Vì sao tình trạng lây nhiễm và số người bị nhiễm virus tăng nhanh?
Theo đánh giá của Bộ Y tế Việt Nam và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, có một số nguyên nhân dẫn đến việc dịch COVID-19 bùng phát rất nhanh ở TP Hồ Chí Minh và lan rộng ra các tỉnh lân cận và một số tỉnh thành khác.
Về khách quan: Virus SARS-COV-2 đang lưu hành ở phía Nam trong đợt dịch thứ tư này là các biến chủng Delta và Delta+ được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ cuối năm 2020, đầu năm 2021. So với các biến chủng Alpha (Anh), Beta (Nam Phi), Gama (Brazil) thì biến chủng Delta và Delta+ có các gai Protein bám chặt hơn vào các thụ thể của tế bào phổi và tế bào đường hô hấp, có khả năng nhân lên nhanh gấp nhiều lần so với chủng Vũ Hán ban đầu. Nếu như chủng Vũ Hán có hệ số lây nhiễm từ 1,5 đến 2.5 (nghĩa là cứ 2 người có thể lây nhiễm cho 3 đến 5 người) thì biến chủng Delta và Delta+ có hệ số lây nhiễm từ 5 đến 7 hoặc cao hơn (nghĩa là một người có thể lây nhiễm cho 4 đến 7 người hoặc hơn). Bên cạnh đó, còn có hai đặc tính nguy hiểm khác của các biến chủng Delta và Delta+ là người nhiễm có rất ít triệu chứng ban đầu (ho, sốt, rát họng…) và thời gian ủ bệnh không cố định là 7 ngày đến 14 ngày như các chủng virus trước đó mà đã rút ngắn hơn do tải lượng virus được nhân lên với tốc độ gấp 3 đến 5 lần so với các biến chủng cũ.
“Điều này giải thích việc nhiều ca F1 đã chuyển thành F0 chỉ sau 24 đến 48 giờ (trước đây thường ít nhất là 72 giờ sau khi tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần) và có nhiều ca F2, F3, thậm chí là F4 chuyển thành F0 sau một vài ngày. Nói tóm lại, trong đợt dịch này, Việt Nam đang đối mặt với một “địch thủ mới” nguy hiểm hơn nhiều các “địch thủ cũ” trước đây”,- Nhà phân tích Hồng Long nói với Sputnik.
“Đợt dịch này tại TP Hồ Chí Minh thời gian đầu diễn ra ở một số công sở, các tụ điểm sinh hoạt tôn giáo, trường học, quán ăn… nên năng lực kiểm soát theo mô hình chống dịch thủ công còn có khả năng đáp ứng. Nhưng đến khi dịch lan đến các khu chợ đầu mối, các nhà máy và khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà trọ thì hệ thống truy vết và cô lập nguồn lây đã không đáp ứng được”, - Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng nhận định với Sputnik.
Theo nhiều chuyên gia, thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung dân cư đông nhất trong nước cả về dân số và mật độ dân cư cũng như có hệ số giao tiếp xã hội lớn nhất toàn quốc. Vì vậy, công tác phát hiện, bao vây, cô lập và dật tắt nguồn lây khó khăn hơn rất nhiều. Đơn cử như hệ thống giao thông vận tải trên cả ba tuyến đường bộ, đường sắt và đường hàng không của Thành phố Hồ Chí Minh đã có kết nối nội bộ hàng trăm tuyến và hàng chục tuyến kết nối với cả nước cũng như với nước ngoài với tần suất và khối lượng rất lớn. Trước đây, sự lây nhiễm chủ yếu diễn ra trên các phương tiện chở khách. Nhưng hiện nay, ngay cả đội ngũ lái xe tải liên tỉnh và Bắc-Nam cũng trở thành một trong các “kênh lây nhiễm “nguy hiểm.
Về chủ quan:
Cho đến nay, Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tế cũng như Sở Y tế của thành phố Hồ Chí Minh chưa tổng kết, đánh giá nhưng qua các thông tin được công bố trong các cuộc họp và thông tin báo chí, có thể sơ bộ đánh giá một số nguyên nhân chủ quan sau đây:
Còn khi xảy ra sự lây lan rộng của dịch bệnh và thành phố tổ chức tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay thì người dân lại tỏ ra thiếu bình tĩnh, chen chúc nhau trong khu vực chờ đến lượt tiêm chủng hoặc lấy ticket vào xét nghiệm, tình trạng này cũng góp phần làm tăng số ca nhiễm trong cộng đồng.
“Về phía chính quyền và cơ quan y tế thì đã dự báo chậm và chưa đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của tình hình khi dịch bắt đầu bùng phát mạnh từ quận Gò Vấp. Theo đúng nguyên tắc cách ly thì quận Gò Vấp phải được đặt trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” một cách nghiêm ngặt như Bắc Ninh đã làm với 5 trên 7 huyện, thị và thành phố hay như Bắc Giang đã làm với hầu hết các địa phương trên địa bàn. Trong trường hợp cách ly quận Gò Vấp, chính quyền thành phố đã thiếu kiên quyết. Chủ yếu là do họ vẫn còn lấn cấn giữa mục tiêu dập dịch và mục tiêu kinh tế trong khi tình hình lây nhiễm vào thời điểm giữa tháng 6 đã phát triển tới mức các nguyên tắc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg đã không còn phát huy tác dụng”, - Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
“Theo tôi, dịch đã diễn ra hơn một năm qua mà chúng ta chưa có cái nhìn tổng thể, tập trung chủ yếu vào việc “đi đuổi bắt các ca bị mắc”, đã không phong tỏa kịp thời (hiện nay đã thực hiện nhanh) , còn khi phong tỏa xong thì lại không chú ý tới “giao tiếp mềm”. “Giao tiếp mềm” ở đây là kiểu như giao tiếp bác sỹ với bệnh nhân, lực lượng bán đồ ăn, vv… Xong rồi có để ý tới “giao tiếp mềm” thì lại quên về giao tiếp doanh nghiệp. Đó là giao tiếp trong nhà xưởng, nhà máy. Công nhân đi làm về giao tiếp với hàng xóm, nếu người công nhân mắc víu thì sẽ lây cho những người nơi họ sinh sống, và cứ thế …”, - Tiến sỹ Lê Anh phát biểu đánh giá tình hình của mình với Sputnik.
Còn việc quản lý các khu cách ly đối với F1 cũng có nhiều bất cập. Thực tế trong các đợt dịch trước đó đã cho thấy rằng nếu không quản lý chặt trong khu cách ly, để những người đang cách ly có thể tiếp xúc với nhau thì chính khu cách ly cũng sẽ trở thành nguồn lây nhiễm nghiêm trọng.
“Việc quản lý trong khu cách ly tập trung, theo tôi, có bị động. Chúng ta nhìn vào con số người bị nhiễm hàng ngày thì thấy chủ yếu là trong các khu đã cách ly và phong tỏa. Như vậy, khi số lượng người nhiễm nhiều thì phương pháp này đã kém hiệu quả, mặc dù đã rất hiệu quả trong thời gian đầu, khi số lượng người bị nhiễm ít. Hơn nữa, việc cách ly tập trung số lượng đông khó có thể đảm bảo được về kinh tế”, - PGS-TS Hoàng Giang nói với Sputnik.
“Đến đợt dịch thứ tư thì biện pháp cách ly tập trung đối với các F1 thì hiệu quả bị hạn chế. Một phần là do tình trạng chủ quan, “ngoài chặt, trong lỏng”; các cơ ở cách ly đã không tuân thủ nghiêm ngặt quy định “cấm tiếp xúc” cũng như không thi hành đầy đủ các biện pháp phòng hộ nên các F1 chuyển thành F0 đã tạo ra sự lây lan chéo dịch bệnh trong các khu cách ly và ngay tại các bệnh viện tuyến cuối được coi là các “thành trì chống COVID-19” ở Việt Nam”, - Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng phân tích tình hình với Sputnik.
