Tuy nhiên, xuất hiện nhiều ý kiến xung quanh quyết định này của Bộ GTVT khi từ chối đề xuất của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn. Nhiều người cho rằng việc lấy ý kiến từ chính các hãng hàng không trong nước (vốn có thể thành đối thủ cạnh tranh tiềm năng) là gây tranh cãi và thiếu khách quan.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần chiến lược dài hạn hơn để phát triển vận tải hàng hóa đường hàng không, cần doanh nghiệp có tầm và năng lực đủ mạnh, tránh để các đối thủ nước ngoài chiếm lĩnh thị trường.
Không lập hãng mới đến khi thị trường hàng không phục hồi
Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chính phủ đánh giá tình hình của các hãng hàng không Việt Nam, tình hình thị trường vận tải hàng không, gồm cả vận tải hàng hóa.
Trước khi có văn bản trình Thủ tướng, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay đã chủ trì cuộc làm việc với các hãng hàng không của Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines.. Công ty Cổ phần IPP Air Cargo (đơn vị thành viên doanh nghiệp của Vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn đang xin thành lập hãng bay chuyên vận chuyển hàng hóa, chở hàng).
Mục đích buổi làm việc hôm 15/7, theo Bộ GTVT, là để tiếp tục đánh giá tình hình của các hãng hàng không Việt Nam và tình hình thị trường vận tải hàng không (bao gồm cả vận tải hàng hóa) cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của các hãng hàng không Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp.
Sau cuộc họp này, báo cáo Thủ tướng, Bộ cho biết, đại diện các hãng hàng không đều chung nhận định rằng, việc thành lập hãng hàng không mới (gồm cả hãng hàng không chuyên chở hàng hóa) là “chưa phù hợp” trong giai đoạn thị trường khó khăn như hiện nay.
Theo Bộ GTVT, tình hình của các hãng hàng không Việt Nam hiện nay hết sức khó khăn do tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Để tránh rơi vào tình trạng phá sản hay “mấp mé bên bờ vực phá sản”, các hãng hàng không trong nước đều phải đang cố gắng tìm mọi giải pháp để có nguồn thu nhằm duy trì sự tồn tại.
Một trong những phương thức được áp dụng thời gian qua chính là việc tích cực tham gia vận chuyển hàng hóa (vận chuyển dưới bụng tàu bay, vận chuyển trên khoang hành khách và hoán đổi một số tàu bay sang chở hàng).
Cùng với đó, theo lãnh đạo Bộ GTVT, vì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không do Bộ GTVT cấp cho các hãng đều có chức năng vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng đường hàng không.
Bộ cũng nhấn mạnh thêm, trong bối cảnh thị trường vận tải hành khách bị thu hẹp do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên các hãng đều sẵn sàng sử dụng đội máy bay của mình để vận chuyển hàng hóa và cơ bản có thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
“Trong trường hợp có những nhu cầu đặc biệt, các hãng hàng không hiện nay hoàn toàn có thể trực tiếp cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa hoặc thuê tàu bay chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa”, Bộ GTVT cho biết.
Báo cáo với Thủ tướng, Bộ GTVT nhấn mạnh, theo quy định của pháp luật, bất kỳ doanh nghiệp nào nếu có đủ điều kiện đều có thể tham gia thị trường kinh doanh vận tải hàng không.
Tuy nhiên, Bộ khẳng định, trong giai đoạn khó khăn của thị trường vận tải hàng không hiện nay, việc thành lập hãng hàng không mới (bao gồm cả việc thành lập mới hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa) là “chưa phù hợp”.
“Công ty cổ phần IPP Air Cargo hoàn toàn có thể đề nghị thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật vào thời điểm sau khi thị trường hàng không phục hồi (dự kiến 2022)”, Bộ GTVT nêu rõ.
