Kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Scientific Reports.
Các nhà nghiên cứu từ Thụy Sĩ, Áo và Tây Ban Nha dưới sự lãnh đạo của ông Fedor Kondrashov thuộc Đại học Y khoa Geneva đã xây dựng một mô hình về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 trong khoảng thời gian 3 năm. Mô hình đã tính đến các thông số sau: tỷ lệ tiêm chủng, tần suất đột biến virus và sự thay đổi tốc độ lây truyền tùy thuộc vào biện pháp can thiệp bên ngoài, chẳng hạn như áp đặt hạn chế và giãn cách xã hội.
Kết quả cho thấy các chủng virus kháng vaccine nhiều khả năng xuất hiện ở những cộng đồng cư dân mà tỷ lệ chích ngừa khoảng 60%, còn ít khả năng nhất là ở nơi chích ngừa 100%. Đó là xu thế phát triển các chủng kháng vaccine so với chủng loại nguyên sơ ban đầu.
Ranh giới nguy hiểm
Có quan điểm cho rằng đạt đến mức 60% tiêm chủng vaccine sẽ cho phép tạo miễn dịch cộng đồng, nhưng theo xác nhận của các tác giả, mốc đó lại chính là thời điểm nguy hiểm nhất, dù có đạt được cũng không nên nới lỏng hạn chế trong mọi trường hợp.
Các nhà khoa học cho rằng sự ứng nghiệm nhanh chóng của vaccine làm giảm khả năng xuất hiện chủng kháng vaccine, nhưng vào thời điểm chỉ hơn một nửa cư dân được tiêm chủng, phải thực hiện những biện pháp đặc biệt để ngăn chặn đà lây lan và tiến hóa của virus.
«Có nghịch lý là nếu chúng ta buông lơi việc sử dụng khẩu trang và giãn cách xã hội khi phần lớn cư dân được tiêm chủng, thì khả năng xuất hiện chủng virus kháng vaccine sẽ tăng mạnh», - thông cáo báo chí từ Springer Nature dẫn nhận định của các tác giả nghiên cứu.