Công tác tổ chức tiêm phòng và xét nghiệm vừa qua tại TP Hồ Chí Minh cũng có vấn đề. Thành phố đã phải có ý kiến phê bình và chấn chỉnh đối với Sở Y tế và CDC của thành phố khi để cho tình trạng hàng nghìn người chen chúc nhau chờ đến lượt tiêm chủng bên ngoài Nhà thi đấu Phú Thọ.
“Thực trạng này cho thấy việc tổ chức tiêm chủng theo hình thức tập trung lớn để “hoàn thành kế hoạch” là không phù hợp. Đáng lẽ ra phải chia nhỏ các điểm tiêm chủng, không được để tụ tập đông người. Việc lấy mẫu xét nghiệm cũng có tình trạng tương tự, nhất là đối với các trường hợp xét nghiệm để có mã an toàn đi ra ngoài thành phố đến các địa phương khác cũng cần được tổ chức một cách có trật tự, bảo đảm giãn cách”, - Nhà phân tích Hồng Long phát biểu ý kiến của mình với Sputnik.
“Hiện nay, theo tôi, việc giải quyết vấn đề liên quan tới lực lượng lao động tự do tại TP Hồ Chí Minh là vô cùng quan trọng, vào bậc nhất. Đó là vào khoảng gần 2 triệu người. Khi bị cấm làm ăn ở TP, họ có thể tỏa đi các vùng hay tỉnh khác thì kiểm soát rất khó. Đây là bài toán khó”, - Tiến sỹ Lê Anh nêu quan điểm của mình với Sputnik.
Chỉ thị 16 và những biện pháp chống dịch mới
Ngay trong đợt dịch bùng phát đầu tiên tại Việt Nam hồi tháng 3 năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành 3 chỉ thị phòng chống dịch, tương ứng với 3 cấp độ bùng phát nguy hiểm của dịch bệnh là 3 trạng thái đối phó dịch bệnh của xã hội. Theo đó:
Chỉ thị 15/CT-TTg ban hành ngày 27-3-2020 có một số yêu cầu bắt buộc sau đây:
- Dừng tất cả các sự kiện tập trung quá 20 người trong một căn phòng không kể diện tích nhỏ hay lớn.
- Không tụ tập quá 10 người tại không gian bên ngoài hội trường, công sở, trường học, bệnh viện .v.v…
- Mọi người giữ khoảng cách an toàn tối thiểu là 2m với người khác.
- Tạm đình chỉ hoạt động của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ; trừ các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như cung cấp lương thực thực phẩm, khám chữa bệnh (phải có sàng lọc), các cơ sở cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác.
- Hạn chế di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác là đặc biệt, hạn chế sự di chuyển đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Chỉ thị 19/CT-TTg ban hành ngày 24-4-2020 được xem là chỉ thị về các biện pháp phòng chống dịch thường xuyên trong “trạng thái bình thường mới”. Cụm từ “trạng thái bình thường mới” được hiểu là đất nước vẫn ở trong “trạng thái bị dịch bệnh đe dọa nhưng chưa nghiêm trọng” chứ không phải là “trạng thái bình thường không có dịch” như nhiều người đã hiểu lầm. Chỉ thị này vẫn có một số yêu cầu bắt buộc như:
- Dừng lễ hội, nghi lễ tôn giáo, các giải đấu thể thao và các sự kiện tập trung đông người khác.
- Không tập trung đông người nơi công cộng, ngoài công sở, bệnh viện, trường học .v.v…
- Mọi người giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 1m với người khác.
- Tiếp tục đóng cửa các khu vui chơi, giải trí, các cơ sở karaoke, mát-xa, vũ trường, v.v…
- Mở cửa trở lại các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, các trung tâm bán buôn, bán lẻ, các di tích, danh lam thắng cảnh, các hoạt động thể thao.v.v…
- Các tuyến xe chở khách liên tỉnh, nội tỉnh và taxi được hoạt động trở lại.
Chỉ thị 16/CT-TTg ban hành ngày 31/3/2020 có một số yêu cầu bắt buộc sau đây:
- Cách ly toàn xã hội theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu dân cư, thôn xóm cách ly với khu dân cư, thôn xóm; phường, xã cách ly với phường. xã; quận, huyện cách ly với quận, huyện; tỉnh, thành phố cách ly với tỉnh, thành phố. Người dân chỉ ra khỏi nhà khi có nhu cầu thực sự cần thiết như khám, chữa bệnh, mua lương thực, thực phẩm .v.v…
- Không tụ tập quá 2 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện… Dừng tất cả các sự kiện có hơn 2 người tham gia ở tất cả các không gian.
- Mọi người giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2 m với người khác.
- Tạm đình chỉ hoạt động của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ; trừ các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như cung cấp lương thực thực phẩm, khám chữa bệnh (phải có sàng lọc).
- Dừng tất cả mọi hoạt động di chuyển đến vùng có dịch và từ vùng có dịch đi nơi khác.
- Dừng tất cả các dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng tại vùng có dịch.
Chỉ thị 16 cũng yêu cầu thực hiện một số điểm như sau:
- Điều 3: “Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở”.
- Khoản a, Điều 5 lưu ý Bộ Y tế: “Chỉ đạo các bệnh viện thực hiện các quy trình và quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu kê khai y tế bắt buộc đối với bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân; mỗi một bệnh nhân chỉ được một người chăm sóc; dừng việc thăm bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Có quy định chặt chẽ về tiếp nhận bệnh nhân, không để một cá nhân lây nhiễm làm ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ bệnh viện.”
- Điều 7: “Tạm thời đóng cửa các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ dành cho người qua lại”. Trường hợp đối với Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là đóng các cửa ngõ ra vào thành phố; cấm các phương tiện chở người ra vào thành phố; các phương tiện vận tải hàng hóa qua thành phố đến các địa phương khác chỉ được đi qua, không dừng lại.
- Điều 12: “Bô Công Thương, Ủy ban nhân dân các địa phương chú ý bảo đảm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân”.
Tình hình nguồn vaccine phòng COVID-19 và thuốc chữa trị COVID-19
Hiện nay, nguồn cung vaccine phòng chống COVID-19 trên thế giới đang ngày càng trở nên khan hiếm cho nên có tiền nhưng chưa chắc đã sớm mua được vaccine. Việt Nam phải chật vật lắm mới đàm phán được với các đối tác như Mỹ, Đức, Nga… và WHO để có được các cam kết cung cấp ít nhất là 100 triệu liều vaccine trong năm 2021. Số còn lại phải chờ đến năm 2022.
“Từ khía cạnh sinh học, có thể thấy việc lựa chọn vaccine nào, liều sử dụng là bao nhiêu, loại vaccine nào phù hợp với lứa tuổi nào của đối tượng được tiêm chủng cũng là các bài toán cần có lời giải để bảo đảm an toàn, phát huy tác dụng tốt nhất trong phòng chống dịch COVID-19 chứ không đơn giản chỉ là tỷ lệ số lượng bao nhiêu % dân số được tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng”, - Nhà phân tích các vấn đề chính trị và xã hội Hồng Long nói với Sputnik.
Bên cạnh đó, việc tung vaccine vào vùng dịch để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh cũng là một giải pháp cần thiết nhưng phải tính toán kỹ. Trước hết là phải loại trừ các F1, F2 (tức là các F0 tiềm năng) ra khỏi diện tiêm chủng. Bởi nếu như các đối tượng có nguy cơ cao này đã nhiễm virus thì việc tiêm chủng cho họ trở thành vô ích, thậm chí là phản tác dụng. Tiếp theo là lựa chọn và bổ sung những đối tượng cần được ưu tiên tiêm vaccine.
