, chung thân hoặc thậm chí là tử hình.

Ngoài ra, do bị can Linh không thành khẩn khai báo nên theo Cơ quan điều tra cần phải xử lý bằng một bản án nghiêm khắc mới có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng 79, Công ty cổ phần Bắc Nam 79, Công ty trách nhiệm hữu hạn I.V.C, Công ty cổ phần đầu tư Nhất Gia Phúc) và các bị cáo nghe Hồi đồng xét xử đọc bản tuyên án. - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.01.2020
Vụ nhà đất công sản: Tuyên án hai cựu lãnh đạo Đà Nẵng và Phan Văn Anh Vũ

Mặc dù vậy, trong kết luận điều tra cũng đề cập đến góc độ “nhân đạo” của vấn đề. Suốt quá trình công tác bị can Nguyễn Duy Linh đã có nhiều thành tích, đóng góp trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, được tặng thưởng nhiều huân huy chương nên cần xem xét cân nhắc khi lượng hình.

Trước đó, tại buổi họp báo của Bộ Công an hôm 21/6, như Sputnik đã thông tin, đại diện Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra (C01) Bộ Công an, Đại tá Vũ Quốc Thắng, Cục phó C01 khẳng định, đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Đưa và Nhận hối lộ” liên quan đến các bị can Phan Văn Anh Vũ, Hồ Hữu Hòa, Nguyễn Duy Linh. Đại tá Thắng cho biết, ông Nguyễn Duy Linh bị đề nghị truy tố với tội danh “Nhận hối lộ” theo khoản 4, Điều 354, Bộ Luật Hình sự.

Với khung đề nghị này, ông Linh bị cáo buộc nhận hối lộ trên 1 tỷ đồng và có thể sẽ phải đối mặt với mức án 20 năm tù, chung thân hay tử hình (tùy vào mức độ vi phạm, thái độ hành vi và các yếu tố liên quan). Kết luận điều tra bổ sung cũng đã được chuyển sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao từ ngày 20/6.

Tính chất nghiêm trọng của vụ án Phan Văn Anh Vũ hối lộ ông Nguyễn Duy Linh

Liên quan đến việc cựu Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Tình báo Bộ Công an bị khởi tố tội “Nhận hối lộ” trong vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng, kết luận của cơ quan Điều tra cho thấy tính chất nghiêm trọng của sự việc.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ tại tòa - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.09.2020
Đà Nẵng khai trừ 5 đảng viên liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ

Luật sư Cường phân tích, căn cứ vào kết luận của Cơ quan điều tra Bộ Công an thì cơ quan này đã khởi tố với ba tội danh là đưa hối lộ, môi giới hối lộ và tội nhận hối lộ. Các bị can này đều bị đề nghị truy tố ở khung cao nhất thuộc khoản 4 của các điều luật.

“Bởi vậy, nếu Viện Kiểm sát chấp nhận nội dung kết luận điều tra thì có bị cáo sẽ bị truy tố ở khung cao nhất (hình phạt tử hình)”, luật sư Cường nêu nhận định.

Nội dung kết luận điều tra của cơ quan chức năng cũng chỉ ra, tính cả số tiền USD (đôla Mỹ) và các tài sản liên quan, khoản nhận hối lộ của ông Linh lên đến hơn 16 tỷ đồng (trong đó có 5 tỷ VNĐ và số USD tương đương hơn 11 tỷ đồng).

Mặc dù các bị can không nhận tội, nhưng Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã thu thập được thì cơ quan điều tra vẫn kết luận các bị can phạm tội đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ và đề nghị truy tố các bị can ở khung hình phạt cao nhất của mỗi tội danh.

Vị chuyên gia chia sẻ quan điểm trên VOV nhận định, theo quy định của pháp luật thì bị can không có nghĩa vụ phải nhận tội, không buộc phải đưa ra bằng chứng chống lại mình, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng.

“Theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì bị can mặc nhiên không có tội. Nếu cơ quan điều tra, Viện Kiểm soát thu thập các tài liệu, chứng cứ một cách hợp pháp mà chứng minh được các bị can, bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội, hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ đề nghị tòa án kết tội các bị cáo”, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Ông Cường cũng dẫn quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội nhận hối lộ thì với số tiền nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên thì người bị kết tội sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

“Trường hợp tòa án xác định bị cáo có tội nhưng bị cáo không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải, là người hiểu biết pháp luật nhưng cố tình vi phạm pháp luật, tiền nhận hối lộ đặc biệt lớn (gấp hơn 10 lần số tiền cao nhất định khung hình phạt) thì có thể sẽ phải nhận mức án cao nhất”, luật sư nói.

Với bị can bị đề nghị truy tố về tội “Đưa hối lộ”, theo ông Cường, thì mức hình phạt cao nhất theo quy định của pháp luật là 20 năm tù. Trong khi đó, đối tượng bị đề nghị truy tố về tội môi giới hối lộ thì hình phạt phải đối mặt cao nhất đến 15 năm tù, theo quy định tại khoản 4, điều 365 Bộ luật hình sự năm 2015.

Chuyên gia nhấn mạnh, hiện vụ án đang trong giai đoạn truy tố, Viện Kiểm sát có thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc ban hành cáo trạng để truy tố đối với các bị cáo, đề nghị tòa án xét xử.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng 79, Công ty cổ phần Bắc Nam 79, Công ty trách nhiệm hữu hạn I.V.C, Công ty cổ phần đầu tư Nhất Gia Phúc) nghe đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.01.2020
Phan Văn Anh Vũ không thừa nhận tội danh theo cáo trạng

Luật sư cũng khẳng định, căn cứ vào các chứng cứ mà cơ quan tố tụng đã thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án, tòa án sẽ quyết định các bị cáo có tội hay không và áp dụng mức hình phạt phù hợp. Trường hợp bị cáo nhận hối lộ nhưng không thừa nhận hành vi phạm tội, không ăn năn hối cải, số tiền nhận hối lộ đặc biệt lớn thì có thể bị cáo sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất. Còn trường hợp bị cáo không nhận tội và chứng cứ được làm rõ tại phiên toà cũng không đủ căn cứ kết tội thì tòa án có thể trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc tuyên bố bị cáo không phạm tội.

Chuyên gia đánh giá, vụ án này chưa kết thúc, các bị cáo chưa bị kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên những thông tin về vụ án cho thấy tính chất nghiêm trọng của sự việc và làm giảm sút niềm tin của người dân về công tác cán bộ. Tuy nhiên quá trình tố tụng cũng cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật, cho thấy việc giải quyết vụ án hình sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất cứ ai vi phạm pháp luật đều phải chịu chế tài trước pháp luật.

“Đó là quyết tâm của đảng và nhà nước ta đối với công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng giai đoạn hiện nay”, luật sư Đặng Văn Cường kết luận.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала