Ngày 29/6, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối 2021 và đầu 2022.
Một trong số mục tiêu chính mà Chính phủ đề ra là thời gian tới tập trung kiểm soát, đẩy lùi Covid-19, hoàn thành tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng nhanh nhất. Điều gây chú ý và quan tâm nhất là đề xuất lập trung tâm chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhằm chuẩn bị để Việt Nam “tiến tới hình thành công nghiệp sản xuất vaccine”.
Việc hiện thực hóa chiến lược này có khả thi không? Có thể nói gì về công nghiệp sản xuất vaccine tại Việt Nam? Việc nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam đang ở giai đoạn nào?
Công nghiệp sản xuất vaccine tại Việt Nam
Theo GS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ quốc gia của Việt Nam thì từ hơn 35 năm nay, Việt Nam đã triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc với 12 loại vaccines, trong đó có 10 loại vaccines do Việt nam tự sản xuất để phòng chống các bệnh nguy hiểm như các bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn. Tất cả đều đạt tiêu chuẩn quốc tế và được WHO cấp phép sử dụng toàn cầu.
“Thực ra, Việt Nam đã có một nền công nghiệp sản xuất vaccine từ đầu thế kỷ XXI. Chỉ có điều là quy mô còn nhỏ và số lượng, chủng loại vaccine sản xuất còn hạn chế”, - Chuyên gia Hồng Long nói với Sputnik.
“Vấn đề đối với Việt Nam hiện nay là phát triển công năng và mở rộng quy mô của các cơ sở sản xuất vaccine để các cơ sở này có thể sản xuất vaccine chống COVID-19. Và nếu điều kiện cho phép, khi được chuyển giao công nghệ mới, có thể thiết lập các cơ sở chuyên trách sản xuất vaccine phòng chống COVID-19. Với tiềm lực y sinh học của Việt Nam thì mục tiêu này hoàn toàn khả thi. Vấn đề còn lại là cơ chế đầu tư và thời gian”, - Chuyên gia Hồng Long nói tiếp với Sputnik .
Việc nghiên cứu sản xuất vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam đã tới đâu?
Báo cáo của Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen trình Hội đồng Y đức và Bộ Y tế cho biết vaccine NANO COVAX đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm thứ 2 vào đầu tháng 6/2021 với kết quả 100% tình nguyện viên sinh miễn dịch với tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh lên tới 99%. Trước đó, Nanogen cùng Học viện Quân y và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã tiến hành tiêm thử nghiệm giai đoạn 3 trước thời hạn hoàn thành xét nghiệm đánh giá giai đoạn 2 nhằm hoàn thành sớm giai đoạn quan trọng này.
Theo Trung tướng GS-TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y Việt Nam thì đến ngày 30/6/2021, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen phối hợp với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và Học viện Quân y đã hoàn thành pha đầu của giai đoạn ba thử nghiệm vaccine NANO COVAX với 1.000 trường hợp theo tỷ lệ 6 người tiêm vaccine và 1 người tiêm giả dược. Pha thứ hai sẽ được bắt đầu ngay từ trung tuần tháng 7 với tỷ lệ tiêm vaccine/giả dược là 2/1 cho 12.000 tình nguyện viên.
“Hiện nay, theo sự chỉ đạo của các bác sĩ, các nhóm tình nguyện viên có sức khỏe ổn định vẫn thường xuyên cập nhật nhật ký điện tử (eDiary) về tình trạng sức khỏe và các phản ứng phụ (nếu có). Các mẫu máu xét nghiệm của các tình nguyện viên sẽ được lấy từ ngày D+42 (tức là ngày thứ 42 sau khi tiêm) để đánh giá quá trình sinh miễn dịch. Trên cơ sở các dữ liệu của pha thứ hai với đông đảo người tiêm thử nhất, trong tháng 9/2021, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen và các đơn vị phối hợp sẽ hoàn thành toàn bộ hồ sơ xin trình Hội đồng Y đức quốc gia thẩm định và xin cấp phép của Bộ Y tế. Nếu mọi việc đều tiến triển thuận lợi thì đến Quý IV-2021 hoặc chậm nhất là Quý I/2022 Việt Nam sẽ có vaccine nội địa phòng chống COVID-19. Vấn đề còn lại là năng lực sản xuất”, - Chuyên gia Hồng Long phát biểu với Sputnik.
“Mục tiêu đặt ra rất cần thiết, vấn đề là xây dựng cơ chế thành lập trung tâm chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế. Rồi cơ chế hỗ trợ để thu hút tất cả các nguồn lực muốn đầu tư vào nền công nghiệp này”, - PGS-TS Hoàng Giang bình luận với Sputnik.
