Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) của Bộ Y tế có sự chuẩn bị kỹ càng cả về thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực để gia công thành công vaccine Sputnik V tại Việt Nam.
Được biết, sau khi công đoạn đóng ống Sputnik V thử đạt yêu cầu chất lượng của Nga, nhà sản xuất sẽ ký hợp đồng để Việt Nam được phép là đơn vị có thể gia công đóng gói, đóng ống, tiếp tục đàm phán chuyển giao công nghệ, tiến đến sản xuất đóng gói ở Việt Nam.
Lô vaccine Sputnik V đầu tiên của Nga sản xuất ở Việt Nam
Như Sputnik Việt Nam đã đưa tin tham chiếu xác nhận từ Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), Việt Nam đã sản xuất thử nghiệm lô vaccine Sputnik V ngừa Covid-19 đầu tiên.
Mẫu thử từ lô vaccine Sputnik V thử nghiệm đầu tiên do Việt Nam sản xuất đã được chuyển đến Viện nghiên cứu vi khuẩn và dịch tễ học quốc gia Nga Gamaleya để đánh giá và kiểm định chất lượng.
“Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) và Vabiotech - một trong những công ty dược phẩm hàng đầu tại Việt Nam, đã thông báo về việc sản xuất thử nghiệm lô vaccine Sputnik V ngừa coronavirus”, thông tin từ RDIF cho hay.
Lãnh đạo Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga khẳng định, RDIF và Vabiotech đang tích cực hợp tác chuyển giao công nghệ để giúp người dân Việt Nam có thể nhanh chóng và dễ dàng tiếp cận với vaccine Sputnik V của Nga, qua đó đẩy nhanh quá trình tiêm chủng toàn cầu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp cùng nhiều biến thể nguy hiểm (Delta, Alpha..) như hiện nay.
“RDIF và Vabiotech đang tích cực hợp tác trong quá trình chuyển giao công nghệ để tạo điều kiện tiếp cận Sputnik V cho người dân Việt Nam”, ông Kirill Dmitriev, CEO của Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga nhấn mạnh.
10.000 liều vaccine Sputnik V trong tổng 30.000 liều đầu tiên mà Vabiotech gia công đã được gửi sang Nga để kiểm định chất lượng.
Lãnh đạo Vabiotech nói về việc sản xuất thử nghiệm lô Sputnik V của Nga
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) của Bộ Y tế cho hay, lô vaccine Sputnik V thành phẩm đầu tiên này sẽ trải qua quy trình kiểm định chất lượng trong khoảng 30 ngày.
Nếu việc đóng ống thử nghiệm được Trung tâm nghiên cứu dịch tễ, vi sinh quốc gia Gamaleya của Nga đánh giá “đạt yêu cầu” về chất lượng thì nhà sản xuất phía Nga sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết hợp đồng với Việt Nam và cho phép đơn vị Vabiotech có thể gia công, đóng gói, đóng ống cho vaccine Sputnik V.
Thông tin thêm về quá trình tiếp nhận công nghệ, gia công vaccine Sputnik V của Nga tại Việt Nam, TS. Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) của Bộ Y tế chia sẻ với TTXVN cho biết, bước đầu, Liên bang Nga chuyển cho Việt Nam ở dạng bán thành phẩm để Công ty có thể đóng ống thử.
TS. Đỗ Tuấn Đạt nhấn mạnh, trong quá trình chuyển giao, phía Vabiotech đã phải có những bước chuẩn bị liên quan đến kỹ thuật.
“Các vấn đề kỹ thuật chúng tôi đều phải có sự trao đổi trên các cuộc họp trực tuyến với phía bạn, đọc các hồ sơ, tài liệu phía bạn gửi sang, đồng thời có sự chuẩn bị về thiết bị, cơ sở vật chất để có thể đóng ống, đóng gói được vaccine Sputnik V”, Chủ tịch Vabiotech nêu rõ.
Lãnh đạo Vabiotech cũng cho biết rằng, ngay khi tiếp nhận chuyển giao, đội ngũ nhân sự của Công ty cũng phải có kinh nghiệm để tham gia đóng ống, đóng gói cũng như tiếp cận công nghệ mới trong đóng ống, đóng gói vaccine Sputnik V.
