Nói Việt Nam kiểm soát dịch bệnh do coronavirus gây nên hiệu quả hàng đầu thế giới với số lượng ca nhiễm và trường hợp tử vong thấp nhờ ‘may mắn’ là thiếu khách quan và thiển cận.
Trưởng Đại diện tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, TS. Kidong Park khẳng định, Hà Nội đã đi đúng hướng trong việc xử lý các ổ dịch hiện tại trong nước, cả ở TP.HCM lẫn các điểm nóng ở những tỉnh, thành còn lại.
Việt Nam chống dịch thành công không phải vì ‘may mắn’
Thời gian qua, chính Tổ chức Y tế thế giới, lãnh đạo các quốc gia, tổ chức, thể chế, báo chí, truyền thông nước ngoài đều ghi nhận và đánh giá cao kết quả phòng chống Covid-19 của Việt Nam.
Việt Nam cho đến nay vẫn là một trong số ít các nước kiểm soát một cách hiệu quả dịch bệnh Covid-19, đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về sức khỏe, kinh tế cho người dân.
Tuy vậy, vẫn còn đâu đó những ý kiến chỉ trích phiến dịch, thiếu thiện chí, cố tình đánh giá thấp nỗ lực của hệ thống chính trị và toàn bộ người dân. Điều này ít nhiều đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh đang diễn ra.
Như Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định trong cuộc trả lời báo chí mới đây, Việt Nam vẫn được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia kiểm soát dịch tốt, là nước đông dân thứ 15 nhưng lại chỉ nằm trong số 10 nước có lượng ca nhiễm coronavirus, ca tử vong vì Covid-19 thấp nhất thế giới tính trên 1 triệu dân. Điều này cho thấy những nỗ lực phi thường của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết từ các tầng lớp nhân dân vì mục tiêu cao nhất là đẩy lùi dịch bệnh.
Cần phải nhắc lại rằng, Việt Nam chưa phải là nước giàu, có nền kinh tế mạnh, chưa phải là nước có trang thiết bị y tế hiện đại, nhưng Việt Nam đã và đang trở thành điểm sáng toàn cầu trong phòng, chống Covid-19 hiện nay.
Với phương châm “tất cả vì sức khỏe của nhân dân”, nhằm bảo vệ tính mạng người dân, ngay sau khi phát hiện ca Covid-19 đầu tiên, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng triển khai kế hoạch chống dịch với tinh thần sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế nhưng phải quyết bảo vệ cho bằng được sức khỏe, tính mạng người dân.
Quan điểm nhất quán này được duy trì suốt hơn 1 năm qua trong mọi quyết sách dù lớn dù nhỏ, ở bất kỳ thời điểm nào.
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có bài viết đáng chú ý, lý giải vì sao không có thế lực nào có thể phủ nhận thành quả - thực tích – trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam.
Kể từ khi bùng phát vào cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động khủng khiếp chưa từng có đến toàn thế giới, từ đầu thế kỷ 21 đến nay.
Số liệu đến cuối tháng 6/2021, đã có trên 182 triệu người mắc Covid-19 được ghi nhận trên toàn thế giới, với hơn 3,95 triệu ca tử vong. Nền kinh tế và các mặt xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp, chúng ta đã từng bước ngăn chặn có hiệu quả dịch Covid-19.
Đặc biệt, từ cuối tháng 4/2021, dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại nước ta với nhiều chủng virus mới, tốc độ lây lan cao. Với những chủ trương đúng đắn, quyết liệt, chúng ta đã và đang nỗ lực hết sức để dần khống chế được đợt dịch này. Việc khoanh vùng dập dịch, điều trị các ca dương tính tiếp tục được thực hiện có hiệu quả.
Để ứng phó với cơn đại dịch của nhân loại, mọi tầng lớp chính quyền và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực đoàn kết, tiến tới kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Cuối tháng 4/2021, đợt dịch thứ tư bùng phát với các chủng virus mới, tốc độ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Tuy vậy, với những chủ trương đúng đắn, quyết liệt, Việt Nam đã và đang từng bước khống chế và ngăn chặn dịch bệnh. Việc khoanh vùng dập dịch, điều trị các ca lây nhiễm tiếp tục gặt hái thành công.
