Đó là nhận định của nhà sử học quân sự, chuyên gia Hiệp hội Lịch sử Quân sự Nga Nikita Buranov.
Sơ tán các doanh nghiệp công nghiệp của Liên Xô
«Đó là chiến dịch vô tiền khoáng hậu mà lịch sử thế giới trước đó hoặc sau này đều không từng có. Vận chuyển hàng trăm nghìn tấn máy công cụ, một lượng khổng lồ những thiết bị khác nhau, các toa xe nối tiếp cấp tập đưa vào sâu trong địa bàn Liên bang Xô-viết - đó thực sự là công việc với tầm cỡ Titanic trong lịch sử», - sử gia Buranov nhận xét. «Ví dụ, cơ sở sản xuất xe tăng T-34, xí nghiệp đầu máy hơi nước Kharkov, đã chuyển toàn bộ đến vùng Ural. Và có rất nhiều điển hình như vậy», - ông nói thêm.
Theo lời ông, những gì đã làm được trong điều kiện hiểm nghèo gay gắt của năm 1941 có thể sánh ngang với chiến công của người lính nơi tiền tuyến.
«Hơn thế nữa, việc tái lập các nhà máy ở địa điểm mới, hầu như trên bãi đất trống, thậm chí còn khó hơn là tham gia hoạt động chiến sự», - nhà sử học lưu ý.
Về điều này, cần nói thêm rằng không chỉ thuần tuý đưa hàng triệu người đến những nơi mới, mà còn phải khẩn trương bố trí mọi thứ để bắt tay vào sản xuất, - sử gia Buranov nói thêm.
«Và phần lớn là nhờ việc này, ngay đến cuối năm 1942 nền công nghiệp Liên Xô bắt đầu vượt hơn công nghiệp Đức trong việc chế tạo các loại vũ khí cơ bản, yếu tố mang chiến thắng lại gần hơn trong cuộc chiến», - ông Buranov lưu ý.
Vấn đề trên đường
Năm 1941-1942, khoảng 17 triệu người và trang thiết bị của hơn 2.600 xí nghiệp công nghiệp đã được chuyển sâu vào lãnh thổ Liên Xô, trong đó có 1.300 xí nghiệp lớn chủ yếu định hướng quân sự. Trong quá trình sơ tán khẩn cấp quân dân Xô-viết phải đối mặt với vấn đề giao thông nặng nề. Tải trọng khổng lồ đổ xuống các tuyến đường sắt của Liên Xô, hầu như vượt quá sức người sức máy. Thêm vào đó các chuyến tàu chở hàng sơ tán luôn phải hứng đòn tấn công của máy bay Đức, dẫn đến những tổn thất hữu hình. Cần phải xây dựng các cung đường vòng cho tàu đi qua, dập đám cháy, nhanh chóng phân tách đoàn tàu tránh đạn bom, cấp cứu người và thiết bị.