TS. Đỗ Tuấn Đạt khẳng định, ngay sau khi nhận nhiệm vụ từ Bộ Y tế, Vabiotech đã nhanh chóng bắt tay vào đào tạo cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ việc gia công vaccine.
Đáng chú ý, rất nhanh - chỉ trong thời gian ngắn, trên 30 nhân viên của công ty đã phải thành thạo tất cả quy trình vận hành.
Theo TS. Đạt, bước gia công, đóng gói trong sản xuất vaccine là bước khá quan trọng. Tuy nhiên, công việc này cũng đã khá quen thuộc với các cán bộ kỹ thuật của Vabiotech từ trước tới nay.
“Để có thể gia công, đóng ống vaccine Sputnik V, điểm mới nhất với chúng tôi là làm sao để có thể đóng băng vaccine một cách nhanh nhất, vì vaccine này hoàn toàn được bảo quản bằng điều kiện đông băng”, TS. Đỗ Tuấn Đạt chia sẻ.
Cái khó chính là Sputnik V được bảo quản trong điều kiện “đóng băng” còn các vaccine trước đây mà Vabiotech từng sản xuất mới chỉ làm ở điều kiện bảo quản lạnh thông thường, từ 2-8 độ C. Tức yêu cầu bảo quản trong quá trình sản xuất, gia công đóng gói đối với Sputnik V của Nga cao hơn nhiều.
Nỗ lực để có thể sản xuất thành công Sputnik V tại Việt Nam
Ngoài những cải tiến để đáp ứng công nghệ mới, teho TS. Đỗ Tuấn Đạt, phía Vabiotech cũng phải trang bị thêm các loại máy móc, thiết bị cho các bước đóng gói, đóng ống để đáp ứng những điểm mới này đối với Sputnik V.
TS. Đỗ Tuấn Đạt cho biết, để có thể được phía Nga “gật đầu”, phải làm thử 3 loạt thử nghiệm để đánh giá, thẩm định về dây chuyền sản xuất của Việt Nam có đáp ứng theo yêu cầu của phía nhà sản xuất đặt hàng hay không.
Theo chuyên gia, ở khâu này, một mặt Việt Nam sẽ tự làm những thử nghiệm thông thường có thể đảm nhiệm được trong kiểm tra chất lượng, mặt khác, Vabiotech cũng chuyển các mẫu thành phẩm sang phía Nga để các công ty, Viện nghiên cứu của Nga sẽ kiểm tra lại chất lượng theo tiêu chuẩn mà nhà sản xuất yêu cầu.
“Khi đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng từ cả phía Việt Nam và phía Nga, chúng ta mới có thể khẳng định được rằng quá trình tiến hành sản xuất, gia công tại Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu”, TS. Đỗ Tuấn Đạt lưu ý.
Theo Chủ tịch Vabiotech, sau khi công đoạn đóng ống thử đạt yêu cầu chất lượng, nhà sản xuất sẽ tiếp tục ký kết hợp đồng để Việt Nam được phép là một đơn vị có thể gia công đóng gói, đóng ống vaccine.
Từ cơ sở này, TS. Đỗ Tuấn Đạt cho hay, có thể tiếp tục đàm phán để chuyển giao công nghệ và tiến tới sản xuất đóng gói Sputnik V tại Việt Nam.
Như đã biết, vaccine Sputnik V được chuyển dạng bán thành phẩm từ Nga về Việt Nam qua đường hàng không và chuyển về Công ty bằng xe lạnh.
Công suất đóng gói của vaccine này tại Việt Nam bước đầu dự kiến là hơn 5 triệu liều/tháng. Giai đoạn đầu, việc đóng ống được thực hiện trên dây chuyền hiện nay của công ty, tới đây có thể mở riêng một nhà máy để đóng ống và sản xuất vaccine.