Dù vậy, vẫn có một số cá nhân, tổ chức, với góc nhìn phiến diện, thiếu thiện chí đã và đang xuyên tạc, bóp méo những thành quả chống dịch của Việt Nam. Bên cạnh chỉ trích các chính sách, chủ trương của Chính phủ trong công tác phòng dịch, các thế lực này còn tung ra luận điệu “Việt Nam chống dịch thành công là nhờ may mắn” để kích động người dân, hạ thấp uy tín của Nhà nước.
Nếu nhìn nhận một các khách quan toàn bộ quá trình đối phó dịch bệnh của Việt Nam, sẽ dễ dàng thấy rõ đây là luận điệu sai trái, phiến diện, một chiều.
Ngay từ ngày đại dịch bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019, Việt Nam đã được xem là nước nằm trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao do là quốc gia láng giềng với Trung Quốc, có nhiều hoạt động giao thương, buôn bán qua lại giữa hai bên.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển, có hệ thống y tế dù đã được quan tâm đầu tư nhưng còn chưa đồng bộ, chưa đủ năng lực tiếp nhận cùng lúc số lượng lớn ca bệnh.
Tuy nhiên, với phương châm “Tất cả vì sức khỏe của nhân dân”, Chính phủ Việt Nam đã xác định rõ, chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế nhưng quyết tâm bảo vệ bằng được sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Phương châm này đã được Chính phủ quán triệt xuyên suốt trong hơn một năm vừa qua, cho đến tận thời điểm này. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 được thành lập, phát động toàn dân, toàn quân bước vào cuộc chiến với đại dịch, trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành của Chính phủ, công tác phòng, chống dịch được ưu tiên với mức cao nhất. Tháng 3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra “Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ở nước ngoài đoàn kết chung sức chống dịch Covid-19”.
Để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều quyết sách, chiến lược, chỉ đạo sáng tạo, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương.
Các biện pháp kịp thời, quyết liệt được đưa ra như: Tập trung tổ chức tốt việc khoanh vùng, dập dịch; truy vết người tiếp xúc với nguồn bệnh trong phạm vi phù hợp; kiểm soát chặt chẽ người bên trong các khu vực phong tỏa, cách ly những người lây nhiễm và tiếp xúc gần một cách hiệu quả.
Ngoài ra, Chính phủ cũng có nhiều chỉ thị về công tác phòng, chống dịch như: Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ: Về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ: Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19...
Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát với quy mô phức tạp hơn, việc chỉ đạo của Chính phủ cũng theo đó càng sát sao hơn nữa, liên tục hằng ngày, hằng tuần, đặc biệt là tại các địa phương xuất hiện nhiều ca lây nhiễm. Từ đó, dịch bệnh đang dần được kiểm soát, một số địa phương phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh thành khác hiện đã ổn định về cơ bản.
Tại TP. HCM, tuy dịch bệnh đang còn phức tạp nhưng toàn thể hệ thống chính trị cả nước cũng như thành phố, gồm Thành ủy và UBND Thành phố đã và đang hết sức chủ động, khẩn trương và quyết liệt để ngăn ngừa và chặn đứng dịch bệnh.
Chung tay với Đảng và chính quyền các cấp, nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người dân đã động viên, tiếp sức cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế vượt qua dịch bệnh. Với tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân, dịch bệnh trên địa bàn thành phố sẽ dần được khống chế, và cuộc sống người dân sẽ sớm trở về trạng thái bình thường mới.
Ngoài những biện pháp khoanh vùng dập dịch, đối phó trực tiếp với dịch bệnh, Việt Nam cũng đang hết sức nỗ lực với chiến lược vaccine đã đặt ra, tạo mọi điều kiện tốt nhất để có đủ vaccine tiêm trên diện rộng cho người dân cả nước. Tất cả được thực hiện một cách khoa học, hiệu quả, tiến tới miễn dịch cộng đồng.
Đập tan luận điệu xuyên tạc thành quả chống dịch của người dân Việt Nam
Để đạt được những thành quả như ngày hôm nay, có sự góp sức của toàn bộ người dân Việt Nam, của các cấp, các ngành, các địa phương, của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là của các lực lượng tuyến đầu chống dịch như Y tế, Quân đội, Công an... Đây hoàn toàn không phải là sự “may mắn” mà một số tổ chức, cá nhân đang xuyên tạc, bóp méo.
Tại buổi họp báo Bộ Ngoại giao vào chiều 24/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
"Nói Việt Nam may mắn trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 là hoàn toàn không khách quan".