Đà Nẵng xin đề xuất cho phép ông Hạnh Nguyễn thành lập hãng hàng không
Câu trả lời – từ chối đề xuất thành lập hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa của Bộ GTVT, đặc biệt là việc lấy ý kiến từ chính các hãng hàng không – các đơn vị có thể cạnh tranh trực tiếp – nếu IPP Air Cargo được cho phép thành lập và hoạt động – theo nhiều người là chưa khách quan, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tiến vào nền kinh tế thị trường, nâng dần tính cạnh tranh, không phân biệt giữa kinh tế tư nhân và kinh tế Nhà nước.
Như Sputnik đã thông tin, lãnh đạo Vietnam Airlines phát biểu tại Đại hội cổ đông thường niên vừa qua cũng cho biết có thể thành lập hãng bay chuyên vận tải hàng hóa.
Chủ tịch HĐQT VNA Đặng Ngọc Hòa cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, một điểm sáng đáng ghi nhận là doanh thu hàng hóa của hãng tăng nhanh (từ 10%-30%), tháng 6 này, doanh thu từ vận chuyển hàng hóa thậm chí còn cao hơn vận chuyển hành khách. Đây là tiền đề để hãng nghiên cứu lập hãng bay chuyên về vận tải hàng hóa.
Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà, Vietnam Airlines cũng từng tính đến việc thành lập hãng bay chuyên vận chuyển hàng hóa từ lâu. Tuy nhiên, thực tế 5 năm gần đây cho thấy hãng bay chở hàng cần đảm bảo về quy mô để khai thác được tất cả nguồn hàng như Korean Air, China Airlines phải có mạng đường bay, đội bay chở hàng đủ lớn.
“Trong hai năm gần đây, mảng chở hàng đã mang lại hiệu quả quan trọng từ khi dịch bệnh bùng phát và nhất là trong vài tháng gần đây khi không vận chuyển hành khách”, ông Hà nói.
Vietnam Airlines cũng đã tháo ghế vận chuyển hàng 5 máy bay A350, tăng công suất cõng hàng lên gấp đôi, 3 máy bay A321 cũng tháo ghế để vận chuyển hàng. Vietnam Airlines cũng là hãng đầu tiên vận chuyển hàng hóa trên cabin và tháo ghế.
Ở một diễn biến khác, vừa qua, lãnh đạo TP.Đà Nẵng đã có văn bản gửi đến Bộ GTVT.
Theo đó, Chủ tịch Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định, trong Nghị quyết 43 được Bộ Chính trị ban hành năm 2019, Đà Nẵng được định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tập trung vào các mũi nhọn để phát triển kinh tế, trong đó có du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng và cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Đà Nẵng lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội thành phố được HĐND Thành phố thông qua cũng nêu mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp. Trong đó dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.
Do đó, theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh, việc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn) đề xuất thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo và trung tâm điều hành hoạt động bay của IPP Air Cargo tại thành phố, Đà Nẵng nhận thấy rất phù hợp với định hướng phát triển của thành phố.
“Đây là cơ hội lớn để thành phố thực hiện thắng lợi Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và là thời cơ mang lại sự phát triển bền vững cho nền kinh tế thành phố trong tương lai”, Chủ tịch Lê Trung Chinh nhấn mạnh trong văn bản gửi Bộ GTVT.
UBND TP. Đà Nẵng đề nghị Bộ GTVT ủng hộ và sớm có ý kiến đề xuất Thủ tướng Phạm Minh Chính xem xét, chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo tại Đà Nẵng tạo thuận lợi cho lĩnh vực logistics của thành phố phát triển.
Lý do từ chối đề xuất của ông Johnathan Hạnh Nguyễn có thuyết phục?
Nhiều chuyên gia nêu quan điểm về việc Cục Hàng không, Bộ GTVT đề xuất chưa đồng ý với chủ trương thành lập hãng hàng không chuyên vận tải hàng hóa của ông Hạnh Nguyễn cho rằng, Việt Nam cần một chiến lược dài hạn hơn cho vấn đề này.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TP.HCM trao đổi với Lao Động cho biết, yêu cầu cấp thiết hiện nay là Việt Nam phải sớm xây dựng hãng vận tải hàng hoá bằng đường hàng không.
