BAS-200 là một loại phương tiện bay dân dụng. Không có gì bí mật, một số lĩnh vực của nền kinh tế có nhu cầu cao về máy bay như vậy. Trực thăng không người lái có thể làm những nhiệm vụ mà việc sử dụng trực thăng có người lái là không hợp lý, không có lợi hoặc nguy hiểm.
BAS-200 là phương tiện bay cỡ nhỏ kiểu trực thăng cổ điển với hệ thống hạ cánh trượt. Trực thăng có chiều dài 3,9 m, cao 1,2 m, được trang bị động cơ piston chạy bằng xăng RON95 - loại xăng phổ biến và sẵn có. Hai chiếc trực thăng như vậy có thể được vận chuyển trong container nhỏ được xếp trên rơ-moóc do xe đầu - ô tô hai trục - kéo. Một chiếc xe jeep đủ mạnh (như Toyota Land Cruiser) có khả năng kéo chiếc container với BAS-200.
Giới thiệu trực thăng mới với giới truyền thông, ông Danila Nadeikin, Giám đốc Chương trình “Trực thăng Không người lái” của Trung tâm chế tạo trực thăng quốc gia mang tên Mil và Kamov thuộc Tập đoàn Trực thăng Nga, cho biết:
"Phương tiện bay không người lái kiểu trực thăng lần đầu tiên được trưng bày tại triển lãm hàng không. Trọng lượng cất cánh tối đa của nó là 200 kg, nó có khả năng mang trọng tải 50 kg. Đây có thể là radar và camera chụp ảnh hoặc thùng chứa hàng. Phạm vi bay là 430 km, thời gian bay lên đến 4 giờ, "trần bay" gần 4 km. Trực thăng có khả năng thực hiện các nhiệm vụ giám sát môi trường, theo dõi trạng thái của các đường ống, chuyển tiếp các kênh liên lạc khác nhau, tìm kiếm cứu nạn và phun thuốc bảo vệ thực vật".
Theo Danila Nadeikin, BAS-200 có khả năng bay hoàn toàn tự động (từ khi cất cánh đến khi hạ cánh) hoặc ở chế độ lái tùy chọn. Trong thành phần tổ hợp này ngoài các chiếc trực thăng không người lái và "nhà chứa máy bay" còn có trạm mặt đất cho hai nhân viên điều khiển cũng được gắn trên xe kéo. Hai nhân viên (người điều khiển và người vận hành trọng tải) vạch ra chương trình bay, định tuyến, nhận thông tin đo từ xa về hoạt động của các đơn vị của trực thăng không người lái, và điều khiển "trọng tải".
Ông Danila Nadeikin giải thích: “Phạm vi tín hiệu vô tuyến được phát thông qua kênh liên lạc kín là 100 km, và nếu tín hiệu được phát thông qua định vị vệ tinh - 430 km, mà đây là phạm vi bay tối đa của thiết bị này. Các chuyên gia đang làm việc để gia tăng phạm vi tín hiệu thông qua kênh liên lạc kín đến 200 km. Nếu trạm điều khiển đột ngột mất liên lạc với trực thăng, BAS-200 sẽ chỉ đơn giản quay trở lại điểm khởi hành và tự hạ cánh. Chúng tôi bảo đảm rằng, chiếc trực thăng sẽ không bay đi đâu đó không rõ chỗ, không bị rơi và sẽ giữ an toàn hàng hóa”.