Trong một diễn biến khác, Thanh tra Chính phủ trong kết luận về vấn đề Thủ Thiêm, đã khẳng định, số thửa đất thuộc 5 khu phố ở ba phường mà các hộ dân khiếu nại đều nằm trong ranh giới quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức.
Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị về điều chỉnh Quy hoạch TP.HCM
Ngày 16/7, Bộ Xây đựng đã tổ chức Hội nghị thẩm định về Nhiệm vụ quy hoạch chung TP. Thủ Đức, TP.HCM.
Theo cổng thông tin Bộ Xây dựng, Hội nghị này do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì, nhằm xác định quy hoạch chung cho thành phố Thủ Đức, TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060.
Tại Hội nghị lần này, đại diện UBND TP. HCM, cụ thể là Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố đã trình bày nội dung của hai Nhiệm vụ quy hoạch và giải trình, tiếp thu ý kiến bằng văn bản của các Bộ ngành.
Cùng với đó, Vụ Quy hoạch – Kiến trúc, Bộ Xây dựng, trình bày Báo cáo Thẩm định. Ngoài ra, các thành viên Hội đồng thẩm định phát biểu đóng góp ý kiến.
Sau khi nghe phát biểu của các thành viên Hội đồng, ý kiến của TP. HCM, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã kết luận Hội nghị với một số điểm đáng chú ý.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao và cảm ơn sự quan tâm của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND TP.HCM trong công tác quy hoạch thời gian qua và trong việc triển khai lập “Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP. HCM” và “Nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức”.
Kết luận thứ nhất, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, qua quá trình quy hoạch chung TP.HCM cho thấy còn những vấn đề tồn tại, những yếu tố mới tác động đến sự phát triển của thành phố, đòi hỏi quy hoạch cần điều chỉnh kịp thời để làm cơ sở pháp lý xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án trọng điểm, quan trọng…
Về cơ bản, các nhiệm vụ quy hoạch đã đáp ứng được các nội dung theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, phù hợp với mô hình định hướng phát triển đô thị của TP.HCM.
“Tuy nhiên, TP.HCM cần xác định rõ các yêu cầu trong định hướng phát triển không gian, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị lưu ý.
Vấn đề thứ hai, theo người đứng đầu Bộ Xây dựng, để hoàn thiện các nhiệm vụ quy hoạch, UBND TP.HCM cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp thu “tối đa” ý kiến góp ý bằng văn bản của các bộ, ngành, hội nghề nghiệp và các ý kiến góp ý trực tiếp tại hội nghị thẩm định và lưu ý một số vấn đề, nhiệm vụ.
Cụ thể, cần rà soát, cập nhật, bổ sung đầy đủ các căn cứ pháp lý và cơ sở để lập điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM theo quy định pháp luật về quy hoạch và pháp luật chuyên ngành có liên quan.
TP.HCM cũng cần làm rõ hơn nữa sự cần thiết phải điều chinh quy hoạch chung theo 4 nhóm vấn đề: Nhóm thứ nhất là vai trò, vị thế và tính chất của thành phố, chiến lược mới phát triển kinh tế xã hội, dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.
Nhóm thứ 2 là sự hình thành của các dự án trọng điểm cấp vùng và quốc gia có tác động đến không gian đô thị thời gian qua. Nhóm thứ ba là các định hướng cần điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Nhóm thứ tư là tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển không gian đô thị, cần có giải pháp thích ứng phù hợp trong thời kỳ mới.
Đối với vấn đề hiện trạng đô thị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị làm rõ thêm các đặc điểm tự nhiên, hệ thống sông nước, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ và các hiện trạng kinh tế - xã hội của thành phố. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét các quy hoạch và dự án đang triển khai, các hạn chế vướng mắc trong triển khai thực hiện theo quy hoạch đã được duyệt, cần làm rõ các vấn đề về kiểm soát phát triển và quản lý đô thị hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề nghị thành phố bổ sung các yêu cầu về phân tích động lực, mô hình phát triển đô thị trong thời gian tới.
Các cấp, ngành, cơ quan liên quan của TP.HCM cũng cần chú trọng công tác dự báo về định hướng phát triển kinh tế - xã hội, dân số, đất đai, hạ tầng và tác động của điều kiện tự nhiên đến thành phố.