Có thể dễ dàng thấy được điều này khi Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 dù mới thành lập đã nhận được sự đóng góp to lớn, với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng từ các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và mọi tầng lớp người dân cả nước lẫn kiều bào đang sống và làm việc tại nước ngoài.
Việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và vận dụng hiệu quả kinh nghiệm thu được sau mỗi đợt dịch sẽ là “chìa khóa” quan trọng để đất nước Việt Nam tiến tới chiến thắng hoàn toàn đại dịch Covid-19.
Đây cũng sẽ là cơ sở để đập tan những luận điệu phủ nhận thành quả chống dịch của Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc đẩy lùi cơn đại dịch nguy hiểm của toàn nhân loại.
Trưởng Đại diện WHO: Việt Nam đã đi đúng hướng
Vừa qua, trả lời truyền thông Việt Nam, TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại đất nước Đông Nam Á này đã đưa ra nhiều nhận định về đợt dịch Covid-19 lần này và khẳng định, Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng.
Trong cuộc trao đổi với TTXVN, ông Park đánh giá, hiện nay dịch bùng phát với nhiều chùm ca bệnh đồng thời ở nhiều cơ sở (bệnh viện, khu công nghiệp, cơ sở kiểm dịch, chợ, trong cộng đồng…) và nhanh chóng lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố.
Đáng chú ý, các biến thể Alpha và Delta, được coi là nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát dịch hiện nay có khả năng lây truyền cao hơn. Vẫn có những chùm ca bệnh không rõ nguồn lây được báo cáo từ một số tỉnh phía Nam.
Điều rất quan trọng chính là trong các bình luận, ý kiến của mình, TS. Kidong Park luôn đánh giá cao những hành động quyết liệt của Việt Nam trong việc ứng phó với các ca lây nhiễm, ổ dịch bùng phát mới.
Với tinh thần quyết tâm và khẩn trương ấy mà nhờ đó các ổ dịch ở nhiều tỉnh, thành phố đã phần lớn được kiểm soát, mặc dù một số địa phương vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như TP.HCM trong giai đoạn hiện nay.
Trưởng Đại diện WHO cũng đặc biệt tin tưởng Việt Nam có đủ khả năng ngăn chặn đợt bùng phát dịch lần này thông qua cách tiếp cận toàn xã hội đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 dẫn dắt ngay từ khi bắt đầu đại dịch đến nay.
Chuyên gia chỉ ra điểm mấu chốt rằng, vấn đề kiểm soát các ổ dịch Covid-19 không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế, cuộc chiến này đòi hỏi sự phối hợp hành động của tất cả các ban, ngành và sự tuân thủ của người dân cả nước.
Theo vị Trưởng đại diện WHO, Việt Nam cần tiếp tục kiên trì công tác truy vết, xét nghiệm, cách ly. Đặc biệt, các địa phương tiếp tục đưa ra biện pháp giãn cách xã hội, bao gồm phong tỏa mục tiêu dựa trên đánh giá nguy cơ. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tuyên truyền về 5K để người dân biết và chấp hành. Đây là những giải pháp hết sức quan trọng để sớm dập dịch.
“Việt Nam cần tăng tỷ lệ bao phủ vaccine cho nhân viên y tế, cán bộ tuyến đầu chống dịch và nhóm đối tượng có nguy cơ cao như người già và người mắc các bệnh nền không lây nhiễm”, TS. Kidong Park kiến nghị.
Tuy vậy, theo ông Kidong Park, đợt bùng phát dịch lần này đang có nhiều thách thức và cần nhiều thời gian hơn để kiểm soát, điều này đòi hỏi những nỗ lực bền bỉ và nỗ lực tập thể theo cách tiếp cận toàn xã hội.
“WHO sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để cung cấp bằng chứng khoa học cập nhật nhất, nhằm hỗ trợ Chính phủ trong quá trình đưa ra quyết định ứng phó với dịch bệnh”, TS. Kidong Park nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định đáp ứng tối đa các nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất, vật tư, sinh phẩm phòng, chống dịch cho TP. HCM.
Chính phủ ưu tiên vaccine phòng Covid-19 cho thành phố và các tỉnh trong khu vực, đồng thời yêu cầu tổ chức tiêm phòng vaccine nhanh chóng, kịp thời, an toàn, hiệu quả cho các đối tượng. Sáng nay, lô vaccine 580.000 liều AstraZeneca đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất, phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay.