Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường kinh tế số có mức tăng trưởng cao và tiềm năng trong các nước ASEAN.
Việt Nam thuộc top 10 thị trường smartphone lớn nhất thế giới
Khá bất ngờ, Việt Nam nằm trong top 10 thị trường điện thoại thông minh (smartphone) lớn nhất thế giới.
Các nhà nghiên cứu của hãng nghiên cứu thị trường Statista cho thấy, doanh số smartphone hàng năm tại Việt Nam đã tăng gấp 3 lần từ năm 2009 đến năm 2015, trong bối cảnh doanh số bán điện thoại thông minh trên thế giới liên tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo Statista, thị trường dần trở nên ổn định với mức tăng khoảng 1,5 triệu chiếc mỗi năm. Vào năm 2020, khoảng 1,38 tỷ smartphone đã được bán trên toàn thế giới, số lượng này sẽ tiếp tục tăng vào năm 2021 với ước tính vào khoảng hơn 1,53 tỷ chiếc.
Đáng chú ý, cũng theo khảo sát của Statista, chỉ tính đến tháng 5/2021, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về lượng người dùng smartphone trên thế giới với gần 912 triệu, bằng cả Mỹ, Ấn Độ và Indonesia cộng lại. Có thể hiểu vì sao Apple lại coi quốc gia hơn 1,3 tỷ dân này là thị trường trọng tâm – miếng bánh béo bở của mình như vậy.
Nhóm khảo sát của Statista cũng cho thấy, dù số lượng chưa bằng một nửa của Trung Quốc nhưng Ấn Độ đứng thứ hai với hơn 439 triệu người dùng. Theo Statista, hai quốc gia này sẽ tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng vì dân số khổng lồ và tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Indonesia và Việt Nam là hai thị trường có lượng người dùng cao nhất.
Theo đó, Indonesia có 160,2 triệu người dùng smartphone và đứng thứ tư trong danh sách. Xếp ngay sau là Việt Nam với hơn 61,3 triệu người dùng, nằm trong top 10 quốc gia có số lượng người dùng smartphone lớn nhất thế giới.
Philippines và Thái Lan có số lượng người dùng thấp hơn, lần lượt là 41,3 triệu và 37,8 triệu.
Cần lưu ý rằng, tỷ lệ sở hữu, sử dụng, thâm nhập smartphone có thể được sử dụng như một chỉ số để đo lường mức độ tiên tiến của nền kinh tế của một quốc gia. Theo đó, số lượng người dùng smartphone và tỷ lệ thâm nhập của smartphone được coi là một trong những nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế số ở hầu hết các nước.
Năm 2020 vừa qua, tỷ lệ sử dụng smartphone tại Việt Nam đứng thứ 9 với 63,1%, cao hơn Indonesia (58,6%) và Philippines (37,7%). Đặc biệt, Việt Nam cũng được đánh giá là một thị trường kinh tế số tăng trưởng cao trong khu vực Đông Nam Á.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin trước đó, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á vào năm 2020 đã chứng kiến sự tăng trưởng của thương mại điện tử, mua sắm online, giao dịch trực tuyến tăng vọt bối cảnh diễn ra trên toàn cầu.
Theo đó, thanh toán kỹ thuật số đạt 620 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Bên cạnh đó, truyền thông trực tuyến cũng công bố mức tăng trưởng 22%, đạt 17 tỷ USD vào năm 2020. Điều này được thúc đẩy bởi sự phát triển bùng nổ của các nhà cung cấp dịch vụ phát trực tuyến video, với tốc độ tăng trưởng gấp 12 lần ở Việt Nam và 18 lần ở Thái Lan.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia đã ghi nhận mức tăng trưởng hai con số cho nền kinh tế kỹ thuật số.
Riêng nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam có tổng giá trị khoảng 14 tỷ USD và dự kiến đạt 52 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng bình quân 29% từ nay đến năm 2025.
Người Việt dành nhiều thời gian sử dụng smartphone, xem Youtube, lướt Facebook
Báo cáo của WeAreSocial năm 2021 cũng cho thấy, lượng người sử dụng nền tảng trực tuyến tại Việt Nam tính từ đầu năm nay tăng thêm 7 triệu người, tăng 11% so với cùng kỳ 2020.
Đồng thời, thị trường kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng do những thay đổi đáng kể về hành vi tiêu thụ các nội dung trực tuyến của người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh do coronavirus gây nên.
Appota, một doanh nghiệp dịch vụ số nêu trong báo cáo về "Thị trường ứng dụng di động 2021" công bố hôm 12/5/2021 cho thấy, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động, trong đó 64% các thuê bao đã kết nối 3G và 4G.
Đáng chú ý, theo Appota, người dùng Việt Nam sử dụng smartphone có xu hướng tăng lên. Theo đó, trung bình mỗi ngày sử dụng di động từ 4 giờ/ngày năm 2020 tăng lên 5,1 giờ/ngày như hiện nay (tăng 25%).
Ngoài ra, xét về tỷ lệ dân số sử dụng Internet cũng chiếm 70%, lượng người dùng sử dụng Internet qua thiết bị di động chiếm khoảng 95% và mỗi ngày trung bình mất 3 giờ 18 phút để sử dụng Internet qua di động.
Đây là con số khá ấn tượng, chứng minh smartphone đang được ưu tiên làm thiết bị kết nối chính nhờ sự tiện lợi và phổ biến, theo Appota.