“Làm rõ mối quan hệ không gian giữa TP.HCM với TP Thủ Đức, với các đô thị thuộc vùng TP.HCM và vùng ĐBSCL, sân bay Long Thành và hệ thống cảng biển trong vùng và đảm bảo sự phù hợp với các quy hoạch ngành quốc gia”, lãnh đạo Bộ Xây dựng lưu ý.
Đối với nhiệm vụ Quy hoạch chung TP. Thủ Đức, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị lưu ý, trong nhiệm vụ cần nêu rõ lý do, sự cần thiết lập quy hoạch (các căn cứ pháp lý).
Đặc biệt, ông Nghị đề nghị, xác định thời hạn quy hoạch đến năm 2040 không xác định tầm nhìn quy hoạch, cần đánh giá hiện trạng để nêu bật lợi thế và thách thức đối với TP. Thủ Đức để trở thành một cực tăng trưởng phía Đông của TP. HCM, tính kết nối giữa Thủ Đức và TP. HCM và các đô thị xung quanh.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng yêu cầu bổ sung tài liệu, số liệu, các tiêu chí cần hoàn thiện để đáp ứng tiêu chí của đô thị loại I, rà soát tình hình phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất, các dự án đang triển khai.
“Cần xác định động lực phát triển và các định hướng phát triển không gian, kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, các tác động của điều kiện tự nhiên; các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng yêu cầu.
Cuối Hội nghị, thay mặt Hội đồng thẩm định, thay mặt Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ chia sẻ với những khó khăn của TP.HCM trong tình hình dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến rất phức tạp hiện nay, đồng thời đề nghị UBND TP. HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện 2 nhiệm vụ quy hoạch gửi Bộ Xây dựng để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Kết luận thứ ba, Bộ trưởng Nghị giao Vụ Quy hoạch Kiến trúc phối hợp với các Cục, Vụ hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện nhiệm vụ quy hoạch, báo cáo Bộ Xây dựng trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.
Thanh tra Chính phủ kết luận gì về quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm?
Thanh tra Chính phủ (TTCP) có thông báo kết quả kiểm tra liên quan đến khiếu nại ranh quy hoạch 5 khu phố tại ba phường thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức.
Nội dung công bố được đăng tải trong thông báo số 1169 do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn ký ngày 21/7 kết luận về khiếu nại ranh quy hoạch 5 khu phố thuộc ba phường Khu đô thị mới Thủ Thiêm của một số hộ dân nơi đây.
Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm tra theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình từ tháng 9/2019.
Trong kết quả mới công bố, thanh tra Chính phủ cho hay đã có ba buổi làm việc với các Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi ban hành kết luận kiểm tra.
Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh, đã từng “phối hợp” với UBND TPHCM cùng các bộ, ngành để đối thoại, thông báo dự thảo kết quả kiểm tra với người dân có khiếu nại.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, đối với những hộ dân không đồng ý mà tiếp tục đưa ra tài liệu bổ sung, Thanh tra Chính phủ tiếp tục cùng Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên Môi trường rà soát thận trọng một lần nữa.
Trước đó, UBND TP.HCM cung cấp một số bản đồ do nguyên phó chủ tịch Võ Viết Thanh lưu giữ về quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm.
“Những bản đồ này trùng khớp với hai bản đồ mà các cơ quan của UBND TP.HCM cung cấp cho TTCP: đều xác định về ranh giới quy hoạch được UBND TP trình Thủ tướng ban hành quyết định số 367 ngày 4/6/1996 phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm”, Thanh tra Chính phủ cho hay.
Năm 1997, Ủy ban nhân dân TP.HCM quyết định thành lập Quận 2, với hơn 86 ngàn nhân khẩu, có 11 phường. Thanh tra Chính phủ khẳng định, ranh giới Quận 2 và các phường được xác định cụ thể trên bản đồ hành chính và được cắm mốc tại thực địa.
Đến năm 1998, UBND Quận 2 có quyết định thành lập các khu phố, tổ dân phố, ấp và tổ nhân dân. Trên cơ sở này, vị trí và ranh giới 5 khu phố thuộc 3 phường mà người dân khiếu nại đã được xác định.
Căn cứ vào bản đồ hành chính quận 2 và đối chiếu với ranh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ khẳng định vị trí, ranh giới nhà đất của các hộ dân khiếu nại đều nằm trong ranh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm – theo thông báo số 1169.