“Từ thực tiễn vừa qua ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Bình Dương và một số nơi khác, có thể nhận thấy ngay cả các các công nhân các khu công nghiệp, các lái xe tải đường dài cùng các công nhân bốc xếp, thậm chí cả công nhân vệ sinh môi trường và các shipper cũng là những người có nguy cơ nhiễm và lan truyền bệnh cao chứ không chỉ 11 nhóm đối tượng ưu tiên như trước đây”, - Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng phân tích với Sputnik.
“Như tiến sỹ Lê Anh đã đề cập, lực lượng lao động tự do là nguồn lây lan mạnh tiềm năng, cho nên cũng là đối tượng cần được ưu tiên tiêm chủng”, - PGS-TS Hoàng Giang nêu quan điểm của mình với Sputnik.
Cũng trong tháng 7, Bộ Y tế sẽ khởi động Chương trình tiêm chủng quốc gia phòng chống COVID-19 lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam. Theo PGS, TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) thì dự thảo Kế hoạch, thời gian triển khai Chiến dịch diễn ra từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022. Trong năm 2021, tiêm tối thiểu cho 50% người từ 18 tuổi trở lên. Tới hết quý I-2022 sẽ có trên 70% dân số được tiêm vaccine phòng chống Covid-19.
“Kế hoạch tiêm chủng rất quy mô, nhưng tình hình là việc tiếp cận nguồn vaccine đang gặp nhiều trở ngại. Có cả việc chưa thống nhất cách làm giữa chính phủ và hơn 30 đơn vị được cấp phép mua vaccine”, - PGS-TS Hoàng Giang nói với Sputnik.
“Tất cả các khu vực của Nga và 86 quốc gia khác đều đang yêu cầu Quỹ các đầu tư trực tiếp (RDIF) cung cấp Sputnik V. Phía Việt Nam liên tục không cung cấp thông tin đáng tin cậy, cố gắng áp đặt cách tiếp cận và quy trình mua vaccine của riêng mình. Điều đó bắt buộc chúng tôi phải thông báo cho tất cả những đối tác đăng ký mua vaccine phải tuân theo một thủ tục duy nhất - nộp đơn, thanh toán, nhận. Đó là điều mà chúng tôi đang cố gắng giải thích để phía Việt Nam hiểu”, - Đại diện phía Nga giải thích cho Sputnik vì sao chưa ký được hợp đồng vaccine.
”Trong tình hình vaccine khan hiếm, thuốc chữa trị cũng chưa đủ thì các biện pháp phòng COVID rất quan trọng. Tôi đánh giá cao Chỉ thị 16/CT-TTg và những biện pháp TP Hồ Chí Minh đang thực hiện. Nhưng chúng ta cần tuyên truyền rộng rãi cho người dân cách tự chữa trị COVID-19 trong những trường hợp nhẹ hoặc không có triệu chứng, khi phải tự chữa ở nhà, khi hệ thống y tế quá tải”, - PGS-TS Hoàng Giang phát biểu với Sputnik.
“Việc tự sản xuất được thuốc điều trị COVID-19 có một ý nghĩa rất lớn trong tình huống virus SARS-COV-2 còn có khả năng sinh ra các biến chủng khác mà các biến chủng ra đời sau thường nguy hiểm hơn các biến chủng trước, thậm chí có khả năng né tránh “hàng rào miễn dịch” do vaccine tạo ra. Vì vậy, thuốc điều trị COVID-19 sẽ là giải pháp tiếp theo giải pháp vaccine để đẩy lùi và dập tắt đại dịch COVID-19”, - Nhà phân tích các vấn đề chính trị và xã hội Hồng Long phát biểu với Sputnik.
Tính đến trưa ngày 10/7, số ca Covid-19 tại Việt Nam lây nhiễm cộng đồng từ 27/4 là 23 865. Các chỉ số hàng ngày cho thấy, tốc độ lây nhiễm cao hơn 10%/ngày. Có nghĩa là tình hình có thể mất kiểm soát, nếu các biện pháp chính phủ Việt Nam và các chính quyền địa phương đưa ra không được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.