Theo đại diện Vabiotech, vaccine Sputnik V do công ty sản xuất sẽ được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng quốc gia sau khi hoàn thành việc chuyển giao công nghệ và các kết quả kiểm định chất lượng tại Viện Gamalaya (Nga) đạt yêu cầu.
“Chúng tôi hy vọng sự hợp tác giữa RDIF và Vabiotech sẽ giúp cung cấp vaccine Covid-19 có chất lượng với giá cả phù hợp cho người dân Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác”, TS Đỗ Tuấn Đạt nhấn mạnh.
Tiến tới quy mô sản xuất 100 triệu liều Sputnik V mỗi năm
Vaccine Sputnik V của Nga là loại vaccine được sản xuất dựa theo công nghệ vector adenoviral (human adenoviral vector), sử dụng 2 vector khác nhau cho 2 liều tiêm chủng đầy đủ, do đó mang lại hiệu quả miễn dịch lâu dài hơn vaccine sử dụng cùng một cơ chế cho 2 liều tiêm.
Hiệu quả bảo vệ của Sputnik V là 97,6% dựa trên phân tích dữ liệu tiêm chủng đủ hai liều vaccine ở Nga từ ngày 5/12/2020-31/3/2021.
Nhà sản xuất cũng khẳng định vaccine Sputnik V không gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Vaccine được bảo quản từ 2-8 độ C, có thể bảo quản trong tủ lạnh thông thường, không yêu cầu đầu tư thêm trang thiết bị cho dây truyền bảo quản vaccine khi vận chuyển đến các điểm tiêm.
Như đã thông tin trước đó, tại Việt Nam, vaccine Sputnik V của Nga đã được Bộ Y tế chính thức cấp phép vào ngày 23/3/2021, chỉ sau AstraZeneca.
Hiện tại, vaccine Sputnik V đã được đăng ký tại 68 quốc gia trên toàn cầu với tổng dân số hơn 3,7 tỷ người. Vaccine của Nga đã được chứng minh về tính an toàn và hiệu quả chống lại nhiều biến thể của coronavirus.
Phát biểu trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko khẳng định Nga sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V.
Hôm 22/7, phát biểu tại cuộc họp thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho hay, trong thời gian vừa qua, song song với việc triển khai mạnh mẽ công tác ngoại giao vaccine để nhằm vận động các đối tác, các nước, các tổ chức quốc tế về khả năng mua và viện trở vaccine phòng chống Covid-19, Việt Nam cũng đã tập trung tìm kiếm các cơ hội hợp tác, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine nhằm đảm bảo nguồn cung lâu dài trong nước, tiến tới khả năng tự chủ về vaccine Covid-19.
“Bộ Y tế, Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) của Việt Nam đã ký thỏa thuận với Quỹ Đầu tư Trực tiếp Liên Bang Nga về việc đóng ống vaccine Covid-19 Sputnik V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng, bắt đầu từ tháng 7/2021 tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô khoảng 100 triệu liều mỗi năm”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nêu rõ.
Cũng theo đại diện Bộ Ngoại giao, nếu vaccine Sputnik V do Việt Nam gia công đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, hai bên sẽ ký kết Biên bản thỏa thuận, chính thức gia công tại Việt Nam, dự kiến 5 triệu liều vaccine/tháng.
“Khi đó, vaccine Sputnik V do Vabiotech sản xuất sẽ được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng quốc gia”, bà Hằng nói.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đàm phán với nhà sản xuất Mỹ về điều kiện chuyển giao công nghệ vaccine ngừa coronavirus dựa trên công nghệ mRNA.
Theo thông tin từ người phát ngôn, nhà máy sản xuất sẽ được đầu tư theo tiêu chuẩn công nghệ của nhà sản xuất, có công suất khoảng từ 100-200 triệu liều vaccine/năm, dự tính bắt đầu sản xuất từ quý IV năm nay hoặc quý I/2022.
“Bộ Ngoại giao đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Y tế về khả năng đàm phán, hợp tác với các đối tác tiềm năng tại Mỹ, Nga, Nhật Bản, Cu Ba, Israel, Anh, Đức trong chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, cũng như cả thuốc điều trị Covid-19”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng khẳng định.