“Đây cũng là thời điểm thuận lợi để mở các hãng vận tải hàng hoá hàng không, nếu không mở sớm sẽ bị các hãng nước ngoài chiếm lĩnh thị trường này”, chuyên gia lưu ý.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, việc tàu bay của các hãng tháo ghế để tận dụng vận chuyển hàng hóa chỉ là giải pháp nhất thời. Đến khi cuộc sống, thị trường bình thường trở lại hãng bay sẽ về đúng chức năng là vận tải hành khách.
Trái với toàn bộ kỳ vọng của doanh nghiệp và kiến nghị của địa phương (Đà Nẵng), Cục Hàng không Việt Nam “gây thất vọng” khi đề nghị Bộ GTVT chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Cục Hàng không cho rằng, việc chưa xem xét thành lập thêm hãng hàng không chuyên chở hàng hóa cũng là một trong các biện pháp hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung/cầu của thị trường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống và nhiều chuyên gia hàng không khác có quan điểm rằng, để mở một hãng hàng không mất rất nhiều thời gian chứ không phải “một sớm, một chiều” nên việc cấp phép cho hãng bay vận tải ở thời điểm hiện nay cũng không ảnh hưởng tới hoạt động vận chuyển hàng hoá tạm thời của các hãng bay chở khách khác.
Cũng có chung góc nhìn này, TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam thậm chí còn cho rằng, thực tế Việt Nam đang không những cần một hãng hàng không vận tải hàng hóa mà đang cần 2 đến 3 hãng.
Các chuyên gia hàng không cũng đánh giá, nhu cầu vận tải hàng hóa hàng không tăng vọt trong 6 tháng đầu năm và việc thị phần vận chuyển hàng hóa đang do các công ty nước ngoài chiếm 80% thị phần cho thấy việc thành lập một hãng hàng không chuyên biệt về vận chuyển hàng hóa tại thời điểm hiện nay ở Việt Nam là vô cùng cấp thiết.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Phó Trưởng Khoa Vận tải Kinh tế, Trưởng bộ môn Quản trị Kinh doanh (Đại học Giao thông vận tải) nhấn mạnh, với những ngành nghề sản xuất kinh doanh mà nhà nước không cấm, doanh nghiệp đều có quyền đăng ký tham gia và các cơ quan quản lý nhà nước có nghĩa vụ phải ủng hộ, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia.
“Chưa kể việc doanh nghiệp đề nghị thành lập hãng bay vận tải hàng hoá chỉ là ngành kinh doanh có điều kiện chứ không phải không được phép”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái nói.
Theo thông tin được công bố trước đó, Công ty cổ phần IPP Air Cargo được đăng ký kinh doanh vào ngày 10/3/2021, với Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Jonathan Hạnh Nguyễn. Bà Lê Hồng Thủy Tiên là Tổng giám đốc và là người đại diện pháp luật của IPP Air Cargo.
Dự án IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tức khoảng 100 triệu USD. Trong số đó, 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động. Theo kế hoạch, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng trong năm thứ nhất.
Đến năm thứ hai, hãng sẽ tăng lên 7 chiếc và đến năm thứ 3 sẽ tăng lên 10 chiếc. Công ty cũng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4.
Ông Hạnh Nguyễn từng khẳng định, đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, tính toán cẩn thận và chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch đối với việc thành lập IPP Air Cargo.
“Tôi khẳng định mình chưa làm gì mà chưa làm đến nơi đến chốn và làm với tất cả tâm huyết. Tôi sẽ có cách để đấu với những người khổng lồ. Tôi cũng tin rằng thị trường sẽ ngày càng mở rộng và cạnh tranh lành mạnh hơn”, ông Hạnh Nguyễn bày tỏ.