Với EVFTA, Việt Nam xóa bỏ thành công nghi ngờ về năng lực cung cấp
© Ảnh : Trần Việt - TTXVNMay hàng xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty May Thái Nguyên.
© Ảnh : Trần Việt - TTXVN
Đăng ký
Với EVFTA, Việt Nam đã xóa bỏ nghi ngờ và chứng minh được năng lực cung cấp hàng hóa vào thị trường châu Âu như thế nào?
Bộ Công Thương khẳng định, EVFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
EFVTA, Việt Nam – EU: Xóa đi nghi ngờ về năng lực cung cấp hàng hóa
Bộ Công Thương vừa có đánh giá kết quả một năm thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), một trong những FTA quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển nền kinh tế Việt Nam, nhất là trao đổi thương mại quốc tế.
Kể từ khi hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực vào ngày 1/8/2020, nó đã mang đến cho các doanh nghiệp Việt Nam những “trái ngọt” ban đầu và trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam và Liên minh Châu Âu.
Bộ Công Thương khẳng định, EVFTA đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, thương mại của Việt Nam khi là một FTA (hiệp định thương mại tự do thế hệ mới) với tiêu chuẩn cao, toàn diện, mức độ cam kết sâu rộng và đảm bảo lợi ích cân bằng giữa hai bên.
Đồng thời, việc ký kết phê chuẩn EVFTA được xem là sẽ giúp phát triển cả về kinh tế, pháp luật và thể chế của Việt Nam.
Mới đây, tại phiên họp lần thứ nhất Ủy ban Thương mại Hiệp định EVFTA, ông Valdis Dombrovskis - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU) đánh giá cao việc triển khai có hiệu quả EVFTA trong một năm qua.
© AFP 2023 / Johanna GeronValdis Dombrovskis.
Valdis Dombrovskis.
© AFP 2023 / Johanna Geron
Hiệp định đã chứng minh những thành quả tốt đẹp mà mối quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam mang lại. Giao lưu thương mại giữa hai bên đã chuyển biến rất tích cực trong những năm qua và đang tiếp tục phát triển.
Theo ông Dombrovskis, Hiệp định này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy những giá trị về xã hội cho cả hai bên khi thực hiện những cam kết trong EVFTA.
Trong khi đó, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái, EVFTA mang lại cho Việt Nam rất nhiều lợi thế. Từ dỡ bỏ thuế quan, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, cải thiện quy tắc xuất xứ và chứng nhận xuất xứ, cải thiện môi trường tạo thuận lợi thương mại - hỗ trợ kỹ thuật tăng cường nhận thức và áp dụng những tiêu chuẩn của thị trường EU…
“EVFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Vụ trưởng Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc tham gia EVFTA với một đối tác lớn như EU đã tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong tiếp cận với các lĩnh vực tiềm năng và mở rộng việc áp dụng công nghệ cao vào những lĩnh vực đó.
“Có thể nói đến việc hợp tác với EU trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đây là lĩnh vực tiềm năng mà trong đó nước ta có thể nhận được sự chuyển giao giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp, sản xuất chế biên nông sản, thực phẩm. EVFTA và EVIPA là cơ hội để Việt Nam có thể tiếp cận được tiềm năng về vốn, công nghệ của EU”, ông Lương Hoàng Thái khẳng định.
EVFTA: Những con số “biết nói”
Sau một năm thực thi hiệp định, trao đổi thương mại giữa hai Việt Nam và EU đã tăng trưởng một các tích cực, có thể thấy rõ qua các số liệu thống kê do Bộ Công Thương cung cấp.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020 (khi Hiệp định chưa có hiệu lực).
Trong đó, xuất khẩu tăng 18,3%, đạt 19,4 tỷ USD và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng hơn 19,1%, đạt 8,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Điện thoại và linh kiện điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử; giày dép; dệt may; rau quả; thuỷ sản; gạo; cà phê… là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Châu Âu.
Trong khi đó, các mặt hàng như: linh kiện, phụ tùng ô tô, ô tô nguyên chiếc, hàng điện gia dụng và linh kiện, chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh là những mặt hàng chủ yếu được nhập về thị trường Việt Nam.
Chỉ sau 5 tháng kể từ ngày EVFTA chính thức được thực thi, nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019.