Mạng xã hội (Facebook, Youtube, Instagram…), những ứng dụng xem phim và nhắn tin là các loại ứng dụng phổ biến nhất mà người dùng Việt sử dụng.
Theo ước tính của Appota, Facebook và Youtube cũng là hai ứng dụng mà người dùng smartphone dành nhiều thời gian nhất với 25% và 12% thời gian sử dụng.
Về phần các ứng dụng nhắn tin, điểm đáng chú ý nhất chính là việc Zalo đã vượt qua Facebook Messenger để trở thành ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất đối với người Việt - chiếm 6%-7% thời gian sử dụng. Ngoài ra còn nhiều ứng dụng khác cũng được người dùng lựa chọn như Wechat, Skype, Viber, Instagram.
Bên cạnh đó, năm 2020 cũng ghi nhận sự bùng nổ của ứng dụng TikTok với hơn 16 triệu lượt tải về. Các video ngắn thịnh hành trên TikTok cùng những điểm mới lạ đã khiến ứng dụng này trở thành xu hướng giải trí mới tại Việt Nam suốt thời gian qua.
Các chuyên gia đánh giá, tác động lớn nhất dẫn đến sự gia tăng này là do Covid-19 và khoảng thời gian giãn cách xã hội trước đó đã làm thay đổi thói quen và gia tăng thời gian tương tác với thế giới thông qua smartphone cũng như các kênh liên lạc “phi truyền thống” khác.
Ngoài ra, tỷ lệ người dân sử dụng smartphone cao, giá thành điện thoại Android với nhiều phân khúc đa dạng, dễ dàng tiếp cận mọi đối tượng người dùng nên các ứng dụng từ thông thường đến ứng dụng quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp cũng trở nên phổ biến hơn. Điều này cũng cho thấy quá trình chuyển đổi số đang diễn ra hết sức nhanh chóng tại Việt Nam.
TikTok và xu hướng chuyển đổi số ở Việt Nam
Theo kết quả nghiên cứu "Chuyển đổi số: Giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 và Phát triển" năm 2021 của VCCI, có đến 96,9% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) khẳng định, chuyển đổi số có vai trò quan trọng với công ty. Các doanh nghiệp này cũng cho biết đã tiến hành chuyển đổi số hoặc sẽ thực hiện trong tương lại gần.
Bên cạnh đó, các nhà mạng tại Việt Nam cũng cung cấp các gói data đa dạng theo ngày, thời gian, dung lượng, gói cước cho từng nhóm khách hàng, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận với internet hơn. Theo số liệu mới nhất, tốc độ mạng trung bình tại Việt Nam vào khoảng 60,88 Mbps, tăng 40,7% so với năm 2019.
Theo đại diện của TikTok, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên toàn cầu và nhu cầu của người ngày càng tăng cao, thị trường trực tuyến tại Việt Nam chắc chắn sẽ còn phát triển hơn nữa.
Vị này cho biết, ngoài các nội dung giải trí, sáng tạo, TikTok hiện đang tập trung vào nội dung mang tính giáo dục, cộng đồng. Có thể kể đến ví dụ như thông tin cập nhật về Covid-19, nội dung giáo dục, hướng nghiệp,… Điều này đang nhận được hưởng ứng tích cực từ người dùng.
Chuyển đổi số tại Việt Nam đã và đang thay đổi thói quen của người dùng internet, thể hiện rõ qua nhu cầu sử dụng các dịch vụ trực tuyến ngày càng tăng. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp triển khai các chiến lược tiếp thị mới để tiếp cận khách hàng tiềm năng.
Khảo sát của công ty Wyzowl cho thấy, xu hướng trong năm 2021 sẽ tiếp tục là các video dạng ngắn. Có 84% người dùng quyết định mua sản phẩm/dịch vụ sau khi xem video của nhãn hàng. Có 96% người dùng đã từng xem các video giải thích về sản phẩm/dịch vụ và và 69% trong số đó thích xem các video ngắn về sản phẩm và dịch vụ.
Trong khi đó, khảo sát của TikTok Việt Nam thực hiện hồi tháng 10/2020 cho thấy, có 96% người dùng TikTok đã thấy các video quảng cáo của doanh nghiệp và 90% người dùng đã hành động (xem hàng, đặt hàng, tìm hiểu sản phẩm,…) sau khi xem những video quảng cáo này.
Trong thời đại hiện nay, hoạt động marketing, tiếp thị đang ngày càng trở nên phổ biến và đa dạng hơn bao giờ hết. Ngoài các kênh truyền thống như TV, banner quảng cáo ngoài trời, SMB còn có thể tiếp cận với một lượng lớn khách hàng qua các nền tảng mới như Big Data (dữ liệu lớn), AI (trí tuệ nhân tạo),…
Việc tiếp cận khách hàng thông qua các nền tảng trực tuyến được kỳ vọng sẽ làm giảm đáng kể chi phí vận hành, tiết kiệm ngân sách và nguồn lực cho doanh nghiệp nhưng vẫn làm tăng hiệu quả tiếp thị và năng suất kinh doanh.
Hiện nay, TikTok đang sử dụng Hệ thống quản lý quảng cáo Ads Manager, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dễ dàng thiết lập quảng cáo với chi phí chỉ từ 200 000 đồng (quảng cáo mức độ nhóm) hoặc từ 500 000 đồng (mức độ chiến dịch). Một điểm thuận lợi là khi sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp có thể chủ động điều chỉnh chi tiêu ở bất kỳ thời điểm nào.