Dữ liệu thử nghiệm Covivac đã được gửi sang Canada, Thái Lan để đánh giá, phân tích mức độ an toàn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất với lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất, phát triển vaccine, thực hiện chiến dịch vaccine Covid-19.
Tin mới nhất về vaccine Covid-19 thứ hai của Việt Nam – Covivac
Hôm nay, 29/6, Bộ Y tế Việt Nam đã có những thông tin chính thức mới nhất về vaccine Covid-19 thứ hai đang được nghiên cứu và phát triển.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, vaccine Covivac do Việt Nam nghiên cứu đã xong giai đoạn 1.
“Covivac có tính an toàn tốt, sinh miễn dịch khả quan. Mẫu vaccine này cũng đã được gửi sang Canada để một cơ quan độc lập đánh giá kết quả, tính sinh miễn dịch”, Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.
Covivac là vaccine chống lại coronavirus do công ty Vaccine và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) nghiên cứu hiện đang được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội để thử nghiệm tại Việt Nam.
Đây cũng là vaccine Covid-19 thứ 2 ở Việt Nam được cấp phép thử nghiệm trên người.
“Vaccine này đã hoàn thành pha 1 và đang gửi kết quả đánh giá sang Canada. Chúng tôi chắc rằng cuối tháng 6 này sẽ có kết quả và sẽ bắt đầu tiến hành pha 2 vào tháng 7 tới. Chúng tôi hy vọng trong năm 2021 sẽ xong pha 2 và đầu 2022 sẽ tiến hành pha 3”, GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết.
“Chúng tôi cũng đang đợi kết quả của Canada là một cơ quan độc lập đánh giá rất khách quan. Cuối tháng 6 này khi có kết quả, chúng tôi sẽ báo cáo Hội đồng đạo đức, Bộ Y tế và xin phép triển khai giai đoạn 2, dự kiến bắt đầu từ tháng 7, được thực hiện ở Thái Bình”, GS.TS Đăng Đức Anh tiết lộ.
Theo Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương theo dự kiến khi kết thúc giai đoạn 2, với hàng nghìn người tham gia, có thể đến cuối năm Viện sẽ xin phép Hội đồng đạo đức triển khai giai đoạn 3.
“Hy vọng vaccine này cũng sớm được sử dụng vào đầu năm 2022”, GS.TS Đặng Đức Anh nhấn mạnh.
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, Nanocovax, vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam đang ở trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng được thực hiện trên 13 nghìn người. Tuần qua, Hội đồng đạo đức đã nhất trí đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm Nanocovax. Cụ thể tới 15/7 sẽ tiêm xong mũi 1 cho 12 nghìn tình nguyện viên và tới 15/8 sẽ tiêm xong mũi 2 cho tất cả 13 tình nguyện viên.
Sau Canada, gửi dữ liệu thử nghiệm Covivac sang Thái Lan
Bên cạnh Canada, được biết, Việt Nam cũng sẽ gửi dữ liệu thử nghiệm vaccine Covivac sang Thái Lan.
Điều này được PGS.TS Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết.
Ông Thiểm cho hay, đến nay đã hoàn thành 6 lần thăm khám cho các tình nguyên viên tham gia thử nghiệm Covivac.
Sau lần này, nhóm nghiên cứu sẽ gửi dữ liệu phân tích sang đối tác tại Thái Lan để kiểm tra, đánh giá độc lập, khách quan về số liệu và tỷ lệ các biến cố bất lợi (phản ứng phụ) xảy ra đối với vaccine thứ hai ngừa Covid-19 này của Việt Nam.
Theo Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, sau khi kết thúc đợt thăm, khám thứ 6, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục khám lần 7,8 cho các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm Covivac.
Vị lãnh đạo cũng nhắc lại, trước đó, mẫu huyết thanh của tình nguyện viên thử nghiệm Covivac được gửi sang Canada để đánh giá về tính sinh miễn dịch, hiện chưa có kết quả.
“Dự kiến khi kết thúc lần thăm khám thứ 7, nhóm nghiên cứu tiếp tục gửi mẫu huyết thanh sang Canada để đánh giá về thời gian tồn tại trong cơ thể người với kháng thể do vaccine tạo ra”, PGS.TS Vũ Đức Thiểm nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng nêu rõ, dự kiến, kết quả phân tích độ an toàn vaccine sẽ có vào ngày 9/7 tới đây. Ngày 19/7 có kết quả tính sinh miễn dịch của Covivac.
“Sau đó, chúng tôi sẽ báo cáo Hội đồng đạo đức và Bộ Y tế để xem xét, quyết định triển khai tiếp giai đoạn 2. Nhóm cố gắng tới cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 có thể tiêm liều đầu tiên của giai đoạn 2”, PGS.TS Vũ Đức Thiểm nhấn mạnh.
Chuyên gia cũng chỉ rõ, kế hoạch thử nghiệm Covivac thời gian tới sẽ điều chỉnh sao cho phù hợp hơn với tình hình thực tế, nhưng vẫn cố gắng tuân thủ yêu cầu khoa học về thử nghiệm lâm sàng cũng như cân nhắc an toàn sức khỏe cho người tham gia.
Cho biết thêm về vaccine Covivac, Viện trưởng Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) Dương Hữu Thái hco biết, các đánh giá ban đầu về Covivac rất khả quan.
“Điều này giúp nhà sản xuất có niềm tin để tiếp tục nghiên cứu vaccine. Khi các kết quả nghiên cứu được Bộ Y tế phê duyệt, IVAC có thể công bố kết quả thử nghiệm trên tạp chí y khoa quốc tế”, ông Dương Hữu Thái khẳng định.