Theo Thanh tra Chính phủ, chỉ có khoảng 4,3 hécta thuộc khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 là “nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm), được TTCP nêu công khai ở thông báo số 1483 ngày 4/9/2018 trước đó cùng với yêu cầu thành phố khắc phục.
Sau thông báo 1483, UBND TP.HCM cũng tổ chức nhiều đợt tiếp xúc với người dân nhằm trao đổi tìm hướng giải quyết các sai phạm từ thời kỳ trước khi thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nhưng vẫn có một số người dân không đình tình với kết luận của Thanh tra Chính phủ, tiếp tục khiếu nại.
Người dân nơi đây cho rằng, phần đất tại 5 khu phố thuộc phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh (quận 2, hiện là TP Thủ Đức) ngoài ranh quy hoạch, chứ không chỉ có duy nhất một khu 4,3 ha như thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ, kèm theo một số tài liệu chứng minh. Do đó, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đích thân chỉ đạo Thanh tra Chính phủ xác minh lại.
TP.HCM phải vận động người dân ngừng khiếu nại về quy hoạch Thủ Thiêm?
Trong thông báo mới nhất 1169, Thanh tra Chính phủ khẳng định, người dân cung cấp cho tổ kiểm tra một số tài liệu photo, trong đó có hai văn bản liên quan đến quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm.
Đầu tiên là quyết định số 255 ngày 15/1/1998 của UBND TP.HCM về phê duyệt quy hoạch điều chỉnh các khu vực quy hoạch không bán nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn quận 2 (kèm theo sơ đồ tỷ lệ 1/10.000).
Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, sơ đồ tỷ lệ 1/1.0000 kèm theo Quyết định số 255 đã không cập nhật, vẫn bán nhà thuộc sở hữu nhà nước nằm trong phạm vi quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm. Hơn thế, diện tích theo sơ đồ này (khoảng 540 hécta) lại nhỏ hơn, thay vì tương ứng với diện tích quy hoạch (khoảng 637 hécta) đã được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định số 367.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 91/1994 và Thông tư số 25/1995 của Bộ Xây dựng, quyết định số 255 của UBND TP.HCM không phải là căn cứ để xác định ranh quy hoạch, thu hồi và giao đất của khu đô thị Thủ Thiêm.
Theo Thanh tra Chính phủ, người dân căn cứ vào những việc làm không đúng của UBND TP.HCM về sơ đồ khu vực không bán nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn quận 2 để khiếu nại ranh quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm là không có cơ sở xem xét giải quyết.
Văn bản thứ hai là Quyết định số 13585 này 16/9/1998 của kiến trúc sư trưởng TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị Thủ Thiêm tỷ lệ 1/2.000. Thanh tra Chính phủ sau quá trình xác minh đã kết luận quyết định này có sự sai sót về vị trí, giới hạn.
Điển hình như quyết định nêu phía Bắc giáp sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh) và xa lộ Hà Nội là không đúng với bản đồ và thực tế, lẽ ra phải là giáp sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh) và một phần phường An Khánh, Bình An, quận 2. Hoặc quyết định nêu phía Tây giáp sông Sài Gòn (trung tâm quận 1) là chưa phù hợp với bản đồ và thực tế, lẽ ra phải là giáp sông Sài Gòn (quận 1)…
“Những việc làm không đúng, thiếu trách nhiệm nêu trên của kiến trúc sư trưởng TP.HCM không làm thay đổi thực tế ranh quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm đã được kết luận tại thông báo số 1483”, Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Đối với UBND TP.HCM, Thanh tra Chính phủ đề nghị lãnh đạo thành phố phải “tuyên truyền, vận động” người dân chấp hành kết quả xác minh kiểm tra của cơ quan chức năng, đồng thời chấm dứt khiếu nại.
Thanh tra Chính phủ yêu câu thành phố phải kiểm điểm xử lý trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan các vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành Quyết định 255 và 13585.
“Thành phố phải kiểm tra, rà soát những tổ chức, cá nhân có vi phạm liên quan đến việc chuyển nhượng, quản lý, sử dụng đất đai tại khu đô thị mới Thủ Thiêm và có biện pháp giải quyết theo quy định”, Thanh tra Chính phủ lưu ý.