Trong thời gian từ 1/8/2020 đến 4/6/2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyển cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu EUR.1 đã cấp 180.551 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 6,6 tỷ USD đi 27 nước thuộc Liên minh Châu Âu.
Các công ty, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Liên minh Châu Âu còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 4.845 lô hàng với trị giá hơn 14,91 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.
Trong đó, giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử là những mặt hàng chính được cấp C/O mẫu EUR.1
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, những thành quả đạt được trong thời gian qua đã cho thấy sự khai thác hiệu quả hiệp định EVFTA của các doanh nghiệp Việt Nam.
Hệ thống Thương vụ tại nước ngoài đã nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề khác như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, rào cản kỹ thuật, để kịp thời thông tin cho các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp nhằm có phản ứng kịp thời để ứng phó.
Vào ngày 7/6 vừa qua, lô vải thiều Thanh Hà, Hải Dương đầu tiên đã được xuất sang châu Âu.
Đến ngày 12/6, lô vải thiều đặc sản đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp bằng đường hàng không và được áp dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA.
Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp Vũ Anh Sơn cho biết, mặc cho những khó khăn mà dịch Covid-19 đã và đang gây ra trong hơn 1 năm qua, việc đơn hàng vải thiều tới Pháp đã chứng tỏ được năng lực cung cấp của Việt Nam, khẳng định thương hiệu cũng như chất lượng hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Với việc EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của nông sản Việt, lại được miễn giảm thuế nhập khẩu theo EVFTA, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam sang Liên minh Châu Âu đang ngày một trở nên cạnh tranh hơn trên trường quốc tế.
Cơ hội để Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới
Thực tế, không chỉ hàng hóa mà FDI của EU cũng thành nguồn lực tạo sự đổi mới, tạo sức bật cho Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.
Thông qua việc mở ra kênh huy động vốn đầu tư quốc tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, bổ sung hàng cho thị trường nội địa, mở ra nhiều thị trường cho hoạt động xuất nhập khẩu và hội nhập quốc tế, đồng thời, tạo ra động lực và quá trình chuyển đổi từ quốc gia có lực lượng tay nghề thấp sang tay nghề cao.
Bên cạnh đó, hiện nay, theo nhiều chuyên gia, thách thức của EVFTA đang tạo sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hiện Việt Nam đã có 39 bộ chỉ dẫn địa lý được công nhận bảo hộ tại EU mà không cần trải qua thủ tục đăng ký, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn.
Các doanh nghiệp dệt may đã tập trung đầu tư mới cho sản xuất sợi. Nhiều vùng sản xuất nguyên liệu quy mô lớn được thành lập.
Một số doanh nghiệp chuyển hướng nhập khẩu nguyên liệu sang các thị trường có FTA với EU như Hàn Quốc hay Nhật Bản. Đây là những nước đáp ứng được yêu cầu quy tắc xuất xứ cộng gộp mà EVFTA đưa ra.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công Thương đã chỉ đạo sát sao các Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu trong việc hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp, nhằm tìm kiếm hướng đi mới, nâng tầm nông sản Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cách xử lý, thực hiện và rà soát về mặt kỹ thuật khi có yêu cầu về kiểm tra, xác minh xuất xứ từ phía EU. Bộ đã thành lập các đoàn công tác nhằm trực tiếp kiểm tra, xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp để đảm bảo quy tắc xuất xứ, đồng thời ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ.
© Ảnh : Trần Việt - TTXVNMay hàng xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty May Thái Nguyên.
May hàng xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty May Thái Nguyên.
© Ảnh : Trần Việt - TTXVN
Theo ông Lương Hoàng Thái, EVFTA là 1 trong những hiệp định cao nhất đối với Việt Nam và các nước trong khu vực.
“Là một nước có trình độ phát triển chưa cao, còn ít kinh nghiệm nên quá trình thực hiện hiệp định của Việt Nam chắc chắn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn”, ông Thái thừa nhận.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Cao ủy Thương mại EU đã thống nhất quy chế làm việc để xử lý và đáp ứng nhanh nhất những vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi hiệp định, đặc biệt là vấn đề tạo ra rào cản đối với thương mại, đầu tư của cả 2 bên.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, vấn đề đảm bảo thông suốt cho luồng lưu chuyển hàng hóa giữa 2 bên, đặc biệt là các sản phẩm vaccine, thuốc chữa bệnh, vật phẩm y tế… càng trở nên quan trọng.