Đa dạng nguồn vaccine phòng COVID-19. Những cái khó
Vào cuối tuần trước, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc tại Công ty Vabiotech. Tại buổi làm việc đó, ông Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nhanh nhất chiến lược vaccine. Đó là việc đa dạng nguồn, đàm phán mua vaccine, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, chậm nhất tháng 6/2022 phải có vaccine theo phương thức chuyển giao công nghệ, sản xuất trong nước.
“Tại buổi làm việc với Công ty Nanogen, Thủ tướng cho biết trong cuộc điện đàm cách đây ít ngày, Tổng Giám đốc WHO đã chia sẻ với Thủ tướng thông tin về tình trạng khan hiếm vaccine trên toàn cầu có thể kéo dài đến tháng 9. Lý do là việc tiếp cận các nguồn vaccine chưa bình đẳng, các nước sản xuất được vaccine và có thể cung ứng đang ưu tiên cho nước họ, hoặc ưu tiên cho các nước khẩn cấp hơn, còn Việt Nam nhìn trên bình diện toàn quốc vẫn cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh”, - Nguồn tin của Sputnik cho biết.
Ông Phạm Minh Chính cũng cho biết, Chính Phủ Việt Nam đang có tới 3 kế hoạch được thực hiện đồng thời để sớm có nguồn cung vaccine chống dịch. Đó là mua vaccine, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và tự lực sản xuất vaccine.
“Ông cũng chỉ đạo thành lập một tổ hành động (task force) hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine do một đồng chí có đủ thẩm quyền để phụ trách, có thể là Bộ trưởng hoặc Phó Thủ tướng để thúc đẩy vaccine sản xuất trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả”, - Chuyên gia Hồng Long chia sẻ thông tin với Sputnik.
Đúng là Việt Nam không thiếu tiền để mua vaccine phòng chống COVID-19. Chỉ cần nhìn vào khoản ngân sách tiết kiệm chi tiêu công từ năm 2020 chuyển sang năm 2021 có giá trị 16.000 tỷ VND là Việt Nam có thể có khả năng tài chính để mua được 3/5 khối lượng vaccine trong số vaccine cần tiêm cho 75% dân số nhằm đạt miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc. Theo công bố công khai của Kho bạc Nhà nước Việt Nam thì số còn lại do các doanh nghiệp, cơ quan, nhà hảo tâm và người dân đóng góp hiện đã lên tới gần 8.000 tỷ VND (đã quy đổi). Cộng với số ngân sách tiết kiệm chi tiêu từ năm 2020 chuyển sang, số tiền này chỉ thiếu 1.000 tỷ VND là đủ để mua được khối lượng vaccine cần thiết.
Tuy nhiên, có tiền chưa chắc đã có ngay được vaccine. Mọi người đều biết tình trạng khan hiếm vaccine chống COVID-19 hiện nay trên toàn cầu. Nó khiến cho các nước nghèo và không ít các nước đang phát triển rất khó tiếp cận nguồn vaccine. Điều này đã được WHO cảnh báo từ cuối năm 2020, khi các loại vaccine đầu tiên được cấp phép lưu hành.
Chính phủ Việt Nam đã khai thác mọi mối quan hệ để sớm có nguồn vaccine nhập khẩu. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã làm việc trực tuyến với các CEO của hãng vaccine Moderna. Còn Bộ Y tế cũng triển khai nhiều cuộc thương thảo với các nhà sản xuất vaccine khác. Kết quả đến đâu thì vẫn phải phục thuộc vào công suất của nguồn cung trong khi các biến chủng SARS-COV-2 lớp “Delta” và lớp “Delta+” đang lây lan nhanh ở Châu Á và bắt đầu đe dọa Châu Âu, Bắc Mỹ…
Theo Bộ Y tế, Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V của Nga theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, dự kiến nhập bán thành phẩm, đóng gói từ tháng 6; dự kiến nhập chính thức đóng ống, đóng gói từ tháng 7. Giai đoạn hai sẽ lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới để mở rộng công suất đóng gói từ 100 đến 150 triệu liều mỗi năm.
“Hình thành công nghiệp vaccine là một chiến lược hợp lý, hợp thời. Vấn đề là nguồn lực và cơ chế thực hiện. Vấn đề là trước mắt phải tiếp cận nhanh nhất có thể các nguồn vaccine và thuốc chữa. Hệ thống y tế của Việt Nam khó có thể cáng đáng nổi số lượng lớn người mắc virus Corona (TP Hồ Chí Minh mới có chưa tới 5000 người nhiễm trong đợt dịch thứ 4 này mà đã phải huy động tới hơn 300 y bác sỹ từ miền Bắc vào). Hiện tại, ngay cả việc Nga chuyển giao công nghệ sản xuất Sputnik V, nhập bán thành phẩm, đóng gói ở Việt Nam còn nhiều bất cập”, - PGS-TS Hoàng Giang nêu ý kiến của mình với Sputnik.