Đề nghị WB hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19
Ngày 29/6, đại diện Ngân hàng Thế giới đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam về vấn đề vaccine cũng như công tác hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.
Cụ thể, trong cuộc gặp với bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) và bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long đã đề xuất WB có những dự án viện trợ không hoàn lại, hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine, nghiên cứu, phát triển, sản xuất vaccine trong nước.
Phát biểu với đại diện WB, GS.TS Nguyễn Thanh Long cảm ơn Ngân hàng Thế giới đã có nhiều hỗ trợ quý báu cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân của Việt Nam, trong đó có công cuộc phòng chống dịch Covid-19.
Nhấn mạnh lời cảm ơn đến Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã quan tâm, hỗ trợ ngành y tế, ông Nguyễn Thanh Long cũng mong muốn WB tiếp tục quan tâm hỗ trợ công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đặc biệt trong phòng chống dịch.
Phát biểu với lãnh đạo Ngân hàng Thế giới Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất WB có những dự án viện trợ không hoàn lại hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển vaccine cũng như ứng phó công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam.
“Việt Nam rất quan tâm phát triển vaccine. Việt Nam là 1 trong 39 quốc gia có Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine đạt chuẩn quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cũng là một trong 44 quốc gia có thể sản xuất được vaccine), nhưng hiện có rất ít khoản đầu tư cho lĩnh vực này”, ông Nguyễn Thanh Long thẳng thắn.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề xuất, nếu như có khoản vốn vay của WB, Việt Nam sẽ tiến hành xây dựng một trung tâm nghiên cứu, phát triển vaccine và sinh phẩm y tế, đồng thời, xây dựng nhà máy sản xuất vaccine đáp ứng Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như đại dịch trong tương lai (nếu có).
Theo lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam, quy trình khép kín từ nghiên cứu, sản xuất đến kiểm định vaccine có ý nghĩa rất quan trọng để nâng cao năng lực tổng thể phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam.
“Việt Nam luôn ưu tiên công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Do đó, mong Ngân hàng Thế giới ủng hộ những dự án này của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ.
Lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam cũng đề nghị WB tiếp tục ủng hộ các dự án hiện đang thức hiện như thúc đẩy cải cách đào tạo nhân lục y tế, các dự án y tế cơ sở tại các địa bàn khó khăn, đồng thời mong muốn Ngân hàng Thế giới có những hỗ trợ để thúc đẩy tiến trình giải ngân nhanh hơn.
WB mong Việt Nam tiếp tục chống dịch thành công
Phát biểu với Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, bà Victoria Kwakwa chia sẻ, Việt Nam đã phòng chống dịch hiệu quả, tuy nhiên trước biến đổi mới của SARS-CoV-2, cần có thêm chiến lược vaccine kết hợp chặt chẽ các biện pháp trước đó.
“Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục có những thành công trong phòng chống dịch, bảo vệ được thành quả chống dịch của mình, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khẳng định.
Đáp lại đề xuất của Bộ trưởng Bộ Y tế về các nguồn vốn vay cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine, bà Victoria Kwakwa đánh giá, đây là đề xuất hết sức quan trọng, do đó Bộ Y tế và WB cần làm việc sớm. Cần có sự phối hợp và làm việc thống nhất giữa các bộ, ngành để có thể trong thời gian ngắn có thể huy động được các nguồn vốn trong các dự án của WB hiện chưa sử dụng hết tại Việt Nam, kết hợp thêm các nguồn viện trợ hoặc vốn vay khác để nhanh chóng thiết kế thành dự án mới cho ngành y tế Việt Nam.
Đối với vấn đề hỗ trợ liên quan đến nguồn vốn không hoàn lại của Dự án hỗ trợ khẩn cấp cho đại dịch, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết hiện đã giải ngân xong. Đối với dự án mới, WB sẽ tiếp tục tìm hiểu và sẽ có phản hồi sớm.
Bên cạnh đó, đại diện WB cũng thông tin về việc có thể tái sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi trộn với vốn vay không ưu đãi để không làm tăng trần nợ công của Chính phủ.
Nói về tiến độ cung ứng vaccine cho Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cho hay, hiện tại nguồn cung phụ thuộc vào khả năng cung ứng theo cam kết của các nhà sản xuất.
“Chúng tôi cố gắng sẽ thúc đẩy các hãng, nhà sản xuất vaccine cũng như COVAX cung ứng đúng thời hạn đã ký kết với Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ đang có kế hoạch viện trợ Pfirez cho một số nước, trong đó có Việt Nam”, Phó Chủ tịch WB nhấn mạnh và khẳng định bản thân cũng cố gắng thúc đẩy thảo luận để đảm bảo Việt Nam có trong danh sách được cung ứng vaccine.
Cùng với đó, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk nói về dự án nâng cao năng lực đào tạo cán bộ y tế cho Việt Nam cho hay, hiện đã triển khai đạt các mục tiêu đề ra.
“Cuối năm nay sẽ đóng dự án. Dự án nâng cao năng lực y tế cơ sở, đại điện cho biết hiện vẫn còn 1 số địa phương vẫn đang chưa đảm bảo thời gian thực hiện (do đang phòng chống dịch), tuy nhiên mong muốn triển khai càng sớm càng tốt vì đây là các cơ sở y tế tuyến đầu”, bà Turk nói.
Sau cuộc làm việc này, lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam đã có sự chỉ đạo để Vụ Hợp tác quốc tế nhanh chóng làm việc với đại diện Ngân hàng Thế giới nhằm đẩy nhanh triển khai các vấn đề đã thống nhất.