Chủng cúm gia cầm này được tìm thấy thông qua xét nghiệm sau khi một trang trại gà tại xã Vũ Oai, TP Hạ Long xuất hiện tình trạng gà chết hàng loạt.
Chủng cúm gia cầm A/H5N8 lần đầu xuất hiện tại Việt Nam
Theo đó, thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ninh hôm 2/7 cho biết, kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng II về 3 mẫu gà chết của hộ chăn nuôi ở xã Vũ Oai, TP Hạ Long cho thấy, cả 3 mẫu đều dương tính với virus cúm gia cầm A/H5N8.
Trước đó, ngày 29/6, tình trạng gà chết rải rác đã xuất hiện tại trại chăn nuôi gà của anh Nguyễn Huy Long, trú thôn Bãi Cát, xã Vũ Oai, TP Hạ Long. Sang ngày 30/6, số gà chết trong ngày đã lên tới 200 con.
Nhận được tin báo, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TP Hạ Long đã tiến hành lấy mẫu gửi đi xét nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân. Kết quả cho thấy, virus cúm gia cầm A/H5N8 là thủ phạm gây ra vụ việc.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên chủng cúm A/H5N8 xuất hiện tại Việt Nam.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ninh Trần Xuân Đông, virus cúm A/H5N8 không những có thể làm chết gia cầm mà còn có thể lây lan sang người, tuy nhiên không gây ra triệu chứng với người khỏe mạnh.
"Nếu cơ thể người nhiễm bệnh có bệnh lý nền thì sẽ phát bệnh, nếu người khỏe, sức đề kháng tốt thì mầm bệnh không phát tác nhưng lưu trữ trong cơ thể và phát triển, biến đổi tiếp đời, có nguy cơ tạo ra những biến chủng bệnh nguy hiểm trên người, trong đó không loại trừ những bệnh có thể lây lan từ người sang người", ông Đông thông tin cho biết.
Cũng theo ông Đông, ngành thú y tỉnh Quảng Ninh cũng đã mời Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh cùng vào cuộc, tìm hiểu và sẽ có báo cáo cụ thể sau.
Các cơ quan của tỉnh Quảng Ninh hiện đang gấp rút tổ chức các biện pháp khoanh vùng, dập dịch với mục tiêu kiên quyết không để dịch bệnh lây lan.
Các ổ dịch cúm A/H5N8 từng được ghi nhận tại một số nước trước đây. Vào năm ngoái 2020, tại nhiều trại nuôi gà ở Nga cũng xuất hiện chủng virus này gây bệnh. Khi đó, có 7 người Nga được xác định dương tính với virus cúm A/H5N8, do lây nhiễm từ gia cầm bệnh.
Lý giải nguồn lây nhiễm chủng cúm gia cầm mới tại Việt Nam
Bình luận về nguồn lây của chủng cúm gia cầm này tại Việt Nam, ông Trần Xuân Đông cho rằng, nhiều khả năng chủng cúm a/H5N8 này đã được phát tán bằng con đường tự nhiên.
Ví dụ, có thể những con chim hoang dã di cư từ vùng có dịch ở nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc…, khi về đến Việt Nam đã tiếp xúc và làm phát tán dịch bệnh trong nước.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng không loại trừ khả năng từ chủng cúm gia cầm cũ A/H5N6 tự biến đổi sang chủng cúm mới A/H5N8. Hiện tại trên thế giới và Việt Nam đang ghi nhận ít nhất 156 chủng cúm gia cầm các loại. Từ đầu năm 2021 đến nay các ổ dịch cúm gia cầm ở Quảng Ninh đều ghi nhận liên quan đến chủng A/H5N6”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ninh chia sẻ với Zing.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Vũ Oai Đào Tất Thắng cho biết, trang trại của gia đình anh Long đang nuôi khoảng gần 2.000 con gà. Ngay sau khi vụ việc xảy ra và tiếp nhận tin báo, UBND xã đã có báo cáo gửi thành phố. Địa phương cũng phối hợp với Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Hạ Long đến trang trại nhà anh Long để kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm A/H5N8, 20 cán bộ xã đã phối hợp với thành phố tiến hành kiểm đếm, tiêu hủy toàn bộ đàn gà bằng phương pháp chôn lấp.
“Toàn bộ quy trình tiêu hủy, khử khuẩn chúng tôi đều thực hiện theo khuyến cáo của cơ quan thú y. Sau khi chôn lấp đàn gà, chúng tôi cử lực lượng trông coi, dựng vành đai và cắm biển cảnh báo tại hố chôn lấp”, chủ tịch xã Vũ Oai cho hay.
Để đảm bảo phòng ngừa dịch bệnh, cơ quan chức năng cũng tiến hành rắc vôi bột, khử khuẩn toàn bộ trang trại cùng các hộ dân xung quanh trên địa bàn.
CDC Quảng Ninh lấy mẫu xét nghiệm gia đình hộ dân nuôi gà
Chia sẻ với báo chí, Giám đốc CDC Quảng Ninh Ninh Văn Chủ cho biết, ngành y tế đã tiến hành lấy 6 mẫu từ các thành viên gia đình anh Long và các hộ dân xung quanh để làm xét nghiệm dịch tễ. Vì đây là chủng virus mới xuất hiện tại Việt Nam nên việc xét nghiệm, phân tích mẫu đang có một số khó khăn nhất định.
Sáng 3/7, toàn bộ 6 mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với virus A/H5N8. CDC Quảng Ninh vẫn tiếp tục tích cực phối hợi với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh tiến hành lấy mẫu và theo dõi chặt chẽ sự biến đổi của chủng cúm mới để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh.
Cuối tháng 1/2021, Hồng Kông cũng phát hiện 2 mẫu phân chim tại khu bảo tồn Mai Po (vùng đầm lầy được công nhận là nơi cư trú của hơn 100 000 loài chim di cư) nhiễm chủng cúm H5N8. Chủng virus này được các chuyên gia đánh giá là có độc lực cao.
Các nhà khoa học tại Đại học Hồng Kông cảnh báo, tuyệt đối phải hết sức cảnh giác trước khả năng virus lây nhiễm sang những người có hệ miễn dịch kém. Nhiều ca nhiễm virus cúm gia cầm có độc lực cao ở người như H5N1, H7N9 đã gây ra tử vong cho người bệnh trước đó.