Do đó, Bộ Y tế và Bộ Công Thương đã cam kết giải quyết nỗ lực để giải quyết tốt vấn đề này. Việc này đã và đang nhận được sự đánh giá cao từ Liên minh Châu Âu.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Lương Hoàng Thái tin tưởng rằng, những nỗ lực của Việt Nam đang từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực thi các FTA một cách hiệu quả nhất có thể.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Alain Cany nhận định rằng, cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 đã giáng “đòn chí mạng” vào nền kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh phải đối phó với suy thoái kinh tế, tác động tích cực của EVFTA đối với Việt Nam còn rõ ràng hơn trước thời điểm khủng hoảng.
“EVFTA không chỉ mang đến hiệu ứng tích cực trong lĩnh vực thương mại, hiệp định lịch sử này còn thúc đẩy hiệu quả hoạt động đầu tư giữa Việt Nam và EU”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA?
Bên cạnh những kết quả khả quan, trong quá trình thực hiện triển khai EVFTA, nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khác nhau.
Điển hình như chia sẻ của Chủ tịch Viforest Đỗ Xuân Lập, mặc dù được ưu đãi từ EVFTA, nhưng một năm qua, do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, xuất khẩu đồ gỗ gặp rất nhiều khó khăn.
Dự kiến, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm liên quan trong năm 2021 có thể tăng trưởng 20 - 30% so với năm 2020, nhưng giá sẽ cao hơn do chi phí lớn, dẫn đến lãi giảm và tính bền vững của thị trường không bảo đảm. Trong cuộc chia sẻ với Kinh tế Đô thị, ông Lập nhấn mạnh, những tháng cuối năm, giá trị xuất khẩu đồ gỗ sang EU có thể giảm từ 10 - 12% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Dịch Covid-19 cũng khiến giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.
Thực tế, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng gấp 6 - 10 lần so năm 2020 đã làm giảm lợi thế giá hàng hóa Việt Nam đối với thương mại với các quốc gia EU.
Ngoài ra, mặc dù EVFTA đã được triển khai 1 năm nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hết cơ hội từ hiệp định này. Phân tích về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh chia sẻ, đa phần doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ và vừa nên năng lực cạnh tranh yếu, giá sản phẩm còn cao, chất lượng thấp so tiêu chuẩn quốc tế.
Chưa kể đến việc doanh nghiệp cũng chưa thật sự chú trọng nâng cao trình độ quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng, phát triển thương hiệu dài hạn.
Theo ông Mạc Quốc Anh, khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có tới 45% doanh nghiệp xuất nhập khẩu chưa biết đến các cam kết thuế quan liên quan đến ngành hàng của mình trong EVFTA. Điều này rất đáng lo ngại.
Đối với thực trạng này, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Vũ Bá Phú cho biết, công tác dự báo, đánh giá đúng mức phạm vi tác động của EVFTA với doanh nghiệp của một số cơ quan, địa phương, chưa mang tính hệ thống và kịp thời. Nhiều địa phương chưa thực sự chủ động vào cuộc trong việc xây dựng định hướng, chiến lược tận dụng EFTA cho các doanh nghiệp trên đại bàn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, các Bộ, Ngành, địa phương thời gian tới cần tiếp tục phối hợp trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, thực thi EVFTA, tránh trùng lặp, lãng phí nguồn lực.
Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ các hiệp hội ngành hàng, giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ EVFTA mở rộng thị trường xuất khẩu.
Còn về phần doanh nghiệp, theo Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản ký kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Anh Dương, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các cam kết của EVFTA, cập nhật và đáp ứng các thay đổi trong chính sách thương mại của EU, đồng thời, nâng cao khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của EU qua đó tận dụng tốt hơn các cơ hội mà EVFTA mang lại
Tựu chung lại ý kiến chuyên gia, đại diện Bộ Công Thương cũng như cơ quan quản lý hữu quan cho thấy, để có thể tận dụng những cơ hội mà EVFTA mang lại các địa phương, bộ, ngành tăng cường biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, đáp ứng quy tắc xuất xứ của EVFTA tại thị trường châu Âu.
Chỉ có như vậy, hàng Việt Nam mới tiếp tục tạo được thương hiệu, uy tín và chỗ đứng vững chắc đối với thị trường EU đặc biệt khó tính và cạnh tranh gay gắt này.